Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 1 (dhp 60)

Thứ năm, 08/09/2022, 09:23 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 8.9.2022


V

PHẨM NGƯỜI NGU

(Bālavagga)

V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 1 (dhp 60)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại chùa Jetavana thành Sāvatthi, nhân câu chuyện của vua Pasenadi và người thị vệ.

Tương truyền vua Pasenadi tương tư nhan sắc của vợ người thị vệ nên tìm cớ ghép tội chết cho người thị vệ để cướp đoạt vợ anh ta.

Vua sai người thị vệ đi tìm cho vua một thứ mà ở miền xa mới có và nội trong ngày phải về dâng vua.

Người thị vệ lãnh lệnh ra đi, tìm được rồi hối hả trở về cho kịp thời gian. Còn khoảng một do tuần nữa về tới thành nhưng anh ta mệt mõi cảm thấy một do tuần sao dài quá. Cố gắng đi nhưng tới nơi thì cửa thành đã đóng, anh thị vệ bèn ghé vào chùa Jetavana tá túc qua đêm.

Về phần vua Pasenadi đêm ấy trằn trọc không ngủ được bởi do đầu hôm lúc mơ màng vua nghe bốn tiếng kêu Du_Sa_Na_So, vua sợ là điềm gỡ nên thao thức mãi và cảm thấy đêm dài quá.

Sáng hôm sau, đức vua cùng hoàng hậu Mallikā đi đến Jetavana đảnh lễ Phật và bạch hỏi về bốn tiếng kêu ấy.

Đức Phật giải thích đó là bốn lời than thở của bốn chúng sanh cõi địa ngục xưa kia họ là bốn chàng thanh niên chơi bời lêu lổng phá trinh tiết các các cô gái mà bị đoạ sanh địa ngục. Vua Pasenadi nghe đức Phật giải nghĩa như vậy, vua tự trách mình và dứt bỏ tà tâm với vợ người thị vệ.

Nhân đó đức vua tâm sự với đức Phật rằng đêm qua mình thao thức nên thấy đêm quá dài. Người thị vệ cũng xuất hiện đảnh lễ Phật và kể lại hành trình của mình khi mệt mỏi cảm thấy con đường quá dài.

Đức Phật đúc kết hai câu chuyện và thêm rằng đối với người không hiểu chánh pháp thì vòng luân hồi kéo dài vô tận. Ngài nói lên bài kệ: “Dīghā jāgarato ratti … saddhammaṃ avijānataṃ”.

Dứt bài kệ người thị vệ của vua Pasenadi đắc chứng quả dự lưu.

*

Chánh văn:

Dīghā jāgarato ratti

dīghaṃ santassa yojanaṃ

dīgho bālānaṃ saṃsāro

saddhammaṃ avijānataṃ.

(dhp 60)

*

Thích văn:

dīghā [chủ cách số ít nữ tính của tính từ dīgha] dài.

jāgarato [sở thuộc cách số ít nam tính của hiện tại phân từ jāgaranta (căn jāgar + anta)] đối với người thao thức.

ratti [chủ cách số ít của danh từ nữ tính ratti] đêm. “dīghā ratti” đêm dài.

dīghaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ dīgha] dài

santassa [sở thuộc cách số ít nam tính của hiện tại phân từ santa (căn sam + nta)] đối với người đang mệt mỏi.

yojanaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính yojana] một do tuần, một đoạn đường khoảng bốn dặm, mười sáu kí_lô_mét. “dīghaṃ yojanaṃ” đoạn đường dài.

dīgho [chủ cách số ít nam tính của tính từ dīgha] dài.

bālānaṃ [sở thuộc cách số ít của danh từ nam tính bāla] người ngu, người dốt nát.

saṃsāro [chủ cách số ít của danh từ nam tính saṃsāra] sự luân hồi, cuộc luân hồi. “dīgho saṃsāro” luân hồi dài, kiếp luân hồi dai dẳng.

saddhammaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính saddhamma] chánh pháp, chân lý cao siêu.

avijānataṃ [sở thuộc cách số nhiều nam tính của tính từ avijānanta (na + vijānanta)_hiện tại phân từ (vi + ñā)] đối với những kẻ không hiểu biết, không thông hiểu, không thấu triệt.

*

Việt văn:

Đêm dài với kẻ thức

đường dài với kẻ mệt

luân hồi dài với ngu

không thấu triệt chánh pháp.

(pc 60)

*

Chuyển văn:

Jāgarato dīghā ratti santassa dīghaṃ yojanaṃ saddhammaṃ avijānataṃ bālāṇaṃ dīgho saṃsāro.

Đêm dài đối với kẻ thao thức, đường dài đối với kẻ mệt mỏi, luân hồi dài đối với những kẻ ngu muội không thấu triệt chân lý.

*

Lý giải:

Thời gian của đêm cũng chừng ấy ba canh hoặc năm canh nhưng đối với người mất ngủ trằn trọc mong cho mau sáng thì họ cảm thấy đêm dài quá.

Khoảng cách của con đường cũng chừng ấy bốn dặm hay năm sáu dặm nhưng đối với người đã mệt mỏi lê bước mong cho nhanh tới nhà thì họ cảm thấy đường quá dài.

Thời gian hay không gian dài hay ngắn là do tâm trạng con người cảm thấy.

Nhưng một sự thật là kiếp luân hồi sanh tử sẽ diễn ra dài hay ngắn tuỳ vào mỗi chúng sanh.

Những chúng sanh thấu triệt chân lý khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đến khổ diệt; Những vị đắc quả a la hán thì chấm dứt luân hồi khi mệnh chung; đối với vị đắc a na hàm thì sau khi chết sẽ tái sanh cõi sắc giới tịnh cư và vô dư y níp bàn ở đó; vị tư đà hàm thì chỉ một lần tái sanh cõi dục rồi níp bàn; vị tu đà hườn thì luân hồi không quá bảy lần nữa sẽ chấm dứt tử sanh.

Nhưng đối với chúng phàm phu ngu muội không thông hiểu chánh pháp, không thấu triệt chân lý tứ đế, mãi tạo nghiệp luân hồi sẽ phải sanh tử kéo dài không biết đến khi nào kết thúc.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc