Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | IX. Phẩm Ác (Pāpavagga) _ Kệ số 7 (dhp 122)

Chủ nhật, 19/03/2023, 09:45 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 19.3.2023


IX

PHẨM ÁC

(Pāpavagga)

IX. Phẩm Ác _ Kệ số 7 (dhp 122)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana thành Sāvatthi, vì câu chuyện ông trưởng giả Biḷālapādaka.

Sở dĩ ông trưởng giả nầy có biệt danh là Biḷālapādaka (chân mèo) vì ông ta không rộng rãi bố thí, mỗi khi có ai kêu gọi hùn phước trai tăng thì ông chỉ nhón tay bốc gạo hay đậu để hùn vào việc trai tăng đó, năm đầu ngón tay chụm lại như chân mèo vậy, nên người ta gọi ông ta là trưởng giả Châm Mèo (Biḷālapādakaseṭṭhī).

Tương truyền dân thành Sāvatthi nghe đức Phật thuyết pháp dạy rằng: Người tự mình bố thí nhưng không khuyến khích người khác bố thí, người ấy sanh lại đời sau có tài sản nhưng không có tuỳ tùng; Người không tự mình bố thí nhưng khuyến khích người khác bố thí thì người ấy sanh kiếp sau có tuỳ tùng nhưng không có tài sản; Người tự mình không bố thí cũng không khuyến khích người khác bố thí thì người ấy đời sau không được tài sản cũng không có tuỳ tùng, sống tha phương cầu thực; Người tự mình bố thí và khuyến khích người khác bố thí thì người ấy sanh lại kiếp sau được dồi dào tài sản và có tuỳ tùng quyến thuộc.

Vì thế mọi người khi làm phước trai tăng họ rủ người khác hùn phước cúng dường để đời sau họ có được cả hai, tài sản và quyến thuộc tuỳ tùng.

Có người hiền trí kia phát tâm thỉnh Đức Phật và chúng tỳ kheo về nhà cúng dường vật thực. Ông ta nghỉ mình làm phước phải được quả hai mặt, nên tự mình bỏ của cải ra và kêu gọi mọi người hùn phước.

Người ấy cầm bát đi từng nhà quyên góp hùn phước trai tăng, đến cửa nhà ông trưởng giả Biḷālapādaka kêu gọi thì ông trưởng giả chỉ lấy tay nhúm chút gạo, chút đậu, chút đường ..v.v.. gọi là có hùn phước. Người hiền trí hoan hỷ nhận nhưng phân loại riêng ra.

Ông trưởng giả thấy vậy nghỉ thầm chắc người nầy chê ta hùn phước kém cõi; Ông trưởng giả định bụng sẽ đến dự lễ nếu người hiền trí ấy bêu rếu ta keo kiết thì ta sẽ giết nó.

Xong lễ trai tăng, Người hiền trí ấy nói lời cảm tạ và chúc phước lành đến tất cả mọi người đã hùn phước. Ông trưởng giả lấy làm hối hận nghỉ rằng: “Ta chỉ hùn phước ít ỏi thế mà ông thiện nam nầy cũng hoan hỷ chúc phúc cho ta, vậy mà ta tính giết ông ta nếu ông ta nói xấu; Nếu ta không xin lỗi chắc thiên lôi sẽ giáng xuống đầu của ta”.

Ông trưởng giả qùi xuống trước mặt người thiện nam ấy xin thứ lỗi và bày tỏ sự việc.

Đức Phật thấy hành động nầy của ông trưởng giả, bèn hỏi cớ sự. Khi nghe ông thiện nam thuật lại, đức Phật khích lệ ông trưởng giả với pháp thoại và kết luận bằng bài kệ: “Mā’vamaññetha puññassa … thokathokampi ācinan ’ti”.

Dứt pháp thoại, ông trưởng giả Biḷālapādaka chứng quả Dự lưu.

*

Chánh văn:

Mā ’vamaññetha puññassa

na maṃ taṃ āgamissati

udabindunipātena

udakumbho ’pi pūrati

pūrati dhīro puññassa

thokathokampi ācinaṃ.

(dhp 122)

*

Thích văn:

puññassa [chỉ định cách số ít của danh từ trung tính puñña] điều thiện, việc phước.

dhīro [chủ cách số ít của danh từ nam tính dhīra] người trí, người khôn ngoan.

*

Việt văn:

Chớ xem thường việc phước

rằng: quả không đến mình

với từng giọt nước rơi

bình nước cũng đầy tràn

người trí đầy thiện phước

cũng vì tích lần ít.

(pc 122)

*

Chuyển văn:

Taṃ maṃ na āgamissati puññassa mā avamaññetha udabindunipātena api udakumbho pūrati thokathokaṃ api ācinaṃ dhīro puññassa pūrati.

Đừng coi thường việc phước cho rằng quả sẽ không đến ta. Bình nước đầy tràn cũng do từng giọt nước rơi, người trí, chứa đầy phước cũng vì tích tập từng ít.

*

Lý giải:

Bài kệ pháp cú nầy đối lập ý nghĩa với bài kệ 121.

Bài kệ nầy đức Phật dạy chớ coi thường việc thiện nhỏ, không đáng kể mà bỏ qua.

Người có trí góp nhặt từng điều thiện nhỏ, lâu dần sẽ thấm nhuần tánh thiện và thành tựu phước lớn, cũng như chiếc bình đặt ngoài trời không đậy nắp, hứng từng giọt nước mưa dần dần cũng đầy tràn.

Có ba loại phước: phước vật, phước đức và phước trí.

Phước vật là phước do thiện nghiệp bố thí cúng dường vật chất. Phước đức là phước do thiện nghiệp trì giới, cung kính ..v.v.. Phước trí là phước do thiện nghiệp nói pháp, nghe pháp, hành thiền ..v.v..

Người khôn ngoan không xem thường loại phước nào cả, tuỳ dịp mà tạo phước vật hay phước đức hay phước trí. Nếu một người tu thiền mà xem thường việc giữ giới hoặc xem thường việc bố thí, cũng không nên. Hay nếu người giữ giới mà xem thường việc bố thí, việc hành thiền nghe pháp ... cũng không nên. Hoặc nếu người bố thí mà xem thường việc giữ giới, việc hành thiền ... cũng không nên.

Phước có làm mới có hưởng. Mỗi loại phước có quả tốt khác nhau. Không nên xem thường loại phước nào.

Lại nữa, trong phước vật có nhiều cách làm, bố thí từ thiện, cúng dường trai tăng, dâng y kaṭhina, xây cất chùa tháp ... không nên xem thường việc phước nào, đừng cho rằng việc ấy nhỏ rồi bỏ qua. Trong phước đức có nhiều cách làm, qui y tam bảo, giữ giới, cung kính, phục vụ, niệm tâm từ ... không nên xem thường việc thiện nào mà bỏ không làm. Trong phước trí cũng có nhiều cách làm, nói pháp, đàm luận pháp, tu tập tuỳ niệm, quán tam tướng ... không nên chê pháp môn nào rồi bỏ không làm.

Câu nói “chớ xem thường việc phước” (mā ’vamaññetha puññassa) đức Phật thuyết bài kệ nầy trong trường hợp ông trưởng giả hùn phước trai tăng, nhưng ở đây có thể hiểu rộng rãi như vậy.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc