Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VII. Phẩm Alahán (arahantavagga) _ Kệ số 6 (dhp 95)

Chủ nhật, 18/12/2022, 08:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 18.12.2022


VII

PHẨM A LA HÁN

(arahantavagga)

VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 6 (dhp 95)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại chùa Jetavana, thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng lão Sāriptutta.

Sau khi mãn an cư, tôn giả Sāriputta đến đảnh lễ đức Thế tôn và xin phép đi vân du cùng với chúng tỳ kheo là tuỳ tùng.

Trong chúng tỳ kheo tuỳ tùng ấy có một tỳ kheo mang hiềm khích với trưởng lão Sāriptutta vì trưởng lão không biết tên họ của tỳ kheo ấy nên không nói chuyện hoặc nói trỏng không kêu đích danh. Lúc Trưởng lão mặc y để ra đi vô tình khoác chéo y trúng nhằm tỳ kheo ấy.

Đã có hiềm khích, nhân sự việc nầy tỳ kheo ấy đi đến đức Thế Tôn và mách: “Bạch Thế tôn, trưởng lão Sāriputta ỷ mình là bậc thượng thủ thinh văn, đã đánh con rồi đi vân du, không nói lời sám hối”.

Đức Phật liền cho một tỳ kheo khác đi mời trưởng lão Sāriputta trở lại để Ngài phân xử.

Tôn giả Moggallāna và tôn giả Ānanda bèn tập họp chư tỳ kheo lại giảng đường và nói: “Quí vị hãy đến! hôm nay trưởng lão Sāriputta sẽ rống tiếng rống sư tử”.

Trưởng lão Sāriputta trở lại và đến trước mặt đức Thế tôn đảnh lễ Thế tôn, Ngài hỏi trưởng lão: “Vị tỳ kheo nầy nói ông đã đánh y mà không xin lỗi, có thật vậy chăng?”.

Trưởng lão Sāriptutta không trả lời có hay không có đánh tỳ kheo ấy, mà chỉ nói lên pháp an trú:

“Bạch Thế Tôn, chỉ có người không thấy được thân ô trược mới có hành vi xuất phạm đến người khác và bỏ đi không xin lỗi”.

“Tâm của con an trú như đất không biết vui hay giận khi người ta đổ lên những đồ sạch hoặc dơ”.

“Tâm của con an trú như nước không biết vui hay giận khi người ta dùng để rửa đồ sạch hoặc dơ”.

“Tâm của con an trú như lửa không biết vui hay giận khi người ta dùng để đốt đồ sạch hoặc dơ”.

“Tâm của con an trú như gió không biết vui hay giận khi thổi qua chỗ sạch hay chỗ dơ”.

“Con trú tâm không vui không giận vì tự ví mình như giẻ rách, ví mình như kẻ giai cấp cùng đinh, ví mình như con bò tót đã cưa sừng. Người thấy mình như giẻ rách, như kẻ cùng đinh, như con bò bị cưa sừng thì sao lại kiêu căng, hung hãn và nghĩ tới việc xúc phạm người khác rồi bỏ đi không xin lỗi chứ !”

Khi trưởng lão Sāriputta rống lên tiếng rống con sư tử như vậy thì vị tỳ kheo kia xúc động, toàn thân nóng ran, hối hận tột độ. Vị ấy đắp y bên vai trái đảnh lễ đức Phật và phát lộ lỗi lầm đã ngu si xuyên tạc tôn giả Sāriputta. Rồi xin trưởng lão Sāriputta hãy tha thứ cho.

Đức Phật với trưởng lão Sāriputta hãy tha thứ cho kẻ ngu si nầy trước khi cái đầu của nó bị bể làm bảy mảnh.

Trưởng lão Sāriputta chấp nhận tha thứ cho tỳ kheo ấy và cũng xin lỗi vị ấy nếu đã xúc phạm.

Chư Tăng bàn luận về đức độ của trưởng lão Sāriputta, đã không giận kẻ bịa chuyện vu cáo mình, lại hạ mình xin lỗi người ấy nữa.

Đức Phật nghe chuyện, Ngài dạy rằng:

“Này chư tỳ kheo, người như Sāriputta không ai có thể làm cho sanh tâm sân giận. Tâm của Sāriputta bình thản như mặt đất, kiên cố như cột trấn của chư thiên, thanh như nước ao không vấy bùn”.

Rồi đức Phật nói lên bài kệ: “Paṭhavīsamo no virujjhati … saṃsārā na bhavanti tādino ’ti”.

*

Chánh văn:

Paṭhavīsamo no virujjhati

indakhīlūpamo tādi subbato

rahado ’va apetakaddamo

saṃsārā na bhavanti tādino.

(dhp 95)

*

Thích văn:

paṭhavīsamo [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ paṭhavīsama (paṭhavī + sama)] giống như mặt đất, như là mặt đất.

no [phân từ phủ định. Đồng nghĩa với phân từ “na”] không, không phải.

virujjhati [động từ hiện tại ngôi III, số ít (vi + căn rudh + ya)] hiềm hận, thù hận, đối địch.

indakhīlūpamo [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ indakhīlūpama (indakhīla + upama)] thí dụ như trụ kình thiên, như cột chống trời.

tādi [= tādī. Chủ cách số ít nam tính của tính từ tādī] người như thế, có đức tính như vậy.

subbato [chủ cách số ít nam tính của tính từ subbata (su + vata)] hạnh kiểm tốt, đức hạnh; người có phẩm hạnh hoàn hảo.

rahado ’va [hợp âm rahado iva]

radaho [chủ cách số ít của danh từ nam tính radaha] ao, hồ nước.

iva [bất biến từ] ví như, như là.

apetakaddamo [chủ cách số ít của hợp thể tính từ apetakaddama (apeta + kaddama)] bùn lắng, không có bùn nhơ, trong trẻo.

saṃsārā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính saṃsāra] những kiếp luân hồi, các dòng chuyển sanh.

na [phân từ phủ định] không.

bhavanti [động từ hiện tại ngôi III số ít bhavati (căn bhū + a)] là, trở thành, có. “na bhavati: không có”.

tādino [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ tādī] của người như thế, đối với người như vậy.

*

Việt văn:

Như đất không hiềm hận

như trụ chấn kiên cường

như hồ không bẩn đục

vị ấy không luân hồi.

(pc 95)

*

Chuyển văn:

Tādi subbato paṭhavīsamo no virujjhati indakhīlūpamo rahado iva apetakaddamo. Tādino saṃsārā na bhavanti.

Bậc có hạnh kiểm tốt không hiềm hận giống như mặt đất, kiên cường như cột chấn thiên, trong veo như hồ nước lắng bùn. Đối với bậc như thế không có sự luân hồi.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết cũng là mô tả phẩm cách của vị A la hán. Nhân việc tôn giả Sāriputta bị một tỳ kheo vu oan cho Ngài đã đánh y mà không xin lỗi; Tôn giả Sāriputta trước mặt đức Thế tôn và tỳ kheo ấy, tôn giả không tức giận mà chỉ nói lên trạng thái tâm an trú của một người khéo tu tập.

Đức Phật mới thuyết rằng: Bậc có hạnh kiểm tốt tâm an trú như mặt đất không hiềm hận, không tức giận người đã vu oan mình. Quả thật vậy, mặt đất dù bị người ta đổ lên những thứ dơ bẩn, bất tịnh, mặt đất cũng không tức tối, trách phiền.

Đức Phật cũng thuyết thêm: Tâm của bậc A la hán không giao động, kiên cố, vững chắc như thạch trụ ngọ môn thành.

Lại nữa, tâm bậc A la hán trong sáng, không bẩn đục bởi phiền não, tựa như hồ nước sâu thẳm không bị khuấy bùn.

Đối với bậc đức hạnh như thế thì sáu nẻo luân hồi (trời, người, địa ngục, ngạ quỉ, Atula và súc sanh) không có nữa.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc