Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVIII. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 15, 16 (dhp 249, 250)

Thứ ba, 20/02/2024, 07:44 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 18.2.2024

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 15, 16 (dhp 249, 250)

Chánh văn:

15. Dadāti ve yathāsaddhaṃ

yathāpasādanaṃ jano

tattha yo maṅku bhavati

paresaṃ pānabhojane

na so divā vā rattiṃ vā

samādhiṃ adhigacchati.

(dhp 249)

16. Yassa c’etaṃ samucchinnaṃ

mūlaghaccaṃ samūhataṃ

sa ve divā vā rattiṃ vā

samādhiṃ adhigacchati.

(dhp 250)

Chuyển văn:

15. Jano ve yathāsaddhaṃ yathāpasādanaṃ dadāti yo paresaṃ tattha pānabhojane maṅku bhavati so divā vā rattiṃ vā samādhiṃ na adhigacchati.

16. Yassa etaṃ samucchinnaṃ ca mūlaghaccaṃ samūhataṃ so ve divā vā rattiṃ vā samādhiṃ adhigacchati.

Thích văn:

Dadāti (dadati) [động từ hiện tại_tiến hành cách “dā + a = dadati”, ngôi III, số ít] cho, bố thí.

Yathāsaddhaṃ [hợp thể yathā + saddhaṃ, dùng như một trạng từ] tuỳ theo tín tâm, tuỳ theo đức tin.

Yathāpasādanaṃ [hợp thể yathā + pasadanaṃ. Dùng như một trạng từ] tuỳ hảo tâm, tuỳ theo lòng thành.

Jano [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ jana] quần chúng, dân chúng.

Tattha [trạng từ] tại đấy, ở đó.

Maṅku [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ maṅku. Đi với trợ động từ bhavati (bhū)] tự ti, mặc cảm; phàn nàn, phê phán.

Divā [trạng từ] ban ngày.

Rattiṃ [trạng từ] ban đêm.

Samādhiṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ samādhi] thiền định, sự định tâm.

Adhigacchati [động từ hiện tại_tiến hành cách “adhi + gam + a”, ngôi III, số ít] đạt đến.

Yassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, đại từ ya] của người nào, đối với ai.

C’etaṃ [hợp âm ca etaṃ]

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, đại từ eta] cái đó, điều đó (chỉ cho tâm tỵ hiến).

Samucchinaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ samucchinna (quá khứ phân từ của động từ samucchindati)] cắt tuyệt, đoạn tuyệt.

Mūlaghaccaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể tính từ mūlaghacca (mūla + ghaccā + a)] phá huỷ tận gốc.

Samūhataṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ samūhata (quá khứ phân từ của động từ samūhanati)] huỷ bỏ, dẹp đi.

Sa (so) [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy, vị ấy.

Ve [bất biến từ] thật vậy, tất nhiên.

Việt văn:

15. Tuỳ tín tâm, hảo tâm

quần chúng mới bố thí

tại đấy ai phê phán

người khác thí ẩm thực

kẻ ấy, ngày hay đêm

không đạt đến an tịnh.

(pc 249)

16. Ai cắt được tật xấu,

nhổ tận gốc, phá huỷ,

người ấy, ngày hay đêm,

tất đạt đến an tịnh.

(pc 250)

15. Thật vậy, quần chúng bố thí tuỳ tín tâm, tuỳ hảo tâm. Kẻ nào, trong việc ấy, hay phê phán thức ăn thức uống của người khác (bố thí), kẻ ấy ban ngày hay ban đêm cũng chẳng đạt đến an tịnh.

16. Người nào, tật phê phán được dứt trừ, được nhổ tận gốc, được dẹp bỏ, thì người ấy tất sẽ đạt đến an tịnh, ban ngày hoặc ban đêm.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài ngụ tại chùa Jetavana, do câu chuyện của vị sư trẻ Tissa.

Sa di này vốn là con trai của người gác cổng, quê quán ở một ngôi làng, đi theo phụ việc với những người thợ mộc làm nghề đi tứ xứ, khi đến kinh thành Sāvatthi được xuất gia.

 Thế nhưng, Sư sa di ấy tánh hay khoa trương thân thế, khoe về thân quyến của mình là đại gia hào phóng; lại chê bai phê phán sự bố thí của những người khác, từ sự bố thí của gia chủ Anāthapiṇḍika, đến sự cúng dường của tín nữ Visākhā, ngay cả cuộc vô song thí của vua Pasenadi cũng bị sa di ấy chê bai, phê phán bố thí ít, bố thí nhiều, bố thí đồ nóng, bố thí đồ nguội … ai bố thí cúng dường cũng bị phê phán chê bai.

Các vị tỳ kheo rất khó chịu với sa di ấy, bèn điều tra thân thế của sư ấy. Sau khi đi đến ngôi làng nọ và hỏi dân làng biết được sự việc, chư tỳ kheo trở về Sāvatthi bạch trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Phật phán: “Này chư tỳ kheo, Sa di ấy không phải chỉ bây giờ che dấu thân phận, tỏ ra xuất thân cao sang rồi chê bai người khác, mà trong thời quá khứ, nó cũng đã như vậy.”

Theo lời thỉnh cầu của chư tỳ kheo, đức Phật đã kể lại bổn sanh Kaṭāha (jātaka số 125). Xong, Ngài dạy rằng: “Này chư tỳ kheo, ai hay phê phán chê bai vật thí mà người khác bố thí tuỳ tín tâm, thì kẻ ấy sẽ không đạt được tâm an định”. Rồi đức Phật đã thuyết hai bài kệ: Dadāti ve yathāsaddhaṃ…v.v…samādhiṃ adhigacchatī’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị đã đắc quả thánh.

Lý giải:

Thiền định chỉ và quán cần được tu tập bởi người có sự tinh cần (padhāna); năm chi phần giúp tinh cần (padhāniyaṅga) là đức tin, ít bệnh, không dối trá, siêng năng, trí tuệ. Một người tánh khoác lác và hay chê bai, người ấy tâm dối trá, không thành thật. Bởi khoác lác là phô trương quá đáng về bản thân, đó là dối trá, không thành thật; Chê bai là tìm khuyết điểm của người khác để phê phán chỉ trích, dù cho người khác có làm tốt nó cũng chê trách được, đó là dối trá, thiếu trung thực.

Như một vị xuất gia che đậy thân phận thấp hèn của mình, phô trương tự cho mình là tốt để người khác lầm tưởng. Vị ấy sống với tâm không thật như vậy, thì làm sao tinh tấn thiền định được?

Lại nữa, khi các cư sĩ cúng dường đến chư tăng, tuỳ vào đức tin, tuỳ vào tâm hoan hỷ mà họ bố thí. Nếu một vị xuất gia khi thọ nhận sự bố thí ấy, lại tìm lời chê bai sao cúng dường thế này? Sao cúng dường thế kia? Vị ấy bận tâm như vậy, thì làm sao tinh tấn thiền định được?

Nếu tâm hành giả như mặt hồ tĩnh lặng, an tịnh, không giao động, sẽ đắc thiền định. Tinh tấn ban ngày, sẽ đắc ban ngày, tinh tấn ban đêm sẽ đắc ban đêm.

Nếu tâm hành giả như mặt hồ dậy sóng, dao động, không an tịnh, sẽ không đắc được thiền định dù ở ban ngày hay ban đêm.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc