Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - Kệ số 2 _ Phẩm Song Đối

Thứ sáu, 25/03/2022, 08:17 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 25.3.2022


I. Kệ số 2 _ Phẩm Song Đối

Chánh văn:

Manopubbhaṅgamā dhammā

manoseṭṭhā manomayā

manasā ce pasannena

bhāsati vā karoti vā

tato naṃ sukhamanveti

chāyā’va anapāyinī

(dhp 2)

Các pháp, ý dẫn đầu,

ý là chủ, ý tạo,

nếu với ý trong sạch

nói ra hay hành động

hạnh phúc sẽ theo sau

như bóng hình không rời.

(pc 2)

*

Thích văn:

pasannena [sở dụng cách số ít của pasanna (qkpt của động từ pasīdati). Dùng như tính từ đi với manasā] tịnh tín; trong sáng, trong sạch.

sukhamanveti [hợp âm sukhaṃ anveti]

sukhaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính sukha] sự an vui, sự an lạc, hạnh phúc.

chāyā’ va [hợp âm chāyā iva]

chāyā [chủ cách số ít của danh từ nữ tính chāyā] cái bóng, bóng hình.

anapāyinī [chủ cách số ít của tính từ phức hợp ngữ anapāyinī (na + apāyinī, “apa + aya + inī”)] không tách rời, không rời xa.

*

Chuyển văn:

Dhammā manopubbaṅgamā manoseṭṭhā manomayā. Pasannena ce manasā bhāsati vā karoti vā, tato sukhaṃ naṃ anveti chāyā iva anapāyinī.

Các pháp có ý dẫn đầu, có ý là chủ xướng, được tạo do ý. Nếu nói hay hành động bằng ý trong sáng thì tất hạnh phúc sẽ theo người ấy như bóng hình không tách rời.

*

Lý giải:

Trong bài kệ số hai nầy, chữ Dhammā _ các pháp, cũng chỉ cho các tâm sở (thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn) nhưng là các tâm sở thiện đồng sanh với căn thiện (kusalamūla) là vô tham, vô sân và vô si; Trong các tâm sở thiện nầy có tư tâm sở (cetanācetasika) là tiêu biểu nghiệp thiện.

Các pháp có ý dẫn đầu, ý là chủ ý tạo _ có nghĩa là các uẩn thiện tâm sở phải nương vào thức uẩn thiện (tâm thiện) mới hoạt động được. Tâm thiện là ý dẫn đầu các tâm sở thiện.

Người tạo thân thiện nghiệp, khẩu thiện nhiệp, ý thiện nghiệp bằng tâm trong sáng tức là bằng tâm thiện, sẽ có quả dị thục tốt đẹp an vui.

Quả của thiện nghiệp cũng sẽ theo dính người ấy trong hiện tại hoặc trong ngày vị lai do hiện báo nghiệp, hay sanh báo nghiệp, hay hậu báo nghiệp. Ví dụ về bóng không rời hình là để minh hoạ cho trường hợp quả lành theo dính người ấy.

Đức Phật giảng dạy hai bài kệ số một và số hai nầy để cho thấy chúng sanh phải chịu trách nhiệm về hành vi thiện ác của mình, chính mình xây dựng số phận cho chính mình, chứ không có ai ban phước hay giáng hoạ cho mình.

Chúng sanh sẽ gặt hái quả tương xứng với cái gì đã gieo. Nhưng không phải nhất định gánh chịu hết tất cả quả nghiệp; Đức Phật dạy con người có thể nỗ lực để giải thoát nghiệp quả luân hồi, vì nghiệp thiện hay ác chính do tự mỗi người tạo ra thì tự mỗi người tháo gỡ được.

*

Duyên sự:

Đức Phật thuyết bài kệ pháp cú số 2 nầy khi Ngài ngụ tại Jetavana Sāvatthi, do câu chuyện của Maṭṭhakuṇṇdalī con trai ông bà la môn Adinnapubbaka.

Chuyện rằng, Maṭṭhakuṇṇdalī là đứa con một của bà la môn Adinnapubbaka trong thành Sāvatthi.

Năm lên mười sáu tuổi cậu ta mắc chứng bệnh ngặt nghèo, người cha keo kiết không muốn bỏ tiền ra để rước lương y điều trị, cứ tự làm thuốc cho con nên bệnh không hết mà một ngày đứa con trai sắp chết. Người cha đặt con trai nằm trên giường nhỏ ở trước hiên nhà.

Sáng hôm đó đức Phật đi hoá duyên khất thực, Ngài đứng trước cửa nhà của bà la môn Adinnapubbaka. Cậu Maṭṭhakuṇṇdalī nhìn ra thấy đức Phật uy nghiêm hảo tướng thì khởi tâm tịnh tính với đức Phật rồi mệnh chung và tái sanh vào cõi trời Đao Lợi làm một vị thiên tử trong thiên cung rực rỡ.

Rồi thiên tử Maṭṭhakuṇṇdalī khi nhìn thấy người cha tiền kiếp ngày nào cũng đi ra chổ thiêu xác con trai mà khóc than sầu thảm, muốn tiếp độ người cha ấy bèn hoá thân thành một cậu bé đứng gần chổ người bà la môn tại chổ thiêu và khóc sướt mướt.

Ông bà la môn cha Maṭṭhakuṇṇdalī mới gạn hỏi cậu bé vì sao khóc? Cậu bé đáp vì muốn lấy mặt trăng mặt trời để làm bánh xe nhưng không lấy được.

Bà la môn Adinnapubbaka quở mắng cậu bé là kẻ điên rồ. Cậu bé liền thức tỉnh ông rằng: cháu đòi mặt trăng mặt trời là vật nhìn thấy được mà ông bảo là kẻ điên rồ. Còn như ông than khóc gọi con trai đã chết và bị đốt cháy ra tro không thấy được hình hài, chính ông mới thật là kẻ điên rồ.

Ông bà la môn tỉnh ngộ và cậu bé hiện thân là vị thiên tử. Thiên tử Maṭṭhakuṇṇdalī nói cho ông bà la môn biết mình chính là con trai đã chết của ông, nhờ phút lâm chung thấy đức Phật và khởi tâm tịnh tín mà được sanh lên cõi trời. Vị thiên tử khuyên ông hãy tìm đến đức Phật để nghe pháp, qui y tam Bảo và trì ngũ giới.

Ông bà la môn Adinnapubbaka mời đức Phật và chúng tỳ kheo về nhà thọ thực, và hỏi Ngài một người chỉ khởi tâm tịnh tính nơi Phật cũng được sanh thiên giới phải không?

Đức Phật xác nhận đó là trường hợp Maṭṭhakuṇṇdalī con trai ông. Lúc ấy thiên tử Maṭṭhakuṇṇdalī hiện ra đảnh lễ Phật, và xác định với ông bà la môn về lời nói của đức Phật.

Đức Phật nhân đó đã thuyết bài kệ trên. Dứt pháp thoại, cả hai, thiên tử Maṭṭhakuṇṇdalī và bà la môn Adinnapubbaka đều chứng quả Dự lưu.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc