Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VII. Phẩm Alahán (arahantavagga) _ Kệ số 4 (dhp 93)

Chủ nhật, 11/12/2022, 08:55 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 11.12.2022


VII

PHẨM A LA HÁN

(arahantavagga)

VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 4 (dhp 93)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật đã thuyết tại Rājagaha khi Ngài trú ở tịnh xá Veḷuvana, nhân câu chuyện của trưởng lão Anuruddha.

Trưởng lão Anuruddha có y đã cũ rách (jiṇṇacīvaro). Nên vào một ngày, trưởng lão tìm vải trong những đống rác để may y.

Thiên nữ Jālinī ở cung trời Đao-lợi thấy trưởng lão đang tìm những mảnh vải, nghĩ rằng: nếu trực tiếp dâng cúng vải cho trưởng lão, Ngài sẽ không nhận. Nên thiên nữ ấy lấy ba xấp vải đặt trên ba đống rác như đồ quăng bỏ, trước khi trưởng lão đến tìm vải phấn tảo.

Trưởng lão Anuruddha đến nơi các đống rác thấy được vải, Ngài nhặt lấy với ý nghĩ: “đây là vải phấn tảo”, rồi đi về.

Ngày may y cho Trưởng lão Anuruddha có đức Phật và tám vị đại thinh văn cùng phụ giúp.

Vị thiên nữ đi vào trong làng và kêu gọi dân chúng: “Quí vị ơi, đức Đạo Sư có tám mươi vị đại thinh văn tuỳ tùng đang may y cho Ngài trưởng lão Anuruddha của chúng ta, Các Ngài đang ngự trong tịnh xá với khoảng 500 vị tỳ kheo, quí vị hãy mang thức ăn cơm hoặc cháo đến tịnh xá để cúng dường đức Thế tôn và chư tăng”.

Thế là mọi người lũ lượt đến chùa mang theo thức ăn cúng dường. Vật thực nhiều đến nỗi chư Tăng dùng không hết, còn dư lại đổ thành một đống lớn.

Các vị tỳ kheo phàm nhân không hiểu chuyện, có lời bàn tán rằng: “Có lẽ Trưởng lão Anuruddha muốn tỏ ra mình có nhiều thân quyến hộ độ nên kêu gọi mọi người đem vật thực đến nhiều như vậy!”.

Đức Phật nghe các tỳ kheo nói vậy, Ngài đã phán bảo: “không phải do con trai ta, Anuruddha, kêu họ đem vật thực đâu! đây là một thiên nữ kêu gọi dân làng đấy. Không bao giờ các bậc Lậu tận nói chuyện liên quan vật thực”.

Rồi đức Thế tôn nói lên bài kệ: “Yass’ āsavā parikkhīṇā … padantassa durannayaṃ ’ti”.

*

Chánh văn:

Yassāsavā parikkhīṇā

āhāre ca anissito

suññato animitto ca

vimokkho yassa gocaro

ākāse ’va sakuntānaṃ

padaṃ tassa durannayaṃ.

(dhp 93)

*

Thích văn:

yassāsavā [hợp âm yassa āsavā]

yassa [sở thuộc cách số ít, nam tính của quan hệ đại từ ya] của người nào, đối với người nào.

āsavā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính āsava] các lậu hoặc, các phiền não trầm luân.

parikkhīṇā [chủ cách số nhiều nam tính của tính từ parikkhīṇa (quá khứ phân từ của động từ parikkhīyati)] đã cạn kiệt, đã tận diệt, được đoạn tận.

āhāre [định sở cách số ít của danh từ nam tính āhāra] trong thức ăn, về thức ăn, đối với vật thực.

anissito [chủ cách số ít nam tính của tính từ anissita (na nissita)] không bị lệ thuộc, nương nơi, ỷ vào.

tassa [sở thuộc cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ “ta”] của người ấy, của vị ấy.

padaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính pada] dấu chân, chỗ đứng.

durannayaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ durannaya] khó tìm, không thể hiển thị, không thể thấy biết.

*

Việt văn:

Ai lậu hoặc diệt tận

không lệ thuộc thức ăn

có hành xứ giải thoát

không tánh và vô tướng

như chim trên bầu trời

dấu chân không thể tìm.

(pc 93)

*

Chuyển văn:

Yassa āsavā parikkhīṇā āhāre ca anissito yassa gocaro suññato animitto ca vimokkho, tassa padaṃ ākāse sakuntāṇaṃ iva durannayaṃ.

Đối với người mà các lậu hoặc đã tận diệt, sống không lệ thuộc đồ ăn, đối với người có hành xứ là không tánh giải thoát, vô tướng giải thoát (và, vô nguyện giải thoát), dấu chân của người ấy không thể tìm thấy như dấu vết của loài chim trên bầu trời.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật cũng mô tả về hành trạng của vị A la hán.

Vị A la hán là người mà các lậu hoặc, như dục lậu (kāmāsava), hữu lậu (bhavāsava), kiến lậu (diṭṭhāsava), vô minh lậu (avijjāsava), đã bị diệt tận. Nên gọi là bậc lậu tận (khīṇāsavo).

Vị A la hán không còn lệ thuộc đồ ăn, tức là vị ấy không còn nghĩ tưởng hay ham muốn về thức ăn thức uống, ngon hay dở, nhiều hay ít ..v.v.. Trong bài kệ đức Phật nói điều nầy là vì liên quan đến Ngài Anuruddha bị các tỳ kheo bêu xấu là Ngài kêu gọi cư sĩ cúng nhiều thức ăn.

Vị A la hán có hành xứ (gocara) là không tánh giải thoát (suññatāvimokkha), vô tướng giải thoát (animittavimokkha) và vô nguyện giải thoát (appaṇihitavimokkha), điểm nầy có ý nghĩa giống như ở bài kệ trước (dhp 92).

Vị A la hán vô dư y níp bàn thì không thể tìm thấy dấu vết tái sanh như loài chim bay đi trong hư không, không thể thấy được dấu chân của chúng.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc