Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm Ngàn (Sahassavagga) _ Kệ số 15 (dhp 114)

Thứ năm, 23/02/2023, 08:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 23.2.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

VIII. Phẩm Ngàn _ Kệ số 15 (dhp 114)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, vì câu chuyện của tỳ kheo ni Kisāgotamī.

Tương truyền, nàng Kisāgotamī là một tiểu thư con nhà danh giá được gả cho công tử nhà trưởng giả trong thành Sāvatthi.

Thời gian sau nàng sanh một đứa con trai kháu khỉnh nhưng nó vừa biết đi đã bị bệnh mà chết. Nàng Kisāgotamī quá đau khổ, và hy vọng có thuốc cứu sống con mình. Nàng bồng xác đứa con trên tay đi khắp các làng để tìm thầy thuốc cứu con trai. Ai cũng cho rằng nàng quẩn trí vì đứa con.

Khi ấy có một thiện nam hiền trí thấy tình trạng nàng ta như vậy liền bảo nàng có một bậc y vương (vua thầy thuốc, chỉ đức Phật) có thể làm thuốc cứu được. Ngài đang ngự tại Jetavana, cô hãy đến Ngài mà xin thuốc.

Nàng Kisāgotamī cảm ơn ông thiện nam và vội vã đi đến Jetavana vào yết kiến đức Phật đảnh lễ Ngài và xin Ngài làm thuốc cứu đứa con nàng. Đức Phật quán xét căn cơ của nàng Kisāgotamī thấy có duyên lành đắc đạo quả, nên Ngài bảo: Hỡi Kisāgotamī, nếu con tìm được một ít hạt cải trong nhà nào không có người thân chết, đem về đây ta làm thuốc cứu con của con.

Nàng Kisāgotamī đảnh lễ từ biệt đức Thế tôn, ẳm xác đứa con trai đi vào các xóm làng ngoại ô. Đến từng nhà hỏi xin hạt cải để làm thuốc cứu con, người ta sẵn lòng cho nhưng khi nàng hỏi trong nhà có người thân chết không? thì nhà nào cũng nói có người thân chết. Nàng không nhận hạt cải, và tiếp tục đi sang những nhà khác cũng không được hạt cải từ nhà không có người thân chết.

Đến xế chiều nàng Kisāgotamī nhận ra rằng con người trong đời ai cũng phải chết, đâu riêng gì con ta, và gia đình nào cũng phải ly biệt người thân, đâu phải một mình ta.

Nàng đem xác đứa con bỏ trong rừng rồi trở về Jetavana đảnh lễ đức Phật và bạch rằng không tìm được hạt cải từ gia đình không có người thân chết.

Đức Phật thuyết pháp cho nàng nghe: tất cả chúng sanh đều phải chết là lẽ thường; có người chết trẻ, có người chết già thôi. Người quyến luyến con cái, gia súc, không biết rằng tử thần sẽ bắt đi như nước lũ cuốn trôi ngôi làng đang say ngủ …

Nghe xong pháp thoại, nàng Kisāgotamī đắc qủa dự lưu; Nàng xin xuất gia với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn gửi nàng qua chúng tỳ kheo ni làm lễ thọ cụ túc giới cho nàng, gọi là tỳ kheo ni Kisāgotamī.

Một ngày kia lúc tỳ kheo ni Kisāgotamī làm phận sự thắp đèn trong chỗ làm lễ bố tát. Nàng ngồi nhìn ngọn đèn leo lét chập chờn, khi tỏ khi mờ, nàng suy xét mạng sống bấp bênh tạm bợ, chỉ có níp bàn là bất tử.

Đức Phật ngự trong hương thất ở Jetavana đọc được tư tưởng của tỳ kheo ni Kisāgotamī, Ngài liền thị hiện thần thông đến trước mặt tỳ kheo ni ấy và thuyết pháp với kệ ngôn: “Yo ca vassasataṃ jīve … passato amataṃ padan ’ti”.

Cuối thời pháp, tỳ kheo ni Kisāgotamī đắc quả A la hán với tuệ đạt thông.

*

Chánh văn:

Yo ca vassasataṃ jīve

apassaṃ amataṃ padaṃ

ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo

passato amataṃ padaṃ.

(dhp 114)

*

Thích văn:

amataṃ [đối cách số ít trung tính của hợp thể danh từ amata (na + mata)] bất tử, bất diệt, sự không chết.

padaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính pada] bước chân; nền tảng; vị thế; trạng thái.

*

Việt văn:

Người sống cả trăm năm

không thấy pháp bất tử

sống một ngày tốt hơn

nếu thấy pháp bất tử.

(pc 114)

*

Chuyển văn:

Yo ca amataṃ padaṃ apassaṃ vassasataṃ jīve amataṃ padaṃ passato ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo.

So với người sống cả trăm năm mà không chứng ngộ pháp bất tử thì đời sống một ngày của người chứng ngộ pháp bất tử vẫn tốt hơn.

*

Lý giải:

Amataṃ padaṃ _ pháp bất tử hay trạng thái bất tử, là níp bàn. Níp bàn được gọi là trạng thái bất tử vì níp bàn không có sanh không có diệt; không già, bệnh, chết.

Bài kệ nầy đức Phật biết được tư tưởng của tỳ kheo ni đang suy tư về sự mỏng manh của mạng sống giống như ngọn đèn leo lét không biết sẽ tắt lúc nào, so sánh với níp bàn là trạng thái bất tử, nên đức Phật hiện ra và thuyết bài kệ khích lệ tỳ kheo ni lấy trạng thái bất tử làm chủ đề.

Người sống thời gian ngắn ngủi chỉ một ngày mà giác ngộ được trạng thái bất tử cũng tốt hơn là sống lâu trăm tuổi mà không chứng ngộ níp bàn. Vì sao vậy? Vì luân hồi là khổ, người giác ngộ pháp bất tử là chứng níp bàn chấm dứt khổ luân hồi, dù chỉ sống được một ngày mà đánh đổi được cuộc đời cả trăm năm nhưng khổ triền miên, thế vẫn tốt hơn.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc