- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 29.12.2022
VII
PHẨM A LA HÁN
(arahantavagga)
VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 9 (dhp 98)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana, thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng lão Revata ở rừng keo gai.
Ngài Revata là em trai út của trưởng lão Sāriputta, mới bảy tuổi nên chưa xuất gia.
Mẹ của trưởng lão Sāriputta nghĩ rằng: “Con trai trưởng của ta đã dẫn dắt ba em gái là Cālā, Upacālā, Sīsūpacālā, và hai em trai là Cunda, Upasena đi tu cả rồi. Nay chỉ còn đứa út là Revata chưa đi tu. Gia sản nầy không thể không có người thừa tự, ta hãy tảo hôn cho con út để cột chân nó ở nhà”.
Bà Sāri bèn giạm hỏi một bé gái con nhà môn đăng hộ đối để cưới về cho con trai út.
Ngày cưới, gia đình cho Revata ăn mặc tươm tất dẫn qua nhà gái để làm lễ và rước dâu. Trong lúc làm lễ, quyến thuộc hai bên tề tựu đông đúc, người ta sắp xếp mời bà ngoại cô dâu cầm bình nước rưới lên tay đôi tân lang tân nương chúc phúc cho hai trẻ hạnh phúc và sống lâu.
Cậu bé Revata thấy bà lão 120 tuổi với thân hình xấu xí như vậy thì sanh tâm kinh cảm nghĩ rằng mình phải xuất gia theo các anh chị thôi.
Đã lập tâm thoát ly nên Revata trên đường rước dâu về nhà đã vờ bị chột bụng chốc chốc kêu ngừng xe…
Cuối cùng cậu bé bảo đoàn xe đưa cô dâu về trước, cậu ta sẽ về sau. Thừa dịp, cậu ta trốn đi sâu vào rừng, gặp chư tỳ kheo ẩn lâm bèn xin cho xuất gia. Chư tăng hỏi cậu là con cái nhà ai và có được cha mẹ cho phép xuất gia không?
Revata tự nhận là em trai út của trưởng lão Sāriputta. Vì trước đó chư tăng được trưởng lão Sāriputta nói tôi đã cho phép em út tôi xuất gia nếu nó có đến xin chư Tăng tiếp độ, tôi thay quyền cha mẹ. Bởi thế khi chư tỳ kheo nghe Revata nói là em trai út của trưởng lão Sāriputta thì các vị chấp nhận và làm lễ cho Revata thọ giới sa di.
Xuất gia xong sa di Revata xin thọ giáo đề mục thiền chỉ quán nơi thầy tế độ rồi đi sâu vào khu rừng Khadira (cây keo gai) để tu thiền, chỉ trong thời gian an cư kiết hạ, sa di Revata đã chứng đắc A la hán.
Đến ngày mãn hạ, trưởng lão Sāriputta xin phép đức Phật để đi thăm sư đệ Revata. Đức Thế Tôn bảo rằng Ngài cũng cùng đi thăm Revata.
Đức Phật dẫn đoàn chư tăng đi vào khu rừng Khadira. Chư thiên xây dựng 500 ngôi tịnh thất nóc nhọn và một ngôi tịnh thất trang trọng dành cho đức Phật, đồng thời tạo cảnh quang nơi trú xứ của sa di Revata thật ngoạn mục. Đức Phật và năm trăm tỳ kheo tuỳ tùng lưu lại ở đấy một tháng.
Trong đoàn tuỳ tùng của đức Phật có hai vị tỳ kheo già. Hai vị nầy được thấy chỗ ở của Ngài Revata được kiến trúc tiện nghi thì chỉ trích: “Vị sư nầy tưởng sống viễn ly nơi rừng vắng, nào đâu bận rộn chỉnh trang trú xứ như vầy thì làm sao rảnh để hành sa môn pháp”.
Ngày đức Thế tôn cùng chúng tỳ kheo từ giả trở về Sāvatthi, Ngài dùng thần thông khiến hai sư già ấy bỏ quên tư cụ trong am thất. Đi được vài ngày hai sư già nhớ ra đã bỏ quên tư cụ bèn trở lại khu rừng Khadira thì họ thấy cảnh rừng hoang vắng đáng sợ, đến địa điểm thì thấy tư cụ của họ treo trên cành cây.
Hai sư già ấy đuổi kịp đoàn tăng lữ cũng vừa về đến thành Sāvatthi.
Sáng hôm sau, hai sư già đắp y mang bát đến nhà tín nữ Visākhā để nhận thức ăn. Nữ thí chủ hỏi hai vị có đi theo bậc đạo sư đến viếng trú xứ của trưởng lão Revata không? Hai vị đáp: có đi theo. Nữ thí chủ hỏi tiếp: trú xứ của trưởng lão Revata có ngoạn mục không? Hai vị đáp: chỗ ấy âm u hoang vắng như trú xứ ngạ quỉ vậy.
Kế đó, có hai tỳ kheo trẻ cũng đến nhận thức ăn. Bà Visākhā hỏi thăm về chuyến đi như hỏi hai vị sư già. Các vị nầy phấn khởi kể lại cảnh đẹp thần tiên ở khu rừng Khadira.
Lát sau, đức Thế Tôn cùng chúng tỳ kheo đến nhà tín nữ Visākhā. Đức Thế Tôn ngự trên chỗ ngồi được sắp đặt, bà Visākhā đã dâng cúng vật thực đến đức Phật và chư Tăng; khi các Ngài dùng bữa xong, bà Visākhā đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch hỏi: “Bạch Thế tôn, trong số tỳ kheo đi với Ngài đến trú xứ của trưởng lão Revata, vài vị thì nói cảnh thật khả ái, vài vị thì nói cảnh hoang sơ gai góc. Cảnh đó ra sao?”.
Đức Phật đáp: “Này tín nữ, các vị A la hán trú ngụ chỗ nào, dù làng mạc hay rừng rú, chỗ ấy cũng là cảnh khả ái”. Rồi Đức Phật nói lên bài kệ: “Gāme vā yadi vā ’raññe … taṃ bhūmiṃ rāmaṇeyyakan ’ti”.
*
Chánh văn:
Gāme vā yadi vā ’raññe
ninne vā yadi vā thale
yattha arahanto viharanti
taṃ bhūmiṃ rāmaṇeyyakaṃ.
(dhp 98)
*
Thích văn:
gāme [định sở cách số ít của danh từ nam tính gāma] thôn xóm, làng mạc
vā yadi vā [thành ngữ liên từ] cho dù là, hoặc giả là.
’raññe [lược âm araññe. Định sở cách số ít của danh từ trung tính arañña] trong khu rừng.
ninne [định sở cách số ít của danh từ trung tính ninna] thung lũng, đồng bằng, chỗ đất trũng.
thale [định sở cách số ít của danh từ trung tính thala] cao nguyên, đồi cao, chỗ đất gò.
yattha [trạng từ] chỗ nào, bất cứ ở đâu.
arahanto [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính arahanta] các bậc A la hán, những bậc ưng cúng.
viharanti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều (vi + căn har + a) trú ngụ, ở.
taṃ [chủ cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ ta] ấy, cái ấy.
bhūmiṃ [chủ cách số ít của danh từ bhūmi (nữ tính hoặc có thể trung tính)] vùng đất, lãnh thổ, miền.
rāmaṇeyyakaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ rāmeyyaka (căn ram + ṇeyya + ka)] đáng yêu, khả ái, ngoạn mục.
*
Việt văn:
Làng mạc hay rừng rú
thung lũng hay đồi cao
ứng cúng trú chỗ nào
đất ấy thật khả ái.
(pc 98)
*
Chuyển văn:
Gāme vā yadi araññe vā ninne vā yadi thale vā yattha arahanto viharanti taṃ bhūmiṃ rāmaṇeyyakaṃ.
Dù ở xóm làng hay rừng rú, ở đồng bằng hay cao nguyên, các bậc A la hán trú ngụ ở nơi nào thì miền đất ấy cũng khả ái.
*
Lý giải:
Đối với phàm phu thì khuynh hướng nội tâm khác nhau; có người thích cảnh rừng, cảnh núi thì cho là rừng núi phong cảnh ngoạn mục; có người thích đồng bằng sông nước thì cho là miền quê sông nước phong cảnh hữu tình ..v.v..
Các bậc A la hán phiền não đã đoạn tận, tâm các ngài luôn an tịnh viễn ly nên dù trú ngụ ở nơi nào, chỗ ấy cũng đều là cảnh ngoạn mục; cảnh yên bình bởi tâm an bình, dù là nơi thôn xóm hay rừng núi.
Tín nữ Visākhā đã hỏi những tỳ kheo phàm phu, hai vị trẻ thì nói nơi ấy đẹp như cảnh thần tiên, hai vị sư già thì nói nơi ấy như cảnh ngạ quỉ. Bởi khi đức Phật và chư Tăng đến, chư thiên kiến tạo chỗ ngụ cho đức Phật và chư Tăng cảnh rất ngoạn mục; khi hai sư già trở lại lấy tư cụ bỏ quên thì các tịnh thất đã biến mất nên họ thấy cảnh hoang vắng tối tăm. Cảnh đẹp hay cảnh xấu đối với phàm phu nhận thức do thị hiếu thị dục thôi. Lúc tín nữ Visākhā hỏi đức Phật thì Ngài đã trả lời bằng bài kệ trên.
Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn