Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVII. Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga) - Kệ số 4 (dhp 224)

Chủ nhật, 31/12/2023, 18:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 31.12.2023

XVII

Phẩm Phẫn Nộ

 (Kodhavagga)

XVII. Phẩm Phẫn Nộ_Kệ số 4 (dhp 224)

Chánh văn:

4. Saccaṃ bhaṇe na kujjheyya

dajjā’ ppasmiṃ pi yācito

etehi tīhi ṭhānehi

gacche devāna santike.

(dhp 224)

Chuyển văn:

Saccaṃ bhaṇe, na kujjheyya yācito appasmiṃ api dajjā, etehi tīhi ṭhānehi devānaṃ santike gacche.

Thích văn:

Saccaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ trung tính sacca] sự thật, điều chân thật.

Bhaṇe [động từ khả năng cách, loại attanopada, “bha + a + e”, ngôi III, số ít] nên nói.

Na [bất biến từ phủ định] không, đừng, chớ có.

Kujjheyya [động từ khả năng cách, loại parassapada, kudh + ya + eyya”, ngôi III, số ít] phẫn nộ, nóng giận, tức giận.

Dajjā’ appasmiṃ [hợp âm dajjā appasmiṃ]

Dajjā [động từ khả năng cách loại parassapada (hình thức ngoại lệ) “dā + a + ya”, ngôi III, số ít] nên cho, nên bố thí.

Appasmiṃ [định sở cách, số ít, trung tính, tính từ appa] ít, không nhiều.

Pi [api. Bất biến từ] dù là, mặc dù.

Yācito [chủ cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ yācita (của động từ yācati)] được xin, được yêu cầu.

Etehi [sở dụng cách, số nhiều, trung tính đại từ eta] với những điều đó, do các điều đó.

Tīhi [sở dụng cách, số nhiều, trung tính, số mục tính từ ti] với ba, do ba.

Ṭhānehi [sợ dụng cách, số nhiều, trung tính, danh từ ṭhāna] lý do, điều kiện, sự kiện.

Gacche [động từ khả năng cách, loại attanopada, “gam + a + e”, ngôi III, số ít] có thể đi đến.

Devāna [devānaṃ. Sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ deva] của các vị trời, của chư thiên. Sở dụng cách có tính từ santika đi sau thì dùng như đối cách.

Santike [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ santika] gần, kề cận.

Việt văn:

4. Nói thật, không phẫn nộ,

được xin, cho dù ít

do ba việc lành này

có thể đến chư thiên.

(pc 224)

Nên nói chân thật, không nên phẫn nộ, khi được xin, nên cho dù ít. Do ba sự việc ấy, có thể đi đến chư thiên.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Jetavana, thành Sāvatthi, nhân Tôn giả Mahāmoggallāna hỏi Phật về phước hạnh sanh thiên.

Một thuở nọ, Tôn giả Mahāmoggallāna dùng thần thông du hành lên cõi trời Đao lợi. Tôn giả đứng tại cổng thiên cung của một thiên nữ, vị thiên nữ thấy bèn đi ra đảnh lễ tôn giả. Tôn giả hỏi vị thiên nữ đã làm thiện hạnh gì, mà thành tựu phước lớn như vậy? Vị thiên nữ hổ thẹn không nói. Tôn giả hỏi ba lần bốn lượt, cô ta mới đáp: “Bạch Ngài, con không có làm việc phước chi lớn lao, con chỉ luôn nói lời chân thật thôi”.

Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna lần lượt tham quan những thiên cung khác. Có vị thiên nói rằng: “chỉ do kềm tâm không phẫn nộ mà được sanh nơi thiên cung này”. Có vị thiên bảo là: “khi giữ vườn mía, đã cúng dường đến một tỳ kheo cây mía”. Vị khác thì nói: “cúng dường trái cây”. Vị nọ nói: “chỉ do cúng dường nắm rễ tranh”…v.v…Các vị thiên lúc được hỏi thì thẹn không nói ra việc làm thiện nhỏ nhoi, nhưng tôn giả chất vấn mãi họ mới chịu nói.

Sau khi nghe các thiên nữ nói ra tiền nghiệp của mình, mà được thành tựu thiên sản, tôn giả Mahāmoggallāna từ cõi trời trở về nhân gian, đến đảnh lễ đức Phật và bạch hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, có thể nào chỉ nói chân thật, hoặc chỉ kềm chế phẫn nộ, hoặc chỉ bố thí chút ít mà cũng được sanh thiên?”

Đức Phật phán bảo: “Thật vậy, một người dù chỉ nói chân thật, dù chỉ kềm chế phẫn nộ, dù chỉ bố thí chút ít đến người khác, nhưng với tâm thiện mãnh liệt, vẫn có thể sanh cõi trời”. Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Saccaṃ bhaṇe na kujjheyya…v.v…gacche devāna santike’ ti.

Dứt kệ ngôn, có nhiều người chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật chỉ thuyết xác nhận ba sự kiện thiện pháp của các vị thiên nữ đã làm, cũng có thể thành tựu tài sản chư thiên được, theo lời kể của những thiên nữ nói với Tôn giả Mahāmoggallāna. Chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó mới là phước nghiệp sanh thiên.

Thiện pháp là nghiệp lành để sanh thiên, Tăng Chi Bộ (A.III, 288) có đoạn đức Phật dạy: “Này Mahānāma, khi vị thánh đệ tử niệm tưởng chư thiên, nhờ đức tin, nhờ trì giới, nhờ nghe pháp, nhờ bố thí, nhờ trí tuệ mà được sanh thiên, chính ta cũng có đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, trí tuệ; Vị thánh đệ tử cảm hứng từ chư thiên nên tâm chánh trực”.

Những thiện pháp như có đức tin, trì giới, thính pháp, xả thí, trí tuệ, gọi là thiện pháp nền tảng vững chắc. Còn những thiện pháp như nói chân thật, kềm chế phẫn nộ, bố thí chút ít, đó chỉ là thiện pháp nhỏ và không vững chắc.

Nên chư thiên trên cõi trời có vị có uy lực lớn, có vị có uy lực vừa, có vị có uy lực nhỏ.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc