Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 3

Thứ năm, 07/07/2022, 10:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 7.7.2022


III. Phẩm Tâm_ Kệ số 3 

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết cho một vị tỳ kheo, khi Ngài trú tại Jetavana ở Sāvatthi.

Chuyện kể rằng, dưới chân núi thuộc lãnh thổ của vua Kosala có một ngôi làng trù phú Mātikagāma. Mẹ của vị trưởng làng Mātika là người tín tâm Phật Pháp. Bà đã xây dựng ngôi già lam trong làng để thỉnh chư Tăng về an cư kiết hạ.

Bà qui y Tam Bảo, trì giới và học đề mục thiền chỉ quán từ sáu mươi vị tỳ kheo đến đó an cư. Bà tín nữ ấy đã đắc quả A na hàm và chứng thiền thông.

Bà hộ độ chư Tăng bằng cách dùng tâm thông để biết được chư tỳ kheo, vị nào thích hợp với thức ăn nào rồi cúng dường đến mỗi vị với thức ăn đó. Chư tỳ kheo nhập hạ làng ấy nhờ có trú xứ thích hợp, vật thực thích hợp, bạn lữ thích hợp và pháp thích hợp nên tất cả đều nhanh chóng chứng đắc tứ thánh quả.

Sau khi mãn mùa an cư, chư tỳ kheo đi về Jetavana đảnh lễ vấn an bậc Đạo Sư. Đức Phật ân cần thăm hỏi sự hành đạo của chư khách Tăng ấy. Chư tỳ kheo trình bạch với đức Phật, nhờ sự hộ độ của bà tín nữ ở làng Mātika, bậc thánh cư sĩ có thần thông biết sự thích hợp vật thực cho từng vị nên tất cả chư Tăng ở đó đều tu tập kết quả.

Nghe chư Tăng tán thán bà tín nữ làng Mātika, một tỳ kheo nọ muốn biết rõ hư thực bèn đảnh lễ và xin phép đức Phật để đi đến làng Mātika tu tập. Sau khi thọ giáo đề mục từ bậc Đạo Sư, tỳ kheo ấy đi đến ngôi làng Mātika.

Đến làng rồi vị tỳ kheo đi thẳng vào chùa, khởi tư tưởng: “Nếu bà tín nữ chủ chùa có thần thông hẵn sẽ biết ta mới đến và cho người đến sắp xếp quét dọn trú xứ cho ta”. Bà tín nữ ở nhà đọc được tư tưởng của vị tỳ kheo khách Tăng bèn sai gia nhân đến chùa quét dọn sắp xếp tịnh thất cho vị ấy.

Tỳ kheo nọ bèn suy nghĩ tiếp: “Ước gì bà tín nữ gửi thức uống đến ta, từ xa đến ta đang khát”. Lập tức bà đại tín nữ cho người mang đến cúng dường thức uống cho vị khách Tăng.

Tỳ kheo ấy khởi tư tưởng: “Ta muốn được gặp mặt bà đại tín nữ”. Bà tín nữ biết được tư tưởng vị ấy nên cùng đi với người hầu đến chùa. Bà tín nữ đảnh lễ tỳ kheo và trò chuyện thăm hỏi, bà thỉnh mời vị tỳ kheo ấy trú lại để hành đạo. nhưng vị tỳ kheo ấy từ chối và từ biệt ra đi, vì lo sợ mình ở đây nhỡ khởi tư duy bất thiện gì, bà tín nữ biết được tì hổ thẹn lắm. Vị tỳ kheo ấy trở về Jetavana yết kiến đức Phật.

Đức Phật hỏi sao lại trở về, vị tỳ kheo ấy trình bày cớ sự. Đức Phật khuyến khích vị tỳ kheo nên ở lại đó, chỉ có điều là cố gắng điều phục tâm, tâm được điều phục sẽ đem đến an lạc. Rồi đức Phật nói lên bài kệ: “Dunniggahassa lahuno…”.

Vị tỳ kheo nọ lãnh hội huấn từ của đức Phật, đảnh lễ Ngài, và đi trở lại làng Mātika.

Vị ấy nhận được sự hộ độ của bà đại tín nữ, chuyên cần thúc liễm tâm ý không cho khởi tư tưởng bất thiện. Vài hôm sau vị tỳ kheo ấy đắc quả A la hán cùng với tuệ phân tích, chứng luôn thiền định và thần thông.

Bà đại tín nữ với tâm thông biết được vị tỳ kheo ấy đã chứng đạt cứu cánh phạm hạnh, bèn nêu ra bốn câu hỏi về quả vị tối cao. Vị tỳ kheo giải đáp bốn câu hỏi của bà tín nữ xong liền vô dư y níp bàn tại chỗ ngồi.

*

Chánh văn:

Dunniggahassa lahuno

yatthakāmanipātino

cittassa damatho sādhu

cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ.

(dhp 35)

*

Thích văn:

dunniggahassa [chỉ định cách số ít trung tính của tính từ hợp thể dunniggaha (du + niggaha)] khó kiểm soát, khó cai quản.

lahuno [chỉ định cách số ít trung tính của tính từ lahu] khinh động, nhẹ nhàng, mau lẹ.

yatthakāmanipātino [chỉ định cách số ít trung tính của tính từ hợp thể yatthakāmanipātī (yatthakāma + nipātī)] phóng đi bất cứ chổ nào, bám theo bất cứ cảnh nào.

cittassa [chỉ định cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

damatho [chủ cách số ít của danh từ nam tính damatha] sự điều phục, sự huấn luyện, sự thuần hoá.

sādhu [trạng từ] lành thay, tốt thay. [tính từ] tốt đẹp, thiện hảo.

cittaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

dantaṃ [chủ cách số ít trung tính của quá khứ phân từ danta (dam + ta)] được điều phục, được huấn luyện, được thuần hoá.

sukhāvahaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ hợp thể sukhāvaha (sukha + avaha)] mang lại hạnh phúc, đem đến an lạc.

*

Việt văn:

Khó kiểm soát, nhanh lẹ

bắt cảnh bất cứ đâu

lành thay điều phục tâm

tâm điều, mang đến lạc.

(pc 35)

*

Chuyển văn:

Dunniggahassa lahuno yatthakāmanipātino cittassa damatho sādhu. Dantaṃ cittaṃ sukhāvahaṃ.

Tốt đẹp thay là sự điều phục tâm vốn khó kiểm soát, nhanh lẹ, chạy theo cảnh bất cứ chỗ nào. Tâm được điều phục sẽ mang đến an lạc.

*

Lý giải:

Sát na tâm sanh diệt cực kỳ nhanh trong một giây đồng hồ tâm đã sanh diệt hằng tỷ sát na … nên thật khó để kiểm soát tâm. Hơn nữa, tâm phan duyên theo cảnh, tâm bám chạy theo bất cứ chỗ nào, bất cứ cảnh nào, dù là cảnh tốt hay cảnh xấu, cảnh hợp hay không hợp … tâm đều biết cả. Cũng như bụi bặm bay bám vào bất cứ đồ vật gì, dù phẳng hay sần sùi.

Tâm nầy nếu chưa được điều phục, còn nhiễm ô bởi phiền não thì sẽ đem lại nhiều sự khổ đau phiền toái. Vì thế đức Phật dạy sự điều phục tâm là tốt tâm được điều phục sẽ mang đến an lạc.

Lành thay điều phục tâm, là điều phục bằng cách chuyên cần, trú niệm, thẩm sát bằng trí tuệ, ngăn chận không cho sanh khởi tâm bất thiện, chỉ khởi tâm thiện hướng đến chứng thiền định và đạo quả thôi.

Tâm được điều phục đem lại an lạc, ở đây tâm thiện dục giới đem lại an lạc là quả lạc nhân thiên, tâm thiện đáo đại đem lại an lạc là ly dục ly bất thiện pháp và quả lạc phạm thiên, tâm thiện siêu thế đem lại an lạc là quả lạc níp bàn tối thượng. Tâm được điều phục, ở mức độ thế nào thì đem lại an lạc theo mức độ ấy.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc