Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XIV. Phẩm Phật Đà (Buddhavagga) - Kệ Số 8 và 9 (dhp 186, 187)

Thứ hai, 25/09/2023, 09:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật  24.9.2023

XIV

Phật Đà

 (Buddhavagga)

XIV. Phẩm Phật Đà_Kệ số 8 và 9 (dhp 186, 187)

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, vì chuyện một vị tỳ kheo bất mãn cuộc tu.

Tương truyền, vị tỳ kheo ấy sau khi xuất gia thọ đại giới xong, được thầy tế độ gửi đến một nơi để học phần yếu chỉ (uddesa) của giáo pháp.

Người cha của vị tỳ kheo ấy bị bệnh nặng sắp chết. Nhớ đến người con trai, trước khi qua đời ông đã trao cho đứa con trai út số tiền một trăm Kahāpaṇa và dặn dò hãy dùng tiền này sắm y bát cho con trai cả.

Vị tỳ kheo trẻ nghe tin người cha mất thì vội trở về quê nhà. Người em út đã đảnh lễ tỳ kheo huynh trưởng, khóc và nói: “Cha qua đời có trao cho em một trăm đồng Kahāpaṇa để hộ Ngài, em sẽ làm gì với số tiền ấy?”

Vị tỳ kheo từ chối: “Ta không cần số tiền ấy”.

Thời gian sau, tỳ kheo ấy suy nghĩ: “Mắc gì ta phải sống khất thực ở nhà người khác chứ! Ta sẽ hoàn tục nhờ vào một trăm đồng Kahāpaṇa ấy để sống”.

Rồi vị ấy bất mãn, không hoan hỷ đời sống phạm hạnh, xao lảng việc đọc tụng kinh điển, bỏ việc hành thiền, tiều tuỵ như người mắc bệnh. Các vị tỳ kheo hỏi thăm mới biết vị ấy bất mãn cuộc tu, họ trình báo lên thầy tế độ.

Các vị giáo thọ sư và thầy tế độ mới dẫn tỳ kheo trẻ ấy đến đức Phật.

Đức Phật phán hỏi tỳ kheo ấy, vị ấy trình bày với đức Phật tâm trạng bất mãn của mình. Đức Phật hỏi nguyên do bất mãn và hoàn tục lấy gì để sống?

Vị tỳ kheo trẻ bạch rằng: con có một trăm đồng Kahāpaṇa của cha mẹ để lại.

Đức Phật bèn phân tích cho vị ấy thấy với chừng ấy tiền làm sao đủ để sống cả đời; còn nói là đủ để thoả mản lòng tham muốn thì không biết có nhiêu là đủ! Rồi đức Phật thuyết bổn sanh chuyển luân vương Mandhātu, dù vỗ tay làm rơi trận mưa châu báu…Vua Mandhātu vẫn chưa thấy đủ. Vị vua nầy đến chết vẫn không thoả mãn được lòng dục (Mandhātujātaka_chuyện số 258).

Sau khi thuyết bổn sanh để nhắc cho tỳ kheo ấy biết rằng chúng sanh không bao giờ thoả mãn lòng dục dù với trận mưa vàng, đức Phật đã nói lên hai bài kệ pháp cú: Na kahāpaṇavassena…v.v…sammāsambuddhasāvako’ ti.

Cuối pháp thoại, vị tỳ kheo ấy chứng đắc quả dự lưu, hội chúng có mặt cũng được lợi lạc.

Chánh văn:

8. Na kahāpaṇavassena

titti kāmesu vijjati

appassādā dukkhā kāmā

iti viññāya paṇḍito.

(dhp 186)

9. Api dibbesu kāmesu

ratiṃ so n’ ādhigacchati

taṇhakkhayarato hoti

sammāsambuddhasāvako.

(dhp 187)

Thích văn:

Kahāpaṇavassena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ Kahāpaṇa + vassa] với trận mưa tiền vàng, bằng trận mưa tiền vàng.

Titti [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ titti] sự thoả mãn, sự mãn nguyện.

Kāmesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ kāma] đối với các dục lạc, trong những dục lạc.

Vijjati [động từ tiến hành cách “vid +ya”, ngôi III, số ít] xảy ra, có thấy, hiện hửu.

Appassādā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ appa + assāda] ít vị ngọt, ít lạc thú, vui ít.

Dukkhā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ dukkha] khổ, vị đắng cay.

Kāmā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ kāma] các dục.

Iti [bất biến từ] rằng là, như thế. Dùng để chỉ giới hạn câu mệnh đề túc từ của động từ.

Viññāya [bất biến quá khứ phân từ của động từ vijānāti, “vi + √ñā + ya”] sau khi hiểu.

Paṇḍito [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ paṇḍita] bậc trí tuệ, bậc minh triết.

Api [bất biến từ] cho dù, mặc dù, dù là.

Dibbesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, tính từ dibba] thuộc về thiên giới, thuộc về trời.

Kāmesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ kāma] đối với các dục, trong những dục lạc.

Ratiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ rati] sự vui thích, sự say mê.

So [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy.

N’ ādhigacchati [hợp âm na adhigacchati]

Adhigacchati [động từ tiến hành cách “adhi + gam + a”, ngôi III, số ít] đạt đến, đắc được, có được.

Taṇhakkhayarato [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ taṇhakkhayarata (taṇhakkhaya + rata/ taṇhā + khaya)] vui thích sự đoạn tận ái.

Hoti [động từ tiến hành cách “hū + a”, ngôi III, số ít] là. Dùng như một trợ động từ.

Sammābuddhasāvako [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ sammāsambuddha + sāvaka] đệ tử bậc Chánh Giác, đệ tử đức Phật.

Việt văn:

8. Với trận mưa tiền vàng

cũng không thoả mãn dục

người trí sau khi hiểu

dục đắng nhiều ngọt ít.

(pc 186)

9. Vị ấy không thích thú

dù là dục thiên giới.

đệ tử bậc Chánh Giác

chỉ ưa thích ái diệt.

(pc 187)

Chuyển văn:

Kahāpaṇavassena kāmesu titti na vijjati paṇḍito kāmā appassādā dukkhā iti viññāya so dibbesu kāmesu api ratiṃ na adhigacchati, sammāsambuddhasāvako taṇhakkhayarato hoti.

Không tìm thấy sự thoả mãn trong các dục dầu với trận mưa tiền vàng; Người trí sau khi biết rõ các dục đắng nhiều ngọt ít, người ấy không thoả thích dù là dục như chư thiên, mà đệ tử bậc chánh đẳng giác chỉ ưa thích ái tận.

Lý giải:

Hai bài kệ này đức Phật thuyết, có ý nghĩa liên đới.

Câu “với trận mưa tiền vàng cũng không thoả mãn dục” (na kahāpanavassena titti kāmesu vijjati) là đức Phật lấy điển tích vua chuyển luân vương Mandhātu để nói. Chuyển luân vương Mandhātu dù có uy lực, vỗ tay làm mưa bảy báu rơi xuống ngập trên mặt đất nhưng vua không thoả mản. Khi được biết trên cỏi trời sang cả hơn liền lên cỏi tứ thiên vương hưởng lạc, vẫn chưa thấy thoả mản; Vua bèn ngự trên thiên luân báu ngự đến cỏi trời Đao Lợi và Thiên chư Đế Thích nhường cho nữa cỏi trời, nhưng rồi vua Mandhātu băng hà…Quả thật vậy, ở đời chúng sanh luôn thấy thiếu thốn, không thoả mãn, cứ nô lệ tham ái (ūno loko atitto taṇhādāso).

Bậc trí sau khi hiểu các dục ngọt ít đắng nhiều (appassādā dukkhā kāmā iti viññāya paṇḍito). Các dục ngọt ít, có nghĩa là lạc ít ỏi (parittasukhā); các dục đắng nhiều, có nghĩa là khổ nhiều (bahudukkhā). Bậc trí biết như vậy.

Vị ấy không thích thú dù là dục  thiên giới (api dibbese kāmesu ratiṃ so na adhigacchati), nghĩa là bậc trí đã biết được các dục vui ít khổ nhiều thì dù ai mời hưởng dục chư thiên, vị ấy cũng không hưởng thụ. Các dục dù là dục cỏi người hay dục cỏi trời vẫn nguy hại (ādīnavā)

Để tử bậc chánh giác chỉ ưa thích ái diệt (taṇhakkhayarato hoti sammāsambuddhasāvako). Trạng thái ái diệt (taṇhakkhaya) là quả vị  A la hán và níp bàn. Vị tỳ kheo đệ tử Phật nhờ nghe giáo pháp Ngài thuyết nên sợ khổ và chỉ thoả thích mong mỏi chứng ngộ níp bàn, đắc đạo quả A la hán.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc