Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | X. Phẩm Hình Cụ (Daṇḍavagga) _ Kệ số 5 và 6 (dhp 133_134)

Chủ nhật, 23/04/2023, 09:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 23.4.2023


X

PHẨM HÌNH CỤ

(Daṇḍavagga)

X. Phẩm Hình Cụ _ Kệ số 5 và 6 (dhp 133_134)

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng lão Koṇḍadhāna.

Tương truyền, trưởng lão Koṇḍadhāna bị nghiệp ám luôn có bóng dáng người phụ nữ theo sau lưng khi trưởng lão đi kinh hành trong chùa hay đi khất thực trong làng. Người khác thấy rõ nhưng bản thân trưởng lão thì không thấy.

Chư tỳ kheo trong chùa nghe được lời đàm tiếu của dân chúng nên khó chịu bèn xúi giục trưởng giả Anāthapiṇḍika đuổi Ngài Koṇḍadhāna ra khỏi chùa. Ông Anāthapiṇḍika nói rằng hiện có Đức Thế Tôn ngự trong chùa, Đức Thế Tôn sẽ biết rõ đễ giải quyết, và ông trưởng giả không làm theo lời chư tăng.

Chư tỳ kheo bèn nói chuyện với bà tín nữ Visākhā, cũng xúi bà đuổi vị tỳ kheo tai tiếng ấy. Bà tín nữ Visākhā cũng từ chối không làm theo lời chư tỳ kheo.

Chư tỳ kheo bèn trình tấu đức vua Pasenadi. Đức vua cho lính vào chùa canh giữ phạm vi tịnh thất của trưởng lão Koṇḍadhāna, rồi vua ngự giá đến chùa để gặp trưởng lão. Vua đứng ngoài xa khi trưởng lão mở cửa tịnh thất bước ra thì đức vua thấy có bóng dáng phụ nữ sau lưng trưởng lão, đến gần bên thì không thấy.Vua cho khám xét tịnh thất thì không thấy ai. Sau nhiều lần yêu cầu trưởng lão trở vào tịnh thất và bước ra, vua đều thấy bóng dáng người phụ nữ. Nhà vua nghĩ đây là chuyện bí ẩn nên vua không làm khó trưởng lão mà trái lại còn xin hộ độ vật thực đến trưởng lão mỗi ngày.

Chư tỳ kheo thấy thế bực tức mắng nhiếc trưởng lão là kẻ phạm giới, vô đức hạnh. Trưởng lão là kẻ phạm giới, vô đức hạnh. Trưởng lão Koṇḍadhāna trước đây nhẫn nhịn bây giờ thì có vua Pasenadi chứng minh sự trong sạch của mình nên đáp trả các tỳ kheo: Mấy ông mới là kẻ phá giới, vô đức hạnh ..v.v..

Chư tỳ kheo càng tức tối, mới bạch trình lên đức Phật. Đức Thế Tôn họp tăng lại để giải toả vấn đề, Ngài bảo: Tỳ kheo Koṇḍadhāna không phá giới, hiện tượng có bóng phụ nữ theo sau là do nghiệp đã tạo trong quá khứ. Rồi theo lời yêu cầu của chư Tăng đức Phật đã kể lại tiền nghiệp của vị ấy: Thời đức Chánh đẳng Giác Kassapa, tiền thân vị nầy là một thiên nhân khi nhìn thấy hai vị tỳ kheo thân thiện đi trên đường đến ngôi chùa đễ dự lễ bố tát, một tỳ kheo nói với vị kia chờ đợi mình đi giải toả; khi vị tỳ kheo đi vào ven rừng giải toả xong, bước ra, thì thiên nhân nọ hoá thành một phụ nữ bước ra theo vị tỳ kheo ấy với dáng diệu như vừa xong cuộc giao hoan.

Vị tỳ kheo bạn đứng chờ ngoài đường đi thấy vậy nghi ngờ phạm hạnh của vị tỳ kheo kia nên đã quở trách rồi tách ra đường ai nấy đi.

Vị thiên nhân do tạo nghiệp gây nghi ngờ phạm hạnh, chia rẽ hai tỳ kheo đức hạnh như thế, sau khi mệnh chung đã sanh vào địa ngục, quả dư sót sanh lại làm người luôn bị tai tiếng do có bóng hình phụ nữ theo sao, đó là trưởng lão Koṇḍadhāna.

Kể tiền nghiệp trưởng lão ấy xong, đức Phật giáo huấn vị nầy: “Nầy tỳ kheo, do tạo ác nghiệp quá khứ mà nay ngươi bị nghi oan là phá giới. Chớ phản kháng trả treo, hãy im lặng như chiếc chuông bể chỉ chú tâm hành sa môn pháp thì người sẽ chứng níp bàn. “Rồi đức Phật nói lên hai bài kệ: “M’āvoca pharusaṃ kañci … paṭidaṇḍā phuseyyu taṃ; Sace neresi attānaṃ … sārambho te na vijjatī ’ti”.

Được huấn từ của Thế Tôn, trưởng lão Koṇḍadhāna hành theo chứng đắc quả vị A la hán.

*

Chánh văn:

M ’āvoca pharusaṃ kañci

vuttā paṭivadeyyu taṃ

dukkhā hi sārambhakathā

paṭidaṇḍā phuseyyu taṃ.

(dhp 133)

Sace neresi attānaṃ

kaṃso upahato yathā

esa patto ’si nibbānaṃ

sārambho te na vijjati.

(dhp 134)

*

Thích văn:

m’āvoca [hợp âm mā avoca]

[bất biến từ] đừng, chớ, không nên.

avoca [động từ hiện khứ cách ngôi III số ít, hình thức attanopada _ (căn vac + a)] nói.

pharusaṃ [đối cách số ít nữ tính của tính từ pharusa] cộc cằn, thô lỗ, ác độc.

kañci [đối cách số ít nam tính của quan hệ đại từ kaci (ka + ci)] bất cứ ai, bất cứ người nào.

vuttā [chủ cách số nhiều nam tính của quá khứ phân từ vutta, (căn vad + ta)] bị nói đến, được nói đến.

paṭivadeyyu [giản lược từ paṭivaddeyyuṃ. Động từ khả năng cách ngôi III số nhiều, (paṭi + căn vad + eyyuṃ)] có thể nói trả.

taṃ [đối cách số ít của nhân xưng đại từ tumha (ngôi hai)] ngươi, mi, anh.

dukkhā [chủ cách số ít nữ tính của tính từ dukkha] khổ, đau đớn, khó chịu.

hi [bất biến từ] thật vậy, thật là; bởi.

sārambhakathā [chủ cách số ít của hợp thể danh từ nữ tính (sārambha + kathā)] ngôn từ cay độc, lời nói cay cú, lời lẽ gay gắt.

paṭidaṇḍā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính paṭidaṇḍa] những sự trả đũa, các sự phản công.

phuseyyu [viết giản lược từ phuseyyuṃ. Động từ khả năng cách ngôi III số nhiều. (căn phus + a + eyyuṃ)] có thể đụng đến, có thể va vào, có thể gây cho.

sace [giới từ] nếu, nếu như.

neresi [động từ thể truyền khiến, ngôi II số ít. Cấu trúc đặc biệt (na + ereti)_ereti (căn īr + ṇe)] không náo động, giữ im lặng.

attānaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính biệt ngữ atta] tự mình, ta, ngã.

kaṃso [chủ cách số ít của danh từ nam tính kaṃsa] chuông đồng, cái cồng chiêng.

upahato [chủ cách số ít nam tính của quá khứ phân từ upahata (upa + căn han + ta)] bị bể vỡ, bị hư hoại.

yathā [trạng từ] giống như, như thể.

esa [eso_chủ cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ “ta”] điều đó, cách ấy.

patto’si [hợp âm patto asi]

patto [chủ cách số ít nam tính của quá khứ phân từ patta (động từ papunāti_căn pa + āp + uṇā)] đã đạt đến, được đắc chứng.

asi [động từ tiến hành cách ngôi II số ít căn as] người là. Trợ động từ cho patto “patto ’si” (Ngươi đã đắc chứng, ngươi đã đạt đến).

nibbānaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính nibbāna] níp bàn, sự diệt ái, không còn ái luyến.

sārambho [chủ cách số ít của danh từ nam tính sārambha] sự hiềm khích; sự công kích.

te [sở thuộc cách số ít của nhơn xưng đại từ tumha] đối với người, của ngươi.

na [phủ định từ] không, chẳng

vijjati [động từ tiến hành cách ngôi III số ít (căn vid + ya)] tồn tại, đang xảy ra, đang tìm thấy.

*

Việt văn:

Chớ nói lời ác độc

người bị nói, đáp trả

khổ thay, lời công kích

phản đòn chạm về người.

(pc 133)

Nếu ngươi tự im lặng

như chuông đồng bể nứt

ngươi đã chứng níp bàn

hiềm khích ngươi không còn.

(pc 134)

*

Chuyển văn:

Kañci pharusaṃ mā avoca vuttā taṃ paṭivadeyyuṃ sārambhakathā hi dukkhā paṭidaṇḍā taṃ phuseyyuṃ.

Sace yathā upahato kaṃso attānaṃ neresi eso nibbānaṃ patto asi te sārambho na vijjati.

Chớ nói với ai lời ác độc, những người bị nói có thể đáp trả lại ngươi. Khổ thay những lời công kích; những sự phản công ắt chạm đến ngươi.

Nếu ngươi tự mình biết im lặng như cái chuông đồng bị bể, thời ngươi đã chứng níp bàn, sự thù hiềm trong ngươi không còn nữa.

*

Lý giải:

Bài kệ đầu có ý nghĩa, kẻ dùng lời ác độc thô bỉ để nói với người khác tất nhiên người bị mắng nhiếc sẽ nói trả lại cũng bằng lời thô bỉ ác độc. Lời qua tiếng lại công kích nhau chỉ khổ mà thôi, gậy trượng đánh người, có thể dội ngược trúng mình. Vì thế, đừng nói lời cay độc với bất cứ ai.

Bài kệ sau có ý nghĩa: Hai bàn tay vỗ vào nhau mới kêu thành tiếng; nếu một bàn tay vỗ thì không kêu. Cũng thế, hai bên đấu khẩu sẽ sanh ra xung đột.

Nếu tự mình biết nín nhịn im lặng như cái chuông bể thì ở mình không có sự thù hằn, thay vì mất thời gian để công kích nhau, hãy dành thời giờ ấy tu tập thiền định, ắt sẽ chứng đạt níp bàn. Lời khuyên nầy đức Phật giáo huấn tỳ kheo Koṇḍadhāna.

Cũng nên hiểu rằng, dù không đắc níp bàn, nhưng nếu người biết im lặng, không sống công kích người khác chuyên tâm làm thiện thì người ấy sẽ góp nhặt được nhiều phước báu.

Người biết tự kềm chế bản thân sống không công kích kẻ khác, người ấy sẽ được an lạc vì không gây thù chuốc oán ./.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc