Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - IV. Phẩm Hoa_Kệ số 1 & 2 (dhp 44, 45)

Chủ nhật, 31/07/2022, 08:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 31.7.2022


IV

PHẨM HOA

(pupphavagga)

IV. Phẩm Hoa_Kệ số 1 & 2 (dhp 44, 45)

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy đức Phật đã thuyết khi Ngài trú ở Sāvatthi do câu chuyện của 500 vị tỳ kheo du phương.

Năm trăm tỳ kheo ấy đi du hành cùng với đức Thế Tôn ghé lại chùa Jetavana, vào buổi chiều các vị ngồi trong hội trường nói chuyện về đề tài đất đai, kể lại những nơi đã đi qua, chỗ nầy bằng phẳng, chỗ kia lồi lõm, chỗ nầy đất đỏ, chỗ kia đất đen, chỗ nầy lầy lội, chỗ kia khô cằn ..v.v..

Bậc Đạo Sư ngự đến hội trường hỏi chư tỳ kheo đang thảo luận vấn đề gì? Các vị tỳ kheo trả lời đức Phật là: “Chúng con đang nói chuyện về các vùng đất mà chúng con đã đi qua”. Được nghe nói vậy, đức Thế Tôn dạy chúng tỳ kheo rằng: “Này các tỳ kheo, đó là đất đai bên ngoài; các ngươi nên thấu triệt mảnh đất nội tâm kìa !”. Rồi đức Thế Tôn đã nói lên hai bài kệ để sách tấn chư tỳ kheo: “Ko imaṃ paṭhaviṃ vijessati ..v.v.. ai thấu triệt đất nầy ..v.v..”.

*

Chánh văn:

Ko imaṃ paṭhaviṃ vijessati,

yamalokañca imaṃ sadevakaṃ.

Ko dhammapadaṃ sudesitaṃ,

kusalo pupphamiva pacessati.

(dhp 44)

Sekho paṭhaviṃ vijessati,

yamalokañca imaṃ sadevakaṃ.

Sekho dhammapadaṃ sudesitaṃ,

kusalo pupphamiva pacessati.

(dhp 45)

*

Thích văn:

ko [chủ cách số ít nam tính của nghi vấn đại từ ka] ai? người nào?

imaṃ [đối cách số ít nữ tính của chỉ thị đại từ ima] nầy, cái nầy. “imaṃ paṭhaviṃ”.

paṭhaviṃ [đối cách số ít của danh từ nữ tính paṭhavī] đất, trái đất, vùng đất, mảnh đất.

vijessati [hình thức vị lai ngôi III số ít của động từ vijānāti] sẽ thấu triệt, sẽ hiểu biết.

yamalokañca [hợp âm yamalokaṃ ca]

yamalokaṃ [đối cách số ít nam tính của danh từ hợp thể yamaloka (yama + loka)] dạ ma giới, thế giới huỷ diệt, khổ cảnh.

imaṃ [đối cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ ima] nầy, cái nầy. “imaṃ sadevakaṃ”.

sadevakaṃ [đối cách số ít nam tính của danh từ hợp thể sadevaka (saha + deva + ka)] thế giới bao gồm cả nhân thiên, thế giới lạc, lạc cảnh.

dhammapadaṃ [đối cách số ít trung tính của danh từ hợp thể dhammapada (dhamma + pada)] phần căn bản giáo pháp, nền tảng giáo pháp, pháp lõi. Danh từ dhammapada trong kệ ngôn nầy không có nghĩa là “pháp cú”, “câu kệ pháp”.

sudesitaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể sudesita (su + desita)_ quá khứ phân từ của động từ deseti] được thiện thuyết, đã được khéo thuyết giảng.

kusalo [chủ cách số ít của danh từ nam tính kusala] nghệ nhân, người khéo tay, người thiện xảo.

pupphamiva [hợp âm pupphaṃ iva]

pupphaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính puppha] hoa, bông hoa.

iva [bất biến từ tỷ giảo] như là, ví như.

pacessati [hình thức vị lai ngôi III số ít của động từ pacināti] sẽ nhặt lên, sẽ chọn lựa, sẽ thu thập.

sekho [chủ cách số ít của danh từ nam tính sekha] bậc hữu học, vị thánh còn phải tu tập thêm nữa.

*

Việt văn:

Ai thấu triệt đất nầy,

khổ cảnh, cùng lạc cảnh?

Ai lãnh hội pháp lõi,

như nghệ nhân nhặt hoa?

(pc 44)

Hữu học hiểu đất nầy,

khổ cảnh, cùng lạc cảnh.

Hữu học nắm pháp lõi,

như nghệ nhân nhặt hoa.

(pc 45)

*

Chuyển văn:

Ko imaṃ paṭhaviṃ vijessati imaṃ sadevakaṃ yamalokaṃ ca? Ko sudesitaṃ dhammapadaṃ pacessati kusalo pupphaṃ iva?

Ai thấu triệt mãnh đất nầy, gồm cả nhân thiên giới và dạ ma giới? Ai sẽ lãnh hội giáo pháp cơ bản vốn đã được khéo thuyết, như nghệ nhân chọn hoa?

Sekho paṭhaviṃ vijessati imaṃ sadevakaṃ yamalokaṃ ca. Sekho sudesitaṃ dhammapadaṃ pacessati kusalo pupphaṃ iva.

Vị hữu học sẽ thấu triệt mãnh đất nầy, gồm cả nhân thiên giới và dạ ma giới. Vị hữu học sẽ lãnh hội giáo pháp cơ bản vốn đã được khéo thuyết, như nghệ nhân chọn hoa.

*

Lý giải:

Trong hai bài kệ, từ ngữ imaṃ paṭhaviṃ (mảnh đất nầy) là ám chỉ cá thể nầy (attabhāva), thân ngũ uẩn nầy (pañcakkhandha).

Từ ngữ yamalokaṃ (dạ ma giới) là chỉ cho bốn cảnh giới bất hạnh (catubbidhaṃ apāyalokaṃ) tức địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, Atula. Yama là huỷ diệt; cõi khổ ấy mất hết mọi an lạc.

Từ ngữ sadevakaṃ (gồm cõi trời), đây ám chỉ các cõi lạc (sugati) là cõi người (manussalokaṃ) luôn cả cõi thiên tiên (devalokaṃ) và cõi phạm thiên (brahmalokaṃ).

Từ ngữ dhammapadaṃ (pháp lõi, pháp căn bản) ám chỉ ba mươi bảy pháp giác phần (sattatiṃsabodhipakkhiyadhammasaṅkhātaṃ) là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.

Từ ngữ sudesitaṃ (được khéo thuyết) là ba mươi bảy pháp giác phần ấy đã được đức Phật giảng giải đúng chân lý, có hiệu năng đưa đến giác ngộ.

Từ ngữ kusalo (nghệ nhân, chuyên viên) đây chỉ cho người thợ cắm hoa, người làm tràng hoa (mālākāro). Thợ cắm hoa sẽ khéo chọn những cành hoa để tạo lẵng hoa đẹp.

Bài kệ trước, đức Phật nêu câu hỏi: Ai (ko) là người sẽ thấu triệt nội thân nầy, hiểu rõ bốn cảnh giới bất hạnh, hiểu rõ hai mươi bảy cõi vui (gồm cõi nhân loại, sáu cõi nhân thiên, hai mươi cõi phạm thiên)? Ai là người sẽ lãnh hội ba mươi bảy pháp giác phần đã được bậc Đạo Sư khéo giảng?

Bài kệ sau đức Phật tự trả lời: vị hữu học (sekho) là người sẽ thấu triệt nội thân, sẽ hiểu bốn cảnh giới bất hạnh, hai mươi bảy cõi vui. Bậc hữu học là người sẽ lãnh hội ba mươi bảy pháp giác phần đã được bậc Đạo Sư khéo giảng.

Vị hữu học (sekho) là bậc dự lưu (sotāpatti), bậc nhất lai (sakadāgāmi) và bậc bất lai (anāgāmi). Nói chính xác hơn, bậc hữu học gồm bảy hạng: sơ đạo, sơ quả, nhị đạo, nhị quả, tam đạo, tam quả và tứ đạo. Vị hữu học là vị đã chứng đến thánh trí viên mãn (A la hán quả). Vị hữu học (sekho) là bậc dự lưu (sotāpatti), bậc nhất lai (sakadāgāmi) và bậc bất lai (anāgāmi). Nói chính xác hơn, bậc hữu học gồm bảy hạng: sơ đạo, sơ quả, nhị đạo, nhị quả, tam đạo, tam quả và tứ đạo. Vị hữu học là vị đã chứng đến thánh trí viên mãn (A la hán quả). Vị hữu học là vị đã chứng thánh trí nhưng còn phải tu tiến để đạt đến thánh trí viên mãn (A la hán quả).

Đức Phật thuyết vị hữu học sẽ thấu triệt, sẽ lãnh hội, nghĩa là Ngài khẳng định hạng người ấy sẽ hoàn tất con đường giác ngộ bởi đã chứng nghiệm níp bàn bằng trí tuệ tự mình, chỉ còn chờ đợi thời gian rốt ráo. Vị vô học (A la hán) thì đã hoàn tất hành trình giác ngộ. Còn các hạng phàm phu dù có đang tu tập thì không có cơ sở gì để quyết chắc rằng người ấy sẽ hoàn tất hành trình giải thoát.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc