Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XIX. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 15 (dhp 270)

Chủ nhật, 07/04/2024, 06:23 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 7.4.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 15 (dhp 270)

Chánh văn:

15. Na tena ariyo hoti

yena pāṇāni hiṃsati

ahiṃsā sabbapāṇānaṃ

ariyo’ ti pavuccati.

(dhp 270)

Chuyển văn:

15. Yena pāṇāni hiṃsati tena ariyo na hoti sabbapāṇānaṃ ahiṃsā ariyo iti pavuccati.

Thích văn:

Ariyo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ / tính từ ariya] cao thượng, cao quí; người cao thượng, bậc thánh nhân.

Pāṇāni [đối cách, số ít, trung tính, danh từ pāṇa] các sinh vật, các loài có sự sống, chúng sanh.

Hiṃsati [động từ hiện tại_tiến hành cách “hiṃs + a + ti”, ngôi III, số ít] hãm hại, làm tổn hại.

Ahiṃsā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể ahimsā (na + hiṃsā)] sự không làm hại, sự không hãm hại.

Sabbapāṇānaṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể sabbapāṇa (sabba + pāṇa)] tất cả sinh vật, mọi sanh linh.

Ariyo’ ti [hợp âm ariyo iti]

Iti [bất biến từ dùng ở cuối một câu thoại] như vậy, rằng là.

Việt văn:

15. Không phải là thánh hiền

bởi sát hại chúng sanh

không hại mọi hữu tình

mới được gọi hiền thánh.

(pc 270)

15. Với ai còn sát sanh thì không phải là bậc thánh hiền. Không sát hại mọi loài hữu tình, mới được gọi là bậc hiền thánh.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, ở Sāvatthi, do chuyện người câu cá tên là Ariya.

Một ngày kia, Bậc Đạo Sư thấy duyên lành đắc Tu đà huờn của người câu cá ấy, nên buổi sáng, Ngài dẫn chúng tỳ kheo đi khất thực trong ngôi làng ở cổng Bắc thành Sāvatthi và từ làng ấy đi về.

Khi đó, người câu cá ấy đang câu cá, khi nhìn thấy đức Phật và chúng tỳ kheo, anh ta buông bỏ cần câu đứng yên. Đức Phật dừng chân đứng nơi cách không xa anh ta, Ngài xoay qua hỏi tên các vị tỳ kheo: “Ngươi tên gì?” _ “Bạch Thế Tôn, con tên Sāriputta”.

_ “Người tên gì?” _ “Bạch Thế Tôn, con tên Moggallāna”…v.v…

Người câu cá đã suy nghĩ: “Bậc Đạo sư hỏi tên tất cả tỳ kheo, có lẽ Ngài cũng sẽ hỏi tên của ta”.

Bậc Đạo sư biết ý nghĩ của anh ta nên Ngài hỏi: “Này cận sự nam, ngươi tên gì?”

Anh thợ câu đáp: “Bạch Thế tôn, con tên là Ariya”. (danh từ Ariya có nghĩa là cao thượng, hoặc bậc hiền thánh)

Nghe vậy, đức Thế tôn nói với anh ta rằng: “Này cận sự nam, những người sát sanh như ngươi đâu phải là bậc hiền thánh (ariya); Các bậc thánh hiền sống không làm hại mọi loài”. Nói xong, đức Phật đã thuyết bài kệ: Na tena ariyo hoti…v.v…ariyo’ ti pavuccatī’ ti.

Dứt pháp thoại, anh thợ câu đã trú vào quả dự lưu; Pháp thoại cũng đem lợi ích đến những người hiện diện.

Lý giải:

Tên người chỉ là danh gọi một người thôi, không liên quan gì đến sở hành của người ấy. Nếu một người tự nhận mình là bậc Thánh hiền (ariya) lại có hành động trái ngược với danh xưng, thì không xứng đáng với danh xưng ấy.

Đức Phật vẫn biết vậy. Nhưng Ngài quán xét thấy duyên lành chứng quả dự lưu của anh thợ câu, nên Ngài mới lấy duyên cớ anh ta tên Ariya (thánh hiền) mà có hành vi sát sanh câu cá, Ngài thuyết pháp để dạy cho anh ta. Nghe đức Phật giảng xong, thì anh thợ câu Ariya đã chứng quả Tu đà huờn. Đó là sự thiện xảo trong việc thuyết pháp của đức Phật vậy.

Người mang tên, có ý nghĩa tốt đẹp, cái tên đẹp ấy không làm cho người ấy là người tốt đẹp, nếu người ấy có sở hành ác xấu. Cũng thế, một người mang tên ác xấu, cái tên xấu ấy không làm cho người ấy thành kẻ xấu, nếu người ấy có sở hành tốt.

Một điều nữa, trong bài kệ pháp cú này đức Phật dạy: Không sát hại mọi loài hữu tình mới gọi là bậc hiền thánh (ariya). Cần phải hiểu rằng, vì đức Phật đang giáo hoá một người có tên là Ariya mà anh ta câu cá sát sanh, nên đức Phật đã dạy như thế.

Thật ra, gọi là bậc Ariya, thành tựu nhiều đức tính như: người đã đoạn trừ phiền não, dứt bỏ ác pháp, chứng đạo quả giác ngộ níp bàn…v.v…Bậc thánh (ariya) còn phân ra có hai hạng: Thánh hữu học (sekha ariya) và thánh vô học (asekha ariya).

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc