Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | IX. Phẩm Ác (Pāpavagga) _ Kệ số 1 (dhp 116)

Thứ năm, 02/03/2023, 08:29 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 2.3.2023


IX

PHẨM ÁC

(Pāpavagga)

(Gồm 13 bài kệ với 12 duyên sự)

IX. Phẩm Ác _ Kệ số 1 (dhp 116)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại Jetavana gần thành Sāvatthi, vì câu chuyện của người bà la môn Ekasāṭaka.

Trong thành Sāvatthi có người bà la môn rất nghèo, không biết ông ta tên gì, người ta gọi ông bà la môn ấy là Ekasāṭaka vì gia tài của ông chỉ có độc nhất tấm choàng (ekasāṭaka) để che thân.

Nhà có hai vợ chồng, mỗi người vận chiếc khố và xài chung một tấm choàng. Khi người nào đi ra khỏi nhà thì khoác tấm choàng ấy.

Một hôm, ông bà la môn nghe thông báo có đức Phật về Jetavana thuyết pháp, ông nói với vợ rằng: chúng ta chỉ có một tấm choàng nên không thể hai vợ chồng cùng đi nghe pháp. Bà hãy khoác tấm choàng đi nghe pháp ban ngày, tôi sẽ khoác tấm choàng đi nghe pháp ban đêm.

Người vợ nghe lời, khoác tấm choàng đi nghe pháp ban ngày. Chiều về giao tấm choàng cho ông chồng đi nghe pháp ban đêm.

Ông bà la môn khoác tấm choàng đi đến tịnh xá, ngồi trước mặt đức Thế tôn và chú tâm nghe pháp. Ngồi nghe, tâm ông thoả thích, thân thấm nhuần năm thứ phỉ lạc (pīti). Ông bà la môn muốn cúng dường tấm choàng đến bậc Đạo sư, nhưng rồi tâm hối tiếc khởi lên: “Nếu ta dâng cúng tấm choàng nầy thì ta và bà vợ của ta không còn tấm choàng nào để khoác!”. Nghĩ vậy nên ông thôi, không cúng dường đến đức Phật. Đến lúc sau lòng tịnh tín Phật khởi lên, ông muốn dâng cúng tấm choàng đến đức Phật, rồi tâm tiếc lại nổi dậy để ngăn tâm tín thành của ông. Cứ thế tâm thiện và tâm bất thiện giằng co mãi đến hết canh đêm đầu hôm, và dùn dằn đến hết canh giữa đêm mà ông vẫn chưa thực hiện được việc cúng dường đức Phật.

Đến canh thứ ba, ông bà la môn nghĩ thầm: “Tín tâm và lận tâm giằng co suốt hai canh nên ta chưa cúng dường bậc Đạo sư được. Ta không thể để tâm bỏn xẻn dìm ta xuống bốn đường khổ cảnh, ta sẽ cúng dường tấm choàng.

Với tín tâm mạnh mẽ, ông bà la môn mạnh dạn mang tấm choàng đặt dưới chân Đức Phật bằng tất cả sự tín thành. Làm được việc ấy rồi, ông bà la môn vui mừng reo lên: “Ta thắng rồi! ta thắng rồi! ta thắng rồi!”.

Đức vua Pasenadi đang thính pháp có mặt tại đấy nghe tiếng reo mừng của ông bà la môn bèn phán hỏi quan quân hộ giá: ông bà la môn chiến thắng ai vậy? Quân hộ vệ đến hỏi ông bà la môn cớ sự rồi bẩm tấu lại với đức vua.

Vua Pasenadi nghe chuyện rất cảm động bèn sai quân hầu tặng cho ông nhiều tấm choàng, ông chỉ giữ lại hai tấm, còn bao nhiêu ông cúng dường hết cho đức Phật.

Vua rất hoan hỷ với việc làm của ông bà la môn. Sáng ngày vua ra lệnh ban cho ông bà la môn bốn con voi, bốn con ngựa, bốn nữ nhân, bốn nam nô, bốn nữ tỳ, bốn ấp thu thuế, bốn trăm đồng vàng… thứ gì cũng bốn.

Các vị tỳ kheo biết chuyện ngồi bàn luận về công đức hiện báo nghiệp của ông bà la môn, được nhận quả thứ gì cũng bốn.

Đức Phật nghe các tỳ kheo thảo luận, Ngài bảo: “Nếu bà la môn Ekasāṭaka nầy khởi tâm thiện và cúng dường đến Như Lai vào canh đầu hôm thì ông đã được quả dị thục mỗi thứ mười sáu; Nếu ông ta đã có thể cúng dường vào canh giữa đêm thì ông ta cũng được quả mỗi thứ tám; Vì rằng ông ta làm thiện trì hoãn đến canh cuối nên chỉ được quả mỗi thứ có bốn thôi: “Rồi đức Phật thuyết pháp nói lên bài kệ: “Abhittharetha kalyāne … pāpasmiṃ ramatī mano ’ti”.

Cuối pháp thoại, nhiều người chứng thánh quả.

*

Chánh văn:

Abhittharetha kalyāṇe

pāpā cittaṃ nivāraye

dandhaṃ hi karoto puññaṃ

pāpasmiṃ ramatī mano.

(dhp 116)

*

Thích văn:

abhittharetha [động từ khả năng cách loại attanopada, ngôi III số ít “abhi + căn thar + a” (dt abhittharati)] nên gấp rút, nên tranh thủ, nên khẩn trương.

kalyāṇe [định sở cách số ít của danh từ trung tính kalyāṇa] trong điều tốt, đối với việc thiện.

pāpā [xuất xứ cách số ít của danh từ trung tính pāpa] từ việc xấu, khỏi việc ác.

cittaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

nivāraye [động từ khả năng cách loại attanopada, ngôi III số ít “ni + căn var + e/aya” (dt nivāreti, nivārayati)] ngăn chận, cản trở.

dandhaṃ [đối cách trung tính số ít của tính từ dandha. Đây dùng như một trạng từ] một cách chậm chạp.

karoto [sở thuộc cách số ít nam tính của hiện tại phân từ karonta (căn kar. karo + nta)] của người đang làm.

puññaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính puñña] phước, công đức, việc lành.

pāpasmiṃ [định sở cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều xấu, việc ác.

ramatī [cách viết trong văn kệ. Ramati là động từ hiện tại ngôi III số ít (căn ram + a + ti)] vui thích.

mano [chủ cách số ít của danh từ nam tính dị biệt ngữ mana] ý, tư tưởng.

*

Việt văn:

Phải làm nhanh việc lành

phải ngăn chận tâm ác

vì người chậm làm thiện

ý sẽ vui điều ác.

(pc 116)

*

Chuyển văn:

Kalyāṇe abhittharetha pāpā cittaṃ nivāraye puññaṃ dandhaṃ hi karoto mano pāpasmiṃ ramati.

Nên mau mắn trong việc thiện, nên ngăn chận tâm ác, bởi vì làm phước chậm trễ thì tâm sẽ vui thích việc ác.

*

Lý giải:

Chúng sanh phàm phu bản chất cố hữu là tâm phiền não, dể nhiễm ác bất thiện pháp.

Ít có người biết khao khát thiện pháp, ngoại trừ hạng bồ tát (Bodhisatta giác hữu tình). Đa phần kẻ phàm nhân, khi vừa phát tâm thiện muốn làm điều lành mà chưa kịp làm thì phiền não trổi dậy ngăn cản người ấy thực hiện việc phước, như ông bà la môn Ekasāṭaka vậy.

Trong bài kệ pháp cú nầy đức Phật dạy:

Nên mau mắn trong việc thiện (Abhittharetha kalyāṇe) nghĩa là khi vừa có ý nghĩ sẽ làm thiện thì phải thực hiện liền, chớ chần chừ, nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Nên ngăn chận tâm ác (pāpā cittaṃ nivārayaṃ), nghĩa là phải biết rõ tâm xấu phá huỷ tâm thiện, để chận tâm xấu ấy mà làm cho tâm thiện diễn biến tăng trưởng. Thí dụ: tâm bỏn xẻn ích kỷ là tâm xấu sẽ cản trở tâm thiện bố thí cúng dường, phải biết để ngăn chận tâm bỏn xẻn. Mỗi thiện pháp đều có loại tâm xấu phá hỏng, ví như mỗi loại cây trái đều có loại sâu phá hoại vậy. Cần phải chận đứng tâm xấu ấy.

Bởi vì làm phước chậm trễ thì tâm sẽ vui thích việc ác (dandhaṃ hi karoto puññaṃ pāpasmiṃ ramati mano), nghĩa là khi người khởi tâm làm điều thiện mà không làm liền, thì do bản chất phàm phu, phiền não sẽ khởi lên để thấy rằng không cần làm phước rồi bỏ qua thiện pháp.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc