Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 12 (dhp 71)

Chủ nhật, 09/10/2022, 09:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học 9.10.2022


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 12 (dhp 71)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Veḷuvana gần thành Rājagaha, nhân Tôn giả Mahāmoggallāna thuật lại ngạ quỉ rắn mà tôn giả đã thấy.

Tôn giả Mahāmoggallāna và tôn giả Lakkhaṇa cùng nhau từ núi Gijjakūṭa xuống khất thực trong thành Rājagaha.

Trong khi đang trên núi đi xuống, tôn giả Mahāmoggallāna với thiên nhãn đã nhìn thấy một ngạ quỉ có hình thù như con rắn, tôn giả mỉm cười? Thấy thế tôn giả Lakkhaṇa hỏi ngài do nhân gì mỉm cười? tôn giả Mahāmoggallāna trả lời rằng khi nào trước mặt đức Thế Tôn, sẽ nói.

Hai vị tôn giả sau khi vào thành Rājagaha khất thực xong trở ra ghé qua chùa Veḷuvana đảnh lễ đức Thế Tôn.

Ngồi xuống một bên, trước mặt Thế Tôn, tôn giả Lakkhaṇa nhắc lại tôn giả Mahāmoggallāna nguyên do mỉm cười khi từ trên núi đi xuống.

Tôn giả nói, lúc ấy tôi nhìn thấy một ngạ quỉ mình rắn đang di chuyển với lửa cháy từ đầu tới đuôi. Nghe vậy đức Thế Tôn bảo Ngài đã thấy ngạ quỉ ấy từ lâu rồi nhưng không nói ra vì không có người thứ hai chứng kiến, nay đã có Mahāmoggallāna thấy rồi, ta sẽ giải thích tiền nghiệp của ngạ quỉ rắn ấy cho chúng tỳ kheo nghe.

Thuở quá khứ nhằm thời không có Phật toàn giác, chỉ có chư Phật Độc Giác. Có một vị Độc Giác thường vào làng khất thực, dân làng rủ nhau dựng lên ngôi thảo am dâng đến vị Độc Giác để Ngài an cư mùa mưa.

Ngôi thảo am ở tại bờ sông gần thành Bārāṇasī, dân chúng sáng chiều thường đến thảo am để cúng dường bông hoa đến vị Độc Giác, để đi đến thảo am, họ phải đi qua đám ruộng của người nông dân nọ, và do vậy ruộng lúa của ông ta bị dẫm đập.

Người nông dân không ngăn cản được mới nãy sanh ý đốt bỏ ngôi thảo am của vị Độc Giác vì cho rằng bởi có ngôi thảo am nầy dân chúng mới lui tới.

Chờ lúc vị Độc Giác đi vào thành khất thực, người nông dân ấy đã châm lửa đốt cháy rụi ngôi thảo am của Ngài. Đức Độc Giác về thảo am thấy bị đốt rụi, Ngài rời đi nơi khác.

Người nông dân do tạo ác nghiệp đó nên sau khi mệnh chung đã sanh vào địa ngục Avīci rất lâu, quả dư sót mới sanh làm ngạ quỉ rắn nầy.

Đức Phật giảng giải tiền nghiệp ngạ quỉ rắn xong, Ngài dạy thêm: Ác nghiệp cũng như sữa vắt ra không đông ngay mà phải chờ thời gian. Ác nghiệp đốt cháy ngầm theo kẻ ngu như lửa dưới lớp tro tàn. Rồi Ngài nói lên bài kệ: “Na hi pāpaṃ kataṃ kammaṃ … Bhasmacchanno’va pāvako”.

Dứt bài kệ có nhiều vị tỳ kheo chứng thánh quả.

*

Chánh văn:

Na hi pāpaṃ kataṃ kammaṃ

sajju khīraṃ ’va muccati

ḍahantaṃ bālamanveti

bhasmacchanno ’va pāvako.

(dhp 71)

*

Thích văn:

na [phủ định từ] không, chẳng

hi [bất biến từ] bởi lẻ, bởi vì; tất nhiên.

pāpaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ pāpa] xấu xa, ác quấy.

kataṃ [chủ cách số ít trung tính của quá khứ phân từ kata (kar + ta)] đã được làm, đã được tạo.

kammaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính kamma] nghiệp, việc làm, hành vi.

sajju [trạng từ] ngay liền, lập tức.

khīraṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính khīra] sữa.

muccati [động từ thụ động thể ngôi III số ít (muc + ya)] được phóng thích, được lắng đọng, đông lại.

ḍahantaṃ [hợp âm dahaṃ taṃ]

dahaṃ chủ cách số ít trung tính của hiện tại phân từ dahanta (ḍah + anta)] nung nấu, thiêu đốt.

taṃ [đối cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ ta] ấy, nó, người ấy.

bālamanveti [hợp âm bālaṃ anveti]

bālaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính bāla] kẻ ngu, người ngu.

anveti [động từ hiện tại ngôi III số ít (anu + i + a)] đi theo, theo sau.

bhasmacchanno [chủ cách số ít nam tính của hợp thể danh từ bhasmacchanna (bhasma + acchanna_qkpt của acchādeti) được phủ tro, được ấp ủ dưới tro tàn.

pāvako [chủ cách số ít của danh từ nam tính pāvaka] lửa ngún.

*

Việt văn:

Nghiệp ác đã tạo tác

như sữa, không trổ liền

cháy ngầm theo kẻ ngu

như lửa ngún dưới tro.

(pc 71)

*

Chuyển văn:

Khīraṃ iva kataṃ pāpaṃ kammaṃ sajju na hi muccati, bhasmacchanno pāvako iva ḍahaṃ taṃ bālaṃ anveti.

Như sữa mới vắt, ác nghiệp vừa tạo tất nhiên không trổ quả liền. Cháy ngầm theo kẻ ngu ấy như lửa ngún dưới lớp tro.

*

Lý giải:

Tuy rằng có hiện báo nghiệp (diṭṭhadhammavedanīyakamma) tức là nghiệp trổ quả ngay kiếp hiện tại sau khi làm xong, nhưng cũng có nhiều trường hợp vô hiệu hiện báo nghiệp (ahosikamma).

Hiện báo ác nghiệp hiếm có xảy ra, bởi nếu thường có ác nghiệp quả báo nhãn tiền thì chúng sanh đã biết sợ mà tránh làm ác rồi.

Có nhiều kẻ làm ác vẫn sống ung dung, đó là vì ác nghiệp chưa chín muồi liền.

Nghiệp ác cháy ngầm như lửa ngún dưới lớp tro tàn, để khi họp đủ điều kiện như cỏ rác khô phủ lên và gió thổi thì bốc cháy thành lửa ngọn. Cũng thế, ác nghiệp mà chúng sanh đã tạo rồi khi cận tử sẽ trỗi dậy ám ảnh để rồi sau khi chết quả ác dẫn đi tái sanh cõi khổ. Đây gọi là sanh báo ác nghiệp.

Vẫn chưa hết, ác nghiệp ấy âm ỉ cháy ngầm theo chúng sanh, dù thoát khỏi cõi địa ngục nhưng quả dư sót trổ sanh khiến họ khổ tiếp tục trong cảnh giới ngạ quỉ, hoặc cầm thú, hoặc sanh lại làm người nó cũng cảm thọ khổ đau bất hạnh.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc