Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 3 (dhp 62)

Thứ năm, 15/09/2022, 09:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 15.9.2022


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 3 (dhp 62)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi, đề cập đến Trưởng giả Ānanda.

Tương truyền trong thành Sāvatthi có ông Trưởng giả tên Ānanda rất bủn xỉn mặc dù sở hữu bốn trăm triệu đồng vàng.

Ông trưởng giả ấy có người con trai là Mūlasiri. Ông thường xuyên dạy con không nên bố thí phung phí tài sản, phải lo góp nhặt để gia tài nẩy nở thêm.

Thời gian sau, ông ta qua đời, không kịp chỉ cho con trai biết các hầm tài sản giấu cất. Sau khi mệnh chung ông trưởng giả keo kiết ấy tái sanh vào bụng người phụ nữ Caṇḍāla (giai cấp cùng đinh) ở một ngôi làng nhỏ ngoài cổng thành Sāvatthi.

Con trai ông ta, Mūlasiri, được kế nghiệp gia tài của cha, giữ chức trưởng giả (seṭṭhī).

Đứa bé con của người chiên-đà-la (hậu thân của trưởng giả keo kiết Ānanda) do nghiệp bỏn xẻn, nó được sanh ra với thân hình xấu xí tàn tật và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cả làng chiên-đà-la, cha mẹ nó cố gắng nuôi dưởng đến khi nó có thể tự đi ăn xin bèn tống khứ ra khỏi nhà với cái bát bể.

Hằng ngày nó lang thang lê lết trong thành để xin ăn. Một hôm nó đến trước cửa nhà của trưởng giả Mūlasiri, nó nhớ lại nhà cũ của mình bèn đi vào sân nhà, nó bị gia nhân bắt trói và vất ra bãi rác.

Ngày ấy đức Phật cùng tôn giả Ānanda đi khất thực trong thành Sāvatthi vừa đến đó thấy cảnh đứa bé ăn xin bị ngược đãi như vậy, Ngài bảo tôn giả Ānanda mời trưởng giả Mūlasiri đến. Đức Phật giải thích cho ông trưởng giả Mūlasiri biết đứa ăn xin tàn tật ấy chính là hậu thân của trưởng giả Ānanda cha của người đó!

Thoạt đầu, trưởng giả Mūlasiri chưa tin lời Phật, nhưng khi đức Phật bảo ông cởi trói cho đứa bé và dẫn về nhà để nó chỉ chỗ cất giấu tài sản thì thật đúng như vậy.

Trưởng giả Mūlasiri phát sanh niềm tin với đức Phật và xin quy y tam bảo.

Đức Phật thuyết pháp cho ông ta và gia đình nghe, rồi Ngài nói lên bài kệ: “puttā m’ atthi dhanaṃ m’ atthi … kuto puttā kuto dhanaṃ”.

Dứt bài kệ nhiều người ở đó đắc thánh quả.

*

Chánh văn:

Puttā m’ atthi dhanaṃ m’ atthi

iti bālo vihaññati

attā hi attano natthi

kuto puttā kuto dhanaṃ.

(dhp 62)

*

Thích văn:

puttā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính putta] các đứa con, con cái; những đứa con trai.

m’ atthi [hợp từ me atthi]

me [sở thuộc cách số ít của đại từ amha] của tôi, của ta.

atthi [động từ hiện tại ngôi III số ít (căn as + a)] là, có. natthi (na + atthi) không có, không là.

dhanaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính dhana] tài sản, tiền của.

iti [bất biến từ] như vầy, rằng là. Dùng để chấm dứt một câu nói, một ý nghĩ “…”.

bālo [chủ cách số ít của danh từ nam tính bāla] người ngu, kẻ khờ dại.

vihaññati [động từ hiện tại ngôi III số ít (vi + căn han + ya)] ưu não, âu lo, sầu muộn.

attā [chủ cách số ít của danh từ nam tính atta] tự ngã, bản thân, chính mình.

hi [trạng từ] thật vậy, sự thật là, bởi vì.

attano [sở thuộc cách số ít của danh từ nam tính atta] của ta, của mình.

kuto [trạng từ nghi vấn] từ đâu? do đâu?

*

Việt văn:

“Con ta, tài sản ta”

người ngu cứ lo nghĩ

chính ta không của ta

con đâu? tài sản đâu?

(pc 62)

*

Chuyển văn:

Puttā me atthi dhanaṃ me atthi iti bālo vihaññati attā hi attano natthi kuto puttā kuto dhanaṃ.

“con cái, ta có. Tài sản, ta có” nghĩ vậy người ngu lo rầu. Thật ra, chính mình còn không là của mình, thì từ đâu có con cái? từ đâu có tài sản?”

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết để cảnh tỉnh mọi người.

Kẻ thiểu trí chứ chấp rằng: “Ta có con cái, ta có tài sản” để rồi lo lắng sầu ưu. Vì yêu thương con cái nên lo bị mất con, vì dính mắc tài sản nên họ bị mất tài sản. Thật sự chính bản thân mình còn không giữ được khi bị già chết, nói chi là con cái, tài sản, làm sao giữ được?

Một lẽ khác, ngày thường người ta tự hào vui vì có con cái, có tài sản, nhưng trong giờ phút lâm chung, mạng sống bị tử thần cướp đi thì có con cái, có tài sản cũng vô phương; con cái và tài sản không che chở được, ngay cả bản thân cũng bất lực xuôi tay trước cái chết.

Có chăng là nghiệp lành đã tạo lúc sanh tiền mới giúp mình tái sanh cõi vui. Bằng như người thiểu trí sống chỉ biết tham lam, bỏn xẻn, sân hận, si mê … sau khi thân hoại bị tái sanh vào cảnh khổ hoặc sanh làm người bất hạnh khổ đau như ông Trưởng giả keo kiết Ānanda vậy.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc