Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVIII. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 5 (dhp 239)

Thứ hai, 22/01/2024, 05:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 21.1.2023

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 5 (dhp 239)

Chánh văn:

5. Anupubbena medhāvī

thokathokaṃ khaṇe khaṇe

kammāro rajatass’ eva

niddhame malam_attano.

(dhp 239)

Chuyển văn:

5. Medhāvī anupubbena khaṇe khaṇe thokathokaṃ rajatassa kammāro iva attano malaṃ niddhame.

Thích văn:

Anupubbena [trạng từ] theo tuần tự, theo thứ lớp.

Medhāvī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ medhāvī] bậc trí, người trí tuệ.

Thokathokaṃ [trạng từ. Thokaṃ thokaṃ] từng chút từng chút, lần ít lần ít.

Khaṇe khaṇe [trạng từ. Khana định sở cách, số ít] trong từng giây phút, lần hồi.

Kammāro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ kammāra] thợ bạc, thợ kim hoàn.

Rajatassa’ eva [hợp âm rajatassa iva]

Rajatassa [sở thuộc cách, số ít, trung tính, danh từ rajata] bạc, một thứ kim loại quí dùng làm đồ trang sức.

Iva [bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.

Niddhame [động từ khả năng cách_attanopadani + dham + a + e”, ngôi III, số ít,] nên thổi tắt, cần rủ bỏ, phải trừ khử.

Malam_attano [hợp âm malaṃ attano]

Malaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ mala] sự uế nhiễm, dơ bẩn, nhơ nhớp.

Attano [sở thuộc cách, số ít, nam tính, biệt ngữ atta] của mình, của chính ta.

Việt văn:

5. Bậc trí theo tuần tự

từng chút và lần hồi

trừ cấu uế nơi mình

như lọc tạp chất vàng.

(pc 239)

5. Bậc trí phải tẩy sạch uế nhiễm của mình lần chút lần chút, từng lúc từng lúc, theo cấp độ, ví như thợ kim hoàn lọc tạp chất của vàng.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, lúc Ngài trú tại Jetavana, do chuyện người bà la môn nọ.

Ở thành Sāvatthi, nơi cổng thành có bãi đất trống, các vị tỳ kheo từ chùa Jetavana trước khi vào thành khất thực, đã đứng tại đấy vận mặc lại y ca sa.

Có một người bà la môn nọ, buổi sáng ra cửa thành nhìn thấy các vị tỳ kheo đứng nơi bãi đất trống đó vận mặc y, vạt y của tỳ kheo phết trên cỏ đọng sương mai làm cho y ca sa bị ướt. Người ấy thấy vậy nghĩ: “Ta nên làm sạch cỏ chổ này”, rồi bà la môn ấy mang cuốc xẻng ra làm cỏ.

Ít hôm, người bà la môn ra thành thấy các vị tỳ kheo đứng mặc y, vạt y của các vị lết phết trên mặt đất làm dơ y. Người bà la môn lại nghĩ: “Hay là ta nên trải cát trên nền đất này!” nghĩ thế ông ta đem cát đến rải trên mặt đất chổ ấy.

Một ngày khác, người bà la môn hiền thiện ấy nhìn thấy các tỳ kheo đứng mặc y tại đấy, mà ướt đẫm mồ hôi do mặt trời mọc lên nắng rọi, bèn dựng lên chổ ấy một mái che để các tỳ kheo đứng vận mặc y không bị nắng.

Ít lâu sau, vào thời mùa mưa các tỳ kheo đứng chờ tạnh mưa để vào thành khất thực, vì chổ mái che không có vách phên chung quanh, nên mưa tạt vào khiến các vị bị ướt. Người bà la môn quyết định kiến tạo một ngôi sa_la kín đáo tại đấy.

Sau khi hoàn tất ngôi sa_la, người bà la môn tốt bụng ấy đã thỉnh đức Phật và chư tỳ kheo đến để chứng minh khánh thành, ông ta cúng dường thực phẩm đến đức Phật và chư tỳ kheo tại trong ngôi sa_la mới.

Sau bữa ăn, ông ta tác bạch duyên sự xây dựng ngôi sa_la, kể lại từng giai đoạn làm sạch cỏ, đổ cát, dựng mái che, cho đến việc xây ngôi sa la … Nghe xong, đức Phật nhân sự việc tuần tự tạo phước của người bà la môn, Ngài đã thuyết pháp tán thán việc làm ấy và đã nói lên bài kệ: Anupubbena medhāvī…v.v…niddhame malamattano’ ti.

Dứt pháp thoại, người bà la môn nọ được chứng quả dự lưu.

Lý giải:

Trong kệ ngôn pháp cú này, đức Phật đưa ra một thí dụ điển hình là người thợ kim hoàn có một thỏi bạc, anh ta muốn làm một món đồ trang sức bằng bạc sáng loáng không tỳ vết, thì người thợ kim hoàn phải lọc ra những tạp chất trong thỏi bạc, bằng cách trình tự nấu chảy và gạn bỏ tạp chất, gạn bỏ dần dần mới hết những tạp chất và có được kim loại tinh anh.

Trong cuộc sống, cũng có những công việc muốn đạt đến thành công phải làm theo công đoạn thứ lớp, bền chí thực hiện từng chút từng chút, lần hồi lần hồi.

Việc tu hành cũng thế, muốn phủi sạch phiền não cấu uế phải thực hiện có phương pháp.

Vì tâm chúng sanh đã lâu đời tiêm nhiễm cấu uế phiền não, nên phải cần tẩy rửa dần dần, khi một ít một ít mới sạch được.

Gọi là “Bậc trí” (Medhāvī) là người có trí tuệ, biết suy nghĩ: việc này có lợi, việc này nên làm, việc này phải làm.

Gọi là “theo tuần tự” (anuppubbena) là theo qui trình thứ lớp trước sau, thấp đến cao, dễ đến khó. Người cư sĩ theo trình tự là bố thí, trì giới, tu tiến; Bậc xuất gia theo trình tự là tu giới, tu định, tu tuệ … Điều này cũng còn tuỳ căn cơ của mỗi chúng sanh, có những người đã thuần thục trí tuệ từ quá khứ; kiếp này vừa nghe đức Phật thuyết xong pháp thoại thì đã chứng quả.

Gọi là “từng chút và lần hồi” (thokathokaṃ khaṇe khaṇe) nghĩa là như người bà la môn nọ, lúc đầu, chỉ nghĩ là làm sạch cỏ chổ đứng cho các tỳ kheo; rồi tiếp theo là trải cát để không bùn đất dính y các vị, sau đó lại thấy cần che lợp để các vị không bị nắng; sau nữa là xây dựng ngôi sa_la để các tỳ kheo đụt mưa, lần hồi người ấy thành tựu thiện nghiệp lớn. Người tu tập hôm nay kềm chế tham sân, ngày mai kềm chế tham sân, dần dần thanh lọc được phiền não.

Gọi là “trừ cấu uế nơi mình” (niddhame malam_attano) tức là gột sạch mười phiền não (tham, sân, si…v.v…) và các ác bất thiện tương ưng phiền não tiềm tàng trong nội tâm.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.


Ý kiến bạn đọc