Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm Ngàn (Sahassavagga) _ Kệ số 14 (dhp 113)

Chủ nhật, 19/02/2023, 07:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 19.2.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

VIII. Phẩm Ngàn _ Kệ số 14 (dhp 113)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại Jetavana ở Sāvatthi, vì câu chuyện tỳ kheo ni Paṭācāra.

Tương truyền, nàng Paṭācāra là tiểu thơ con nhà trưởng giả, trong nhà có cha mẹ và một người anh trai. Khi đến tuổi trưởng thành nàng có tình cảm với một nam gia nhân, cả hai trốn đi biệt xứ để xây tổ ấm.

Khi nàng mang thai đứa con đầu lòng nàng trốn chồng để về nhà cha mẹ ruột mà sanh nở, người chồng của nàng đuổi theo gặp nàng giữa đường và nàng hạ sanh đứa con trai. Chồng nàng đưa mẹ con trở lại nhà.

Lần thứ hai nàng lại mang thai và trốn chồng con nhỏ đi về nhà cha mẹ. Người chồng đuổi theo và bắt kịp nhưng lúc đó trời mưa bão mà nàng chuyển dạ, chồng nàng đi vào rừng tìm cây lá rừng để tạo một cái chòi cho nàng ở sanh con, nhưng rủi ro bị rắn cắn chết. Nàng chuyển dạ sanh con lúc chờ chồng. Suốt đêm ấy nàng vượt qua lạnh giá, sáng hôm sau lần tìm chồng trong rừng thì thấy xác chồng.

Nàng Paṭācāra gạt lệ sầu thương bồng bế hai con hồi hương, nhưng khổ thay, đến một dòng sông nàng bế con nhỏ lội qua và đặt nó trên bờ rồi quay lại để đưa con lớn qua sông, nào ngờ khi nàng đang lội giữa sông thì thấy bên kia một con diều hâu xà xuống bắt lấy đứa bé sơ sinh, nàng la lên và vẩy tay đuổi, bên nầy đứa con lớn tưởng mẹ gọi nên nhảy xuống sông bị nước cuốn. Nàng Paṭācāra hoảng loạn tinh thần vì chỉ trong thời gian ngắn mà nàng đã mất ba người thân: chồng bị rắn cắn chết, một đứa con bị diều hâu tha, một đứa con bị nước sông nhận chìm. Nàng khóc thét nức nở tưởng chừng muốn chết theo chồng con.

Rồi nàng thất tha thất thểu tìm đường về nhà cha mẹ. Khi về gần tới thành Sāvatthi nàng gặp một người láng giềng mới hỏi thăm về gia đình ông trưởng giả cha mẹ mình thì người ấy báo tin là hôm qua mưa bão làm sập nhà ông trưởng giả cả ông bà và cậu con trai đều chết.

Nghe vậy, nàng Paṭācāra phát điên, cuồng tâm loạn trí, nàng cởi bỏ y phục đứng trần truồng giữa đường mà kêu gào thãm thiết… rồi nàng chạy đi như một con điên.

Đức Phật ngự tại chùa Jetavana và đang thuyết pháp cho hội chúng nghe. Ngài thấy nàng Paṭācārā đang đi đến, biết nàng có duyên lành ba la mật đã tròn đủ nên Ngài bảo hội chúng đừng cản ngăn nàng. Khi nàng đến gần, Ngài phán: “Hỡi Paṭācārā, hãy tỉnh trí!” tức thời nàng bình tâm tỉnh trí như một người thường. Nàng hỗ thẹn với thân loã lồ, một người ném cho nàng một tấm choàng, nàng quấn kín mình rồi thủ phục dưới chân bậc Đạo Sư và xin Ngài tế độ cho nàng, nàng đã quá khổ: chồng con chết, cha mẹ và cả người anh trai cũng chết, không còn người thân nương tựa.

Đức Phật dạy: “Nầy Paṭācārā, trải qua cuộc luân hồi sanh tử, con đã từng khóc chồng, khóc con, khóc cha mẹ, khóc anh em… nước mắt khóc người thân ấy nhiều hơn nước bốn biển …” Nghe đức Phật thuyết về khổ luân hồi, nàng Paṭācārā vơi bớt nổi sầu, đức Phật lại nói thêm ý nghĩa: “Một khi tử thần đến, không có nơi nương tựa, dù là con cái hay cha mẹ, hay bà con quyến thuộc cũng không là chỗ nương tựa cho mình được. Hiểu biết điều đó, bậc trí phòng hộ giới, làm thanh tịnh con đường đạt đến níp bàn”.

Cuối thời pháp, nàng Paṭācārā chứng quả dự lưu và xin đức Thế Tôn cho nàng xuất gia tỳ kheo ni. Đức Thế Tôn bảo chư tỳ kheo ni truyền cụ túc giới cho nàng Paṭācārā.

Rồi một hôm tỳ kheo ni Paṭācārā cầm bình múc nước rữa chân, nước trôi xuống và thấm vào đất nhanh chóng. ni Paṭācārā quán xét sự vô thường sanh diệt của danh sắc.

Đức Phật ngự trong hương thất, Ngài biết được tư tưởng của ni Paṭācārā, Ngài thị hiện thần thông như đứng trước mặt tỳ kheo ni nầy và thuyết về sự thấy pháp sanh diệt dù sống một ngày cũng quí hơn sống cả trăm năm mà không thấy pháp sanh diệt. Rồi Ngài nói lên bài kệ: “Yo ca vassasataṃ jīve … passato udayabbayan ’ti”.

Dứt bài kệ, tỳ kheo ni đắc quả A la hán với bốn tuệ đạt thông.

*

Chánh văn:

Yo ca vassataṃ jīve

apassaṃ udayabbayaṃ

ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo

passato udayabbayaṃ.

(dhp 113)

*

Thích văn:

apassaṃ [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ apassanta (na + passanta hiện tại phân từ)] không thấy, không tỏ ngộ.

udayabbayaṃ [đối cách số ít nam tính của hợp thể danh từ udayabbaya (udaya + vaya)] sự sanh và sự diệt, tánh sanh diệt.

passato [sở thuộc cách số ít nam tính của hiện tại phân từ passanta (căn dis: passa + nta)] đối với người thấy, của người tỏ ngộ.

*

Việt văn:

Người sống cả trăm năm

không ngộ tính sanh diệt

sống một ngày tốt hơn

nếu ngộ tính sanh diệt.

(pc 113)

*

Chuyển văn:

Yo ca udayabbayaṃ apassaṃ vassasataṃ jīve udayabbayaṃ passato ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo.

So với người sống cả trăm năm mà không tỏ ngộ tánh sanh diệt thì đời sống một ngày của người tỏ ngộ tánh sanh diệt vẫn tốt hơn.

*

Lý giải:

Ngộ tính sanh diệt nghĩa là tuệ quán thấy sự biến đổi vô thường của ngũ uẩn hay pháp hữu vi. Tức là thấy sự sanh của ngũ uẩn do duyên tập khởi (paccayasamudaya), thấy sự diệt của ngũ uẩn do duyên hoại diệt (paccayanirodha).

Hoặc, thấy hiện tướng sanh (nibbattilakkhanaṃ) của ngũ uẩn, và thấy hiện tướng diệt (vipariṇāmalakkhaṇaṃ) của ngũ uẩn.

Sắc uẩn diễn ra sinh, tiến, dị, diệt; thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, bốn danh uẩn nầy đồng sanh một sát na tâm diễn ra sinh trụ diệt, tiếp nối hoài hoài.

Bài kệ pháp cú nầy đức Phật thuyết để độ cho tỳ kheo ni Paṭācārā đắc A la hán, nên cần hiểu ý nghĩa sâu sắc:

Người có tuệ minh sát thấy được đặc tính vô thường sanh diệt của danh sắc hay ngũ uẩn rồi đoạn trừ phiền não chứng pháp siêu thế, chấm dứt khổ luân hồi, mạng sống của người ấy dù chỉ một ngày cũng tốt đẹp cao quí hơn người sống trăm năm mà không tỏ ngộ pháp sanh diệt để chứng níp bàn.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc