Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 8 và 9 (dhp 67, 68)

Thứ năm, 29/09/2022, 12:40 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 29.9.2022


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 8 và 9 (dhp 67, 68)

V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 8 (dhp 67)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana Sāvatthi, do câu chuyện người cày ruộng.

Tương truyền, có người đàn ông đi cày thửa ruộng gần thành Sāvatthi, trên bờ ruộng của ông ta có một túi vàng do bọn trộm cướp lấy được từ trong thành, đã đánh rơi ở đấy. Ông ta nhặt túi vàng ấy và để qua một bên lấy cỏ che đậy sơ sài.

Ngay lúc ấy đức Phật và tôn giả Ānanda đi khất thực ngang qua chỗ ấy, Ngài quán xét biết người thợ cày nầy sẽ gặp nạn và người nầy có duyên đắc thánh quả trong ngày hôm nay. Đức Phật dừng chân chỗ để túi vàng, Ngài bảo với tôn giả Ānanda: “Này Ānanda, ngươi có thấy con rắn độc đó không?”_Tôn giả Ānanda hiểu ý Phật nên đáp: “Dạ có thấy, bạch Thế Tôn”. Rồi các Ngài đi tiếp.

Người thợ cày nghe nói vậy nhưng không hiểu gì vẫn tiếp tục công việc cày ruộng của mình.

Những người dân trong thành đêm qua bị trộm mất của, họ lần theo dấu vết đi tìm bọn trộm. Khi đến chỗ ruộng mà người thợ cày đang làm việc, họ phát hiện túi vàng cất dấu trên bờ, họ nghi ngờ người thợ cày là kẻ trộm nên bắt trói và dẫn đến đức vua.

Đức vua có nhân chứng vật chứng bèn phán tội anh thợ cày và truyền xữ phạt đánh đòn.

Trong khi bị đánh đòn, anh thợ cày nhớ lại lời của đức Phật hỏi tôn giả Ānanda. Anh thợ cày luôn miệng thốt lên: “đồ rắn độc, đồ rắn độc”. Người lính vua hỏi anh ta nói vậy có nghĩa gì? Thì anh ta chỉ bảo hãy cho tôi gặp đức vua, anh ta kêu oan và thuật lại những lời đối thoại của đức Phật và tôn giả Ānanda lúc sáng sớm.

Đức vua Pasenadi nghe vậy nghĩ rằng anh thợ cày có đức Phật làm chứng là vô tội. Đức vua bèn dẫn anh thợ cày đến chùa gặp Đức Phật, vua bạch hỏi chuyện Ngài nói con rắn độc, có thật vậy chăng?

Đức Phật đáp: “phải, tâu đại vương. Như Lai đã đi qua thấy anh thợ cày nhặt của rơi, biết anh ta sắp gặp nạn nên Như Lai đã nói lên mấy lời ấy”. Rồi đức Phật nói tiếp: “Đối với người trí không nên làm việc gì mà làm xong sau đó bị khổ luỵ”. Và đức Phật kết luận bằng bài kệ: “Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu … vipākaṃ paṭisevati”.

Dứt pháp thoại, người thợ cày được chứng quả dự lưu, qui y tam bảo và trở thành một cận sự nam.

*

Chánh văn:

Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu

yaṃ katvā anutappati

yassa assumukho rodaṃ

vipākaṃ paṭisevati.

(dhp 67)

*

Thích văn:

na [phủ định bất biến từ] không, chẳng phải

taṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính của chỉ thị đại từ ta] việc ấy, điều ấy.

kammaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính kamma] việc làm, hành vi, sự hành động.

kataṃ [chủ cách số ít trung tính của quá khứ phân từ kata (căn kar + ta)] đã được làm, đã làm xong.

sādhu [(1) Tính từ, chủ cách số ít trung tính “tốt đẹp, thiện”. (2) Trạng từ “lành thay, thiện thay”. (3) Bất biến từ “dạ! vâng!”] Trong bài kệ nầy chữ sādhu dùng trong nghĩa tính từ (1).

yaṃ [đối cách số ít trung tính của quan hệ đại từ ya] việc mà, điều mà.

katvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ karoti (căn kar + tvā)] sau khi làm, khi đã làm.

anutappati [động từ thụ động ngôi III số ít (anu + căn tap + ya)] bị ray rức, bị đốt nóng, bị khổ tâm.

yassa [sở thuộc cách số ít của quan hệ đại từ ya] của việc mà, của điều mà.

assumukho [chủ cách số ít của hợp thể danh từ nam tính assumukha (assu + mukha)] mặt đầy nước mắt.

rodaṃ [chủ cách số ít của hiện tại phân từ rodanta (căn rud + anta)] đang khóc than.

vipākaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính vipāka] quả báo, quả dị thục.

paṭisevati [động từ hiện tại ngôi III số ít (paṭi + căn sev + a)] lãnh nhận, hứng chịu, thụ hưởng.

*

Việt văn:

Việc làm ấy không tốt

việc làm rồi khổ tâm

mặt nhuốm lệ, khóc than

lãnh chịu quả dị thục.

(pc 67)

*

Chuyển văn:

Yaṃ katvā anutappati yassa vipākaṃ paṭisevati assumukho rodaṃ, taṃ kammaṃ kataṃ na sādhu

Sau khi làm việc gì mà bị ray rức, lãnh chịu hậu quả vừa khóc than, mặt đầy nước mắt, thì việc làm ấy là không tốt.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật dạy bằng cách nào để ta biết được là hành vi xấu.

Có hai cách để nhận biết hành vi xấu, một là xem hiệu ứng hành động, hai là xem hậu quả hành động.

Việc làm nào sau khi làm tâm bị ray rức nóng nảy, đó là hiệu ứng hành động; Nên biết việc ấy là hành vi xấu.

Việc làm nào sau khi làm nhận lãnh quả dị thục phải khóc than, nước mắt đầy mặt, đó là hậu quả hành động; Nên biết việc ấy là hành vi xấu.

Hành vi xấu có thể xảy ra với một trong hai sự kiện ấy; Đôi khi thực hiện một hành vi xấu chỉ xảy ra hiệu ứng hành động, khiến tâm buồn phiền ray rức; Đôi khi thực hiện một hành vi xấu không bị ray rức mà chỉ bị hậu quả hành động là ác nghiệp chịu quả dị thục đắng cay; Cũng có những trường hợp hành vi xấu đã thực hiện đem lại cả hai tác động, tâm bị ray rức và lãnh chịu quả đắng cay.


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 9 (dhp 68)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Veḷuvana, nhân câu chuyện người thợ tràng hoa tên Sumana.

Trong thành Rājagaha có người chuyên làm tràng hoa tên Sumana, hằng ngày ông có trách nhiệm cung cấp cho vua Bimbisāra các loại hoa tươi.

Một hôm, ông Sumana mang hoa đến hoàng cung. Sáng hôm ấy đức Phật cùng đại chúng tỳ kheo đi vào thành khất thực, ông Sumana đang trên đường đi vừa nhìn thấy đoàn tăng lữ khất thực, dẫn đầu là đức Phật với phong thái trang nghiêm toả sáng, tướng hảo quang minh, ông Sumana phát tâm trong sạch, hoan hỷ với đức Phật, ông ta muốn cúng dường bông hoa đến đức Phật.

Ông Sumana nghĩ: “Hoa nầy để tiến dâng Nhà vua, nếu hôm nay ta không đem hoa đến ắt hẵn vua sẽ thịnh nộ mà giết chết ta; Tuy nhiên, cúng dường đến đức Thế Tôn ta sẽ được an lạc hạnh phúc lâu dài, dù phải chết ta cũng mãn nguyện”. Nghĩ xong ông ta đảnh lễ dưới chân bậc đạo sư và cúng dường Ngài tám vòng hoa lài tươi thắm, ông tung những vòng hoa ấy lên hư không, các vòng hoa tự kết lại thành tán lọng che trên đầu đức Thế Tôn, và lơ lững bay theo khi Ngài cất bước, toàn thân đức Phật toả sáng hào quang thù diệu.

Mục kích cảnh tượng nầy, dân chúng reo vang trong niềm hoan hỷ, riêng ông Sumana phát sanh phỉ lạc khắp châu thân, ông cất bước theo sau đức Phật một đổi rồi đảnh lễ Ngài từ biệt trở về nhà.

Bà vợ của ông nghe ông thuật lại sự việc, sợ bị vạ lây nên đã bỏ ông mà đi, và vào triều tâu với đức vua ly dị chồng.

Vua Bimbisāra lúc ấy là vị sơ quả, kính tin tam Bảo, nghe tấu xong bèn giả vờ thịnh nộ liền cho mời ông Sumana vào triều. Đức vua hỏi chuyện, ông Sumana vào triều. Đức vua hỏi chuyện, Ông Sumana thành thật khai rõ chuyện cúng dường hoa đến đức Phật.

Nhà vua không giận mà trái lại hoan hỷ và ban thưởng cho ông Sumana nhiều vàng bạc châu báu, nhiều tôi trai tớ gái và phóng thích tám cung nữ về làm vợ trưởng giả Sumana.

Chiều hôm đó, chư tỳ kheo hội họp bàn về sự hy sinh tính mạng để cúng dường Phật nên ông Sumana phút chốc hưởng vinh hạnh.

Đức Phật ngự đến giảng đường được các tỳ kheo trình bạch đề tài bàn luận, đức Thế tôn thuyết pháp cho hội chúng và Ngài kết luận với bài kệ: “Tañca kammaṃ kataṃ sādhu … vipākaṃ paṭisevati”.

Chư tỳ kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế tôn.

*

Chánh văn:

Tañca kammaṃ kataṃ sādhu

yaṃ katvā n’ānutappati

yassa patīto sumano

vipākaṃ paṭisevati.

(dhp 68)

*

Thích văn:

tañca [hợp âm taṃ ca]

n’ānutappati [hợp âm na anutappati]

patīto [chủ cách số ít nam tính của tính từ patīta (quá khứ phân từ của động từ pacceti)] được vui vẻ, được hân hoan.

sumano [chủ cách số ít nam tính của tính từ sumana (su + mana)] thích ý, đẹp lòng.

*

Việt văn:

Việc làm ấy là tốt

làm rồi không khổ tâm

được hoan hỷ, thích ý

hưởng thụ quả dị thục.

(pc 68)

*

Chuyển văn:

Yaṃ katvā anutappati yassa vipākaṃ paṭisevati patīto sumano, taṃ kammaṃ kataṃ sādhu.

Sau khi làm việc gì mà không bị ray rức, hưởng quả báo hân hoan thích ý, thì việc đã làm ấy là tốt.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật dạy có hai cách để nhận biết là việc làm tốt. Ý nghĩa ngược lại với bài kệ pháp cú 67.

Một việc làm tốt là có hiệu ứng hành động sau khi làm việc ấy mà tâm không bị ray rức ân hận.

Một việc làm tốt có hậu quả hành động là hưởng quả dị thục vui vẻ, tâm hân hoan.

Có những trường hợp như: Hành động hiện tại khổ tương lai quả báo lạc, và hành động hiện tại lạc tương lai quả báo cũng lạc ..v.v..

Điều nầy nên hiểu là một người khi đang thực hiện điều thiện cũng có thể bị khổ do thời tiết khắc nghiệt hoặc khổ do thân đau bệnh hoặc khổ do người khác đánh đập … không phải làm thiện rồi khổ tâm ray rức.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc