Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VI. Phẩm Hiền Trí (Paṇḍitavagga) _ Kệ số 7 (dhp 82)

Chủ nhật, 13/11/2022, 09:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 13.11.2022


VI

PHẨM HIỀN TRÍ

(Paṇḍitavagga)

VI. Phẩm Hiền Trí _ Kệ số 7 (dhp 82)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện của nàng Kāṇā.

Tại Sāvatthi có bà cận sự nữ dự lưu tín tâm tam Bảo, bà có đứa con gái tên Kāṇā nên bà cận sự nữ ấy được gọi là Kāṇāmātā (mẹ của Kāṇā).

Cô Kāṇā được gã về nhà chồng. Một ngày kia, Kāṇā trở về nhà thăm mẹ. Ít hôm chồng Kāṇā nhắn tin bảo nàng về; Người mẹ không muốn con mình tay không trở lại nhà chồng, nên đã làm bánh cho đem về. Nhưng bốn lần, mỗi lần làm xong ổ bánh thì có một vị tỳ kheo đến khất thực bà tín nữ lấy bánh cúng dường tỳ kheo hết, vì vậy làm trễ nải con gái bà chưa trở về nhà chồng được.

Chồng của Kāṇā tức giận bèn lấy vợ khác. Kāṇā hết sức đau khổ nghĩ rằng chính do các vị tỳ kheo đệ tử Phật là nguyên nhân khiến gia đình nàng đỗ vỡ, nàng Kāṇā đỗ lỗi cho các tỳ kheo, nên từ đó thấy tỳ kheo nào khất thực ngang nhà là nàng mắng nhiếc chửi rủa, đến nổi các tỳ kheo không đi khất thực trên con đường ấy nữa.

Bậc đạo Sư nghe được chuyện nầy Ngài ngự đến nhà cận sự nữ. Bà đảnh lễ bậc đạo sư, thỉnh Ngài an toạ trên chỗ đã soạn sẵn, rồi cúng dường bữa ăn.

Sau khi ăn xong, đức Phật hỏi bà sự việc của Kāṇā. Bà tín nữ kể lại mọi việc và nói vì Kāṇā mắng chửi các tỳ kheo nên bây giờ nó xấu hổ không dám gặp mặt đức Phật. Đức Phật cho gọi Kāṇā đến và hỏi: các tỳ kheo đệ tử Ngài khất thực đến cửa nhà, nhận được vật thực dâng cúng thì họ phạm lỗi gì?

Kāṇā đáp: Chư tăng không có lỗi gì, chỉ con mắng chửi chư tăng là có lỗi thôi.

Nói đoạn, Kāṇā đảnh lễ đức Phật và xin sám hối. Đức Phật nhân đó đã thuyết pháp cho nàng nghe. Dứt pháp thoại nàng Kāṇā đắc chứng quả dự lưu.

Về sau, nàng Kāṇā được vua nhận làm nghĩa nữ và gã cho quan tể tướng trong triều. Kāṇā trở thành người có địa vị và tài sản nhờ nghe Phật pháp mà chuyển hoá.

Chư tỳ kheo tụ họp trong giảng đường đã bàn luận về uy lực vô biên của đức Phật, uy lực vô biên của giáo pháp. Được nghe pháp mà nàng Kāṇā đã chuyển hướng đời sống.

Đức Phật nghe câu chuyện giữa các tỳ kheo, Ngài dạy rằng: không phải chỉ nay nhờ ta chỉ dạy mà Kāṇā được chấm dứt sự uất ức khổ tâm, thuở xưa cũng đã như vậy. Rồi chư Tăng thỉnh cầu đức Phật nói chuyện tiền thân, Ngài đã thuyết bổn sanh Babbujātaka (Jā. 137)

Đức Phật kể xong bổn sanh, Ngài đã nói lên bài kệ: “Yathāpi rahado gambhīro … vippasīdanti paṇḍitā ’ti”.

Dứt pháp thoại có nhiều vị đắc thánh quả.

*

Chánh văn:

Yathāpi rahado gambhīro

vippasanno anāvilo

evaṃ dhammāni sutvāna

vippasīdanti paṇḍitā.

(dhp 82)

*

Thích văn:

yathāpi [hợp âm yathā + api]

yathā [trạng từ] như, như là.

api [bất biến từ] cũng. yathāpi: cũng như.

rahado [chủ cách số ít của danh từ nam tính rahada] cái hồ, đầm nước, ao nước.

gambhīro [chủ cách số ít nam tính của tính từ gambhīra] sâu thẳm, sâu lắng.

vippasanno [chủ cách số ít nam tính của tính từ vippasanna (quá khứ phân từ của tính từ vippasīdati)] trong sáng, trong sạch, trong veo.

anāvilo [chủ cách số ít nam tính của tính từ anāvila (na + āvila)] sạch sẽ, không bẩn đục, không bị khấy đục.

evaṃ [trạng từ] như vậy, cũng vậy.

dhammāni [đối cách số nhiều trung tính của danh từ dhamma (đây là trường hợp đảo nghịch tính trong pāli)] pháp, giáo pháp.

sutvāna [bất biến quá khứ phân từ của động từ suṇāti (căn su + tvāna)] sau khi nghe, khi nghe rồi.

vippasīdanti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều (vi + pa + căn sad + a)] trở nên trong sáng, trở nên thanh khiết, trở nên an bình.

*

Việt văn:

Như hồ nước sâu thẳm

trong vắt, không bẩn đục

cũng vậy, nhờ nghe pháp

người trí được trong sáng.

(pc 82)

*

Chuyển văn:

Yathā api gambhīro rahado vippasanno anāvilo evaṃ paṇḍitā dhammāni sutvāna vippasīdanti.

Cũng như hồ nước sâu thẳm, trong veo, không bẩn đục, cùng thế ấy, các bậc trí sau khi nghe được giáo pháp trở nên thanh tịnh.

*

Lý giải:

Giáo pháp được thuyết bởi đức Chánh đẳng Giác có hiệu năng hướng thượng, tẩy trừ phiền não.

Các bậc trí giả sau khi nghe được giáo pháp ấy, khéo tác ý, thẩm nghiệm chân lý bằng trí tuệ, đoạn tuyệt phiền não bằng thánh đạo (ariyamaggena), đắc chứng thánh quả (ariyaphala) là quả dự lưu, quả nhất lai, quả bất lai và quả a la hán. Tâm của các bậc thánh ấy an tịnh thanh khiết, tựa như hồ nước sâu thẳm, nước trở nên trong trẻo do không bị gió làm dao động, khuấy đục.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc