- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 26.9.2022
V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 7 (dhp 66)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại Veḷuvana gần thành Rājagaha, nhân cái chết của ông cùi Suppabuddha.
Tại Veḷuvana (Trúc lâm) đức Phật đang thuyết pháp cho hội chúng, một người cùi tên Suppabuddha từ xa thấy hội chúng tụ họp, người cùi ấy nghĩ rằng chỗ đó hội họp đông người ta đến đấy có thể ăn xin được. Bèn đi đến, nhưng thấy đức Phật đang nói pháp cho hội chúng, người cùi Suppabuddha cũng ngồi lại phía sau hội chúng để nghe pháp.
Đức Phật quán xét căn duyên của người cùi ấy thấy ông ta hữu duyên chứng đắc pháp nhãn nên Ngài đã thuyết pháp thích hợp căn cơ của ông ta. Nghe dứt thời pháp ông cùi Suppabuddha chứng quả dự lưu tại chỗ ngồi. Chờ hội chúng ra về, ông ta vào gần đảnh lễ đức Phật và xin qui y tam bảo. Xong từ giả đức Phật ra về.
Chẳng may ông cùi Suppabuddha đi được một đổi đã bị một con bò cái húc chết.
Chư tỳ kheo biết chuyện ấy liền bạch hỏi đức Phật: Người cùi Suppabuddha do nhân gì bị cùi? Do nhân gì bị chết thảm do bò húc và sanh về đâu?
Đức Phật giải thích cho chư tỳ kheo nghe, ông Suppabuddha đã chứng pháp nhãn không còn bị thối đoạ đã tái sanh về cõi trời Đao lợi. Ông ta bị cùi là do nghiệp quá khứ đã hành động vô lễ đối với vị độc giác Tagarasikhi, khi thấy vị độc giác, ông ta đã phun nước bọt vào người của Ngài; Ông ta sanh địa ngục thời gian dài, nay quả dư sót sanh làm người bị cùi hủi. Còn việc ông ta bị con bò cái đoạt mạng sống là do ác nghiệp quá khứ, có kiếp làm một công tử cùng với ba người bạn bỏ tiền mua chuộc một cô gái dẫn vào rừng dạo chơi rồi hãm hiếp và giết chết cô ấy để đoạt nữ trang; khi sắp chết cô gái cột oan trái, sẽ trả thù. Cô gái ấy sanh làm dạ xoa và tìm bốn người đàn ông để đoạt mạng bằng cách hoá hiện thành con bò cái húc chết họ. Bốn người ấy là Pukkusāti, Bāhiyadarucīriya, Tambadāṭhika và Suppabuddhakuṭṭhi.
Sau khi nhắc tiền nghiệp của Suppabuddha xong, đức Phật dạy: “Này chư tỳ kheo, các chúng sanh tự mình tạo nghiệp có quả đắng cay cho mình, quanh quẩn tự mình như là kẻ thù của mình”. Rồi Ngài nói lên bài kệ kết luận: “Caranti bālā dummedhā … yaṃ hoti kuṭukapphalaṃ”.
Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.
*
Chánh văn:
Caranti bālā dummedhā
amitteneva attanā
karontā pāpakaṃ kammaṃ
yaṃ hoti kaṭukapphalaṃ.
(dhp 66)
*
Thích văn:
caranti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều (car + a)] sinh hoạt, sống, quanh quẩn.
bālā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính bāla] những kẻ ngu.
dummedhā [chủ cách số nhiều nam tính của hợp thể tính từ dummedha (du + medha)] thiểu trí, thiếu trí, thiếu sáng suốt.
amitteneva [hợp âm amittena iva]
amittena [sở dụng cách số ít của hợp thể danh từ nam tính amitta (na + mitta)] với kẻ thù, bởi kẻ không phải là bạn.
iva [bất biến từ tỷ giảo. = viya] giống như, tỷ như, ví như.
attanā [sở dụng cách số ít của danh từ nam tính atta] với chính mình, bởi tự mình.
karontā [chủ cách số nhiều của hiện tại phân từ karonta (kar + o + nta)] đang tạo, đang hành động, đang làm.
pāpakaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ pāpaka (pāpa + ka)] ác, xấu, quấy.
kammaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính kamma] việc làm, sự hành động, nghiệp.
yaṃ [đối cách số ít trung tính của quan hệ đại từ ya] nào, điều mà.
hoti [động từ hiện tại ngôi III số ít (hū + a)] là, có.
kaṭukapphalaṃ [chủ cách số ít của hợp thể danh từ trung tính kaṭukapphala (kaṭuka + phala)] quả đắng cay, quả khốc liệt.
*
Việt văn:
Người ngu si thiếu trí
với tự mình là thù
tạo tác nghiệp ác xấu
có kết quả đắng cay.
(pc 66)
*
Chuyển văn:
Bālā dummedhā pāpakaṃ kammaṃ karontā yaṃ kaṭukapphalaṃ hoti amittena iva attanā caranti.
Những kẻ ngu si thiếu trí tạo tác nghiệp ác là điều mà có hậu quả đắng cay, họ tự hành động như một kẻ thù.
*
Lý giải:
Chúng sanh ai cũng thương yêu chính bản thân, mong muốn mình được hạnh phúc, đừng bị khổ. Thế nhưng họ vẫn bị khổ, vẫn gặp điều trái ý nghịch lòng. Vì sao thế? Vì họ tự tạo ác nghiệp, gieo đau khổ cho người khác, hành động thân, khẩu, ý bằng tham sân si. Gieo giống nào thì sẽ gặp quả nấy.
Chúng sanh lãnh chịu sự đau khổ do quả báo của nghiệp ác mà họ tự tạo. Thành ra chính họ là kẻ thù của họ.
Như một kẻ thù luôn gieo đau khổ cho người nó thù ghét, kẻ thù không đem lại lợi ích an vui cho người mà nó căm hận. Cũng vậy, ác nghiệp chỉ tạo quả dị thục đắng cay cho người đã tạo nghiệp, chứ không tạo quả ngọt ngào. Vì ý nghĩa nầy nên nói rằng tự mình tạo ác nghiệp là tự mình thành kẻ thù của chính mình.
Những chúng sanh thiếu trí hành động ác phải bị quả khổ đau.
Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu