Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 7&8

Thứ sáu, 22/04/2022, 08:40 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 22.4.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 7&8

Duyên sự:

Hai bài kệ (số 7 và số 8) nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại khu rừng Siṃsapā ở Setabya, do câu chuyện của hai sư huynh đệ Mahākāḷa và Cūlakāḷa.

Trong thành Setabya có ba anh em nhà thương buôn, người anh cả Mahākāḷa và người em út Cūlakāḷa thường đi tứ xứ để buôn hàng hoá, còn người em thứ Majjhimakāḷa thì ở nhà trông coi việc bán hàng.

Ngày kia, hai anh em thương gia Mahākāḷa và Cūlakāḷa đi buôn đến thành Sāvatthi. Những ngày dừng chân ở đó thương gia Mahākāḷa có dịp được nghe đức Phật thuyết pháp phát tâm xuất gia bèn giao lại cho người em tất cả các xe hàng hoá để xuất gia theo đức Phật nhưng Cūlakāḷa không chịu và cũng theo anh xuất gia luôn.

Sau khi thọ đại giới, người anh thì chuyên cần tu tập thiền định, ngụ nơi mộ địa quán tử thi (đề mục bất tịnh), nhanh chóng chứng quả A la hán với sáu thắng trí. Còn người em thì biếng nhác không tu tập nên không thành tựu được gì.

Ít lâu sau đó đức Phật cùng chúng tỳ kheo du hành rời Sāvatthi đi đến Setabya, và dừng chân trú tại rừng Siṃsapā ở ngoại thành Setabya.

Gia quyến của tôn giả Cūlakāḷa nghe tin đức Phật và chúng tỳ kheo đã về Setabya bèn cử người đi đến thỉnh đức Phật và chư Tăng về nhà thọ thực. Cūlakāḷa xin về nhà ngày trước để chỉ bảo người nhà chuẩn bị đón tiếp đức Phật và Tăng chúng. Các bà vợ củ của tôn giả Cūlakāḷa đã không theo sự chỉ bảo mà còn áp đảo tôn giả xả y hoàn tục nữa. Sáng hôm sau Cūlakāḷa cùng gia quyến cung đón đức Phật và chư Tăng đến nhà thọ thực.

Gia quyến của tôn giả Mahākāḷa thấy vậy cũng cung thỉnh đức Phật và chúng tỳ kheo hôm sau về nhà cúng dường, họ nghĩ sẽ bắt tôn giả Mahākāḷa về. Nhưng một tỳ kheo khác được cử đến chỉ bảo công việc trai Tăng nên họ không có cơ hội.

Hôm sau, đức Phật và chư Tăng đến nhà thọ trai, xong đức Phật dạy tôn giả Mahākāḷa ở lại để thuyết pháp chúc phúc cho thân quyến.

Chư tỳ kheo về đến chổ ngụ mới bàn tán việc Cūlakāḷa bị gia quyến uy hiếp hoàn tục, nay sẽ đến tôn giả Mahākāḷa. Đức Phật trấn an chư tỳ kheo: Cūlakāḷa xuất gia mà biếng nhác không tu tập, tâm yếu kém mới bị ma uy hiếp, chứ Mahākāḷa đã đoạn trừ mọi lậu hoặc, tâm kiên cố như núi đá thì phiền não ma không thể uy hiếp. Rồi đức Thế Tôn thuyết hai bài kệ nầy “subhānupassiṃ viharantaṃ ..v.v..

Nói về trưởng lão Mahākāḷa khi đức Phật và chư Tăng ra về, trưởng lão bắt đầu thuyết pháp phúc chúc cho gia quyến. Các bà vợ củ chất vấn và bao vây áp đảo Ngài phải xả y hoàn tục. Trưởng lão dùng thần thông biến mất và hiện ra đảnh lễ đức Thế Tôn.

*

Chánh văn:

Subhānupassiṃ viharantaṃ

indriyesu asaṃvutaṃ

bhojanamhi amattaññuṃ

kusītaṃ hīnavīriyaṃ

taṃ ve pasahati māro

vāto rukkhaṃ’va dubbalaṃ.

(dhp 7)

Asubhānupassiṃ viharantaṃ

indriyesu susaṃvutaṃ

bhojanamhi ca mattaññuṃ

saddhaṃ āraddhavīriyaṃ

taṃ ve nappasahati māro

vāto selaṃ’va pabbataṃ.

(dhp 8)

*

Thích văn:

subhānupassiṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể subhānupassī “subha + anupassī)] người nhìn cái đẹp, thấy thân là đẹp, thấy đời là đẹp.

viharantaṃ [đối cách số ít của viharanta, hiện tại phân từ của động từ viharati] trú ngụ, cư trú; sống trong.

indriyesu [định sở cách số nhiều của danh từ trung tính indriya] trong các căn (quyền); đối với các căn (quyền).

asaṃvutaṃ [đối cách số ít của tính từ hợp thể asaṃvuta (na + saṃvuta) _ quá khứ phân từ của động từ saṃvarati”)] không đóng kín, không thúc liễm, không thu thúc, không phòng hộ.

bhojanamhi [ định sở cách số ít của danh từ trung tính bhojana] sự ăn uống, việc ẩm thực.

amattaññuṃ [đối cách số ít của tính từ hợp thể amattaññū (na + mattaññū)] không biết tiết chế, không biết tiết độ, không biết vừa chừng.

kusītaṃ [đối cách số ít của tính từ kusīta] lười biếng, biếng nhác.

hīnavīriyaṃ [cũng viết hīnaviriyaṃ. Đối cách số ít của tính từ hợp thể hīnaviriya (hīna + viriya)] kém siêng năng, thiếu chuyên cần, không tinh tấn, giải đãi.

taṃ [đối cách số ít của chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy.

ve [bất biến từ] chắc chắn, thật sự.

pasahati [động từ hiện tại ngôi III số ít. pasahati (pa + sah + a)] áp đảo, uy hiếp, xô đẩy, khống chế.

māro [chủ cách số ít của danh từ nam tính māra] ma, kẻ quấy phá; điều ác xấu, điều phá hại.

vāto [chủ cách số ít của danh từ nam tính vāta] gió, cuồng phong.

rukkhaṃ’va [hợp âm rukkhaṃ iva]

rukkhaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính rukkha] cây, thảo mộc.

iva [bất biến từ] ví như, tỷ như.

dubbalaṃ [đối cách số ít của tính từ dubbala (du + bala)] yếu ớt, không mạnh mẽ.

asubhānupassiṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể asubhānupassī (asubha + anupassī)] người quán bất tịnh, quán bất mỹ, nhìn cái không đẹp, tuỳ quán đề mục tử thi.

susaṃvutaṃ [đối cách số ít của tính từ hợp thể susaṃvuta (su + saṃvuta)] khéo phòng hộ, khéo thu thúc.

mattaññuṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể mattaññū (matta + nū)] người biết vừa phải, biết tiết chế, biết tiết độ.

saddhaṃ [đối cách số ít của tính từ saddha (saddhā + ṇa)] có lòng tin, có niềm tin.

āraddhavīriyaṃ [cũng viết āraddhaviriyaṃ. Đối cách số ít của tính từ hợp thể āraddhaviriya (āraddha + viriya)] có sự chuyên cần, nổ lực tinh tấn.

nappasahati [hợp âm na pasahati] không áp đảo, không uy hiếp, không khống chế.

selaṃ’va [hợp âm selaṃ iva]

selaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính sela] đá tảng, đá khối.

pabbataṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính pabbata] núi, ngọn núi.

*

Việt văn:

Người sống nhìn tịnh tướng

Không thu thúc các căn

ẩm thực không tiết độ

biếng nhác, thiếu chuyên cần

ma uy hiếp kẻ ấy

như gió lay cây yếu.

(pc 7)

Người sống quán bất tịnh

Khéo thu thúc các căn

ẩm thực biết tiết độ

có lòng tin, chuyên cần

ma không uy hiếp được

như gió thổi núi đá.

(pc 8)

*

Chuyển văn:

Māro ve subhānupassiṃ viharantaṃ indriyesu asaṃvutaṃ bhojanamhi amattaññuṃ kusītaṃ hīnaviriyaṃ taṃ pasahati vāto iva dubbalaṃ rukkhaṃ.

Thật sự, ma sẽ uy hiếp người mà sống nhìn vẻ đẹp, không phòng hộ các căn, không biết tiết độ trong ăn uống, lười biếng và thiếu tinh tấn, ví như cuồng phong thổi ngã cây yếu ớt vậy.

Na māro ve asubhānupassiṃ viharantaṃ indriyesu susaṃvutaṃ bhojanamhi mattaññuṃ saddhaṃ āraddhaviriyaṃ taṃ pasahati vāto iva selaṃ pabbataṃ.

Chắc chắn ma sẽ không uy hiếp được người mà sống quán bất mỹ, khéo phòng hộ các căn, ăn uống biết tiết chế, có niềm tin, có sự chuyên cần, ví như gió không lay động được ngọn núi đá.

*

Lý giải:

Có năm thứ ma (māra): (1) ngũ uẩn ma (khandhamāra), (2) Thắng hành ma (abhisaṅkhāramāra), (3) Tử thần ma (maccumāra), (4) Phiền não ma (kilesamāra), (5) Thiên ma (devaputtamāra). Māra (ma) dùng trong hai bài kệ 7 và 8 là nói đến thứ phiền não ma (kilesamāra), căn bản bất thiện là tham, sân, si.

Trong hai bài kệ nầy có điều được nói đến là subhānupassiṃ (người nhìn tịnh tướng) và asubhānupassiṃ (người quán bất tịnh). Người sống nhìn tịnh tướng là thấy thân nầy là đẹp, cuộc sống nầy là đẹp, ngũ dục là hấp dẫn. Người sống quán bất tịnh là niệm tưởng đề mục bất mỹ, đề mục tử thi. Đức Phật thuyết kệ ngôn như thế hợp với ngữ cảnh, vì đề cập tới hai lối sống của hai huynh đệ xuất gia; Người anh là tôn giả Mahākāḷa chuyên tu tập thiền quán niệm tử thi ở tha ma mộ địa (quán bất tịnh, quán bất mỹ) được chứng A la hán; còn người em là Cūlakāḷa thì không tinh tấn tu tập nên tâm phàm tục dễ bị sa ngã.

Do đó, nên hiểu rằng dù tu tập bất cứ đề mục nào, thân quán niệm xứ, hay thọ quán niệm xứ, hay tâm quán niệm xứ, hay pháp quán niệm xứ, nếu nhiệt tâm chánh niệm tỉnh giác đều có thể chứng đắc đạo quả cả, và khi đạt đến níp bàn rồi thì các bậc lậu tận không còn bị phiễn não ma uy hiếp nữa, ví như ngọn núi hay tảng đá lớn không bị cuồng phong lay động.

Còn một vị xuất gia mà không tinh tấn tu tập pháp môn gì, tâm thả theo các cảnh trần, thích ăn uống ngủ nghĩ, tâm người ấy trở thành yếu đuối như lau sậy dể bị gió thổi ngã, phiền não ma sẽ dể dàng xâm nhập và tấn công vị ấy.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc