Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm An Lạc (Sukhavagga) - Kệ số 7 (dhp 203)

Thứ sáu, 27/10/2023, 07:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 26.10.2023

XV

Phẩm An Lạc

 (Sukhavagga)

XV. Phẩm An Lạc_Kệ số 7 (dhp 203)

Duyên sự:

 

Bài kệ này đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại xứ Āḷavī, do câu chuyện một cận sự nam.

Vào một ngày, bậc Đạo sư đang ngồi trong hương thất tại Jetavana, sáng sớm Ngài quán xét thế gian thấy một người nghèo khổ ở Āḷavī, Ngài biết người ấy có túc duyên đắc thánh quả nên Ngài đi đến xứ Āḷavī với tuỳ tùng 500 vị tỳ kheo.

Cư dân Āḷavī nghe tin bèn cung thỉnh đức Thế Tôn. Người nghèo khổ ấy nghe nói đức Phật đã ngự về, phát tâm muốn nghe pháp đức Phật thuyết, nhưng trong ngày ấy con bò của ông ta đi lạc, ông ta suy nghĩ: “Ta hãy đi tìm con bò trước rồi sẽ đi nghe pháp sau”. Sáng sớm ông ấy đã đi ra khỏi nhà đi vào rừng.

Dân chúng Āḷavī đã cung thỉnh đức Phật và chư tỳ kheo đến cúng dường trai phạn. Sau khi đức Thế Tôn thọ thực xong, các cư sĩ tụ họp quanh đức Phật để nghe Ngài chúc Phúc và thuyết pháp.

Đức Phật vẫn im lặng, Ngài nghĩ rằng: “Ta đi qua chặng đường dài ba mươi do tuần đến đây để tiếp độ một người, mà người ấy hiện đang vào rừng tìm bò lạc. Khi người ấy đến, ta sẽ thuyết pháp”.

Nói về người nghèo khổ nọ, đã tìm được con bò lạc dẫn nó trở về với đàn bò. Ông ta vội vã đi đến nghe Phật thuyết pháp, dù đang bụng đói.

Sau khi đãnh lể đức Phật, ông ấy đứng qua một bên. Đức Phật biết được tình trạng đói của người này, nên Ngài bảo những người phục vụ trai tăng, hãy dọn tàn thực của chư Tăng cho người nghèo ấy ăn no. Vì sao đức Phật lại quan tâm việc ăn uống của người cư sĩ này vậy? Ngoại trừ trường hợp này, trong tam tạng, không có trường hợp nào mà đức Như Lai quan tâm đến chuyện ăn uống; Trường hợp này, đức Thế Tôn biết rõ tâm người nghèo ấy đang bấn loạn vì đói hoành hành, không thể nghe pháp lãnh hội được.

Khi ông ấy ăn xong, tâm thoải mái rồi, đức Phật bèn thuyết pháp tuần tự như bố thí, trì giới,…v.v… sau cùng, Ngài giảng về bốn thánh đế cho người nhà nghèo ấy nghe.

Dứt pháp thoại, ông ta chứng đắc quả dự lưu. Đức Thế tôn sau khi nói lời tuỳ hỷ với hội chúng cúng dường vật thực, Ngài đứng dậy và ra đi. Đại chúng theo tiễn chân Ngài một đỗi mới về nhà.

Chư tỳ kheo đang đi với bậc Đạo sư, chư vị bàn tán: “Các hiền giả, các vị hãy xem việc làm của bậc Đạo sư, những ngày khác không có chuyện như vậy, nhưng hôm nay thì Ngài thấy một người nghèo khó liền bảo dọn cơm, cháo cho ăn”.

Đức Phật dừng chân, xoay qua hỏi chư tỳ kheo đang bàn tán việc gì? Khi nghe câu chuyện bàn tán của chư tỳ kheo, Ngài bảo rằng: “Phải, này các tỳ kheo, ta vượt đường dài 30 do tuần mà đến đây, vì thấy duyên lành của người này. Nhưng vì từ sáng, ông ta đã đi vào rừng tìm con bò lạc đàn, rồi đến nghe pháp với bụng đói, dù ta có thuyết pháp, ông ta cũng không lãnh hội được. Bởi thế, ta đã làm như vậy. Này các tỳ kheo, không có bệnh nào khó chịu bằng bệnh đói”. Nói xong, đức Phật đã thuyết bài kệ: Jighacchā paramā rogā…v.v…nibbānaṃ paramaṃ sukhan’ ti.

Dứt bài kệ có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc đạo quả.

Chánh văn:

7. Jigacchā paramā rogā

saṅkhārā paramā dukkhā

etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ

nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ.

(dhp 203)

Thích văn:

Jigacchā [chủ cách, số nhiều, nữ tính, danh từ jigacchā] những cơn đói lả, sự đói bụng.

Paramā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ parama] nhất, tột bực, tột cùng.

Rogā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ roga] các chứng bệnh, sự bệnh tật.

Saṅkhārā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ saṅkhāra] các hành, các pháp hữu vi.

Dukkhā [chủ cách, số nhiều, nam tính (hình thức đảo nghịch tính, thay vì dukkhāni), danh từ dukkha] các sự khổ, những nỗi khổ.

Etaṃ [đối cách, số ít, trung tính, đại từ eta] điều đó.

Ñatvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ passati√ñā + tvā”] sau khi biết, sau khi hiểu.

Yathābhūtaṃ [hình thức đối cách, số ít, trung tính, hợp thể yathā + bhūta. Dùng như trạng từ] như thật, như chân, theo thực thể.

Nibbānaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ nibbāna (Skrit nirvāna: niết bàn)] níp bàn, sự ly ái, sự không còn phiền não.

Paramaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ parama] nhất, tột cùng, cùng cực.

Sukhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sukha] sự an lạc, sự hạnh phúc.

Việt văn:

7. Đói ăn, bệnh tột bực

các hành, khổ tột bực

hiểu như thật điều này

níp bàn, lạc tột bực.

(pc 203)

Chuyển văn:

Paramā rogā jigacchā, paramā dukkhā saṅkhārā, etaṃ yathābhūtaṃ ñatvā paramaṃ sukhaṃ nibbānaṃ.

Bệnh tệ nhất là đói, khổ nguy nhất là các hành, điều này nên hiểu như thật: lạc tuyệt nhất là níp bàn.

Lý giải:

Đau khổ và hạnh phúc là đề tài chính trong cuộc sống.

Trong bài kệ này, đức Phật mở đầu bằng câu “đói là chứng bệnh tệ nhất” (Jigacchā paramā rogā), vì câu chuyện người nông dân nghèo, đi nghe Phật thuyết pháp nhưng đang trong tình trạng đói. Đức Phật biết ông ta bị đói hoành hành, sẽ không thể lãnh hội pháp, Ngài đã bảo người dọn cơm cho ông ta ăn. Chư tỳ kheo bàn tán, việc nhỏ như vậy mà sao đức Thế Tôn làm, đức Thế Tôn giải thích lý do Ngài làm vậy, để chư tỳ kheo hiểu và nhân đó Ngài thuyết kệ ngôn khởi đầu là câu “bệnh đói”. Rồi Ngài nói thêm về sự khổ nhất và sự an lạc nhất.

Ở đây, đói là một chứng bệnh tệ nhất, có ý nghĩa, bệnh đói thường xuyên xảy ra hàng ngày, ngày trước ăn no rồi, ngày sau lại đói phải ăn nữa, cứ thế đói tiếp diễn cả đời. Trong khi những bệnh khác, có người bị bệnh người kia thì không; hoặc bệnh khác lâu lâu mới bị và bị bệnh trị thuốc thì hết.

Câu nói “các hành là sự khổ nguy nhất” (saṅkhārā paramā dukkhā). Các hành (saṅkhārā) là năm uẩn (pañcakhandhā). Năm uẩn là vô thường, cái gì vô thường thì cái ấy là khổ, dù thân 32 đại nhân tướng như đức Phật và vị chuyển luân vương vẫn có khổ uẩn.

Câu nói: “sau khi hiểu như thật điều này” (etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ). Câu này bị bỏ lửng, nếu nói cho đủ câu thì là “etamatthaṃ yathābhūtaṃ ñatvā paṇḍito nibbānaṃ sacchikaroti: Sau khi hiểu như thật điều đó, bậc trí chứng níp bàn”.

Sau khi hiểu như thật điều đó. Điều đó là gì? Là hiểu như thật rằng: không bệnh nào bằng bệnh đói, không khổ nào bằng khổ uẩn ( jigacchāsamo rogo natthi, khandhapariharaṇasamaṃ dukkhaṃ nāma natthī’ ti etamatthaṃ yathābhūtaṃ ñatvā).

Câu: “níp bàn là lạc tột bực (nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ)”. Níp bàn mà bậc trí chứng ngộ, níp bàn ấy dứt tuyệt sự khổ (niddukkhaṃ) nên gọi là lạc (sukhaṃ), lạc níp bàn là tột bực, là tối thượng so với các trạng thái lạc của cảm thọ, vì thọ lạc là thọ uẩn, cũng bị vô thường - khổ, Níp bàn là vô vi, ngoại uẩn nên không còn khổ vô thường./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc