Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm An Lạc (Sukhavagga) - Kệ số 10, 11, 12 (dhp 206, 207, 208)

Thứ năm, 09/11/2023, 18:34 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 9.11.2023

XV

Phẩm An Lạc

 (Sukhavagga)

XV. Phẩm An Lạc_Kệ số 10, 11, 12 (dhp 206,207,208)

Duyên sự:

Ba bài kệ này đức Phật thuyết khi Ngài trú tại ngôi làng tên Veḷuva, nhân câu chuyện đức Đế Thích hầu hạ Thế Tôn.

Chuyện rằng, khi đức Như Lai xả bỏ thọ hành, sắp viên tịch, Ngài sanh bệnh kiết lỵ.

Thiên chủ Đế Thích biết sự việc ấy đã suy nghĩ: “Ta phải đi đến thăm và chăm cho bậc Đạo Sư”. Nghĩ vậy, Thiên chủ Đế Thích trút bỏ thân xác thiên chủ, hiện xuống cõi người, đến bên bậc Đạo Sư, tự mình bóp chân cho đức Phật.

Khi ấy, đức Phật hỏi: “Ai đó?”

Thiên chủ đáp: “Là con, bạch Thế Tôn, Sakka”.

“Ngài đến làm gì?”

“Thế Tôn bị bệnh, con đến để chăm sóc”.

“Này Sakka, đối với chư thiên, mùi của loài người ví như xác thúi vậy. Ngươi hãy đi đi! Đã có các tỳ kheo săn sóc bệnh cho ta rồi”.

“Bạch Thế Tôn, đứng cách xa 84000 do tuần con ngửi được hương giới của Ngài nên đến đây. Chính con sẽ chăm sóc Ngài”.

Rồi Đế Thích không cho ai rờ tay vào cái thùng chứa vật uế của bậc Đạo Sư, mà tự mình đội nó trên đầu mang đi đổ không một chút nhăn mặt, như thể đang mang bình chứa vật thơm vậy.

Đế Thích đã săn sóc bậc Đạo Sư như vậy đến khi bậc Đạo Sư khoẻ mới ra đi.

Chư tỳ kheo đã xướng khởi câu chuyện: “Ôi! Sự yêu kính của đức Đế Thích đối với bậc Đạo sư. Thiên chủ đã từ bỏ phúc lạc cỏi trời mà chăm sóc bậc Đạo sư như vậy, mang đi thùng uế vật của bậc Đạo sư mà không tỏ ra gớm ghiếc, làm như là mang chậu nước thơm vậy”.

Đức Thế Tôn nghe được câu chuyện giữa các tỳ kheo, Ngài phán bảo: “Này chư tỳ kheo, việc mà Thiên vương Đế Thích yêu kính Như Lai, việc đó không lạ lùng gì, bởi vị Đế Thích này y chỉ ta mà chứng quả dự lưu, sau khi từ bỏ thể trạng đế thích già đã đạt đến thể trạng Đế Thích trẻ. Một thuở, vị Đế Thích già hốt hoảng vì sợ chết, nên cử một thiên tử Càn thát bà Pañcasikha đi trước để xin phép ta cho diện kiến; vị Đế Thích già cùng hội chúng chư thiên đến tại thạch động Indasāla. Tại đấy, Thiên chủ Đế Thích hỏi pháp, ta đã giải đáp các câu hỏi một cách rõ ràng, khiến Đế Thích đoạn trừ nghi hoặc, chứng quả Tu đà huờn, ngay tại chổ ngồi đã mệnh chung và hoá sanh lại thành vị Đế Thích trẻ, chỉ có ta và vị ấy biết thôi. Ta đã giúp ích nhiều cho Đế Thích như thế, nên không lạ gì việc Thiên chủ Đế Thích yêu kính ta”.

Đức Phật tiếp: “Này chư tỳ kheo, sự gặp gỡ các bậc Thánh nhân là điều tốt, sự cộng trú với bậc thánh là điều an lạc”. Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Sāhu dassanamariyānaṃ…v.v…nakkhattapathaṃ va candimā’ ti.

Cuối pháp thoại, có nhiều vị tỳ khưu chứng đắc thánh quả.

Chánh văn:

10. Sāhu dassanam_ariyānaṃ

sannivāso sadā sukho

adassanena bālānaṃ

niccam_eva sukhī siyā.

(dhp 206)

11. Bālasaṅgatacārī hi

dīghamaddhāna socati

dukkho bālehi saṃvāso

amitteneva sabbadā.

(dhp 207)

12. Tasmā hi:

Dhīrañca paññañca bahussutañca

dhorayhasīlaṃ vatavantaṃ ariyaṃ

taṃ tādisaṃ sappurisaṃ sumedhaṃ

bhajetha nakkhattapathaṃ’ va Candimā.

(dhp 208)

Thích văn:

Sāhu [bất biến từ, = sādhu] lành thay! Tốt thay!

Dassanam_ariyānaṃ [hợp âm dassanaṃ ariyānaṃ]

Dassanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh động từ dassana] sự gặp gỡ, sự thấy, sự yết kiến.

Ariyānaṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, danh từ ariya] cách bậc thánh, những vị thánh nhân.

Sannivāso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ sannivāsa] sự chung sống, sự hội họp.

Sadā [trạng từ] luôn luôn, hằng.

Sukho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sukha] an vui, an lạc.

Adassanena [sở dụng cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ adassa (na + dassana)] bởi không gặp gỡ, do không hội ngộ.

Bālānaṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, danh từ bāla] với những kẻ ngu, những kẻ mê muội.

Niccam_eva [hợp âm niccaṃ eva]

Niccaṃ [trạng từ] thường thường, thường hằng.

Eva [bất biến từ, đệm từ nhấn mạnh]

Sukhī [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sukhī (do sukha)] an lạc, an vui.

Siyā [động từ khả năng cách “as”, ngôi III, số ít] có thể là, có thể có.

Bālasaṅgatacārī [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ “bāla + saṅgatacārī (saṅgata + cārī)”] đồng hành, đi cùng.

Dīghamaddhāna socati [hợp âm dīghaṃ addhānaṃ socati]

Dīghamaddhānaṃ [dùng như trạng từ, hợp thể “dīghaṃ addhānaṃ”, đối cách, số ít, trung tính] thời gian dài, lâu dài.

Socati [động từ tiến hành cách “suc + a”, ngôi III, số ít] buồn lo, sầu muộn.

Dukkho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ dukkha] khổ sở, đau khổ.

Bālehi [sở dụng cách, số nhiều, nam tính, danh từ bāla] với những kẻ ngu.

Saṃvāso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saṃvāsa] sự cộng trú, sự chung sống.

Amitteneva [hợp âm amittena iva]

Amittena [sợ dụng cách, số ít, nam tánh, hợp thể danh từ amitta (na + mitta)] với người không là bạn, với kẻ thù.

Iva [bất biến từ tỷ giáo] như, ví như.

Sabbadā [trạng từ] luôn luôn, thường.

Dhīrehi [sở dụng cách, số nhiều, nam tính, danh từ dhīra] với các bậc trí tuệ.

Sukho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sukha] an vui, an lạc.

Saṃvāso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saṃvāsa] sự cộng trú, sự chung sống.

Ñātīnaṃ’ va [hợp âm ñātīnaṃ iva]

Ñātīnaṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, danh từ ñāti] thân quyến, các quyến thuộc.

Samāgamo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ samāgama] sự hội họp, sự tụ hội.

Tasmā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, đại từ Ta] do đó, bởi thế.

Dhīrañca [hợp âm dhīraṃ ca]

Dhīraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ dhīra] linh hoạt, mẩn tiệp, năng lực.

Paññaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ pañña] khôn ngoan, hiểu biết.

Bahussutaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ bahussuta (bahu + suta)] nghe nhiều, học rộng, đa văn.

Dhorayhasīlaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ dhorayhasīla (dhorayha + sila)] tự nhiên có trọng trách, thường tánh mang trách nhiệm.

Vatavantaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vatavantu] có phẩm hạnh, có hạnh tu.

Ariyaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ ariya] cao quí, cao thượng.

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] ấy, đó.

Tādisaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ tādisa] như thế, giống như vậy.

Sappurisaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ sappurisa] bậc thiện nhân, bậc chân nhân, bậc hiền sĩ.

Sumedhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ sumedha] bậc hiền trí, trí giả.

Bhajetha [động từ tiến hành cách “bhaj + a”, ngôi III, số ít, dạng attanopada] nên giao thiệp, nên thân cận.

Nakkhattapathaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ “nakkhatta + patha”] hành trình của các vì sao, quỉ đạo của tinh tú, bầu trời, không trung.

Candimā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ candimā] mặt trăng.

Việt văn:

10. Lành thay, gặp bậc thánh,

cộng trú, luôn an lạc.

không hội ngộ kẻ ngu

cũng thường được an lạc.

(pc 206)

11. Đồng hành với kẻ ngu

sầu muộn về lâu dài.

cộng trú kẻ ngu, khổ

như sống với kẻ thù,

cộng trú người trí, vui

như hội ngộ người thân.

(pc 207)

12. Bởi thế,

với hiền sĩ, trí tuệ,

đa văn, toàn trách nhiệm,

đức hạnh và cao quí,

nên thân cận giao thiệp

chân nhân, trí giả ấy

như trăng theo không trung.

(pc 208)

Chuyển văn:

10. Ariyānaṃ dassanaṃ sādhu sannivāso sadā sukho bālānaṃ adassanena niccameva sukhī siyā.

Sự gặp gỡ các bậc thánh là điều tốt, cộng trú (với bậc thánh) luôn luôn an vui, người thường được an lạc là do không hội ngộ với những kẻ ngu.

11. hi bālasaṅgatacārī dīghaṃ addhānaṃ socati bālehi saṃvāso amittena iva sabbadā dukkho, dhīrehi saṃvāso sukho ñātīnaṃ samāgamo iva.

Bởi vì, đồng hành kẻ ngủ sầu muộn về lâu về dài; sự cộng trú với người ngu luôn luôn bị đau khổ như sống với kẻ thù, còn cộng trú với người trí an lạc như đoàn tụ người thân.

12. Tasmā hi, dhīraṃ ca paññaṃ ca bahussutaṃ ca dhorayhasīlaṃ vatavantaṃ ariyaṃ taṃ tādisaṃ sumedhaṃ sappurisaṃ candimā nakkhattapathaṃ iva bhajetha.

Do đó, nên thân cận bậc chân nhân trí giả là bậc có đức tính nghị lực, sáng suốt, đa văn, hoàn thành phận sự, có đức hạnh, cao thượng. Ví như mặt trăng đi với các tinh tú trên bầu trời.

Lý giải:

Ba bài kệ pháp cú này, đức Phật thuyết cho chư tỳ kheo nghe, sau khi Ngài giải thích lý do gì mà Thiên chủ Đế Thích, đã thể hiện cử chỉ ái kính tột bực đối với Ngài.

Vì Thiên chủ Đế Thích lúc gần mãn tuổi thọ cõi trời, đã đến bái kiến đức Phật tại thạch động Indasāla, được đức Phật giải đáp nhưng câu hỏi pháp, Thiên chủ Đế Thích đã đắc quả dự lưu và mệnh chung tại chổ ngồi, cũng sanh lại làm Thiên chủ Đế Thích nữa mà chúng chư thiên không biết.

Đức Phật mới nói lên ba bài kệ, để cho biết sự diện kiến bậc Thánh nhân như Ngài là một điều tốt đẹp, hạnh phúc, như Thiên chủ Đế Thích.

Nhân đó, đức Phật đã khuyến cáo thêm về sự thân cận với người trí và sự thân cận với người thiếu trí.

Trong bài kệ Pháp cú 206, có ý nghĩa là người thường được an lạc bởi hai điều: một là, nhờ yết kiến và cộng trú với bậc thánh nhân, hai là, do không hội ngộ với kẻ ngu. Sự gặp gỡ bậc thánh được an lạc, vì được Ngài dạy dỗ điều tốt đẹp hoặc mình làm phận sự hộ độ bậc Thánh sẽ được quả an lạc lớn.

Bài kệ Pháp cú 207, có ý nghĩa: Người nào đồng hành với kẻ ngu sẽ lo buồn dài dài, vì kẻ ngu cư xử thiếu trí, xúi giục làm điều ác quấy, trục lợi và bất chấp thủ đoạn. Do đó, cộng trú với kẻ ngu là khổ, như là sống với kẻ thù. Ngược lại, cộng trú với người trí sẽ an vui, vì người trí hành xử cân nhắc, khuyến khích làm điều tốt, chơi bạn không vụ lợi và không dùng thủ đoạn đê hèn để hại bạn. Nên cộng trú với người trí vui như là hội ngộ với người thân.

Bài kệ pháp cú 208, đức Phật khuyến khích: phải nên giao du với bậc chân nhân trí giả, như trăng kết hợp với tinh tú vận hành theo bầu trời. Bậc chân nhân ấy, có những đức tính tốt đẹp như nghị lực, sáng suốt, học nhiều hiểu rộng, sống có trách nhiệm, có đức hạnh cao quí./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc