Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - IV. Phẩm Hoa_ Kệ số 4 & 5 (dhp 47, 48)

Chủ nhật, 07/08/2022, 20:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 7.8.2022


IV. Phẩm Hoa_ Kệ số 4 và 5 (dhp 47, 48)

IV. Phẩm Hoa_ Kệ số 4 (dhp 47)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana Sāvatthi, nguyên nhân câu chuyện vua Viḍūḍabha và đoàn quân viễn chinh bị lũ lụt cuốn trôi.

Chuyện bắt đầu từ thời Viḍūḍabha còn là thái tử, con của vua Pasenadi xứ kosala. Mẹ của thái tử Viḍūḍabha là con gái của hoàng thân Thích ca Mahānāma và một cung nữ hạ cấp.

Một lần thái tử Viḍūḍabha từ kosala về thăm quê mẹ ở Kapilavatthu bị những người dòng Sākya khinh rẻ và có lời sỉ nhục. Viḍūḍabha mang mối hận trong lòng, thề sẽ trả thù.

Đến khi Viḍūḍabha được lên ngôi kế vị nhớ đến mối thù năm xưa bèn đem quân đánh giết dòng họ Sākya (Thích ca) để rữa hận.

Sau khi giết sạch dòng họ Sākya, vua Viḍūḍabha kéo quân trở về, dọc đường đến bờ sông Aciravatī thì đã tối nên vua ra lệnh đóng trại nghĩ qua đêm tại bờ sông.

Nước sông vào mùa khô cạn để nỗi lên những cồn cát giữa dòng sông và mé sông. Đại quân của vua Viḍūḍabha theo lệnh đã hạ trại trên những cồn cát ấy mà ngủ. Đến nữa đêm mọi người đang say giấc thì trời đổ mưa như trút, nước lũ dâng cao trong phút chốc khiến đoàn người của vua không trở tay kịp, cả vua Viḍūḍabha và đại binh đều bị nhận chìm dưới dòng sông.

Chư tỳ kheo biết tin dòng Sākya bị tàn sát, và vua Viḍūḍabha dẫn đại binh, xâm lăng giết hại những bậc thánh, rốt cuộc cũng không về lại xứ sở được, bị nước cuốn trôi chết hết. Các vị họp hội trong giảng đường bàn tán xôn xao.

Đức Phật ngự đến giảng đường, chư tỳ kheo bạch hỏi Ngài về tiền nghiệp của dòng Sākya. Đức Phật cho biết trong thời quá khứ cả dòng họ Sākya là đám dân làng đã rủ nhau đắp đập ngăn một khúc sông rồi đánh thuốc độc bắt tôm cá, khiến tôm cá chết nhiều, do cộng nghiệp ấy mà nay bị tàn sát cả dòng họ bị tàn sát đồng loạt.

Các vị tỳ kheo cũng thuật lại việc vua Viḍūḍabha và đại quân bị nước lũ cuốn trôi chết thảm không về tới xứ sở. Đức Thế Tôn nhân đó đã thuyết bài kệ: “Pupphāni h’eva pacinantaṃ … maccu ādaya gacchati”.

*

Chánh văn:

Pupphāni h’eva pacinantaṃ

byāsattamanasaṃ naraṃ

suttaṃ gāmaṃ mahogho’va

maccu ādāya gacchati.

(dhp 47)

*

Thích văn:

pupphāni [đối cách số nhiều của danh từ trung tính puppha] những bông hoa.

h’eva [hợp âm hi eva] thật vậy, quả thật là ..v.v..

pacinantaṃ [đối cách số ít nam tính của hiện tại phân từ pacinanta (từ động từ pacināti)] hái, thu hoạch, thu nhặt.

byāsattamanasaṃ [đối cách số ít nam tính của hợp thể tính từ byāsattamanasa (byāsatta/vyāsatta + manasa)] có ý đắm say, có tâm quyến luyến.

naraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính nara] con người, hạng người.

suttaṃ [đối cách số ít nam tính của tính từ sutta (quá khứ phân từ của động từ supati)] đã ngủ, ngủ say.

gāmaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính gāma] làng xóm, thôn ấp.

mahogho’va [hợp âm mahogho iva]

mahogho [chủ cách số ít của hợp thể danh từ nam tính mahogha (mahā + ogha)] trận lụt lớn, trận lũ lụt kinh hoàng.

iva [bất biến từ tỷ giảo] ví như, như là.

maccu [chủ cách số ít của danh từ nam tính maccu] sự chết, thần chết.

ādāya [bất biến quá khứ phân từ của động từ ādāti (ā + căn dā + ya)] sau khi lấy, sau khi bắt.

gacchati [hiện tại ngôi III số ít (căn gam + a = gaccha + ti)]. Ở đây gacchati dùng như một trợ động từ: ādāya gacchati nghĩa là “bắt lấy, lấy đi, dẫn đi”.

*

Việt văn:

Người nhặt những cành hoa

ý say mê nhiễm đắm

tử thần sẽ bắt đi

như lũ trôi làng ngủ.

(pc 47)

*

Chuyển văn:

Pupphāni hi eva pacinantaṃ byāsattamanasaṃ naraṃ maccu ādāya gacchati suttaṃ gāmaṃ mahogho iva.

Thần chết sẽ bắt đi con người có tâm ý đắm nhiễm đang hái những cành hoa, như trận lũ lụt cuốn đi ngôi làng say ngủ.

*

Lý giải:

Ai cũng phải chết, nhưng có cái chết hoảng loạn và có cái chết tỉnh táo.

Người chết với sự hoảng loạn sẽ tái sanh vào cõi khổ; Người chết với sự tỉnh táo, tâm an nhiên, sẽ tái sanh vào cõi lạc.

Ý nghĩa bài kệ nầy, người đang hái những cành hoa là ám chỉ chúng sanh còn đang ôm ấp những hệ luỵ phiền não, yêu và hận, thương và ghét. Người có ý đắm nhiễm là người còn dính mắc theo danh lợi, chức quyền ..v.v.. Những con người ấy chưa kịp thoả mãn dục vọng thì đã bị thần chết bắt đi trong sự hoảng loạn.

Đức Phật nhân sự kiện vua Viḍūḍabha và binh tướng của ông ta đang say ngủ trong doanh trại thình lình bị trận lũ lụt cuốn trôi mà Ngài thuyết lên kệ ngôn nầy để nói chúng sanh mê ngủ trong dục vọng bị thần chết cướp đi mạng cũng như thế.


IV. Phẩm Hoa_ Kệ số 5 (dhp 48)

Duyên sự:

Câu kệ nầy được đức Phật thuyết ở Sāvatthi, nhân câu chuyện của tín nữ Patipūjikā.

Tại Sāvatthi có nàng tín nữ Patipūjikā thường xuyên cúng dường thực phẩm đến chư tỳ kheo.

Một ngày kia, buổi sáng nàng Patipūjikā cúng dường đặt bát đến chư tỳ kheo tại phước xá của nàng xây dựng. Đến buổi chiều hôm đó nàng đột ngột qua đời và sanh về cõi trời Đao lợi.

Sáng hôm sau chư tỳ kheo đến phước xá của nàng Patipūjikā nhận vật thực, không thấy nàng tín nữ, hỏi ra mới biết nàng tín nữ ấy đã chết từ chiều hôm qua. Chư tỳ kheo kinh cảm kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Chư Tăng về chùa bạch với đức Phật chuyện nàng tín nữ chết đột ngột như vậy.

Nhân sự kiện đó, đức Phật thuyết pháp về sự ngắn ngủi của kiếp người, cái chết chực hờ không biết lúc nào cướp đi mạng sống. Rồi đức Thế tôn đã nói lên bài kệ nầy: “Pupphāni h’eva pacinantaṃ … antako kurute vasaṃ”.

*

Chánh văn:

Pupphāni h’eva pacinantaṃ

byāsattamanasaṃ naraṃ

atittaṃ_y_eva kāmesu

antako kurute vasaṃ.

(dhp 48)

*

Thích văn:

atittaṃ_y_eva [hợp âm xen chữ y vào giữa phụ âm và nguyên âm e, “atittaṃ eva”]

atittaṃ [đối cách số ít nam tính của tính từ atitta (a + titta)] không vừa lòng, chưa thoả mãn.

kāmesu [định sở cách số nhiều của danh từ nam tính kāma] đối với các dục, trong các cảnh dục.

antako [chủ cách số ít của danh từ nam tính antaka] sự mạng chung, sự kết liễu, sự chết = maccu

kurute [tiến hành cách ngôi III số ít, hình thức attanopada. = karoti (động từ)] làm, hành động. Dùng như một trợ động từ.

vasaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính vasa] sự kiểm soát, thế lực. Vasaṃ karoti: cai quản, khống chế, phong toả.

*

Việt văn:

Người nhặt những cành hoa

ý say mê nhiễm đắm

chưa thoả mãn các dục

thần chết đã khống chế.

(pc 48)

*

Chuyển văn:

Pupphāni hi eva pacinantaṃ byāsattamanasaṃ naraṃ atittaṃ_y_eva antako vasaṃ kurute.

Tử thần kiểm soát kẻ có tâm ý đắm nhiễm đang hái những cành hoa, không thoả mãn đối với các dục.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy cũng gần giống ý nghĩa bài kệ trước (pc 47), nói về cái chết sẽ xảy ra cho mọi người.

Nhưng ở bài kệ nầy (pc 48) thì đức Phật dạy, con người ta mãi say mê tầm cầu dục lạc, vợ chồng, con cái, tài sản, danh lợi ..v.v.. không bao giờ thoả mãn. Họ nào biết rằng cái chết đang rình rập để cướp lấy sanh mạng của họ.

Rồi họ chết với tâm chưa thoả mãn với các dục, họ phải tái sanh quanh quẩn với bao điều đau khổ, không có lối thoát.

Cuộc đời người quá ngắn ngủi, ai biết vậy hãy đừng đắm nhiễm dục trần và đừng nô lệ cho tham ái, mà hãy tu tập để đạt đến cứu cánh chấm dứt tử sanh

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc