- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 2.4.2023
IX
PHẨM ÁC
(Pāpavagga)
IX. Phẩm Ác _ Kệ số 11 (dhp 126)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana ở thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng lão Tissa và người thợ mài ngọc.
Trưởng lão Tissa là vị A la hán. Trưởng lão được hộ độ bởi gia đình người thợ mài ngọc trong thành Sāvatthi, suốt mười hai năm Ngài chỉ thọ thực tại gia đình ấy. Trong nhà thợ mài ngọc có nuôi con chim Diệc đã thuần hoá nó đi lại tự do.
Một hôm, vào buổi sáng Trưởng lão như lệ thường đi đến nhà của người thợ mài ngọc để thọ trai. Người thợ mài ngọc đang làm thức ăn tay dính vật thực bước ra đón tiếp trưởng lão, vừa lúc ấy có người tuỳ tùng của vua Pasenadi mang đến một viên hồng ngọc và truyền lệnh cho anh thợ ngọc mài dủa làm đồ trang sức cho nhà vua.
Anh thợ mài ngọc tay đang dính bẩn thức ăn nhận lấy viên ngọc của sứ giả rồi đặt lên trên nắp hộp mới đi vào nhà trong rữa tay. Ngoài nầy con chim diệc đánh hơi mùi thức ăn bay vào và thấy trên bàn có viên hồng ngọc tưởng là cục thịt nên nó mổ lấy nuốt vào bụng, trước mặt vị trưởng lão.
Anh thợ mài ngọc ở trong nhà bước ra để lấy cất viên ngọc thì không thấy đâu, bèn hỏi vợ con có lấy viên ngọc không? Mọi người đều trả lời không có. Rối quá, anh ta nghĩ chắc là vị trưởng lão nầy đã lấy. Anh ta gạn hỏi vị trưởng lão, Ngài chỉ đáp là không có lấy, chớ Ngài không nói con chim nhà đã nuốt vì Ngài sợ nó bị giết.
Hỏi năm lần bảy lượt, vị trưởng lão vẫn trả lời như thế. Anh ta nói với vợ sẽ tra khảo vị trưởng lão; Người vợ can ngăn, anh ta không nghe. Anh ta dùng dây thừng niền đầu vị trưởng lão và đánh tra tấn đến thịt rơi máu đỗ. Thọ khổ khốc liệt, vị trưởng lão ngã nằm dưới đất. Con chim đánh hơi mùi máu chạy đến uống máu, đang cơn giận, anh thợ mài ngọc tung chân đá con Diệc văng ra chết liền.
Hồi tỉnh, vị trưởng lão thấy con chim chết rồi, Ngài mới tiết lộ cho anh thợ mài ngọc biết chính con chim nầy đã nuốt viên ngọc.
Người thợ mài ngọc liền mổ bụng con chim thấy được viên ngọc, liền phát run lên, tâm thần bấn loạn, cởi trói cho vị trưởng lão và quì mọp dưới chân vị trưởng lão xin sám hối tội lỗi đã nghi oan và làm khổ Ngài.
Ngài trưởng lão tha thứ cho anh ta. Anh thợ mài ngọc khẩn thỉnh vị trưởng lão hãy tiếp tục đến nhà anh ta để thọ thực.
Vị trưởng lão dứt khoát từ chối, Ngài ra đi, và từ đó nguyện đầu đà khất thực, không nhận đến nhà cư sĩ thọ thực nữa.
Ít lâu sau, trưởng lão Tissa níp bàn vì bị đánh mang trọng bệnh. Con chim chết sanh bào thai người. Anh thợ mài ngọc do tạo ác nghiệp chết sanh vào địa ngục. Người vợ của anh ta vì có tâm dịu hiền với vị trưởng lão nên được tái sanh thiên giới.
Chư tỳ kheo biết chuyện trưởng lão bị đánh bèn bạch hỏi đức Phật về cảnh giới của những người trong việc nầy. Nhân đó, đức Phật trả lời cho các tỳ kheo về số phận mỗi người, rồi Thế Tôn thuyết lên bài kệ nầy: “Gabbhaṃ eke uppajjanti .. parinibbanti anāsavā ’ti”.
Cuối pháp thoại, nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.
*
Chánh văn:
Gabbhaṃ eke uppajjanti
nirayaṃ pāpakammino
saggaṃ sugatino yanti
parinibbanti anāsavā.
(dhp 126)
*
Thích văn:
gabbhaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính gabbha] thai bào, thai sanh.
eke [chủ cách số nhiều của số mục tính từ eka, hình thức nam tính] một số.
uppajjanti [động từ tiến hành cách ngôi III số nhiều, (u + căn pad + ya)] sanh lên, sanh vào.
nirayaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính niraya] địa ngục, khổ cảnh.
pāpakammino [chủ cách số nhiều nam tính của hợp thể tính từ pāpakammī (pāpa + kamma + ī)] những kẻ ác hạnh, những người có nghiệp ác.
saggaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính sagga] cõi trời, thiên giới.
sugatino [chủ cách số nhiều nam tính của tính từ sugatī (su + gata + ī)] có hành trình tốt đẹp, người tốt.
yanti [động từ hiện tại cách ngôi III số nhiều (căn yā + a)] đi đến.
parinibbanti [động từ tiến hành cách ngôi III số nhiều (pari + ni + căn vā + a)] bát níp bàn, viên tịch, hoàn toàn tịch diệt.
anāsavā [chủ cách số nhiều của hợp thể danh từ nam tính anāsava (na + āsava + ṇa)] Bậc vô lậu, người không còn lậu hoặc phiền não.
*
Việt văn:
Một số sanh bào thai
kẻ ác sanh địa ngục
người thiện lên cõi trời
bậc vô lậu viên tịch.
(pc 126)
*
Chuyển văn:
Eke gabbhaṃ uppajjanti pāpakammino nirayaṃ (nibbattanti) sugatino saggaṃ yanti anāsavā parinibbanti.
Một số sanh vào thai bào, những kẻ ác nghiệp sanh xuống địa ngục, những người hiền thiện đi đến cõi trời, các bậc Vô lậu thì viên tịch.
*
Lý giải:
Ý nghĩa của bài kệ nầy, đức Phật giải thích về số phận của những nhân vật trong câu chuyện duyên sự. Con chim nuốt viên ngọc bị người thợ mài ngọc đá chết đã sanh vào bào thai của vợ người thợ ấy; người thợ mài ngọc nghi oan cho vị thánh nhân và đánh đập tra tấn, do tạo ác nghiệp nên chết sanh xuống địa ngục; vợ người thợ ngọc có tâm hiền thiện đã khuyên ngăn chồng đừng nghi oan cho vị trưởng lão, cô chết sanh về cõi trời. Riêng về vị trưởng lão là bậc A la hán vô lậu thì viên tịch không còn tái sanh.
Bài kệ nầy cũng nói lên ý nghĩa tiến trình sanh tử tuỳ theo hạnh nghiệp riêng mỗi người.
Chữ gabbhaṃ ở đây nên hiểu là thai sanh nhân loại. Mặc dù thai sanh gồm bào sanh (jalābuja) và noãn sanh (aṇḍaja). Chúng sanh được sanh cõi nhân loại do không làm việc ác.
Chữ nirayaṃ mặc dù là cõi địa ngục, nhưng ở đây giải tự (nira + aya) nghĩa là những cảnh giới bất hạnh, không có an lạc, gồm địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh và a tu la. Chúng sanh sinh vào khổ cảnh do tạo ác nghiệp.
Chữ saggaṃ nghĩa là cõi trời, thiên giới, bao gồm cõi dục giới thiên, cõi sắc giới phạm thiên và cõi vô sắc giới phạm thiên. Chúng sanh đi đến thiên giới do nhờ tâm hiền thiện, có thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh và ý thiện hạnh.
Chữ parinibbanti viên tịch, tịch diệt hoàn toàn, không còn tái sanh trong tam giới nữa, đây gọi là vô dư y níp bàn. Chỉ có bậc Lậu tận A la hán mới vô dư níp bàn ./.
Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn