Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVII. Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga) - Kệ số 6 (dhp 226)

Thứ hai, 08/01/2024, 06:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 7.1.2023

XVII

Phẩm Phẫn Nộ

 (Kodhavagga)

XVII. Phẩm Phẫn Nộ_Kệ số 6 (dhp 226)

Chánh văn:

6. Sadā jāgaramārānaṃ

ahorattānusikkhinaṃ

nibbānaṃ adhimuttānaṃ

atthaṃ gacchanti āsavā.

 (dhp 226)

Chuyển văn:

Sadā jāgaramānānaṃ ahorattaṃ anusikkhinaṃ nibbānaṃ adhimuttānaṃ āsavā atthaṃ gacchanti.

Thích văn:

Sadā [trạng từ] luôn luôn.

Jāgaramārānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, hiện tại phân từ jāgaramāna (jāgara + māna)] đối với những người tỉnh thức.

Ahorattānusikkhinaṃ [hợp âm ahorattaṃ anusikkhinaṃ].

Ahorattaṃ [trạng từ] ngày đêm, ban ngày và ban đêm.

Anusikkhinaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ anusikkhī] đối với những người tu học.

Adhimuttānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, quá khứ phân từ adhimutta] đối với những người có chí hướng, hướng về.

Atthaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ attha] sự tiêu hoại, sự tận diệt. Danh từ nầy đi với động từ gacchati, nghĩa là tiêu hoại, tiêu tan.

Việt văn:

6. Những người luôn tỉnh thức

ngày đêm siêng tu học

chuyên tâm hướng níp bàn

lậu hoặc được tiêu trừ.

 (pc 226)

Đối với những người luôn tỉnh thức, siêng tu học ngày đêm, có khuynh hướng níp bàn, thì các lậu hoặc được tận diệt.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại Gijjhakūta (Linh Thứu sơn), do chuyện nữ tỳ Puṇṇā nghĩ lầm về các đệ tử Phật.

Nữ tỳ Puṇṇā là nô tỳ của một nhà trưởng giả trong thành Rājagaha.

Ngày nào cô cũng làm việc từ sớm đến tối mịt mới được nghỉ.

Một ngày nọ, sau khi giã gạo xong, khoảng hết canh đầu, cô bước ra sân sau nhà để giải lao. Cô nhìn về phía núi Gijjhakūta sáng rực, thấy rõ bóng các tỳ kheo. Chú giải nói, sở dĩ ban đêm trên núi sáng rực như thế, là do thần thông hoả giới của Tôn giả Dabba Mallaputta, Tôn giả là A la hán Lục thông, Tôn giả được Tăng giao phó phận sự sắp xếp trú xứ cho chư khách tăng (Senāsanapaññāpako); Chư tỳ kheo chiều tối đi đến nghe đức Phật thuyết pháp, sau khi nghe pháp xong thì tôn giả Dabba Mallaputta dẫn đường chư Tăng đi về mỗi trú xứ, Tôn giả nhập định hoả giới (đề mục lửa) thị hiện thần thông, ngón tay trỏ của Ngài sáng rực như cây đuốc cháy, nhờ ánh sáng đó, chư tỳ kheo thấy đường đi và tỳ nữ Puṇṇā thấy được bóng dáng chư tỳ kheo trên núi vào đêm tối, cũng nhờ ánh sáng thần thông của Tôn giả.

Khi thấy vậy, cô Puṇṇā suy nghĩ: “Ta làm việc nhọc nhằn mãi đến giờ này chưa ngủ thì phải, còn các vị tôn đức lý do gì giờ này không ngủ? hay là có vị tỳ kheo nào bị bệnh hoặc rắn cắn chăng?” Cô Puṇnā nghĩ tưởng như vậy.

Sáng hôm sau, cô Puṇṇā tự nướng một ít bánh cám, rồi mang đi ra bến nước để lấy nước.

Đức Thế Tôn và tôn giả Ānanda đi vào thành khất thực, ngược chiều trên đường nàng Puṇṇā đi. Nàng Puṇṇā trông thấy đức Thế Tôn khất thực trên đường, nàng nghĩ: “Chẳng mấy khi ta được gặp bậc Đạo Sư đi khất thực và ta cũng đang có bánh cám mang theo đây. Ta sẽ cúng dường đến Ngài”. Khi đức Thế Tôn đến gần, nàng Puṇṇā để bình nước và giỏ bánh xuống, nàng đảnh lễ Thế Tôn và tác bạch: “Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy tế độ cho con mà thọ nhận những cái bánh tầm thường này”.

Tôn giả Ānanda lấy cái bát của Thế Tôn trao tay Ngài. Nàng Puṇṇā đặt vào bát hết những chiếc bánh cám. Xong Nàng phát nguyện: “Xin cho con đắc pháp mà Ngài đã chứng ngộ”. Đức Phật đã phúc chúc: “Hãy được như vậy!”.

Nàng Puṇṇā đã cúng dường bánh và đức Thế Tôn đã nhận, nhưng nàng lại nghĩ: “Tuy đức Thế Tôn tiếp độ ta và nhận những bánh cám đó, nhưng chắc Ngài sẽ không ăn những thứ tầm thường ấy”.

Đức Thế Tôn đọc được suy nghĩ của nàng, nên Ngài nhìn thị giả Ānanda tỏ ý muốn ngồi. Tôn giả Ānanda hiểu ý và trải toạ cụ bên vệ đường, để đức Thế Tôn ngồi thọ thực những chiếc bánh ấy. Nàng Puṇṇā thấy đức Thế Tôn thọ thực những chiếc bánh của nàng thì tâm xúc động hoan hỷ.

Ăn xong, đức Thế Tôn phán hỏi nữ tỳ Puṇṇā: “Sao ngươi nghĩ sai cho các đệ tử của ta?” Nàng Puṇṇā đáp: “Con thấy giờ khuya mà trên núi các Ngài vẫn còn thức, mới nghĩ_Ta vì làm việc vất vả nên thức khuya dậy sớm, còn các vị đại đức kia cớ sao cũng thức khuya? Có lẽ vị nào bị bệnh hoặc bị tai hại gì?”

Nghe nàng Puṇṇā nói xong, đức Phật nói: “Ngươi vì công việc vất vả không ngủ, còn chư đệ tử của ta tinh tấn tỉnh thức, để dẹp phiền não nên cũng không ngủ”.

Nói rồi, đức Phật đã thuyết lên bài kệ: Sadā jāgaramanānaṃ…v.v…atthaṃ gacchanti āsavā’ti.

Dứt pháp thoại, nữ tỳ Puṇṇā đã chứng quả dự lưu.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật thuyết có ý nghĩa rằng: chúng sanh phàm phu còn lậu hoặc (āsava) nên còn luân hồi đau khổ; khi đã xuất gia trong giáo pháp thì cần phải làm tiêu trừ các lậu hoặc ấy. Các lậu hoặc sẽ được tiêu trừ đối với những vị tỳ kheo luôn tỉnh thức, tu tâm học ngày đêm không xao lảng, tâm thiên hướng níp bàn.

Gọi là “luôn tỉnh thức (sadā jāgaramānānaṃ)”, tức là luôn luôn có chánh niệm trong bốn oai nghi, không thích ngủ nghỉ, không dã dượi biếng nhác.

Gọi là “ngày đêm siêng tu học (Ahorattānusikkhinaṃ)”, tức là tinh tấn tu tập theo Giới học, định học và tuệ học. An trú giới bổn đã thọ trì, thực hành thiền định hay thiền Chỉ, tu thiền Tuệ hay thiền Quán. Tu hành theo tam học (tisikkhā) suốt cả thời gian ban ngày và cả ban đêm.

Gọi là “chuyên tâm hướng níp bàn (nibbānaṃ adhimuttānaṃ)”, tức là có nguyện vọng chứng níp bàn, thiết tha đắc níp bàn, mong mỏi xuất ly ba cõi luân hồi.

Đối với vị tỳ kheo có ba việc này, thì các lậu hoặc của vị ấy sẽ triệt tiêu.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.


Ý kiến bạn đọc