Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. PHẨM NGÀN (Sahassavagga) - Kệ số 3 và 4 (dhp 102, 103)

Chủ nhật, 15/01/2023, 11:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 15.1.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

VIII. Phẩm ngàn _ Kệ số 3 và 4 (dhp 102, 103)

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana, thành Sāvatthi, nhân câu chuyện của thánh ni Kuṇḍalakesī.

Thánh ni Kuṇḍalakesī vốn là tiểu thư con nhà trưởng giả ở thành Rājagaha đem lòng yêu một tướng cướp tử tù, cha nàng đã bỏ tiền chuộc mang tên tướng cướp và gả con gái cho anh ta. Ít lâu sau chồng nàng sanh lòng phản trắc đã lừa gạt nàng dẫn lên núi để giết và cướp đoạt tư trang quí giá. Nàng Kuṇḍalakesī đã khôn ngoan lừa thế xô tên cướp xuống vực thẳm và thoát thân.

Thoát chết, nàng Kuṇḍalakesī bỏ đi biệt xứ, lần hồi nàng đến chỗ ngụ của các du sĩ và xin nhập đạo. Các du sĩ biện luận đã dạy cho nàng các luận thuyết của họ. Chẳng bao lâu nữ du sĩ Kuṇḍalakesī đã trở thành một nhà hùng biện vô địch.

Nữ du sĩ ấy đi các nơi tìm người tranh luận nhưng không gặp đối thủ. Cô phải khiêu chiến bằng cách mỗi nơi cô đến bẻ một nhánh cây Jambū ghim trên đụn cát và tuyên bố ai nhỗ bỏ nhánh cây nầy là người muốn tranh luận cùng cô. Nên từ đó người ta gọi cô là nữ du sĩ Jambū (jambūparibbājikā).

Một ngày kia nữ du sĩ Jambū đến thành Sāvatthi, trước khi vào thành khất thực nữ du sĩ ấy cũng cắm nhánh Jambū trước cổng thành để khiêu chiến.

Ngày ấy trưởng lão Sāriputta sau khi khất thực ở Sāvatthi trở ra cổng thành thấy đám trẻ vây quanh đụn cát cắm nhánh Jambū, trưởng lão hỏi cái chi vậy? Đám trẻ nói cho Ngài biết chuyện. Trưởng lão Sāriputta bảo chúng nhỗ bỏ cành Jambū ấy.

Nữ du sĩ khất thực trở ra thấy nhánh Jambū đã bị nhỗ bỏ liền hỏi lũ trẻ ai đã nhỗ nhánh cây của ta? lũ trẻ liền đáp: vị sa môn kêu chúng nhổ bỏ.

Nữ du sĩ liền đến gần trưởng lão Sāriputta để tranh luận với Ngài. Nàng chất vấn trưởng lão với những câu hỏi trong thiên ngôn luận (vādasahassaṃ). Trưởng lão đã trả lời thông suốt cả. Sau đó, trưởng lão hỏi lại nữ du sĩ Jaṃbū một câu: “Ekaṃ nāma kiṃ? Cái gì gọi là một pháp? “Nữ du sĩ Jambū không biết phải trả lời thế nào nên hỏi trưởng lão: “Đó là gì?”_Trưởng lão đáp: “Là Phật sở vấn (buddhapañho)”. Nữ du sĩ xin trưởng lão dạy cho ý nghĩa câu hỏi ấy. Trưởng lão bảo rằng: “Nếu cô tướng mạo giống ta, ta sẽ dạy cho. “Vậy thì xin Ngài cho con tu với Ngài!”.

Trưởng lão Sāriputta hướng dẫn nữ du sĩ đến chư tỳ kheo ni cho cô thọ cụ túc giới có tên gọi là Kuṇḍalakesītherī, vài ngày sau cô đắc quả A la hán với tuệ đạt thông.

Các tỳ kheo tại hội trường đã nói chuyện nầy: “Tỳ kheo ni Kuṇḍalakesī không có nghe pháp nhiều mà cũng đắc quả vị tối cao của bậc xuất gia được nhỉ! Và nghe rằng, cô ấy đã chiến đấu thắng tên cướp rồi đi đến đây”.

Đức Phật ngự đến hội trường thuyết pháp, nghe các tỳ kheo thảo luận việc ấy. Ngài dạy: “Pháp ta thuyết không luận là nghe nhiều hay nghe ít; Dù nghe cả trăm câu vô nghĩa cũng không bằng một câu pháp”. Ngài dạy thêm: “Người chiến thắng kẻ cướp bên ngoài không gọi là bậc thắng trận cao quí, chỉ có người thắng đạo tặc là phiền não bên trong mới gọi là sự chiến thắng tối thượng. “Rồi đức Thế Tôn đã nói lên hai bài kệ: “Yo ca gāthāsataṃ bhāse … yaṃ sutvā upasammati. Yo sahassaṃ sahassena … sa ve saṅgāmajuttamo ’ti”.

Dứt pháp thoại có nhiều vị đắc được thánh quả.

*

Chánh văn:

Yo ca gāthāsataṃ bhāse

anatthapadasaṃhitā

ekaṃ dhammapadaṃ seyyo

yaṃ sutvā upasammati.

(dhp 102)

Yo sahassaṃ sahassena

saṅgāme mānuse jine

ekañca jeyyamattānaṃ

sa ve saṅgāmajuttamo.

(dhp 103)

*

Thích văn:

yo [chủ cách số ít nam tính của quan hệ đại từ ya] ai, người nào.

ce [giới từ. Hình thức giản lược của sace] nếu, nếu như.

gāthāsataṃ [đối cách số ít của hợp thể tính từ trung tính gāthāsata (gāthā + sata)] một trăm kệ ngôn, bách kệ.

bhāse [động từ khả năng cách thể loại attanopada ngôi III số ít bhāse, bhāsetha (căn bhās) nên nói, phải nói, có thể nói.

anatthapadasaṃhitaṃ [đối cách số ít của hợp thể tính từ (anatthapada + saṃhita)] gồm câu vô nghĩa, gồm câu vô ích.

ekaṃ [chủ cách số ít trung tính của số mục tính từ eka] một, số 1.

dhammapadaṃ [chủ cách số ít của hợp thể danh từ trung tính dhammapada (dhamma + pada)] câu pháp, câu giáo lý.

seyyo [bất biến từ] tốt hơn

sahassaṃ [đối cách số ít trung tính của số mục tính từ sahassa] một ngàn.

sahassena [sở dụng cách số ít trung tính của số mục tính từ sahassa] với một ngàn.

sahassaṃ sahassena [sahassena guṇitaṃ sahassaṃ (cách nói dí dỏm trong thi kệ)] một ngàn lần một ngàn, ngàn ngàn, một triệu.

saṅgāme [định sở cách số ít của danh từ nam tính saṅgāma] trong trận chiến, tại chiến trường.

mānuse [đối cách số nhiều của danh từ nam tính mānusa (đồng nghĩa manussa)] những con người.

jine [động từ khả năng cách ngôi III số ít thể loại attanopada (ji + nā)] có thể thắng.

ekañca [hợp âm ekaṃ ca]

jeyyamattānaṃ [hợp âm jeyya_m_attānaṃ]

jeyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (căn ji + e)] có thể chiến thắng.

attānaṃ [đối cách số ít của danh từ dị biệt ngữ atta] tự mình, chính mình, bản thân.

sa [hình thức giản lược của so. Chủ cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy, nó.

ve [bất biến từ] thật vậy, quả là.

saṅgāmajuttamo [chủ cách số ít của hợp thể danh từ nam tính saṅgāmajuttama (saṅgāma + ji + uttama)] vị tối thượng chiến thắng trận mạc.

*

Việt văn:

Dù nói trăm kệ ngôn

chỉ toàn câu vô nghĩa

một câu pháp tốt hơn

vì nghe được tịnh lạc.

(pc 102)

Thắng địch tại chiến trận

dù thắng ngàn ngàn người

thắng một là bản thân

thật chiến thắng tối thượng.

(pc 103)

*

Chuyển văn:

Yo ca anatthapadasaṃhitā gāthā sataṃ bhāse ekaṃ dhammapadaṃ yaṃ sutvā upasammati seyyo.

Nếu nói trăm kệ ngôn mà toàn câu vô nghĩa thà nói một câu pháp mà nghe xong được an tịnh vẫn tốt hơn.

Yo saṅgāme sahassena sahassaṃ mānuse jine ekaṃ ca attānaṃ jeyya so ve saṅgāmajuttamo.

Tại chiến trường có thể thắng ngàn ngàn người, ai có thể thắng một người là chính bản thân thì người ấy đích thực là người chiến thắng tối thượng trong trận địa.

*

Lý giải:

Trong duyên sự nầy có hai bài kệ pháp cú với ý nghĩa không liên quan nhau.

Đức Phật thuyết bài kệ trước (dhp 102) với ý nghĩa: nếu nói trăm kệ ngôn mà gồm những câu vô nghĩa thà nói một câu pháp mà nghe xong được an tịnh vẫn tốt hơn.

Nữ du sĩ Kuṇḍalakesī đem hàng trăm luận thuyết trong thiên ngôn luận mà cô ta đã học được từ các du sĩ ngoại đạo, để tranh biện với trưởng lão Sāriputta. Dù thông suốt các luận thuyết nhưng nữ du sĩ chẳng được lợi ích gì. Đến khi trưởng lão hỏi một câu cô ta không trả lời được bèn thỉnh Ngài dạy cho ý nghĩa câu hỏi ấy. Trưởng lão bảo cô du sĩ hãy xuất gia làm tỳ kheo ni rồi Ngài dạy cho. Nữ du sĩ xuất gia với chúng tỳ kheo ni. Sau đó được trưởng lão dạy một câu pháp:

Hỏi: “Ekaṃ nāma kiṃ?” _ “cái gì gọi là một câu pháp?”

Đáp: “Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā” _ “Tất cả chúng sanh duy tồn nhờ thức ăn”.

Lãnh hội pháp, tỳ kheo ni Kuṇḍalakesī đã đắc A la hán.

Chính ý nghĩa đó nên khi các vị tỳ kheo thảo luận việc tỳ kheo ni ấy không nghe pháp nhiều sao đắc được quả vị sa môn, đức Phật đã dạy bài kệ trên.

Về bài kệ sau (dhp 103) đức Phật thuyết với ý nghĩa: Thắng một người là chính bản thân tức chiến thắng phiền não nội tâm, đó mới gọi là anh hùng, là người chiến thắng vẻ vang; người thắng triệu người nơi chiến trường không phải là chiến thắng huy hoàng. Đức Phật nói bài kệ sau vì các tỳ kheo khen ngợi người phụ nữ ấy một mình đại chiến với tên cướp và chiến thắng mới thoát chết mà đi tu.

Quả thật vậy, người thắng được chính mình là thắng được phiền não ma, mới thoát khỏi khổ luân hồi. Đó mới thật sự là chiến thắng, sự chiến thắng tối thượng. Còn sự chiến thắng kẻ địch ngoài trận chiến vẫn bị bại dưới thế lực của phiền não ma nên chưa gọi là chiến thắng tối thượng.

Cùng một duyên sự mà đức Phật nói hai bài kệ không liên quan nhau, có ý nghĩa là vậy.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc