Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVII. Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga) - Kệ số 2 (dhp 222)

Thứ hai, 25/12/2023, 06:03 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật   24.12.2023

XVII

Phẩm Phẫn Nộ

 (Kodhavagga)

XVII. Phẩm Phẫn Nộ_Kệ số 2 (dhp 222)

Chánh văn:

2. Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ

 rathaṃ bhantaṃ’ va vāraye

tam_ahaṃ sārathiṃ brūmi

asmiggāho itaro jano.

(dhp 222)

Chuyển văn:

Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ bhantaṃ rathaṃ iva vāraye taṃ ahaṃ brūmi itaro jano rasmiggāho.

Thích văn:

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ai, người nào.

Ve [bất biến từ] thật vậy, quả thật.

Uppatitaṃ [đối cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ uppatita (động từ uppatati)] nổi dậy, khởi lên.

Rathaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ ratha] cổ xe, chiếc xe.

Bhantaṃ [đối cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ bhanta (động từ bhamati)] bị chao đảo, bị nghiêng ngã.

’va [iva_bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.

Vāraye [động từ khả năng cách “var + aya + e”, loại attanopada, ngôi III, số ít] có thể kiềm hãm, có thể thắng lại.

Tam_ahaṃ [hợp âm taṃ ahaṃ]

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, đại từ ta] người ấy.

Ahaṃ [chủ cách, số ít, nhân xưng đại từ amha] ta, tôi.

Sārathiṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ sāratthi] người đánh xe, xa phu.

Brūmi [động từ tiến hành cách “brū”, ngôi I, số ít] (ta) nói, (ta) gọi.

Rasmiggāho [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ “rasmi + gāha”] kẻ cầm cương, kẻ nắm dây cương.

Itaro [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ itara] khác, người khác.

Jano [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ jana] người, con người, quần chúng.

Việt văn:

2. Ai kiềm chế phẫn nộ

như phanh xe đang tuột

ta gọi là xa phu,

người khác chỉ cầm cương.

(pc 222)

Thật vậy, ai kiềm chế phẫn nộ khởi lên, như hãm phanh chiếc xe đang tuột dốc, ta nói người ấy là xa phu thật sự, người khác chỉ là kẻ cầm cương.

Duyên sự:

Bài kệ này đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Tháp Aggāḷava, do câu chuyện vị tỳ kheo người Āḷavi đốn cây.

Thời ấy, khi đức Thế Tôn cho phép các tỳ kheo nhận trú xứ.

Một vị tỳ kheo người xứ Āḷavi tự làm trú xứ cho mình, đã đốn cội cây vừa ý. Trên cây ấy là chổ ngụ của một vị thiên nhân. Vị thiên ấy hiện ra và van xin tỳ kheo ấy đừng đốn cây, làm mất trú xứ. Nhưng tỳ kheo Āḷavika không đếm xỉa lời van xin của vị thiên mà vẫn đốn cội cây.

Vị thiên căm phẫn tột độ, định sẽ giết tỳ kheo ấy. Nhưng kịp nghĩ lại: “Nếu ta giết chết một vị tỳ kheo có giới, ắt ta sẽ sanh địa ngục; Hơn nữa, các vị thiên khác sẽ bắt chước ta, thấy các tỳ kheo đốn cây của họ, họ sẽ giết chết tỳ kheo; vị tỳ kheo này có chủ, vậy ta hãy nói chuyện với chủ vị ấy”. Nghĩ rồi, vị thiên liền đi đến đức Phật, sau khi đảnh lễ Ngài, bèn đứng qua một bên khóc. Đức Phật hỏi: “Thiên nhân, có chuyện gì?”. Vị thiên kể lại sự việc vị tỳ kheo đệ tử Ngài đã chặt đốn cây, làm mất trú xứ của mình. Đồng thời cũng bạch với đức Phật là mình phẫn nộ muốn giết chết tỳ kheo ấy, nhưng kịp kiềm chế sân tâm và đến đây để méc Ngài là chủ nhân tỳ kheo ấy.

Sau khi nghe xong câu chuyện của vị thiên, đức Phật dạy: “Lành thay! Lành thay! Việc suy nghĩ của ngươi là đúng đắn. Ngươi đã biết kiềm chế sự phẫn nộ đang bốc cao như vậy, như người đánh xe lão luyện hãm phanh chiếc xe đang chao đảo”. Rồi đức Phật nói lên bài kệ: Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ…v.v…rasmiggāho itaro jano’ ti.

Dứt pháp thoại, vị thiên được chứng quả dự lưu.

Mặc dù đã là vị thánh sơ quả, nhưng vị thiên vẫn đứng khóc. Bậc đạo sư hỏi: “Sao lại khóc nữa? Có việc gì?” Vị Thiên đáp: “Bạch Thế Tôn, giờ đây con không có trú xứ để ở nữa!”_ “Thôi được rồi, hỡi thiên nhân! Chớ ưu tư. Ta sẽ chỉ định trú xứ mới cho ngươi”.

Đức Thế Tôn thấy cội cây gần hương thất của Ngài tại Jetavana, hôm trước vị thiên nhân ở cội cây ấy vừa mệnh chung, nên còn bỏ trống. Ngài bảo vị thiên ấy: “Hãy đến ở cội cây vô chủ đó”.

Vị thiên vâng lời đức Phật đến trú trên cội cây gần hương thất đức Phật ở Jetavana, từ đó cuộc sống bình yên.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật dạy về người kiềm chế được phẫn nộ đang sanh khởi tức là sân tâm, như người đánh xe thiện xảo, phanh thắng một chiếc xe đang lao với tốc độ nhanh để xe không bị lật. Ở đây, đức Phật thuyết trong trường hợp vị thiên căm phẫn tỳ kheo, muốn giết chết tỳ kheo ấy nhưng đã kịp suy nghĩ để không hành động tạo ác nghiệp, Ngài khen vị thiên.

Trong các trường hợp khác, một người đang khởi lên dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy do phiền não tham, sân, si mà người ấy kiềm chế, không để xảy ra thân hành ác, khẩu hành ác…Như thế, đức Phật cũng gọi là người đánh xe lão luyện biết phanh tốc độ chiếc xe.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.


Ý kiến bạn đọc