- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 8.10.2023
XIV
Phật Đà
(Buddhavagga)
XIV. Phẩm Phật Đà_Kệ số 17, 18 (dhp 195, 196)
Duyên sự:
Hai bài kệ này đức Phật đã thuyết khi Ngài đang du hành đến toà tháp cổ của Đấng Thập Lực Kassapa.
Lần ấy, đức Thế Tôn với đại chúng tỳ kheo, rời khỏi kinh thành Sāvatthi tuần tự đi đến kinh thành Bārāṇasī. Giữa đường, Ngài dừng chân tại một ngôi đền thần ở gần làng Todeyya. Ngài ngồi xuống nghỉ và bảo tôn giả Ānanda đi gọi người bà la môn đang cày ở gần đó đến.
Người bà la môn ấy đến, không đảnh lễ đức Như Lai, mà đảnh lễ đền thần rồi ngồi xuống. Đức Phật hỏi: “Này bà la môn, ông nghĩ sao về địa điểm này?”
Người bà la môn đáp: “Thưa Ngài Gotama, tôi đảnh lễ ngôi tháp cổ này theo tập tục của chúng tôi”.
Đức Phật khiến cho người ấy phấn khởi, Ngài khen: “Này bà la môn, việc đảnh lễ chổ này là việc làm tốt đẹp”.
Nghe đức Phật khen việc bà la môn đảnh lễ cổ tháp, chư tỳ kheo khởi lên thắc mắc: “Do nguyên nhân gì mà đức Thế Tôn khích lệ việc ấy nhỉ?”
Để giải toả thắc mắc của các tỳ kheo ấy, đức Phật thuyết rằng, nơi đây ngày xưa là chổ trú ngụ của đức Thế Tôn Kassapa. Sau khi đấng Thập Lực Kassapa níp bàn, người ta đã lập tháp vàng nơi này để làm di tích (có ba loại tháp: Sarīracetiya (tháp thờ xá lợi), paribhogacetiya (tháp thờ kỷ vật), Uddissacetiya (tháp thờ di tích)). Đức Thế Tôn dạy thêm về bốn hạng người xứng đáng lập tháp thờ (Thūpārahapuggala), đó là bậc Chánh đẳng giác, bậc Độc giác, bậc Thinh văn giác, vị Chuyển luân vương.
Kế đến, đức Phật dùng thần thông hoá hiện ngôi tháp vàng (kanakacetiya) của đấng Thập Lực Kassapa, cao một do tuần, lơ lửng giữa hư không, trên vị trí cổ tháp phế tích ấy, cho đại chúng thấy, rồi Ngài nói: “Này bà la môn, sự kính lễ bậc đáng kính lễ có bốn hạng như vậy, hợp lẽ hơn”.
Rồi đức Phật đã nói ra hai bài kệ: Pūjārahe pūjayato…v.v…imettamapi kenacī’ ti.
Dứt pháp thoại, người bà la môn thợ cày ấy đã chứng quả Tu đà hườn.
Ngôi tháp vàng do Phật lực hoá hiện đó, lơ lửng trên hư không tồn tại đến bảy ngày, cho dân chúng chiêm bái cúng dường, sau đó tự biến mất.
Chánh văn:
17. Pūjārahe pūjayato
buddhe yadi va sāvake
papañcasamatikkante
tiṇṇasokapariddave.
(dhp 195)
18. Te tādise pūjayato
nibbute akutobhaye
na sakkā puññaṃ saṇkhātuṃ
im’ ettam_iti kenaci.
(dhp 196)
Thích văn:
Pūjārahe [đối cách, số nhiều, nam tính hợp thể danh từ pūjāraha (pūjā + araha)] các bậc đáng cúng dường, những bậc đáng kính lễ.
Pūjayato [sở thuộc cách, số ít, nam tính, hiện tại phân từ pūjayanta (động từ pūjayati, pūjeti)] của người cúng dường, của người kính lễ.
Buddhe [đối cách, số nhiều, nam tính, danh từ buddha] chư Phật, các vị Phật.
Yadi va (yadi vā = atha vā) [liên từ] hoặc giả là, nói chung là.
Sāvake [đối cách, số nhiều, nam tính, danh từ sāvaka] “người nghe”, bậc thinh văn, hàng đệ tử.
Papañcasamatikkante [đối cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ papañcasamatikkanta (papañca + samatikkanta)] đã vượt khỏi chướng ngại, đã vượt khỏi sở tri chướng.
Tiṇṇasokapariddave [đối cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ tiṇṇasokapariddava (tiṇṇa + soka + pariddava)] đã vượt qua sự sầu muộn và bi ai, đã trừ diệt mọi sầu bi.
Te [đối cách, số nhiều, nam tính, chỉ thị đại từ ta] ấy, đó.
Tādise [đối cách, số nhiều, nam tính, tính từ tādisa] như thế ấy, giống như vậy.
Nibbute [đối cách, số nhiều, nam tính, tính từ nibbuta] các bậc tịch tịnh, bậc đã yên lặng phiền não.
Akutobhaye [đối cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ Akutobhaya (a + kuto +bhaya). Được giải thích là “Natthi kutoci bhavato vā ārammaṇato vā etesaṃ bhayanti akutobhayā: không có sự sợ hải với các vị đó từ bất cứ cái gì, là từ sanh hửu hay từ cảnh tượng”] không sợ hải, không hoảng hốt, vô uý.
Na [phân từ phủ định] không, chẳng.
Sakkā [bất biến từ] có thể.
Puññaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ puñña] phước.
Saṇkhātuṃ [động từ nguyên mẫu (vị biến cách)] để đếm, để ước lượng.
Im’ ettam_iti [dãy hợp âm imaṃ ettaṃ iti]
Imaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ima] cái này.
Ettaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ etta] chừng ấy, khoảng ấy.
Iti [bất biến từ] rằng là, như vậy.
Kenaci [sở dụng cách, số ít, nam tính, phiếm chỉ đại từ kaci] bởi bất kỳ ai, bởi ai đó.
Việt văn:
17. Cúng dường bậc đáng cúng,
chư Phật hoặc đệ tử
các bậc vượt chướng ngại,
các bậc không sầu bi.
(pc 195)
18. Người cúng những bậc ấy,
bậc tịch tịnh, vô uý,
phước báu của người ấy
không ai có thể lường.
(pc 196)
Chuyển văn:
Yadi vā papañcasamatikkante tiṇṇasokapariddave pūjārahe buddhe sāvake pūjayato, nibbute akutobhaye tādise te pūjayato puññaṃ kenaci na sakkā imaṃ ettaṃ iti saṅkhātuṃ.
Nếu như người cúng dường bậc đáng cúng dường, chư Phật hay chư Thinh văn, là những bậc đã vượt qua mọi chướng ngại, đã không còn sầu muộn bi ai, thì phước báu của người cúng dường các bậc tịch tịnh vô uý như thế, không ai có thể đong đếm “phước này được bấy nhiêu”.
Lý giải:
Các bậc đáng cúng dường (pūjārahe) là những bậc xứng đáng để người đời kính lễ hoặc dâng cúng bốn món nhu yếu (y phục, vật thực, sàng toạ và dược phẩm); Những bậc ứng cúng ấy là nói đến ba hạng: Bậc Chánh đẳng chánh giác (sammāsambuddha), bậc Độc giác (paccekabuddha), và bậc Thinh văn giác (sāvakabuddha). Trong bài kệ pháp cú 195 dùng từ Buddhe (chư Phật) là chỉ cho Phật Chánh đẳng chánh giác và Phật độc giác, từ Sāvake (chư Thinh văn) là chỉ cho các vị A la hán đệ tử bậc chánh đẳng cháng giác.
Chư Phật và chư Thinh văn A la hán đều là những vị đã vượt khỏi chướng ngại, đã không còn sầu bi, là những bậc tịch tịnh, bậc vô uý.
Đã vượt qua khỏi chướng ngại (papañcasamatikkante) nghĩa là đã chinh phục được ba pháp chướng ngại là Ái, Tà kiến và Kiêu mạn (Taṇhādiṭṭhimānapapañca).
Đã không còn sầu bi (tiṇṇasokapariddave) nghĩa là đã vượt qua mọi sầu ưu và bi ai.
Bậc tịch tịnh (nibbute) nghĩa là chư vị ứng cúng đã dập tắt lửa ái, lửa sân, lửa si, tâm trở nên mát mẻ an tịnh.
Bậc vô uý (akutobhaye) nghĩa là các vị ứng cúng không có nổi sợ hãi do từ đâu, từ sanh hữu hay từ cảnh tượng nào (natthi kutoci bhavato vā ārammaṇto vā bhayaṃ).
Phước báu của người ấy, là phước phát sanh cho người cúng dường các bậc ứng cúng ấy.
Không ai có thể lường (na sakkā saṅkhātuṃ), nghĩa là không người nào dù là phạm thiên, chư thiên, ma vương cũng không thể cân, đo, đong, đếm được phước cúng dường đến các bậc ứng cúng nhiều đến chừng này, đến chừng này (imaṃ ettakaṃ imaṃ ettakan’ ti).
Quả thật, phước báu của người tín thành cúng dường đến chư Phật và chư A la hán đệ tử Phật, là vô lượng, không để xiết. Đừng nói chi là cúng đến các bậc ứng cúng còn hiện tiền, dù các Ngài đã viên tịch, người có tâm tịnh tín cúng dường tháp thờ xá lợi cũng có phước vô lượng.
Dứt phẩm thứ mười bốn
Phẩm Phật đà
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn