Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | IX. Phẩm Ác (Pāpavagga) _ Kệ số 4 & 5 (dhp 119_120)

Chủ nhật, 12/03/2023, 08:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 12.3.2023


IX

PHẨM ÁC

(Pāpavagga)

IX. Phẩm Ác _ Kệ số 4 & 5 (dhp 119_120)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại Jetavana gần thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng giả Anāthapiṇḍika và vị thiên nữ trú trong nhà của trưởng giả.

Tương truyền, trưởng giả Anāthapiṇḍika là vị thánh cư sĩ đệ tử Phật, một vị đại thí chủ hộ độ tam Bảo. Ồng đã xuất ra rất nhiều tiền của để xây chùa Jetavana, cúng dường trai tăng thường nhật 500 vị tỳ kheo tại tư gia, và bố thí cho người nghèo tại những phước xá ..v.v..

Ông tiêu pha tài sản như thế, dần dần tài sản khánh tận. Những thương gia vay vốn của trưởng giả thì chưa trả, gia tài vàng bạc chôn ở bờ sông thì bị sụp lỡ nước cuốn trôi vàng bạc ra biển cả.

Mặc dù sa sút nhưng trưởng giả Anāthapiṇḍika vẫn thỉnh tăng về nhà mỗi ngày để cúng dường vật thực nhưng thức ăn không thượng vị như trước đây.

Một hôm, ông thỉnh đức Phật cùng chư tỳ kheo về nhà để cúng dường trai phạn. Ông bạch với đức Phật rằng: Con vẫn thường xuyên cúng dường trai tăng nhưng không còn là thức ăn thượng vị nữa.

Đức Phật đã an ủi ông trưởng giả: “Gia chủ đừng áy náy việc cúng dường vật thực tầm thường. Việc ông cúng dường thức ăn đến các bậc thánh nhân như đức Phật và chúng thinh văn không phải là tầm thường đâu. Thuở quá khứ ta là bà la môn Velāna đã bố thí đến dân chúng trong cả xứ nhưng tìm đâu ra được người có chánh kiến đừng nói chi là các bậc thánh nhân. Nay gia chủ được cúng dường đến chư thánh thinh văn và đức chánh đẳng giác thì quả báo không phải là thường”. Đức Phật đã thuyết kinh Velāma cho ông Anāthapiṇḍika nghe.

Khi ấy, trong nhà của trưởng giả Anāthapiṇḍika có vị thiên nữ trú trên thanh cửa ra vào. Mỗi lúc đức Phật và chư thánh thinh văn vào nhà gia chủ, vị thiên nữ phải đi ra khỏi nhà vì oai lực của các Ngài.

Lúc gia chủ còn thế lực tài sản, vị thiên nữ không dám xúi giục, nay gia chủ sa sút tài sản vị thiên nữ nhân đó mới xúi giục gia chủ đừng cúng dường đến đức Phật và chư tăng nữa để các Ngài không đến nhà gia chủ.

Gia chủ Anāthapiṇḍika là vị thánh cư sĩ Nhập lưu, đức tin kiên cố không thể lung lạc niềm tin vị ấy được. Khi nghe thiên nữ nói thế, ông lập tức quở trách và đuổi thiên nữ ấy đi không cho trú trong nhà ông.

Vị thiên nữ uy lực kém hơn vị thánh thinh văn nên bị đuổi không thể ở yên bèn ra đi, nhưng không kiếm được chỗ ngụ.

Vị thiên nữ cầu cứu với các vị thiên uy lực lớn hơn để xin được ở lại trong nhà của gia chủ Anāthapiṇḍika, các vị thiên khác từ chối giúp đỡ. Vị thiên nữ bèn đến đảnh lễ thiên chủ Đế Thích xin nói giúp với gia chủ cho ở lại.

Đức Đế Thích cũng bảo không giúp được nhưng dạy cho cách để xin lỗi gia chủ, là hoá thân làm người quản gia của gia chủ Anāthapiṇḍika đi đòi nợ dùm, và tìm lại số vàng đã trôi mất, lại lấy thêm vàng bạc vô chủ ở đáy biển mà đem chất đầy kho cho gia chủ Anāthapiṇḍika. Sau đó hiện ra trước mặt và xin lỗi gia chủ.

Gia chủ Anāthapiṇḍika đưa vị thiên nữ đến bái kiến đức Phật và tường thuật sự việc. Vị thiên nữ đảnh lễ đức Phật và sám hối lỗi lầm đã mạo phạm đến tam Bảo.

Đức Phật tha thứ và ban huấn từ cho vị thiên nữ và cả ông trưởng giả: khi ác chưa chín muồi, kẻ ác thấy là tốt, khi ác trỗ quả kẻ ác mới thấy là xấu; Khi thiện chưa chín muồi, người thiện có thể gặp điều xấu, khi thiện trỗ quả thì người thiện mới thấy điều tốt. Rồi đức Phật nói lên hai bài kệ: “Pāpo ’pi passati bhadraṃ … atha pāpo pāpāni passati”_“Bhadro ’pi passati pāpaṃ … atha bhadro bhadrāni passatī ’ti”.

Dứt pháp thoại, vị thiên nữ ấy chứng đắc quả Tu đà hườn.

*

Chánh văn:

Pāpo ’pi passati bhadraṃ

yāva pāpaṃ na paccati

yadā ca paccati pāpaṃ

attha pāpo pāpāni passati.

(dhp 119)

Bhadro ’pi passati pāpaṃ

yāva bhadraṃ na paccati

yadā ca paccati bhadraṃ

atha bhadro bhadrāni passati.

(dhp 120)

*

Thích văn:

pāpo ’pi [hợp âm pāpo api]

pāpo [chủ cách số ít nam tính của danh từ chuyển hoá pāpa (pāpa + ṇa)] người ác, kẻ xấu.

api [bất biến từ] có thể là, cũng có, đôi khi.

passati [động từ hiện tại cách ngôi III số ít “căn dis + a”] thấy, gặp.

bhadraṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính bhadra] điều tốt đẹp, điều may mắn.

yāva [trạng từ] cho đến, đến khi, khi mà

pāpaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều ác, điều xấu, việc ác, việc xấu.

na [phủ định từ] không, chưa.

paccati [động từ thụ động ngôi III số ít “căn pac + ya”] bị nấu, chín muồi.

yadā [trạng từ] khi nào, lúc nào.

atha [liên từ] rồi, thì.

pāpāni [đối cách số nhiều của danh từ trung tính pāpa] điều xấu, điều dữ.

bhadro ’pi [hợp âm bhadro api]

bhadro [chủ cách số ít của danh từ chuyển hoá bhadra (bhadra + ṇa)] người hiền, người tốt.

pāpaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều xấu, điều dữ.

bhadraṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính bhadra] điều tốt, điều thiện.

bhadrāni [đối cách số nhiều của danh từ trung tính bhadra] các điều lành, những điều cát lợi.

*

Việt văn:

Kẻ ác cũng gặp lành

khi ác chưa chín muồi,

khi ác chín muồi rồi

kẻ ác mới gặp dữ.

(pc 119)

Người hiền cũng gặp dữ

khi thiện chưa chín muồi,

khi thiện chín muồi rồi

người hiền mới gặp lành.

(pc 120)

*

Chuyển văn:

Yāva pāpaṃ na paccati pāpo api bhadraṃ passati yadā ca pāpaṃ paccati atha pāpo pāpāni passati.

Yāva bhadraṃ na paccati bhadro api pāpaṃ passati yadā ca bhadraṃ paccati atha bhadro bhadrāni passati.

Cho đến khi nào việc ác chưa chín muồi thì kẻ ác cũng có thể gặp lành, khi mà việc ác chín muồi rồi lúc ấy kẻ ác mới gặp dữ.

Cho đến khi nào việc thiện chưa chín muồi thì người hiền cũng có thể gặp dữ, khi mà việc thiện chín muồi rồi lúc ấy người hiền mới gặp lành.

*

Lý giải:

Trong đời cũng có cảnh oái ăm, người ở ác thì gặp may mắn, có thời phất lên, còn người hiền thiện thì lại gặp bất hạnh nghèo khó. Khiến người ta tưởng chừng như không có nhân quả báo ứng.

Kỳ thật là nhân quả báo ứng rõ ràng.

Người làm ác ngay trong kiếp hiện tại, nghiệp ác ấy chưa đến thời trỗ quả dữ, rồi có thể thiện nghiệp người ấy đã làm trong quá khứ nay đến thời quả chín muồi nên người ác ấy gặp vận may mắn, khiến ta tưởng làm ác được vui. Đó là nghĩ sai.

Người làm thiện trong kiếp hiện tại, nghiệp thiện ấy chưa đến lúc trỗ quả vui, rồi có thể ác nghiệp mà người đó đã làm trong kiếp quá khứ nay đến thời trỗ quả nên người hiền ấy gặp bất hạnh, khiến ta tưởng làm thiện bị khổ. Nghĩ vậy cũng là sai.

Nghiệp thiện hay nghiệp ác đều có ba cách trổ quả theo thời là hiện báo nghiệp (nghiệp trỗ quả liền trong kiếp nầy), sanh báo nghiệp (nghiệp trỗ quả vào kiếp sau đó), hậu báo nghiệp (nghiệp trỗ quả vào kiếp sau nữa và mãi cho đến khi không còn hiệu lực). Do đó một người trong hiện tại làm ác mà không thành hiện báo nghiệp thì họ vẫn chưa gặp quả dữ; đến khi sanh báo nghiệp hay hậu báo nghiệp của ác được chín muồi thì chừng đó kẻ ác mới gặp quả dữ. Cũng thế, một người làm thiện trong kiếp hiện tại mà không thành hiện báo nghiệp thì người ấy vẫn chưa gặp quả lành; đến khi thiện sanh sanh báo nghiệp hay thiện hậu báo nghiệp được chín muồi thì lúc ấy người hiền thiện mới gặp quả lành.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc