Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 4

Thứ năm, 09/06/2022, 08:15 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 9.6.2022


II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 4

Duyên sự:

Bài kệ nầy bậc Đạo Sư đã thuyết khi Ngài trú tại Veḷuvana gần thành Rājagaha, do câu chuyện công tử Kumbhaghosaka.

Trong thành Rājagaha, có một gia đình trưởng giả sanh được cậu con trai đặt tên là Kumbhaghosaka. Khi công tử Kumbhaghosaka tuổi còn niên thiếu thì cha mẹ bị bệnh dịch qua đời. Trước lúc lâm chung ông bà trăn trối với đứa con trai bé nhỏ rằng: Cha mẹ có chôn gia tài ở một góc nền nhà, con còn nhỏ dại chưa sử dụng được; hãy trốn đi xa, đến khi trưởng thành hãy về và thừa hưởng gia tài.

Cậu bé nghe lời cha mẹ đã bỏ nhà ra đi, tìm chổ núi đồi hẻo lánh mà ẩn thân suốt mười hai năm. Khi đã trưởng thành là một chàng thanh niên, anh ta mới tìm về nhà của cha mẹ mình.

Vì bây giờ đã thay hình đổi dạng nên không ai nhìn ra anh ta là công tử Kumbhaghosaka con trai của ông bà trưởng giả đã qua đời. Chàng trai suy nghĩ: nếu bây giờ mình đào hầm vàng của cha mẹ đã chôn giấu mà tiêu xài thì sẽ gây sự dòm ngó của hàng xóm, có khi họ báo quan mình là kẻ trộm cướp thì phiền phức, thôi mình giả dạng một người nghèo khổ làm mướn làm thuê mà kiếm sống, chờ thời cơ.

Công tử ăn mặc rách rưới cải trang kẻ bần cùng đi khắp làng tìm việc làm. Có nhà kia thuê công tử làm việc đôn đốc công nhân, nhờ đó công tử kiếm sống được.

Một ngày kia, vua Bimbisāra vi hành trong dân chúng đi qua làng ấy tình cờ vua nghe được giọng nói sang sảng của người đốc công. Nhà vua không nhận ra người ấy là công tử Kumbhaghosaka, nhưng vua có biệt tài nghe âm thanh của người mà đoán biết vận mệnh của người ấy. Vua nghe tiếng nói của người đốc công và đoán chắc đây là người giàu có chứ không phải là hạng bần cùng. Vua Bimbisāra có người phi tần mà vua rất tin yêu, trở về hoàng cung, vua tâm sự với nàng phi tần ấy sự việc vua nghe giọng nói của chàng thanh niên đốc công.

Vua lệnh cho nàng phi tần cùng công chúa đi đến làng ấy, giả làm thường dân nghèo đi kiếm việc làm để tiếp cận và điều tra thân thế của chàng thanh niên đốc công.

Chàng thanh niên rất kín đáo và thận trọng không để lộ thân phận. Bà phi tần và công chúa xin được công việc làm mướn, và được sắp xếp sống chung nhà với Kumbhaghosaka, lo giặt giũ, nấu ăn cho công tử … dần dần hai mẹ con bà phi tần lấy được niềm tin ở chàng công tử. Cứ vài ngày chàng công tử nầy lấy đồng tiền vàng đưa cho họ mua thức ăn, họ nhận tiền của chàng rồi bí mật gửi về đức vua, dùng tiền của vua cho mà mua thức ăn. Cứ thế những đồng tiền vàng của chàng đã tiết lộ thân thế của chàng với đức vua.

Vua Bimbisāra khi nắm đủ bằng chứng liền cho mời chàng thanh niên làm thuê ấy về hoàng cung thẩm vấn. Trước mặt vua, chàng đã khai nhận tên tuổi và gốc gác của mình.

Vua hỏi chàng số tài sản cha mẹ chàng chôn dấu là bao nhiêu? Vì cha mẹ trước khi chết đã nói cho chàng biết nên chàng trả lời cho đức vua. Vua truyền lệnh đến nhà của chàng và đào lên kiểm đủ số như vậy. Vua họp quần thần và dân chúng công bố tài sản và phong cho công tử tước vị trưởng giả, đồng thời gả công chúa cho trưởng giả Kumbhaghosaka.

Xong việc, đức vua Bimbisāra dẫn trưởng giả Kumbhaghosaka đi đến yết kiến đức Phật. Nhà vua kể lại chuyện của Kumbhaghosaka cho đức Phật nghe, và khen ngợi nghị lực, trí tuệ, và cách hành xử dấu thân phận để đúng thời mới tiết lộ và đạt được danh vọng.

Đức Phật nghe xong đã thuyết pháp cho trưởng giả Kumbhaghosaka và đức vua nghe: Quả thật vậy, một người sống như thế gọi là người nuôi mạng hợp pháp. Nếu nghèo khổ mà không đi trộm cướp nhiểu hại dân làng đó là sống lương thiện; Nếu có tài sản thừa tự nhưng thấy chưa phải lúc lộ diện lại chịu khó đi làm thuê kiếm sống, luôn siêng năng, tỉnh giác và hành động biết cân nhắc, thì đến thời sẽ đạt đến địa vị danh vọng hợp pháp. Rồi đức Phật nói lên kệ ngôn: Uṭṭhānavato satimato, nỗ lực và chú ý ..v.v.. Khi đức Thế Tôn thuyết xong bài kệ, trưởng giả Kumbhaghosaka đắc qủa dự lưu, và thính chúng cũng thành tựu lợi lạc nhờ thính pháp.

*

Chánh văn:

Uṭṭhānavato satimato

sucikammassa nisammakārino

saññatassa ca dhammajīvino

appamattassa yaso’bhivaḍḍhati.

(dhp 24)

*

Thích văn:

uṭṭhānavato [sở thuộc cách số ít nam tính của danh tính từ uṭṭhānavantu (uṭṭhāna + vantu) có tích cực, đối với người siêng năng nỗ lực.

satimato [sở thuộc cách số ít nam tính của danh tính từ satimantu (sati + mantu)] có ức niệm, có chú ý; đối với người có chú ý, người tỉnh táo, người bình tỉnh.

sucikammassa [sở thuộc cách số ít của danh từ hợp thể sucikamma (suci + kamma)] đối với người có nghề nghiệp trong sạch, việc làm trong sạch.

nisammakārino [sở thuộc cách số ít nam tính của danh từ hợp thể nisammakārī (nisamma + kārī)] đối với người hành động cân nhắc, hành động có suy nghĩ, làm việc thận trọng.

saññatassa [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ saññata (= saṃyata, quá khứ phân từ của saṃyamati (saṃ + căn yam)] đối với người biết tự chế ngự, người biết kềm chế.

dhammajīvino [sở thuộc cách số ít nam tính của danh từ hợp thể dhammajīvī (dhamma + jīvī)] đối với người sống đúng pháp, người sinh sống hợp lẽ đạo.

appamattassa [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ appamatta (na + pamatta)] đối với người không dể duôi, người không giả đãi, người không phóng túng.

yaso’bhivaḍḍhati [hợp âm yaso abhivaḍḍhati]

yaso [chủ cách số ít của danh từ nam tính yasa] danh vọng, danh tiếng, thanh danh.

abhivaḍḍhati [thì hiện tại ngôi III, số ít của động từ abhivaddhati (abhi + căn vaḍḍh + a)] phát triển, tăng trưởng, tăng thịnh.

*

Việt văn:

Người nỗ lực, bình tĩnh

tịnh nghiệp, hành cân nhắc

tự điều, sống theo pháp

không phóng túng dể duôi

danh vọng được tăng tiến.

(pc 24)

*

Chuyển văn:

Appamattassa yaso uṭṭhānavato satimato sucikammassa nisammakārino saññatassa ca dhammajīvino abhivaḍḍhati.

Danh vọng của người không dể duôi là người siêng năng, tỉnh táo, nghề nghiệp lương thiện, hành động cân nhắc, biết kềm chế, nuôi mạng đúng pháp, ắt tăng thịnh.

*

Lý giải:

Đức Phật thuyết bài kệ nầy để khen ngợi và xác chứng địa vị trưởng giả (seṭṭhi) của thanh niên Kumbhaghosaka. Một người có cách xử sự khôn ngoan nên được danh vọng.

Kumbhaghosaka lâm vào hoàn cảnh khó xử, gia tài của cha mẹ để lại cho chàng nhưng anh ta không thể ngang nhiên thừa hưởng khi mà dân làng đã quên lãng đứa con của nhà phú ông, bỏ quê nhà đã mười hai năm, nếu tự dưng anh có anh chàng lạ mặt đến nhà của phú ông đào bới tìm kho tàng thì dân làng sẽ vu khống anh ta là kẻ trộm.

Thế là bằng sự khôn ngoan, Kumbhaghosaka đã đi làm thuê, cần cù làm việc, bình tỉnh, sống kềm chế bản thân, nuôi sống hợp lẽ đạo, với hành động biết cân nhắc, không xao lãng, nhờ vậy mà cuối cùng địa vị và tài sản của tổ phụ cũng thuộc về chàng ta một cách danh chánh ngôn thuận.

Bảy đức tính nầy đã đem lại danh vọng cho thanh niên Kumbhaghosaka, đó là: siêng năng (uṭṭhāna), bình tỉnh (satimā), nghề nghiệp lương thiện (sucikamma), hành động cân nhắc (nisammakārī), biết tự kềm chế (saññata), nuôi sống hợp pháp (dhammajīvī) và không dể duôi (appamatta).

Bảy đức tính nầy cũng là đức lành, là pháp hảo, đúng cho người tu tập hành theo. Người tại gia hành theo bảy đức lành ấy sẽ thành tựu lợi ích cho hàng tại gia. Bậc xuất gia hành theo bảy pháp hảo nầy sẽ thành tựu lợi ích cho hàng xuất gia.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc