Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 10 & 11 (dhp 42 – dhp 43)

Thứ năm, 28/07/2022, 15:17 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 28.7.2022


III. Phẩm Tâm_ Kệ số 10 & 11 (dhp 42 – dhp 43)

Phẩm Tâm_Kệ số 10 (dhp 42)

Duyên sự:

Bài kệ nầy Đức Phật thuyết đề cập đến người chăn bò tên Nanda ở xứ Kosala.

Chuyện rằng, gia chủ Anāthapiṇḍika ở Sāvatthi có một người chăn bò tên Nanda trông giữ đàn bò tại vùng quê Kosala.

Thỉnh thoảng, Nanda mang sữa bò, bơ, sanh tô, thục tô ..v.v.. cung cấp cho gia chủ Anāthapiṇḍika trong thành Sāvatthi. Có dịp diện kiến đức Phật và nghe pháp. Ông Nanda thỉnh cầu đức Phật đến trú xứ của mình.

Một ngày kia, đức Phật cùng đại chúng tỳ kheo du hành đến vùng quê của người giữ bò Nanda, Ngài dừng chân và ngồi nghĩ tại gốc cây gần nhà ông ta. Ông Nanda đến đức Phật, đảnh lễ và thỉnh vào nhà để cúng dường đức Phật và chúng tỳ kheo suốt bảy ngày.

Đến ngày thứ bảy, đức Thế Tôn sau buổi thọ thực, Ngài đã thuyết pháp tuỳ hỷ công đức thí chủ. Khi chấm dứt pháp thoại, người chăn bò Nanda chứng quả dự lưu.

Đức Phật và chúng tỳ kheo từ giả ra đi, ông Nanda đã cầm bát của đức Phật và đi theo tiễn chân Ngài một đoạn đường. Khi đức Phật bảo: “Thiện nam, hãy dừng lại”, ông ta mới trao bát, đảnh lễ bậc Đạo Sư và trở về nhà.

Trên đường về qua khu rừng, Nanda bị một thợ săn bắn nhằm đã chết. Các vị tỳ kheo đi sau thấy ông thiện nam bị bắn chết đã tiến lên và báo với đức Phật: “Bạch Thế Tôn, người chăn bò Nanda vì tiễn chân Ngài một đổi xa khi trở về đã bị bắn chết”. Đức Phật nói với các tỳ kheo: “Dù ta có đến hay không đến Nanda cũng không tránh được cái chết hôm nay khi ác nghiệp trổ quả”. (Vì các tỳ kheo không hỏi tiền nghiệp của Nanda nên đức Phật không nhắc đến). Sau khi nói vậy, đức Phật đã thuyết bài kệ pháp cú : “Diso disaṃ yaṃ taṃ kayirā ... kẻ thù hại kẻ thù ..v.v..”.

*

Chánh văn:

Diso disaṃ yaṃ taṃ kayirā

verī vā pana verinaṃ

micchāpaṇihitaṃ cittaṃ

pāpiyo naṃ tato kare.

(dhp 42)

*

Thích văn:

diso [chủ cách số ít của danh từ nam tính disa] kẻ địch, người đối nghịch.

disaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính disa] đối với kẻ địch, đối với kẻ nghịch.

yaṃ [đối cách số ít trung tính của quan hệ đại từ ya] việc gì, điều nào.

taṃ [đối cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ ta] việc ấy, điều ấy.

kayirā [khả năng cách ngôi III số ít hình thức attanopada của động từ karoti (căn kar)] có thể làm, có thể gây nên.

verī [chủ cách số ít của danh từ nam tính verī] kẻ thù, kẻ kết oán, oan gia, cừu nhân.

vā pana [hai bất biến từ tạo thành một liên từ kết hợp] hoặc giả, hay như…

verinaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính verī] đối với kẻ thù, đối với oan gia.

micchāpaṇihitaṃ [chủ cách số ít của tính từ hợp thể micchāpaṇihita (micchā + paṇihita) quá khứ phân từ của động từ paṇidahati] hướng tà, khuynh hướng lầm lạc, nghiêng về sự sái quấy.

cittaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm thức, tư tưởng.

pāpiyo [bất biến từ (pāpa + iyo)] xấu hơn, tệ hơn.

naṃ [= taṃ. Đối cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy.

tato [trạng từ] từ đó. Tato pāpiyo nghĩa là “tồi tệ hơn đó”.

kare [động từ khả năng cách, = kayirā] có thể làm, có thể gây nên.

*

Việt văn:

Kẻ địch hại kẻ địch

cừu nhân hại cừu nhân

điều gây tệ hại hơn

chính là tâm hướng tà.

(pc 42)

*

Chuyển văn:

Yaṃ taṃ diso disaṃ kayirā verī vā pana verinaṃ micchāpaṇihitaṃ cittaṃ naṃ tato pāpiyo kare.

Điều nào mà kẻ địch gây cho kẻ địch hoặc cừu nhân gây cho cừu nhân, có điều gây tệ hại hơn cho người ấy, tức là tâm hướng tà.

*

Lý giải:

Tâm hướng tà (micchāpaṇihitaṃ cittaṃ) là tâm khuynh hướng theo ác bất thiện pháp, khiến tạo nghiệp bất thiện như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối nói ly gián, nói độc ác, nói nhãm nhí, tham ác, sân ác, tà kiến ác.

Điều bất lợi mà kẻ địch gây cho đối phương như đốt phá nhà cửa, bắt bớ vợ con họ, thậm chí là đã thương họ hoặc giết chết họ… những điều ấy kẻ địch chỉ gieo tang tóc cho người đó trong một kiếp sống nầy thôi. Nhưng một người với tâm thuật bất chánh đã tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý thì ác nghiệp ấy tạo quả khổ đau tang tóc suốt những kiếp luân hồi, khó tránh khỏi,

Cũng thế, ác nghiệp tạo bằng tâm tà vạy còn tệ hại hơn những kẻ oán cừu trả thù lẫn nhau nữa, hậu báo nghiệp ác sẽ đẹo dai dẳng cho đến khi vô dư y níp bàn mới dứt. Dù là bậc A la hán còn thân hữu dư y, vẫn phải gặt quả xấu do nghiệp ác quá khứ Ngài đã làm, nói chi là bậc hữu học và phàm phu.


Phẩm Tâm_ Kệ số 11 (dhp 43)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại Jetavana Sāvatthi do câu chuyện của đại đức Soreyya.

Chuyện rằng: trong thành Soreyya có vị công tử con trưởng giả vào một buổi sáng cùng với người bạn thân ngồi xe đi ra khỏi thành để tắm. Ngay lúc ấy, trưởng lão Mahākaccāyana muốn vào thành Soreyya khất thực, Ngài đứng ngoài thành vận mặc lại y cho tề chỉnh, lộ thân thể màu da ánh sáng như vàng ròng. Công tử Soreyya trông thấy Ngài, đã suy nghĩ: “phải chi vị trưởng lão nầy là vợ của ta nhỉ! Hoặc, phải chi thân hình của vợ ta sáng đẹp như thân hình vị trưởng lão ấy nhỉ!”.

Vừa khi công tử có tư tưởng quấy như vậy thì nam căn biến mất và nữ căn hiện ra. Công tử cảm nhận được nên hổ thẹn xuống xe chạy trốn đi theo con đường đến Takkasila, mọi người tìm kiếm mãi không thấy đâu nên tiếp tục đi tắm. Họ trở về nhà và báo tin công tử Soreyya đã chết đuối. Gia đình công tử cùng nhau đi tìm xác cũng không thấy, họ đau khổ

Nói về công tử Soreyya bị biến đổi giới tính thành nữ, bỏ quê hương trốn đi, đến thành Takkasila được một công tử cưới làm vợ.

Trước kia ở quê nhà đã có vợ và được hai đứa con. Nay có chồng và sau đó sanh được hai đứa con nữa. Soreyya hổ thẹn lắm.

Thời gian sau tình cờ gặp lại người bạn thân đi đến Takkasila, Soreyya thú nhận với bạn. Người bạn cho biết Ngài Mahākaccāyana đang trú tại Takkasila và khuyên Soreyya sám hối Tôn giả.

Khi được Tôn giả Mahākaccāyana nói xá lỗi cho thì Soreyya được chuyển lại giới tính như xưa. Soreyya chán đời sống cư sĩ xin xuất gia với Tôn giả Mahākaccāyana.

Tỳ kheo Soreyya nỗ lực tu tập và sớm chứng đắc đạo quả A la hán.

Các tỳ kheo biết chuyện Soreyya làm cha của hai đứa con và làm mẹ của hai đứa con, nên thường hỏi ông thương con của vợ đẻ ra hay thương con của tự mình đẻ? Trước đó Soreyya trả lời là thương con mình đẻ nhiều hơn! Nhưng sau khi đắc quả vị A la hán thì Ngài Soreyya trả lời không thương đứa con nào hết. Các tỳ kheo hiểu lầm cho là Ngài vọng ngôn, bèn đem chuyện trình bày cho đức Phật nghe. Đức Thế Tôn bảo, quả thật giờ đây Soreyya không còn sự luyến ái nữa vì đã chứng Lậu tận, và đức Thế Tôn nói thêm rằng tâm hướng thiện có thể đem lại điều tốt đẹp mà không một người cha hay người mẹ hay quyến thuộc nào có thể tạo cho được. Đức Thế Tôn đã nói lên bài kệ: “Na taṃ mātā pitā kayirā … Điều mẹ cha thân quyến ..v.v..”.

*

Chánh văn:

Na taṃ mātā pitā kayirā

aññe vā pi ca ñātakā

sammāpaṇihitaṃ cittaṃ

seyyaso naṃ tato kare

(dhp 43)

*

Thích văn:

na [phủ định từ] không, không có.

taṃ [đối cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ ta] việc ấy, điều ấy.

mātā [chủ cách số ít của danh từ nữ tính mātu] người mẹ

pitā [chủ cách số ít của danh từ nam tính pitu] người cha

aññe [chủ cách số nhiều nam tính của đại từ añña] khác, người khác.

[liên từ] hay là, hoặc là

pi [liên từ] cũng

ca [liên từ] và. Ở đây chỉ là từ đệm.

ñātakā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính ñātaka] thân nhân, quyến thuộc.

sammāpaṇihitaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ hợp thể sammāpaṇihita (sammā + paṇihita)] hướng chánh, có khuynh hướng chân chánh, có khuynh hướng đúng đắn.

seyyaso [bất biến từ (seyya + so)] tốt hơn, hay hơn.

*

Việt văn:

Điều mẹ cha, thân quyến

cũng không thể làm được

chính là tâm hướng chánh

làm được điều tốt đẹp

(pc 43)

*

Chuyển văn:

Taṃ mātā ca pitā aññe vā ñātakā na kāyirā sammāpaṇihitaṃ cittaṃ naṃ tato seyyaso kare.

Điều mà mẹ cha hay người thân khác cũng không thể làm được, chính là tâm hướng chánh tạo cho người ấy điều tốt đẹp.

*

Lý giải:

Tâm hướng chánh (sammāpaṇihitaṃ cittaṃ) là tâm có khuynh hướng tốt, tâm tương ưng căn thiện vô tham, vô sân, vô si; Để do tâm thiện ấy mà tạo nhiều điều thiện như bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ ..v.v.. Và tác thành quả tốt đẹp như sống an vui, được sanh cõi lạc, đắc chứng thiền định đạo quả.

Những điều tốt đẹp ấy chỉ có tâm hướng chánh mới làm được thôi. Người mẹ, người cha, hay những người thân khác không thể ban cho mình sự hạnh phúc nội tâm, không thể ban cho sự tái sanh nhàn cảnh, không thể ban cho thiền định, không thể ban cho đạo quả níp bàn.

(Dứt phẩm thứ ba - Phẩm Tâm)

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc