Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm An Lạc (Sukhavagga) - Kệ số 9 (dhp 205)

Thứ hai, 06/11/2023, 07:57 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 5.11.2023

XV

Phẩm An Lạc

 (Sukhavagga)

XV. Phẩm An Lạc_Kệ số 9 (dhp 205)

Duyên sự:

Bài kệ này đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại thành Vesāli, vì chuyện tỳ kheo Tissa.

Khi nghe bậc Đạo sư tuyên bố: “Này chư tỳ kheo, từ nay đến bốn tháng nữa, ta sẽ viên tịch”, bảy trăm vị tỳ kheo sống gần bậc Đạo sư đã bấn loạn, đối với các vị Lậu Tận thì sanh động tâm về pháp vô thường, còn những vị phàm nhân thì không thể ngăn được nước mắt. Chư tỳ kheo từng nhóm, từng nhóm, đi tới lui bàn thảo: “Chúng ta sẽ làm gì đây?”

Bấy giờ có một tỳ kheo tên Tissa nghĩ rằng: “Nghe nói bậc Đạo sư sẽ viên tịch sau bốn tháng nữa, mà ta chưa ly tham; Ta phải nên chứng A la hán khi bậc Đạo sư còn hiện tiền”. Nghĩ vậy, vị ấy đã sống độc hành trong bốn oai nghi, không đi đến các vị tỳ kheo hoặc trò chuyện với ai. Chư tỳ khưu hỏi vị ấy tại sao làm như vậy? Vị ấy không nghe chuyện chư tỳ kheo nói. Chư vị bèn bạch trình lên bậc Đạo sư về thái độ của tỳ kheo Tissa: “Bạch Thế Tôn, trưởng lão Tissa không thương kính Ngài!”

Đức Thế Tôn cho gọi tỳ kheo Tissa đến và hỏi: “Này Tissa, cớ sao ngươi làm như vậy?”

Tỳ kheo Tissa đã trình bày chủ tâm của mình: “Bạch Thế Tôn, con đã suy nghĩ, đức Đạo Sư còn bốn tháng nữa viên tịch, mà ta chưa được ly tham; ta phải nên chứng A la hán khi bậc Đạo sư còn hiện tiền”.

Đức Phật khen: “Lành thay, Tissa”. Rồi Ngài dạy: “Này chư tỳ kheo, người thương kính ta thì hãy như Tissa. Những người cúng dường hương liệu, tràng hoa…v.v…không phải là cúng dường ta bằng cách cao thượng đâu! Chỉ có những ai thực hành đúng theo lời dạy mới thật là cúng dường ta một cách cao thượng”.

Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Parivekarasaṃ pitvā…v.v…dhammapīti rasaṃ piban’ ti.

Dứt pháp thoại, trưởng lão Tissa đã chứng đắc A la hán.

Chánh văn:

9. Pavivekarasaṃ pitvā

rasaṃ upasamassa ca

niddaro hoti nippāpo

dhamma pītirasaṃ pibaṃ.

(dhp 205)

Thích văn:

Pavivekarasaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ “paviveka + rasa”] vị của đời độc cư, vị của đời ẩn dật.

Pitvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ pivati (pā + tvā)] sau khi uống, đã được nếm.

Rasaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ rasa] vị, mùi vị, vị nếm.

Upasamassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ upasama] của sự tịch tịnh, của sự an tịnh.

Niddaro [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “ni + dara”] không sợ hãi, không lo âu.

Hoti [động từ tiến hành cách “hū + a”, ngôi III, số ít] là, trở nên.

Nippāpo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “ni + pāpa”] không ô nhiễm, không ác xấu.

Dhammapītirasaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể phức tánh “dhammapīti (dhamma + pīti) + rasa”] mùi vị pháp hỷ, vị ngon của sự vui trong pháp.

Pibaṃ [có bản viết là pivaṃ. Chủ cách, số ít, hiện tại phân từ pibanta, pivanta của động từ pivati] đang uống, đang nếm.

Việt văn:

9. Đã nếm vị độc cư

và hương vị an tịnh

là nếm vị pháp hỷ

bậc vô ưu, vô cấu.

(pc 205)

Chuyển văn:

Pavivekarasaṃ upasamassa rasaṃ ca pitvā dhammapītirasaṃ pibaṃ niddaro nippāpo hoti.

Đã nếm vị độc cư và vị an tịnh là nếm vị pháp hỷ, không âu lo, không nhiễm ác.

Lý giải:

Pivati có nghĩa “uống”, nhưng trong bài kệ này, nên hiểu là “nếm”.

Rasa có nghĩa “vị, cảnh vị”, ở đây nên hiểu là mùi vị, hương vị.

Parivekarasaṃ pitvā, sau khi nếm vị độc cư, nghĩa là nếm trải mùi vị ẩn dật, mùi vị sống độc hành.

Upasamassa rasaṃ pitvā, sau khi nếm vị tịch tịnh, nghĩa là nếm trải mùi vị an tịnh, mùi vị tịnh lạc.

Một tỳ kheo sống độc cư, nếm được vị ngọt ngào của hạnh độc cư, sống thiền tịnh, nếm được vị ngọt ngào của thiền tịnh; Vị tỳ kheo ấy là người nếm được vị pháp hỷ, là người không còn âu lo, là người không còn ác xấu. Đó chính là bậc A la hán.

Nếu vị tỳ kheo sống độc cư nhưng chưa nếm được vị độc cư và vị thiền tịnh, thì vị ấy chưa nếm được vị pháp hỷ và chưa thành bậc A la hán./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn

 

Ý kiến bạn đọc