Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VII. Phẩm Alahán (arahantavagga) _ Kệ số 7 (dhp 96)

Thứ sáu, 23/12/2022, 08:02 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 23.12.2022


VII

PHẨM A LA HÁN

(arahantavagga)

VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 7 (dhp 96)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết ở Jetavana gần thành Sāvatthi nhân câu chuyện vị sa di đệ tử của Trưởng lão Tissa.

Trưởng lão Tissa an cư mùa mưa tại thành Kosambi. Khi mãn hạ có gia đình cư sĩ hộ độ của trưởng lão dắt đứa bé bảy tuổi để làm thị giả cho trưởng lão.

Trưởng lão nhận đứa bé và cho tu sa di. Lúc trưởng lão cạo tóc cho cậu bé và nhắc đề mục thể trược tóc, lông, móng, răng, da; da, răng, móng, lông, tóc … Vừa khi cạo tóc xong thì cậu bé đã chứng đắc quả A la hán, sau đó trưởng lão truyền giới sa di cho cậu bé. Trưởng lão Tissa là phàm nhân không hay biết vị sa di đệ tử mình là bậc lậu tận A la hán.

Nán lại Kosambi nữa tháng, trưởng lão Tissa dẫn vị sa di đi vân du và có ý định đến thành Sāvatthi, chùa Jetavana, để đảnh lễ bậc Đạo Sư.

Thời ấy, đức Thế tôn đã ban hành luật cấm vị tỳ kheo không ngủ chung với sa di quá hai ba đêm. Vì thế, trên đường đi đến tối hai thầy trò ghé lại những điểm dừng chân để ngủ qua đêm, bởi không có cốc riêng cho vị sa di nên trưởng lão cho phép sa di đệ tử ngủ chung một trú xứ.

Đến một ngôi chùa nọ, vào đêm thứ ba hai thầy trò cũng ngủ chung một trú xứ, vị sa di nghĩ rằng đêm thứ ba ta nên giữ oai nghi ngồi để thầy không phạm tội. Vị sa di ngồi trú thiền bên cạnh thầy suốt đêm. Trưởng lão Tissa vì là phàm nhân nên nằm xuống đã ngủ say đến canh ba thức giấc tính gọi sa di thức dậy đi ra ngoài, cầm quạt đánh thức vị sa di nào ngờ đầu cán quạt quơ trúng mắt của vị sa di.

Vị sa di là bậc Lậu tận nên điềm tỉnh không la khóc, chỉ lên tiếng cho thầy biết mình đã thức, rồi bước ra khỏi phòng.

Sáng ra, vị sa di vẫn làm phận sự quét phòng, lấy nước rữa mặt cho thầy, dâng nước uống cho thầy … chỉ làm một tay, tay kia che mắt. Trưởng lão thấy thế hỏi sa di mắt của ngươi bị sao? Vị sa di điềm nhiên nói cho thầy biết con mắt bị thương do cán quạt của thầy quơ trúng. Vị trưởng lão xem xét mắt của sa di thấy nghiêm trọng nên hoảng hốt, và thái độ điềm tỉnh của người đệ tử trẻ tuổi khiến vị trưởng lão xúc động, hối hận, liền xin lỗi vị sa di.

Vị sa di an ủi thầy: Ngài đừng khổ tâm. Đây không phải lỗi của Ngài, cũng không phải lỗi của con, lỗi là lỗi luân hồi thôi.

Sau đó, thầy trò lên đường và đến Jetavana thành Sāvatthi. Trưởng lão Tissa vào đảnh lễ đức Phật. Đức Phật tiếp chuyện hỏi thăm sức khoẻ và sự an vui có chăng? Trưởng lão bạch với đức Phật sự kiện xảy ra đối với vị sa di đệ tử, nhưng vị sa di ấy rất điềm tỉnh bình thản không một lời than khóc hay trách móc thầy mà còn an ủi nữa, khiến cho mình hối hận ray rức.

Đức Phật nghe Trưởng lão Tissa nói xong, Ngài bảo: các bậc lậu tận thì không có phẫn nộ, không sân hận, có các căn an tịnh, tâm ý an tịnh.

Rồi đức Thế tôn nói lên bài kệ: “Santaṃ tassa manaṃ hoti … upasantassa tādino ’ti”.

Khi pháp thoại chấm dứt, trưởng lão Tissa Kosambi đắc quả A la hán với tứ tuệ đạt thông.

*

Chánh văn:

Santaṃ tassa manaṃ hoti

santā vācā ca kamma ca

sammadaññāvimuttassa

upasantassa tādino.

(dhp 96)

*

Thích văn:

santaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ santa (quá khứ phân từ căn sam + ta)] an tịnh, tĩnh lặng.

tassa [sở thuộc cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ ta] của vị ấy, của người ấy, đối với người ấy.

manaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính mana (dị biệt ngữ)] ý, tâm tư.

hoti [động từ hiện tại ngôi III số ít, căn hū] là, có, thành. Ở đây hoti chỉ dùng làm trợ động từ, không có ý nghĩa.

santā [chủ cách số ít nữ tính của tính từ santa. Santa đi theo danh từ tính nào thì nó mang tính ấy, như santaṃ manaṃ, santaṃ kammaṃ, santā vācā …)

kamma [kammaṃ_chủ cách số ít của danh từ trung tính kamma] hành động, việc làm.

sammadaññāvimuttassa [sở thuộc cách số ít của danh từ hợp thể sammadaññāvimutta (sammā + d + aññā + vimutta)] đối với người đã giải thoát nhờ chánh trí.

upasantassa [sở thuộc cách số ít của tính từ upasanta (quá khứ phân từ upa + căn sam)] tĩnh lặng, tịch tịnh.

tādino [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ tādī] đối với người như thế, vị có đức tính như vậy.

*

Việt văn:

Có tâm ý an tịnh

lời, hành vi an tịnh

người ấy bậc tịch tịnh

bậc chánh trí giải thoát.

(pc 96)

*

Chuyển văn:

Sammā aññāya vimuttassa upasantassa tādino tassa manaṃ santaṃ hoti vācā ca saṇtā kammaṃ ca santaṃ.

Đối với bậc giải thoát do chánh trí, là bậc tịnh lạc, tâm ý của người như vậy được an tịnh, lời nói an tịnh, hành vi an tịnh.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết, mô tả phong cách của vị A la hán. Nói rõ hơn, đức Phật đã giải thích cho trưởng lão Tissa ở Kosambi biết vị sa di trẻ thị giả của trưởng lão là người như thế nào mà khi bị thầy đánh nhầm cán quạt vào mắt đau đớn vẫn điềm nhiên, không lời trách móc hay than khóc. Vị sa di ấy là bậc tịnh lạc đã giải thoát với chánh trí.

Bậc A la hán là bậc đã giải thoát nhờ chánh trí, tức là do thánh đạo tuệ và thánh quả tuệ sanh khởi tỏ ngộ níp bàn, liễu tri tứ đế.

Bậc A la hán là bậc tịch tịnh (upasanta) tức là bậc thánh do đoạn trừ tất cả phiền não nên tâm vắng lặng, tịch tịnh mọi não phiền.

Đối với bậc đã chánh trí giải thoát, tâm tịch tịnh như thế thì ý nghĩ, lời nói và hành vi đều an tịnh.

Ý an tịnh (santaṃ manaṃ) là tư tưởng trong sạch, không tham lam, không sân hận, không si mê ..v.v..

Lời nói an tịnh (santā vācā) là không nói lời sân hận phẫn nộ dù bị người mắng chửi, gây thương tích ..v.v..

Hành vi an tịnh (santaṃ kammaṃ) là cử chỉ, hành động luôn bình tĩnh không đánh trả, không gây thương tổn cho ai.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc