Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | IX. Phẩm Ác (Pāpavagga) _ Kệ số 10 (dhp 125)

Thứ năm, 30/03/2023, 08:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 30.3.2023


IX

PHẨM ÁC

(Pāpavagga)

IX. Phẩm Ác _ Kệ số 10 (dhp 125)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana ở thành Sāvatthi, do câu chuyện thợ săn Koka.

Tương truyền, có gã thợ săn tên Koka, dùng chó đi săn thú rừng.

Buổi sáng nọ, gã mang cung tên và dắt theo bầy chó săn đi vào rừng săn thú. Dọc đường gã thợ săn gặp một vị tỳ kheo đầu đà khất thực, đang đi ngược chiều, gã bực bội nghĩ thầm: “Hôm nay gặp sa-môn đầu trọc, xui xẻo, chắc không săn được thứ gì đâu!” gã hậm hực đi vào rừng.

Vị tỳ kheo đầu đà kia sau khi vào làng khất thực, ăn xong, đi vào rừng. Gã thợ săn Koka cả buổi sáng không săn được con mồi nào, trở về, lại gặp vị tỳ kheo ấy nữa. Gã nổi điên xuỵt bầy chó săn tấn công vị tỳ kheo. Vị tỳ kheo van lơn gã đừng làm vậy, nhưng gã không dừng lại. Túng quá, vị tỳ kheo ấy trèo nhanh lên một nhánh cây để tránh bầy chó. Gã thợ săn bắn liền hai mũi tên trúng chân vị tỳ kheo.

Bị đau, vị ấy hoãng loạn xoay trở, vô tình chiếc y trên mình tuột ra và rơi xuống trùm lên đầu thợ săn Koka.

Gã thợ săn lúng túng trong chiếc y ca sa, bầy chó tưởng con mồi rơi xuống, chúng nhảy vồ tới cắn xé một hồi, gã thợ săn chết liền.

Vị tỳ kheo bẻ nhánh cây liệng xuống xua đuổi bầy chó liền bỏ chạy vào rừng.

Vị tỳ kheo tâm áy náy: “vì chiếc y ca sa của mình rơi khiến gã thợ săn thọ hại, không biết giới hạnh có hỏng chăng?”.

Vị tỳ kheo ấy tuột xuống đất đi về chùa đảnh lễ đức Phật và thuật lại sự việc xãy ra, rồi bạch hỏi đức Phật: “ông thợ săn thiệt mạng do chiếc y ca sa của con rơi xuống, không biết giới hạnh của con có bị hỏng chăng?”.

Đức Thế Tôn phán dạy: “Nầy tỳ kheo, giới của ngươi không hư hỏng, sa môn hạnh của ngươi vẫn nguyên vẹn. Người thợ săn ấy bị thiệt mạng bởi đã làm hại người vô tội; kiếp xưa người ấy cũng đã từng bị thọ hại khi làm hại người khác”. Đức Phật nhắc lại tiền kiếp gã thợ săn là thầy thuốc rắn.

Rồi đức Phật nói lên bài kệ pháp cú: “Yo appaduṭṭhassa narassa dussati … sukhuno rajo paṭivātaṃ’va khitto’ti”.

Dứt pháp thoại, vị tỳ kheo ấy đã chứng đắc quả A la hán.

*

Chánh văn:

Yo appaduṭṭhassa narassa dussati

suddhassa posassa anaṅgaṇassa

tameva bālaṃ pacceti pāpaṃ

sukhumo rajo paṭivātaṃ ’va khitto.

(dhp 125)

*

Thích văn:

appaduṭṭhassa [chỉ định cách số ít nam tính của hợp thể tính từ appaduṭṭha (a + paduṭṭha) quá khứ phân từ của động từ padussati] vô tội, không lỗi lầm, không đồi bại.

narassa [chỉ định cách số ít của danh từ nam tính nara] đến người, đến con người.

dussati [động từ tiến hành cách ngôi III số ít, “căn dus + ya”] đồi bại, phạm lỗi, xúc phạm, xâm hại.

suddhassa [chỉ định cách số ít nam tính của tính từ suddha] trong sạch, trong sáng, thanh tịnh.

posassa [chỉ định cách số ít của danh từ nam tính posa] đến người (đồng nghĩa với từ narassa)

anaṅgaṇassa [chỉ định cách số ít nam tính của hợp thể tính từ (na + aṅgaṇa)] không dơ bẩn, không cấu uế, vô uế.

tameva [hợp âm taṃ eva] eva là từ đệm

taṃ [đối cách số ít nam tính của “ta”] kẻ ấy, nó.

bālaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính bāla] người ngu, kẻ ngu.

pacceti [động từ tiến hành cách ngôi III số ít, “paṭi + căn i + e”] trở về, đi ngược lại, phản hồi, trở lui, quay lại.

pāpaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều xấu xa, điều tệ hại.

sukhumo [chủ cách số ít nam tính của tính từ sukhuma] tinh vi, vi tế, tế nhuyễn.

rajo [chủ cách số ít của danh từ nam tính raja] hạt bụi, vi trần.

paṭivātaṃ [trung tính đối cách số ít. Dùng như trạng từ] ngược gió.

paṭivātaṃ ’va [hợp âm paṭivātaṃ iva]

iva (bất biến từ) ví như, như là.

khitto [chủ cách số ít nam tính của tính từ khitta (quá khứ phân từ của động từ khipati] thảy lên, liệng ra, tung ra.

*

Việt văn:

Ai phạm người vô tội

bậc thanh tịnh, vô uế

ác hại phản kẻ ngu

như tung bụi ngược gió.

(pc 125)

*

Chuyển văn:

Yo appaduṭṭhassa suddhassa anaṅgaṇassa narassa posassa dussati pāpaṃ eva taṃ bālaṃ pacceti paṭivātaṃ iva khitto sukhumo rajo.

Kẻ nào xúc phạm người vô tội, bậc thanh tịnh, không uế nhiễm, điều ác hại sẽ quay lại chính kẻ ngu ấy, như bụi tung ngược chiều gió.

*

Lý giải:

Chúng sanh tạo thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp sẽ có ba quả dị thục trỗ sanh đời hiện tại, đời vị lai kế tiếp và đời vị lai sau sau nữa.

Nghiệp trỗ quả ngay kiếp nầy gọi là hiện báo nghiệp, nghiệp trỗ quả kiếp sau đây gọi là sanh báo nghiệp, nghiệp trỗ quả kiếp sau sau nữa gọi là hậu báo nghiệp.

Chúng sanh sẽ lãnh hậu quả của nghiệp chính mình đã tạo.

Trong bài kệ nầy, nhân sự kiện người thợ săn xua chó tấn công vị tỳ kheo hiền thiện, để rồi chính ông ta bị bầy chó săn xé xác, đức Phật dạy rằng người tạo ác nghiệp gây đau khổ cho người khác, nhất là người tốt, người hiền thiện, thì chính kẻ ác ấy phải lãnh chịu sự đau khổ do hiện báo ác nghiệp.

Không phải chỉ là hiện báo nghiệp thôi mà phải chịu hậu quả của sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp nữa.

Thí dụ: bụi tung ngược gió, bụi sẽ bay ngược lại tấp vào mặt, rơi vào mắt của kẻ đã tung bụi, là minh hoạ về ác nghiệp.

Về thiện nghiệp, có thể minh hoạ bằng thí dụ: cầm đoá hoa thơm trao tặng người khác, người tặng hoa sẽ thưởng thức trước mùi thơm từ đoá hoa ./.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc