Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVII. Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga) - Kệ số 1 (dhp 221)

Thứ sáu, 22/12/2023, 06:41 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm   21.12.2023

XVII

Phẩm Phẫn Nộ

 (Kodhavagga)

Gồm 14 bài kệ với 8 duyên sự

XVII. Phẩm Phẫn Nộ_Kệ số 1 (dhp 221)

Chánh văn:

1. Kodhaṃ jahe vippajaheyya mānaṃ

saṃyojanaṃ sabbamatikkameyya

taṃ nāmarūpasmiṃ asajjamānaṃ

akiñcanaṃ n’ ānupatanti dukkhā.

(dhp 221)

Chuyển văn:

Kodhaṃ jahe mānaṃ vippajaheyya sabbaṃ saññojanaṃ atikkameyya nāmarūpasmiṃ asajjamānaṃ akiñcanaṃ taṃ dukkhā na anupatanti.

Thích văn:

Kodhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ nam tính kodha] phẫn nộ, tức giận.

Jahe [khả năng cách, loại attanopada “hā + a + e”, ngôi III, số ít] nên từ bỏ.

Vippajaheyya [động từ khả năng cách “vi + pa + hā + a + eyya”, ngôi III, số ít] nên bỏ, nên dứt bỏ.

Mānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ māna] kiêu mạn, ngã mạn.

Saṃyojaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ saṃyojana] sự ràng buộc, thằng thúc, kiết sử.

Sabbamatikkameyya [hợp âm sabbaṃ atikkameyya].

Sabbaṃ [đối cách, số ít, trung tính, đại từ sabba] tất cả, hết thảy, mọi thứ.

Atikkameyya [động từ khả năng cách “ati + kam + a + eyya”, ngôi III, số ít] nên vượt qua.

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, đại từ ta] nó, người ấy.

Nāmarūpasmiṃ [định sở cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ “nāma + rūpa”] danh và sắc, danh sắc.

Asajjamānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hiện tại phân từ “a + sajamāna”] không dính mắc, không bám bíu, không đắm trước.

Akiñcanaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “a + kiñcana”] không có thứ gì, vô sở hữu.

N’ ānupatanti [hợp âm na anupatanti]

Anupatanti [động từ tiến hành cách “anu + pat + a”, ngôi III, số nhiều] xảy ra, xảy đến.

Dukkhā [chủ cách, số nhiều, trung tính, danh từ dukkha] các sự đau khổ.

Việt văn:

1. Bỏ phẫn nộ, dứt mạn

vượt qua mọi ràng buộc

   không dính mắc danh sắc

  khổ không đến người ấy.

(pc 221)

Nên từ bỏ phẫn nộ, nên dứt bỏ kiêu mạn, nên vượt qua mọi ràng buộc, một người không chấp trước danh sắc, không sở hữu gì, các sự khổ không xảy ra cho người ấy.

Duyên sự:

Bài kệ này đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Nigrodha thành Kapilavatthu, do chuyện công chúa Rohinī.

Một thời, Trưởng lão Anuruddha đi đến Kapilavatthu cùng với 500 tỳ kheo. Các quyến thuộc của Ngài hay tin “Trưởng lão đã về” bèn đi đến thăm Trưởng lão, ngoại trừ em gái của Ngài là công chúa Rohini.

Trưởng lão hỏi quyến thuộc: “Công chúa Rohinī ở đâu?”_ “Bạch Ngài, công chúa ở nhà”._ “Sao công chúa không đến đây?”_ “Bạch Ngài, thân thể công chúa bị bệnh ngứa nên mắc cở không đến”.

Trưởng lão nói: “Hãy gọi công chúa”.

Sau khi được gọi, công chúa Rohini đã choàng kín mình và mạng che mặt đi đến chào trưởng lão. Ngài hỏi: “Rohini, sao nàng không đến?”_ “Bạch Ngài, vì thân thể tôi bị bệnh ngứa, mắc cỡ nên không đến”. _ “Sao nàng không tạo phước?” _ “Bạch Ngài, tôi làm gì?” _ “Nàng hãy kiến tạo hội trường chỗ ngồi”.

Công chúa nghe lời dạy của Trưởng lão, đã xuất tiền mướn thợ xây dựng ngôi hội trường hai tầng, sắp đặt các chổ ngồi và tự mình quét dọn sạch sẽ.

Đến ngày khánh thành, công chúa Rohinī thỉnh đức Phật và đại chúng tăng già đến để cúng dường bữa ăn, nhưng công chúa vẫn tránh mặt.

Đức Thế Tôn hỏi trưởng lão Anuruddha “Ai là thí chủ cúng dường hôm nay?”

_ “Bạch Thế Tôn, là công chúa Rohini em gái của con” _ “Cô ấy đâu rồi?” _ “Dạ, ở nhà”.

Đức Thế Tôn truyền gọi công chúa Rohini đến. Sau khi đến, công chúa đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Đức Thế Tôn hỏi công chúa vì sao lại tránh mặt? Công chúa thưa vì thân mắc bệnh ngứa nên mắc cỡ, không đi đến.

Đức Thế Tôn đã thuyết bổn sanh của công chúa, trong quá khứ khi nàng là hoàng hậu của vua Bārāṇasī, bởi do ghen tức một vũ nữ được vua sũng ái nên dùng phấn cây ngứa mà rắc lên chổ ngồi, chổ nằm, y phục của cô vũ nữ khiến nàng ấy khổ sở do bị ngứa ngái toàn thân. Hoàng hậu Bārānasī chính là tiền thân của công chúa Rohini.

Đức Phật phán: “Này Rohini, con đã tạo nghiệp gây khổ cho người khác nên phải chịu quả khổ như vậy”. Rồi để dạy công chúa Rohini, đức Phật thuyết lên bài kệ: Kodhaṃ jahe vippajaheyya māmaṃ…v.v…akiñcanaṃ n’ānupatanti dukkhā’ti.

Dứt bài kệ, công chúa Rohini được chứng quả dự lưu và chứng bệnh ngứa của nàng tự dứt khỏi, làn da nàng trở nên trắng sáng.

Lý giải:

Bài kệ này đức Phật thuyết để dạy cho công chúa Rohini. Nàng công chúa này do nghiệp ác quá khứ, phẫn nộ ghen tuông với cô vũ nữ mà bôi thoa bột ngứa trên y phục, chổ nằm, chổ ngồi của cô vũ nữ khiến cô ấy bị ngứa ngáy đau khổ, nên kiếp này công chúa bị quả dị thục là thân thể mắc bệnh ngứa. Đức Phật dạy: Kodhaṃ jahe _ nên từ bỏ phẫn nộ.

Những pháp sau, như “vippajaheyya mānaṃ_nên từ bỏ kiêu mạn…v.v…là đức Phật thuyết thêm cho đủ bài kệ, và cũng là pháp trợ duyên đạo quả cho công chúa và hội chúng.

Ngã mạn (māna) dù là tự phụ hơn hay bằng hay thua, cũng là điều khiến tâm người tự phụ ấy bị hành khổ. Vậy nên phải dứt bỏ mạn.

Kiết sử (saṃyojana) là mười sự ràng buộc (dục ái, sắc ái, vô sắc ái, phẫn nộ, thân kiến, giới cấm thủ, mạn, nghi, phóng dật và vô minh). Người bị ràng buộc với những thứ ấy thì luôn đau khổ. Do đó, phải vượt qua sự ràng buộc.

Người không tham luyến danh sắc tức là không chấp thủ ngũ uẩn; khi ngũ uẩn hay danh sắc biến hoại vô thường, người ấy không bị đau khổ.

Cuối cùng thì sự khổ đau không xảy ra cho người vô sở chấp, không chấp trước thứ gì.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.


Ý kiến bạn đọc