- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 6.10.2022
V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 11 (dhp 70)
Duyên sự:
Bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Veḷuvana gần thành Rājagaha, vì câu chuyện của đạo sĩ Jambuka.
Chuyện kể, đạo sĩ Jambuka do tiền kiếp tạo ác nghiệp sỉ vả bậc thánh nhân nên kiếp hiện tại từ nhỏ đã loã thể và ăn phẩn mà sống, nên cha mẹ đã cho theo nhóm ngoại đạo loã thể. Nhưng các vị loã thể khác thì ăn uống vật thực do dân chúng cúng dường, riêng Jambuka thì sống loã thể và chỉ thích ăn phẩn tại bãi phóng uế, đứng ở đó chờ khi vắng người mà bốc phẩn ăn. Nếu có người thì Jambuka đứng một chân há miệng làm như đang hành pháp môn khổ hạnh. Có ai hỏi thì Jambuka nói ông tu khổ hạnh chỉ ăn gió, đứng một chân để không làm chuyển động mặt đất.
Người dân thán phục vị tu khổ hạnh phi thường, nên thường đến bái viếng và cúng dường thực phẩm dồi dào nhưng Jambuka từ chối không thọ dụng. Người ta năn nỉ mãi, đạo sĩ Jambuka mới lấy ngọn cỏ tranh vít chút ít bơ sữa hay đường mật rồi nếm trên đầu lưỡi gọi là thọ thực chứng minh thôi.
Đạo sĩ Jambuka trãi qua cuộc đời năm mươi lăm năm với nếp sống dị thường như thế chỉ trần truồng, ăn phẩn, nằm trên đất, và nhổ râu tóc.
Một ngày kia, đức Phật quán xét căn duyên chúng sanh, Ngài thấy duyên lành đắc đạo quả của đạo sĩ Jambuka nên buổi chiều một mình Ngài không dẫn theo thị giả, đi đến chỗ đạo sĩ Jambuka trú ngụ.
Chư thiên biết được đức Thế Tôn sẽ ngự đến chỗ trú của đạo sĩ Jambuka nên trước đó đã làm mưa to tẩy uế chỗ ấy để Ngài ngự đến.
Đức Phật đến một dốc đá cách không xa chỗ ngụ của đạo sĩ Jambuka, Ngài nói chuyện với Jambuka và xin trú lại ở đây một đêm. Đạo sĩ Jambuka ngần ngại nhưng rồi cũng đồng ý.
Đức Phật liền trãi toạ cụ ngồi trên dốc đá ấy, đến đêm canh đầu có Tứ Đại Thiên Vương hiện xuống hầu đức Thế Tôn; Đến canh giữa thì đức Thiên Chủ Đế Thích đến đảnh lễ đức Phật; Rồi vào canh cuối Đại Phạm Thiên hiện ra đảnh lễ Phật. Trong đêm ba canh chư thiên phạm thiên xuất hiện với hào quang sáng rực cả vùng.
Sáng sớm hôm sau, Jambuka đi đến chỗ ngụ đức Thế Tôn, chào hỏi xã giao xong bèn hỏi đêm qua có những ai đến chỗ ngài mà toả hào quang vậy? Đức Phật cho biết đó là các vị trời Đại Thiên Vương, Thiên Chủ Đế Thích và Đại Phạm Thiên đến hầu Như Lai.
Nghe vậy Jambuka nói: Tôi đã hành khổ hạnh ăn gió đứng một chân suốt hơn năm mươi năm mà không thấy các vị trời ấy đến hầu.
Đức Phật bảo: Ngươi chớ nói dối! Như Lai biết rõ ngươi do quá khứ tạo khẩu nghiệp sỉ vả bậc thánh nên nay quả sanh phải ăn phẩn, trần truồng, nằm đất, nhổ râu tóc; chứ phải đâu là thực hành khổ hạnh.
Jambuka bèn hỏi đức Phật về tiền nghiệp của ông ta. Nghe đức Phật nhắc tiền thân tạo nghiệp của mình Jambuka kinh cảm, hổ thẹn tội lỗi và có tâm hối cải. Đức Phật trao cho ông một tấm choàng, ông vận tấm choàng che thân lại rồi sụp mình đảnh lễ đức Phật.
Bấy giờ, đức Đạo Sư thuyết pháp cho Jambuka nghe. Dứt pháp thoại, Jambuka chứng đắc quả A la hán với tuệ phân tích, và xin xuất gia với đức Phật.
Đức Phật đã cho Jambuka thọ cụ túc giới bằng cách “ehibhikkhu” (Thiện lai tỳ kheo). Từ đây nghiệp tiền khiên của tỳ kheo Jambuka được dứt sạch.
Dân chúng sáng hôm ấy như thường lệ tụ họp lại nơi ấy để bái viếng vị khổ hạnh. Họ thấy Đức Phật cũng đến chỗ nầy, họ phân vân không biết vị sa môn là thầy của vị khổ hạnh hay vị khổ hạnh là thầy của vị sa môn?
Lúc ấy đức Phật biết tâm dân chúng đang phân vân nên Ngài bảo tôn giả Jambuka phá nghi cho họ. Tôn giả Jambuka liền đảnh lễ Phật và tuyên bố: “Bạch Thế Tôn, Ngài là Đạo Sư của con, con là đệ tử của Ngài”.
Thấy vậy, dân chúng nghĩ thầm: “Ôi, đức Phật là bậc vô thượng, đức Phật thật là phi thường”.
Khi dân chúng đang có tâm tịnh tín, đức Phật bèn thuyết pháp cho họ nghe, và Ngài đã nói lên bài kệ: “Māse māse kusaggena … kalaṃ agghati soḷasiṃ”.
Dân chúng nghe Pháp xong đã xin qui ngưỡng tam bảo.
*
Chánh văn:
Māse māse kusaggena
bālo bhuñjeyya bhojanaṃ
na so saṅkhātadhammānaṃ
kalaṃ agghati soḷasiṃ.
(dhp 70)
*
Thích văn:
māse [định sở cách số ít của danh từ nam tính māsa] vào mỗi tháng, trong tháng. “Māse māse” nghĩa là “tháng nầy qua tháng khác, diễn ra lập đi lập lại”.
kusaggena [sở dụng cách số ít của danh từ hợp thể kusagga (kusa + agga) trung tính] đầu cọng cỏ tranh, ngọn cỏ tranh.
bhuñjeyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (căn bhuj + ṃ_a)] có thể ăn, có thể thọ dùng.
bhojanaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính bhojana] vật thực, thức ăn; sự ăn.
saṅkhātadhammānaṃ [sở thuộc cách số nhiều của hợp thể danh từ nam tính saṅkhātadhamma (saṅkhāta + dhamma + ṇa) đối với những người có pháp giác ngộ, của những người hiểu thông chân lý.
kalaṃ [đối cách số ít của danh từ nữ tính kalā] một phần trong nhiều, phần nhỏ trong một khối. “kalaṃ soḷasiṃ” một phần mười sáu, 1/16.
agghati [động từ hiện tại ngôi III số ít ít (căn aggh + a)] trị giá, tỷ giá, đáng giá, tương đương.
*
Việt văn:
Kẻ ngu ăn mỗi tháng
liếm ăn bằng đầu cỏ
không bằng phần mười sáu
người hiểu thông chân lý.
(pc 70)
*
Chuyển văn:
Bālo māse māse kusaggena bhojanaṃ bhuñjetha so saṅkhātadhammānaṃ soḷasiṃ kalaṃ na agghati.
Kẻ ngu dù có ăn kiêng mỗi mỗi tháng chỉ bằng đầu cọng cỏ chấm mút cũng không đáng một phần mười sáu so với những vị thấu hiểu chân lý.
*
Lý giải:
Đạo sĩ Jambuka làm ra vẻ một người tu cực kỳ khổ hạnh chỉ uống gió mà sống, khi dân chúng cúng dường thực phẩm như mật đường … khẩn xin vị ấy thọ dùng để họ được phước; đạo sĩ Jambuka lấy đầu cọng cỏ kusa chấm vào chén mật ong rồi đưa lên lưỡi nếm gọi là đã thọ thực.
Đức Phật lấy sự việc ấy để thuyết pháp trong kệ ngôn: kusaggena bhojanaṃ bhuñjetha (ăn kiêng chỉ bằng đầu cọng cỏ chấm mút).
Sau đó Jambuka qui ngưỡng Phật, chứng đắc a la hán, thành bậc lậu tận, giác ngộ chân lý.
Đức Phật so sánh khổ hạnh trước đây của Jambuka không có giá trị gì so với quả vị a la hán mà Jambuka nay đã đạt được. Sự so sánh “không bằng một phần mười sáu” (soḷasiṃ kalaṃ) là một cách nói ví von trong văn hoá Ấn, chứ không phải thực tế khổ hạnh kiêng ăn có giá trị bằng một phần mười sáu của hạnh giác ngộ.
Trong bài kệ, cụm từ “saṅkhātadhammānaṃ” rất khó dịch. Đây là một hợp thể liên từ hay quan hệ phức hợp ngữ (bahubbīhisamāsa). Trước hết saṅkhātadhamma “saṅkhāto dhammo”; tiếp đến saṅkhātadhammo “yasmiṃ saṅkhātadhammo tesaṃ saṅkhātadhammānaṃ”. Về ý nghĩa, saṅkhātadhamma (hợp thể đồng trạng), chú giải: ñātadhamma “pháp được hiểu biết”, tulitadhamma “pháp được cân nhắc”, như vậy saṅkhātadhamma, nghĩa là “pháp giác ngộ”.
Saṅkhātadhamma (hợp thể liên từ), người có pháp giác ngộ, hay là người giác ngộ chân lý. Chú giải nói: Đây chỉ cho bốn bậc thánh quả, từ tu đà huờn đến a la hán.
Quả thật vậy, người ngu si dù có tu khổ hạnh đến mấy cũng không giá trị gì so với người liễu ngộ chân lý.
Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu