Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VII. Phẩm Alahán (arahantavagga) _ Kệ số 3 (dhp 92)

Thứ năm, 08/12/2022, 09:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 8.12.2022


VII

PHẨM A LA HÁN

(arahantavagga)

VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 3 (dhp 92)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại chùa Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng lão Belaṭṭhasīsa, thầy tế độ của Tôn giả Ānanda.

Tương truyền, trưởng lão Belaṭṭhasīsa muốn dành thời gian an trú lạc thiền định, không bận rộn với việc đi khất thực mỗi ngày, nên trưỡng lão đi khất thực một ngày rồi lấy cơm phơi khô để dành ăn trong vài ngày.

Các tỳ kheo thấy Trưỡng lão Belaṭṭhasīsa vài ngày mới đi khất thực một lần, bèn hỏi trưỡng lão làm sao sống được?

Trưỡng lão trả lời các tỳ kheo việc Ngài đã phơi cơm khô rồi mỗi ngày ngâm nước mà ăn để khỏi phải mất thời gian đi khất thực.

Chư tỳ kheo đã đem sự việc ấy bạch với đức Phật.

Đức Phật nhân sự việc nầy đã ban hành điều học: “vị tỳ kheo nào thọ dùng vật thực được dự trữ, phạm tội ưng đối trị (điều 38, phẩm thứ tư)”. Ngài cũng giải thích cho chư tỳ kheo rằng: Trưởng lão Belaṭṭhasīsa không phạm tội vì vị ấy sống hạnh thiểu dục tri túc, và vì hành động khi học giới chưa được ban hành.

Kế đó, đức Thế tôn thuyết pháp và nói lên bài kệ nầy: “Yesaṃ sannicayo natthi … gati tesaṃ durannayā’ ti”.

*

Chánh văn:

Yesaṃ sannicayo natthi

ye pariññātabhojanā

suññato animitto ca

vimokkho yesaṃ gocaro

ākāse ’va sakuntānaṃ

gati tesaṃ durannayā.

(dhp 92)

*

Thích văn:

yesaṃ [sở thuộc cách số nhiều của quan hệ đại từ ya] của những ai, đối với những người nào.

sannicayo [chủ cách số ít của danh từ nam tính sannicaya] sự tích trữ, sự chất chứa.

natthi [na + atthi (động từ ngôi III số ít)] không có.

ye [chủ cách số nhiều của quan hệ đại từ ya] những ai, những người nào.

pariññātabhojanā [chủ cách số nhiều của hợp thể tính từ pariññātabhojana (pariññāta + bhojana)] ẩm thực quán tri, những người biết rõ về vật thực.

suññato [chủ cách số ít nam tính của tính từ suññata] tánh không, tính chất rỗng, trống rỗng.

animitto [chủ cách số ít nam tính của tính từ animitta (a + nimitta)] vô tướng, không dấu hiệu.

vimokkho [chủ cách số ít của danh từ nam tính vimokkha (vi + mokkha)] sự giải thoát.

gocaro [chủ cách số ít của danh từ nam tính gocara] đồng cỏ; cảnh vãng lai, hành xứ, cảnh giới.

ākāse ’va [hợp âm ākāse iva]

ākāse [định sở cách số ít của danh từ nam tính ākāsa] trên hư không, trên không trung, trên bầu trời.

iva [bất biến từ tỷ giảo] ví như, như là.

sakuntānaṃ [sở thuộc cách sốp nhiều của danh từ nam tính sakunta] của những con chim, của loài chim.

gati [chủ cách số ít của danh từ nữ tính gati (căn gam + ti)] đường đi, lộ trình; sanh thú, chỗ đi đến.

durannayā [chủ cách số ít nữ tính của hợp thể tính từ durannaya (du + annaya)] khó tìm, không thể hiển thị, không thể thấy biết.

*

Việt văn:

Những ai không tích trữ

ẩm thực biết quán tri

có hành xứ giải thoát

không tánh và vô tướng

như chim trên bầu trời

đường đi không thể tìm.

(pc 92)

*

Chuyển văn:

Yesaṃ sannicayo natthi, ye pariññātabhojanā, yesaṃ gocaro suññato animitto ca vimokkho, tesaṃ gati ākāse sukuntānaṃ iva durannayā.

Đối với ai không có sự tích trữ, những ai quán tri vật thực, đối với người có hành xứ là không tánh giải thoát, vô tướng giải thoát (và, vô nguyện giải thoát), đối với những người ấy hướng đi không thể tìm thấy như lộ trình của loài chim trên bầu trời.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật ám chỉ trạng thái bậc A la hán.

Đối với vị A la hán không có tích trữ nghiệp (kammasannicaya) và tích trữ vật dụng (paccayasannicaya), nghĩa là vị A la hán không còn tạo nghiệp thiện ác để cho quả dị thục nữa, và cũng không cất giữ bốn nhu yếu phẩm như y phục, thức ăn, sàng toạ, thuốc dùng chiều (đường, sữa, mật ong ..v.v..) vì đã ly tham.

Vị A la hán quán tri vật thực (pariññātabhojanā). Có ba cách quán tri (pariññā) là quán tri thường thức (ñātapariññā), quán tri suy diễn (tīraṇapariññā), quán tri đoạn trừ (pahānapariññā). Thức ăn quán tri thường thức, như là nhận biết vật thực chỉ là phương tiện duy trì mạng sống; Thức ăn quán tri suy diễn, như là tưởng nhờm gớm vật thực, bẩn thiểu do nhai nuốt, trữ trong dạ dày, trộn lẫn tiêu hoá, đào thải ra ngoài ..v.v..; Thức ăn quán tri đoạn trừ, tức là trí dẹp bỏ dục tham đối với đoàn thực. Vị A la hán quán tri vật thực theo ba cách ấy.

Hành xứ hay cảnh giới an trú (gocara) của bậc A la hán là ba thứ giải thoát: không tánh giải thoát (suññatavimokkha), vô tướng giải thoát (animittavimokkha) và vô nguyện giải thoát (appaṇihitavimokkha). Chứng níp bàn do quán vô ngã nên gọi là không tánh giải thoát; Chứng níp bàn do quán vô thường nên gọi là Vô tướng giải thoát; Chứng níp bàn do quán khổ não nên gọi là vô nguyện giải thoát. Ba sự giải thoát nầy là tên gọi cho níp bàn, theo phương tiện tuỳ quán của hành giả. Trong bài kệ vì giới hạn từ nên chỉ nêu có hai: suññato animitto ca_vimokkho yesaṃ gocaro.

Vị A la hán không còn tái sanh, sau khi vô dư y níp bàn thì các Ngài không có lộ trình luân hồi hay sanh thú (gati) có năm là: thiên giới, nhân giới, địa ngục, ngạ quỉ, Atula và bàng sanh. Không thể tìm thấy năm sanh thú đối với vị đã hoàn toàn chấm dứt sanh tử luân hồi, ví như lộ trình của loài chim trên hư không không để lại dấu vết.

Tuỳ theo duyên sự mà đức Phật thuyết kệ ngôn mô tả hành trạng của vị A la hán.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc