Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 9&10

Thứ năm, 28/04/2022, 09:45 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 28.4.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 9&10

Duyên sự:

Hai bài kệ số 9 và số 10 nầy được đức Phật thuyết ở Sāvatthi khi Ngài trú tại chùa Jetavana, do câu chuyện của tỳ kheo Devadatta mặc y cà sa bất xứng.

Thuở ấy, tỳ kheo Devadatta sống tại Rājagaha, là kẻ có tham vọng xấu xa, đã làm nhiều điều tội lỗi, như xúi giục thái tử Ajātasattu giết vua cha để soán ngôi và làm hậu thuẫn cho ông ta, mượn thuộc hạ của vua hành thích đức Phật, chia rẽ Tăng … Devadatta cũng có nhóm cư sĩ ác ở Rājagaha ủng hộ.

Một ngày kia, nhân dịp tôn giả Sāriputta với đoàn tỳ kheo tuỳ tùng du hành ghé lại Rājagaha. Các thiện cư sĩ thỉnh Tôn giả thuyết pháp và hợp nhau cúng dường trai tăng mỗi ngày. Có vị trưởng giả hùn phước một xấp vải thượng hạng. Những cư sĩ thân quen với tỳ kheo Devadatta đã giành lấy xấp vải tốt ấy cúng cho tỳ kheo Devadatta.

Nhận được xấp vải quý giá, Devadatta đã may nhuộm thành bộ y cà sa rồi mặc y mới ấy đi tới đi lui ra chiều đắc ý.

Những thánh cư sĩ đến chùa thấy chướng mắt bèn phê phán: Tỳ kheo Devadatta không xứng mặc bộ y cà sa nầy, lẽ ra phải là vị thượng thủ thinh văn Sāriputta mặc mới xứng.

Rồi một vị tỳ kheo rời Rājagaha du hành đến Sāvatthi đảnh lễ bậc Đạo Sư. Đức Thế Tôn thăm hỏi việc ở Rājagaha, vị tỳ kheo ấy đã kể lại việc Tôn giả Sāriputta đến Rājagaha thuyết pháp, các cư sĩ cúng dường trai Tăng, và Devadatta nhận được y ca sa quí giá mặc y mới bị mọi người phê phán là không xứng…

Nhân sự kiện nầy, đức Phật đã dạy rằng không phải chỉ nay mà trong kiếp quá khứ Devadatta cũng đã mặc y cà sa không xứng rồi.

Câu chuyện quá khứ, tiền thân Devadatta là một thợ săn chuyên giết voi lấy ngà.

Để tiếp cận được với bầy voi rừng, gả thợ săn tiềm hiểu kỹ đặc tính sinh hoạt của chúng. Biết được bầy voi rừng quen thuộc và thân thiện với màu sắc y cà sa của các vị ẩn sĩ độc giác tĩnh toạ, chúng đến gần và biểu hiện sự kính trọng mới đi kiếm ăn. Gả thợ săn rình trộm chiếc y cà sa của một vị Độc giác lúc vị ấy máng y trên nhánh cây xuống hồ tắm. Hắn đắp chiếc y cà sa lên người, dấu kín mũi lao trong y vàng, và ngồi mai phục chổ con đường bầy voi đi qua, chờ hạ sát con voi đi sau cùng.

Bằng cách nầy, gả thợ săn đã giết nhiều con voi.

Con voi đầu đàn thấy số lượng đàn voi càng ngày càng sút giảm, nó suy xét nguyên nhân và sanh nghi kẻ sát hại.

Voi chúa bèn để đàn đi trước và nó lùi lại đi sau cuối với sự cảnh giác. Gả thợ săn theo thói quen phóng lao hạ sát con voi cuối đàn. Voi chúa tránh được mũi lao rồi chạy tới tấn công gả thợ săn, dùng vòi bắt được gả. Nhưng khi nhấc lên định ném xuống để giết gả thợ săn, bất chợt voi chúa nhìn sắc y vàng trên người gả thợ săn, dằn tâm, đặt hắn xuống đất. Voi chúa đọc lên hai bài kệ để khiển trách gả thợ săn.

Ai mặc áo cà sa

tâm chưa sạch bợn nhơ

không tự điều thành thật

chẳng xứng mặc cà sa.

Ai đã tẩy bợn nhơ

khéo nghiêm trì giới hạnh

sống tự điều thành thật

mới xứng mặc cà sa.

Khiển trách xong, voi chúa bỏ đi vào rừng.

Rồi đức Thế Tôn nói lên hai bài kệ nầy làm đề tài pháp thoại. Vị tỳ kheo khách tăng nghe xong đã chứng quả dự lưu.

*

Chánh văn:

Anikkasāvo kāsāvaṃ

yo vatthaṃ paridahessati

apeto damasaccena

no so kāsāvamarahati.

(dhp 9)

Yo ca vantakasāv’assa

sīlesu susamāhito

upeto damasaccena

sa ve kāsāvamarahati.

(dhp 10)

*

Thích văn:

anikkasāvo [chủ cách số ít của tính từ hợp thể anikkasāva (na + nikkasāva); nikkasāva (ni + kasāva)] chưa sạch bợn nhơ, chưa hết uế trược, chưa trong sạch.

kāsāvaṃ [đối cách số ít của từ kāsāva (1) tính từ (2) danh từ trung tính] (1) được nhuộm màu vàng tối, có màu hoại sắc (2) y cà sa, huỳnh y, y phục của tu sĩ.

yo [chủ cách số ít của phiến chỉ đại từ ya] ai, người nào.

vatthaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính vattha] vải, y phục.

paridahessati [động từ vị lai ngôi III, số ít của paridaheti (pari + dah + e)] khoác lên, đấp vào, vận mặc (y phục).

apeto [chủ cách số ít của apeta, quá khứ phân từ của động từ apeta (apa + i + a)] đi khỏi, rời khỏi, vắng mặt, không có.

damasaccena [sở dụng cách số ít của hợp từ damasacca (damena ca saccena ca)] với sự điều phục và chân thật, với sự tự chế và thành thật. Apeto damasaccena: không tự điều thành thật.

na [phủ định từ] không, chẳng, bất.

so [chủ cách số ít của chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy.

kāsāvamarahati [hợp âm kāsāvaṃ arahati]

arahati [thì hiện tại ngôi III, số ít của động từ arahati ( arah + a)] xứng đáng, tương xứng.

vantakasāv’assa [hợp âm vantakasāvo assa]

vantakasāvo [chủ cách số ít của danh từ hợp thể kantakasāva (vanta + kasāva)] người có ô nhiễm được đào thải, người đã tẩy sạch bợn nhơ.

assa [động từ khả năng cách, ngôi III, số ít của động từ căn (as + a)] nó là, người ấy là. Ở đây dùng như một trợ động từ.

sīlesu [định sở cách số nhiều của danh từ trung tính sīla] những giới luật, các giới hạnh.

susamāhito [chủ cách số ít của tính từ susamāhita (su + samāhita) _ quá khứ phân từ của động từ samādahati)] khéo định tĩnh, khéo tập trung, khéo nghiêm trì.

upeto [chủ cách số ít của upeta, quá khứ phân từ của động từ upeti (upa + i +a)] đến gần, đi vào, gia nhập, thể hiện.

sa [do so đổi dạng. Chủ cách số ít của chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy.

ve [bất biến từ] chắc chắn, quả thật, thật sự là.

*

Việt văn:

Ai mặc áo và sa

tâm chưa sạch bợn nhơ

không tự điều thành thật

chẳng xứng mặc cà sa.

(pc 9)

Ai đã tẩy bợn nhơ

khéo nghiêm trì giới hạnh

sống tự điều thành thật

mới xứng mặc cà sa.

(pc 10)

*

Chuyển văn:

Yo anikkasāvo damasaccena apeto kāsāvaṃ vatthaṃ paridahessati, so kāsāvaṃ na arahati.

Người mặc áo cà sa mà chưa sạch uế nhiễm, không điều phục và thành thật, người ấy không xứng mặc cà sa.

Yo ca vantakasāvo assa sīlesu susamāhito damasaccena upeto so ve kāsāvaṃ arahati.

Và, ai đã tẩy sạch nhiễm ô, nghiêm trì giới hạnh, sống điều phục, thành thật, người ấy mới thực sự xứng mặc cà sa.

*

Lý giải:

Chưa sạch bợn nhơ (anikkasāvo) là tâm còn ứ đầy phiền não tham, sân và si.

Không tự điều (damena apeto) là không điều phục, không kiểm soát được bản thân.

Không thành thật (saccena apeto) là giả dối, mưu mô, lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người khác. Trong bài kệ số 9 voi chúa khiển trách gả thợ săn trộm y cà sa của vị ẩn sĩ độc giác để lừa bầy voi, đó là không thành thực.

Voi chúa đã khiển trách sở hành của gả thợ săn, và đức Phật đã dùng hai bài kệ nầy để làm đề tài pháp thoại.

Hai bài kệ pháp cú nầy cần hiểu ý nghĩa rộng rãi:

Y cāsa (kāsāvavattha) là vải mặc của người tu được nhuộm màu hoại sắc, màu sắc làm cho mất giá trị vật chất. Màu y cà sa là tượng trưng hạnh khước từ dục vọng. Do đó, y cà sa là sắc phục chỉ xứng hợp với những bậc cao thượng và những người hướng thượng.

Người cao thượng (ariyapuggala) là bậc thánh A la hán như đức Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác. Đó là những bậc đã sạch phiền não, đã tịnh hoá bản thân, đã kiểm soát được hành vi thân khẩu ý. Bậc cao thượng như vậy quả thật xứng mặc y cà sa.

Người hướng thượng là các bậc thánh hữu học (sekhapuggala) như bậc Dự lưu, bậc Nhất lai, bậc Bất lai là những vị đã đoạn trừ một số phiền não, vẫn còn đang tu tiến, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến cứu cánh giải thoát. Các bậc hữu học cũng gọi là xứng mặc y cà sa.

Các hạng phàm nhân hiền thiện (kalyānaputhujjana) là những vị tỳ kheo sa di chưa đắc quả thánh nhưng đang tầm cầu giải thoát, sợ hãi luân hồi, có lòng tàm quý, tinh tấn tu tập thiện pháp… Đó cũng là người hướng thượng và có thể nói là xứng mặc y cà sa.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc