Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVI. Phẩm Thân Ái (Piyavagga) - Kệ số 4 (dhp 212)

Thứ tư, 15/11/2023, 19:30 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 16.11.2023

XVI

Phẩm Thân Ái

 (Piyavagga)

XVI. Phẩm Thân Ái_Kệ số 4 (dhp 212)

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana, ở thành Sāvatthi, do câu chuyện một thôn trưởng nọ khóc con chết.

Ông thôn trưởng ấy có đứa con trai chết, ông ta quá đau buồn, cứ đi đến nơi thiêu xác con trai mà khóc than, không thể ngăn được nỗi sầu thương nhớ con.

Đức phật vào buổi sáng tinh sương đã dùng Phật nhãn quán xét thế gian, Ngài thấy thôn trưởng trong thành Sāvatthī, có duyên lành đắc quả Tu đà huờn, nên Ngài dẫn chư tăng tuỳ tùng đi vào thành khất thực. Sau khi khất thực xong, Ngài ghé lại nhà của thôn trưởng ấy.

Nghe người nhà báo tin có đức Bổn Sư cùng chư Tăng đến nhà. Ông thôn trưởng bước ra tiếp đón và thỉnh đức Thế Tôn cùng chư tăng vào nhà, ngồi nơi chổ ngồi phải lẽ. Thôn trưởng đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Đức Thế Tôn liền hỏi ông: “Này cận sự nam, việc gì làm ông buồn khổ vậy?”

_“Bạch Thế Tôn, con khổ đau vì đứa con trai của con mới chết”.

_“Này cận sự nam, chớ có ưu tư. Sự chết không phải chỉ có trong một xứ, không phải chỉ có cho một người, mà sự chết xảy ra trong mọi sanh hữu, cho tất cả chúng sanh. Không có một pháp hữu vi nào là vĩnh hằng cả. Bởi thế, cần phải quán xét rằng: “Người phải chết đã chết rồi, vật phải tan rã đã tan rã rồi”. Thuở xưa, các bậc hiền trí khi đứa con trai chết, đã không sầu muộn, chỉ tu tập niệm sự chết “Người chết đã chết rồi, vật tan rã đã tan rã rồi”.

Ông Thôn trưởng thỉnh cầu đức Phật thuyết bổn sanh về các bậc hiền trí ấy. Đức Phật bèn thuyết bổn sanh Con Rắn (Uragajātaka, chuyện số 354).

Sau khi thuyết bổn sanh truyện, đức Phật dạy: “Thuở xưa các bậc hiền trí khi đứa con trai thân yêu chết, không hành động như ông hiện tại, bỏ ăn bỏ uống, chỉ khóc than, bỏ bê công việc. Các bậc hiền trí ấy, nhờ tu tập niệm tưởng đề mục chết nên không có nỗi sầu, vẫn ăn uống bình thường và làm công việc của mình. Do đó, ông chớ nên âu sầu: “Đứa con yêu thương của ta đã qua đời”. Sầu ưu và sợ hãi sanh khởi là do thân ái”.

Dạy xong, đức Thế Tôn thuyết lên bài kệ: Piyato jāyati soko…v.v…natthi soko kuto bhayan’ ti.

Dứt pháp thoại, ông Thôn trưởng ấy đắc quả dự lưu.

Chánh Văn:

4. Piyato jāyatī soko

piyato jāyatī bhayaṃ

piyato vippamuttassa

natthi soko kuto bhayaṃ.

(dhp 212)

Thích văn:

Piyato [piya + to, dùng như xuất xứ cách, cho cả số ít và số nhiều] từ sự thân ái, do sự thương yêu.

Jāyatī [jāyati_động từ tiến hành cách “jan + ya”, ngôi III, số ít] sanh ra, sanh lên.

Soko [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ soka] sự buồn rầu, sự sầu muộn.

Bhayaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ bhaya] sự lo lắng, sự sợ hải.

Vippamuttassa [sợ thuộc cách, số ít, nam tính, tính từ vippamutta (quá khứ phân từ của đông từ vippamuñcati)] đối với người đã thoát khỏi.

Kuto [trạng từ] ở đâu? từ đâu?

Việt văn:

4. Do yêu sanh sầu muộn

do yêu sanh lo sợ.

người thoát khỏi yêu thương

không sầu, đâu lo sợ ?

(pc 212)

Chuyển văn:

Piyato soko jāyati, piyato bhayaṃ jāyati, piyato vippamuttassa soko natthi, bhayaṃ kuto?

Sầu muộn sanh ra từ thân ái, lo sợ sanh ra từ thân ái. Đối với người đã thoát khỏi tình thân ái, thì không có sự sầu muộn và từ đâu có sự lo sợ ?

Lý giải:

Trong đời sống này, chúng sanh bị sầu muộn, thường xuất phát từ sự thân ái (piyato). Thật vậy, do thân ái với người hay vật mà mình thích, thì khi người hay vật ấy chết đi hoặc tan vỡ sẽ làm cho mình đau khổ âu sầu.

Lại nữa, chúng sanh bị lo lắng sợ hãi cũng xuất phát từ sự thân ái (piyato). Khi mình quá thân ái với người thương, sẽ lo sợ người ấy chết hoặc lo sợ sự ly biệt với người ấy.

Đối với người đã thoát khỏi sự ràng buộc thân ái, như bậc thánh giải thoát khỏi phiền não; hay là bậc tu tập tuệ quán về vô thường, khổ, vô ngã, niệm sự chết, niệm thể trược…v.v…Thì đối với người ly thân ái ấy mới không còn sầu muộn và lo sợ nữa.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.


Ý kiến bạn đọc