Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 14 và 15 (dhp 73, 74)

Chủ nhật, 16/10/2022, 22:06 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 16.10.2022


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 14 và 15 (dhp 73, 74)

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana gần thành Sāvatthi, do câu chuyện của Trưởng lão Sudhamma trụ trì ngôi chùa của gia chủ Citta ở thị trấn Macchikāsaṇḍa.

Gia chủ Citta ở Macchikāsaṇḍa là một cận sự nam trước đắc quả dự lưu nhờ nghe tôn giả Mahānāma thuyết pháp, ông Citta đã kiến tạo ngôi chùa Ambātakavana cúng dường đến tôn giả Mahānāma với đoàn tăng chúng, và thỉnh Trưởng lão Sudhamma người ở Macchikāsaṇḍa làm trụ trì.

Thời gian sau, hai vị thượng thủ thinh văn đã đi đến Macchikāsaṇḍa, thuyết pháp tế độ gia chủ Citta đắc quả A na hàm. Gia chủ đã cung thỉnh nhị vị thượng thủ thinh văn về nhà cúng dường vật thực, sau đó mới đến chùa thỉnh sư trụ trì Sudhamma đến nhà.

Bị thỉnh sau các vị khách tăng nên sư trụ trì tự ái từ chối lời mời. Nhưng sáng hôm sau, sư trụ trì cũng ghé nhà gia chủ Citta để nói những lời châm biếm rồi bỏ chùa ra đi.

Sư trụ trì Sudhamma đi đến Jetavana thành Sāvatthi đảnh lễ đức Phật và kể lại sự tình. Đức Phật đã khuyên sư trụ trì ấy nên xin lỗi gia chủ Citta vì ông ta là vị thánh cư sĩ.

Trưởng lão Sudhamma miễn cưỡng trở về chùa xin lỗi gia chủ Citta, thấy thái độ của Trưởng lão không thật lòng nên gia chủ Citta không chấp nhận.

Trưởng lão Sudhamma bỏ đi đến Sāvatthi và bạch với đức Phật sự việc. Đức Thế Tôn biết tâm của Trưởng lão Sudhamma còn kiêu mạn tự ái nên Ngài đã nhắc nhở rồi truyền dạy một vị tỳ kheo cùng đi với Trưởng lão Sudhamma trở về Macchikāsaṇḍa một lần nữa để xin lỗi gia chủ Citta. Ngài cũng dạy thêm rằng: hễ là bậc sa môn thì không nên nghĩ là Chùa của ta, trú xứ của ta, thiện nam tín nữ của ta, vì như vậy làm cho dục mạn tăng trưởng, rồi Thế Tôn nói lên hai bài kệ: “Asantaṃ bhāvanamiccheyya … icchā māno ca vaḍḍhati”.

Trưởng lão Sudhamma nghe lời giáo huấn nầy, cùng với vị tỳ kheo sứ giả trở về xin lỗi ông cận sự nam và được tha thứ. Vài ngày sau, Trưởng lão Sudhamma suy nghiệm lời giáo huấn của bậc đạo sư, đã đắc quả A la hán với tuệ phân tích.

*

Chánh văn:

Asantaṃ bhāvanamiccheyya

purekkhārañca bhikkhusu

āvāsesu issariyaṃ

pūjā parakulesu ca.

(dhp 73)

Mameva kata maññantu

gihī pabbajitā ubho

mamevātivasā assu

kiccākiccesu kismici

iti bālassa saṅkappo

icchā māno ca vaḍḍhati.

(dhp 74)

*

Thích văn:

asantaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ asanta (na + santa)] không thực có, không đáng được, không xứng = avijjamānaṃ (chú giải).

bhāvanamiccheyya [hợp âm bhāvanaṃ iccheyya]

bhāvanaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính bhāvana] danh xưng, danh hiệu = sambhāvanaṃ (chú giải).

iccheyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (căn is + a)] ước muốn, mong ước.

purekkhārañca [hợp âm purekkhāraṃ ca]

purekkhāraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính purekkhāra (pure + kara)] sự ăn trên ngồi trước, sự trân trọng, sự nể kính.

bhikkhusu [bhikkhūsu định sở cách số nhiều của danh từ nam tính bhikkhu] trong hàng tỳ kheo, giữa các tỳ kheo.

āvāsesu [định sở cách số nhiều của danh từ nam tính āvāsa] trong các chỗ ở, tại các tự viện.

issariyaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính issariya] quyền hành, quyền hạn, thẩm quyền.

pūjaṃ [đối cách số nhiều của danh từ nữ tính pūjā] sự cúng dường, sự kính lễ.

parakulesu [định sở cách số nhiều của hợp thể danh từ trung tính parakula (para + kula)] ở các gia đình kia, tại những gia đình nọ.

mameva [hợp âm mama eva]

mama [sở thuộc cách số ít của nhân xưng đại từ amha] của ta, của tôi “mameva” của chính tôi.

kataṃ [đối cách số ít trung tính của quá khứ phân từ kata (căn kar + ta)] đã được làm, việc đã làm.

maññantu [động từ mệnh lệnh cách ngôi III số nhiều (căn man + ya)] họ hãy biết, hãy để họ biết.

gihī [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính gihī] tục gia, cư sĩ, những người tại gia.

pabbajitā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính pabbajita] các tu sĩ, những người xuất gia.

ubho [chủ cách số nhiều của đại từ ubha] cả hai.

mamevātivasā [hợp âm mama eva ativasā]

ativasā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính ativasa] sự kiểm soát, sự cai quản.

assu [động từ khả năng cách ngôi III số nhiều (căn as)] phải có, có thể là.

kiccākiccesu [định sở cách số nhiều của hợp thể danh từ trung tính kiccākicca (kicca + akicca)] trong mọi việc lớn nhỏ, trong các phận sự hay không phải phận sự.

kismici [định sở cách cách số ít của phiếm chỉ đại từ kaci] trong bất cứ điều gì, trong mỗi việc nào.

iti [bất biến từ] như thế, như vậy.

bālassa [sở thuộc cách số ít của danh từ nam tính bāla] của kẻ ngu.

saṅkappo [chủ cách số ít của danh từ nam tính saṅkappa] ý nghĩ, tư duy, sự suy nghĩ.

icchā [chủ cách số ít của danh từ nữ tính icchā] dục, sự tham muốn.

māno [chủ cách số ít của danh từ nam tính māna] mạn, kiêu mạn.

vaḍḍhati [động từ tiến hành cách ngôi III số ít (căn vaḍḍh + a)] tăng trưởng, lớn mạnh.

*

Việt văn:

Muốn danh không tương xứng

muốn ngồi trước tỳ kheo

muốn quyền trong tự viện

muốn nhà nhà lễ kính.

(pc 73)

Mong cả hai, tăng_tục

hãy biết việc ta làm

trong mọi việc lớn nhỏ

phải theo mệnh lệnh ta

người ngu nghĩ như vậy

dục và mạn tăng trưởng.

(dhp 74)

*

Chuyển văn:

Asantaṃ bhāvanaṃ iccheyya bhikkhūsu purekkhārañca āvāsesu ca issariyaṃ parakusesu pūjā ca, gihī pabbajitā ubho mama eva kataṃ maññantu kismici kiccākiccesu mama eva ativasā assu iti bālassa saṅkappo icchā māno ca vaḍḍhati.

Ưa muốn danh hiệu không tương xứng, muốn ngồi trên trước giữa các tỳ kheo, muốn quyền hạn trong tự viện, muốn được lễ kính tại các tư gia, nghĩ rằng “cả hai hàng tại gia và xuất gia hãy biết chỉ có ta làm, trong bất cứ công việc lớn nhỏ đều phải theo mệnh lệnh của ta”, đó là ý nghĩ của kẻ ngu, sự tham vọng và kiêu mạn của nó tăng trưởng.

*

Lý giải:

Vị tỳ kheo ngu dốt thường có những mong muốn xấu xa:

- Muốn danh không tương xứng (Asantaṃ sambhāvanaṃ icchati) tức là vị ấy không có niềm tin lại muốn quần chúng xưng tụng “ta là người có niềm tin”; vị ấy sống không giới hạnh, muốn được khen tụng là người có giới; Vị ấy ít học lại muốn được khen tụng là bậc đa văn ..v.v.. Đây gọi là muốn danh không tương xứng.

- Muốn ngồi trước tỳ kheo (purekkhārañca bhikkhūsu icchati) tức là đi đâu cũng muốn dẫn đầu các tỳ kheo; Ngồi đâu cũng muốn ngồi chỗ trên trước các vị tỳ kheo; ở trong chùa thì muốn lúc nào các tỳ kheo cũng vây quanh và hỏi han mình … Đó gọi là muốn ngồi trước tỳ kheo.

- Muốn quyền trong tự viện (Āvāsesu issariyaṃ icchati) tức là ở tại chùa hay tịnh xá hay chỗ cư ngụ thuộc về Tăng, vị ấy dành quyền hạn sắp xếp chỗ ở cho các vị tỳ kheo theo ý của mình, ưa vị nào thì sắp xếp chỗ ở nơi thuận tiện tốt đẹp, không ưa vị nào thì chỉ định cho chỗ ở phía sau, hẻo lánh, tù túng ..v.v.. Đây gọi là muốn quyền trong tự viện.

- Muốn nhà nhà lễ kính (parakulesu pūjaṃ icchati) là vị ấy muốn tại những gia đình cư sĩ khác, không phải nhà cha mẹ hay nhà của quyến thuộc, chỉ có mình là được cúng dường tứ sự, những vị khác không được. Đó gọi là ước muốn nhà nhà lễ kính.

Ngoài những ước muốn xấu xa như thế, kẻ ngu luôn có ý nghĩ là:

- Trong chùa, người xuất gia hay người tại gia, mong rằng họ hãy biết do chính ta đã làm mọi công việc, do ta quán xuyến.

- Hoặc nghĩ, mỗi việc lớn hay nhỏ gì trong chùa cũng phải theo sự điều hành của ta, theo mệnh lệnh của ta.

Đó là ý nghĩ của kẻ ngu muội. Một vị tỳ kheo ngu muội như thế thì tham vọng càng tăng trưởng, và sự ngạo mạn cũng tăng trưởng.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc