- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 4.12.2022
VII
PHẨM A LA HÁN
(arahantavagga)
VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 2 (dhp 91)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại chùa Veḷuvana ở gần thành Rājagaha, nhân duyên câu chuyện của Trưởng lão Mahākassapa.
Tương truyền, phần đông người dân thành Rājagaha là quyến thuộc của tôn giả Mahākassapa, nếu không phải là quyến thuộc thì cũng là đàn tín hộ dộ tôn giả. Mọi người đều tôn kính, trọng đãi Ngài Mahākassapa.
Có một lần, đức Phật nhập hạ ở Rājagaha, khi mãn hạ Ngài báo cho chư tỳ kheo biết: “Nữa tháng nữa ta sẽ đi vân du, chư tỳ kheo hãy giặt y nung bát của mình để cùng đi”. Chư tỳ kheo vâng lệnh chỉnh chu y bát của mình, tôn giả Mahākassapa cũng giặt y.
Vài vị tỳ kheo thấy tôn giả giặt y bèn nói với nhau: “Trưởng lão giặt y làm gì nhỉ! trước sau Trưởng lão cũng ở đây mà, vì trong ngoài thành Rājagaha dân chúng đều là quyến thuộc hoặc đàn tín của Trưởng lão thì làm sao Trưởng lão bỏ đi cho đành!”.
Ngày đức Phật dẫn chư tỳ khưu vân du, Trưởng lão Mahākassapa cùng tuỳ tùng cũng đi theo đức Phật.
Lúc khởi hành, Đức Thế Tôn đã suy nghĩ: “Cư dân tại thành Rājagaha phần lớn là cư sĩ hộ độ chư tăng hoặc là quyến thuộc của chư tăng , họ cần chỗ nương tinh thần, không thể để tịnh xá Veḷuvana trống không, vắng chư tăng. “Bậc đạo sư mới bảo tôn giả Mahākassapa và các tỳ kheo tuỳ tùng của tôn giả ở lại tịnh xá.
Những tỳ kheo trước đã nhạo báng, nay được dịp nói nữa: “chúng ta nói có sai đâu! Trưởng lão Mahākassapa dính mắc nơi nầy không rời đi được.
Đức Phật nghe chuyện ấy, Ngài nói với các tỳ kheo rằng: “Do ta bảo các vị ấy ở lại, là vị ấy vâng lời ta đó thôi! Đối với con trai ta, bậc lậu tận thì không có sự quyến luyến họ hàng, hay hội chúng, hay chỗ ở. Ví như chim thiên nga rời ao bay đi không có luyến tiếc chỗ ấy vậy”.
Rồi đức Phật nói lên bài kệ: “Uyyuñjanti satīmanto … okamokaṃ jahanti te’ ti”.
Cuối pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.
*
Chánh văn:
Uyyuñjanti satīmanto
na nikete ramanti te
haṃsā’ va pallalaṃ hitvā
okamokaṃ jahanti te.
(dhp 91)
*
Thích văn:
uyyuñjanti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều “u + yuj + ṃ_a”] luôn năng động, nhiệt thành, tự nỗ lực, thích nghi.
satīmanto [chủ cách số nhiều nam tính của danh tính từ satimantu (sati + mantu)_hình thức satīmanto chỉ sử dụng trong thi kệ)] có ức niệm; những người có chánh niệm, các bậc chánh niệm.
na [phủ định từ] không, chẳng.
nikete [định sở cách số ít của danh từ trung tính niketa] trong chỗ ở, nơi trú xứ, nơi cư xá.
ramanti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều “căn ram + a”] thích thú, vui thích.
te [chủ cách số nhiều nam tính của chỉ thị đại từ “ta”] họ, những vị ấy.
haṃsā’ va [hợp âm haṃsā iva]
haṃsā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính haṃsa] những con thiên nga, loài chim hồng hạc]
iva [phân từ tỷ giảo] như là, ví như.
pallalaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính pallala] hồ ao , đầm nước.
hitvā [bất biến quá khứ phân từ (căn hā + tvā)] sau khi rời đi, đã rời đi.
okamokaṃ [hợp âm okaṃ okaṃ]
okaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính oka] môi trường sống, chỗ trú. “okamokaṃ” (chỗ nầy chỗ kia, mọi trú xứ).
jahanti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều (căn hā + a)_hình thành động từ cơ bản là jaha, hình thức đặc biệt”] bỏ lại, bỏ sau.
*
Việt văn:
Bậc chánh niệm thích nghi
không dính mắc cư xá
như thiên nga rời hồ
bỏ sau mọi trú xứ.
(pc 91)
*
Chuyển văn:
Satimanto uyyuñjanti te nikete na ramanti te pallalaṃ hitvā haṃsā’ va okamokaṃ jahanti.
Những người chánh niệm sống thích nghi không lưu luyến chỗ ở. Những vị ấy rời bỏ trú xứ như loài thiên nga rời hồ nước.
*
Lý giải:
Bậc A la hán là bậc có chánh niệm, các Ngài sống ở đâu cũng được, cũng thích nghi được nên không có dính mắc chỗ ở.
Các vị A la hán sẵn sàng rời bỏ trú xứ để đi đến nơi khác không chút lưu luyến ví như loài thiên nga hay hồng hạc luôn di cư, khi dừng lại ở một đầm nước kiếm ăn, ăn xong lại bay đi nơi khác mà không quyến luyến một nơi nào.
Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn