Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 19&20

Thứ năm, 02/06/2022, 09:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 2.6.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 19&20

Duyên sự:

Hai bài kệ pháp cú 19 và 20 nầy được đức Phật thuyết tại Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện hai vị tỳ kheo bằng hữu.

Tại Sāvatthi có hai vị công tử là đôi bạn thân. Họ được nghe đức Phật thuyết pháp rồi cùng nhau đi xuất gia.

Sau năm năm y chỉ thầy tế độ, họ chia tay mỗi người đi theo chí hướng riêng. Một vị chuyên pháp học (pariyattidhamma) trở thành vị pháp sư lỗi lạc có đồ chúng đông. Một vị chuyên pháp hành (paṭipattidhamma) thọ trì hạnh đầu đà, tu thiền quán, chứng đắc A la hán, là vị thiền sư tiếp độ nhiều đệ tử.

Thời gian sau đó, vị tỳ kheo thiền sư dắt các đệ tử về Jetavana để đảnh lễ bậc Đạo Sư. Nhân dịp ghé qua thăm bạn là vị tỳ kheo pháp sư.

Vị tỳ kheo pháp sư nghĩ rằng bạn mình xuất gia không học pháp, chỉ hành thiền sống ở núi rừng, có lẽ dốt … nên tỏ thái độ kiêu mạn và khinh thường vị tỳ kheo thiền sư.

Trước hội chúng tỳ kheo, vị pháp sư muốn làm bẽ mặt vị thiền sư nên đưa ra những câu hỏi về kinh điển cho vị thiền sư không trả lời được. Biết được thâm ý của vị tỳ kheo pháp sư và với tâm bi mẫn không để vị pháp sư xúc phạm thánh nhân, đức Phật lập tức xuất hiện giữa hội chúng tỳ kheo nầy. Ngài nêu ra những câu hỏi liên quan đến sự chứng nghiệm giải thoát.

Vị pháp sư dù thông suốt giáo pháp nhưng chưa tự mình thắng tri nên không thể trả lời những câu hỏi của đức Phật.

Vị tỳ kheo thiền sư vì đã chứng đắc đạo quả giải thoát, nên đã trả lời đức Phật bằng sự kinh nghiệm thực chứng, không khó khăn gì. Đức Phật hài lòng.

Nhân đó đức Phật thuyết hai bài kệ: “Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno, dù nói nhiều kinh điển ..v.v..

*

Chánh văn:

Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno

na takkaro hoti naro pamatto

gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ

na bhāgavā sāmaññassa hoti

(dhp 19)

Appampi ce sahitaṃ bhāsamāno

dhammassa hoti anudhammacārī

rāgañca dosañca pahāya mohaṃ

sammappajāno suvimuttacitto

anupādiyāno idha vā huraṃ vā

sa bhāgavā sāmaññassa hoti

(dhp 20)

*

Thích văn:

bahumpi [hợp âm bahuṃ api]

bahuṃ [đối cách số ít của tính từ bahu] nhiều, số lượng nhiều.

api [bất biến từ] dù, mặc dù, cho dù.

ce [hình thức giản lược của giới từ sace] nếu, nếu như.

sahitaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính sahita] kinh điển, thánh thư.

bhāsamāno [chủ cách số ít của hiện tại phân từ bhāsamāna, do động từ bhāsati] nói, thuyết, phát biểu.

na [phủ định từ] không, không có.

takkaro [chủ cách số ít của danh từ nam tính takkara, hợp thể taṃ karotī’ti takkaro] không làm điều ấy, không áp dụng, không thực hành.

hoti [thì hiện tại ngôi III số ít, động từ hoti (căn hū + a)] là, có. Đây dùng như một trợ động từ.

naro [chủ cách số ít của danh từ nam tính nara] người nam, người đàn ông. Dùng trong ngữ cảnh nầy có nghĩa là con người, hạng người.

pamatto [chủ cách số ít của tính từ pamatta quá khứ phân từ của động từ pamajjati] giải đãi, dể duôi, buông lung.

gopo’va [hợp âm gopo iva]

gopo [chủ cách số ít của danh từ nam tính gopa] người giữ, người chăm nom, người chăn.

gāvo [đối cách số nhiều của danh từ nam tính go] trâu bò, gia súc.

gaṇayaṃ [chủ cách số ít của hiện tại phân từ gaṇayanta = gaṇenta; động từ cơ bản gaṇe/ganaya] đếm, đếm số.

paresaṃ [sở thuộc cách số nhiều của phiếm chỉ đại từ para] của những người khác.

bhāgavā [chủ cách số ít của danh tính từ bhāgavantu] có phần, hưởng phần, dự phần.

sāmaññassa [chỉ định cách số ít của danh từ trung tính sāmañña (samaṇa + ṇya)] trạng thái sa môn, quả vị sa môn, sa môn vị, sa môn hạnh.

appampi [hợp âm appaṃ api]

appaṃ [đối cách số ít của tính từ appa] số ít, ít ỏi.

dhammassa [chỉ định cách số ít của danh từ dhamma] pháp, giáo pháp.

anudhammacārī [chủ cách số ít của danh từ hợp thể anudhammacārī (anudhamma + cārī)] người hành thuận pháp, hành tuần tự, thực hành nghiêm túc.

rāgañca (rāgaṃ ca)

rāgaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính rāga] tham ái, ái tình.

dosañca (dosaṃ ca)

dosaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính dosa] sân, sân hận.

pahāya [bất biến quá quá phân từ của động từ pajahati (pa + căn hā)] sau khi từ bỏ, sau khi đoạn trừ, đã từ bỏ, đã đoạn trừ.

mohaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính moha] si, si mê.

sammappajāno [chủ cách số ít của danh từ hợp thể sammappajāna (sammā + pajāna)] giác tỉnh, chánh trí, sự hiểu biết chân chánh, sự nhận thức đúng đắn.

suvimuttacitto [chủ cách số ít của danh từ hợp thể savimuttacitta (savimutta + citta + ṇa)] có tâm khéo giải thoát, người mà tâm được giải thoát hoàn toàn.

anupādiyāno [(na + upādiyāna) _ hình thức giản lược của hiện tại phân từ upādiyamāna] không còn chấp thủ, không chấp trước.

idha [trạng từ] ở đây, đời nầy (= idhaloka)

huraṃ [trạng từ] ở bên kia, đời khác, đời sau (= paraloka)

sa [hình thức đổi khác của so trong thi kệ. so _ chủ cách số ít của chỉ thị đại từ “ta” nam tính] vị ấy, người ấy.

*

Việt văn:

Dù nói nhiều kinh điển

dể duôi không hành trì

như chăn đếm bò người

không hưởng sa môn vị.

(pc 19)

Dù nói ít kinh điển

nhưng nghiêm túc hành pháp

từ bỏ tham, sân, si

chánh trí, tâm giải thoát

không chấp thủ hai đời

hưởng phần sa môn vị.

(pc 20)

*

Chuyển văn:

Bahuṃ sahitaṃ api ce bhāsamāno pamatto naro na takkaro hoti na sāmaññassa bhāgavā hoti paresaṃ gāvo gaṇayaṃ gopo iva.

Mặc dù nói nhiều kinh điển, người dể duôi không hành theo điều đã nói, nó không hưởng được quả vị sa_môn, chỉ ví như kẻ chăn bò đếm bò cho người khác thôi.

Appaṃ sahitaṃ api ce bhāsamāno dhammassa anudhammacārī hoti rāgaṃ ca dosaṃ ca mohaṃ ca pahāya idha vā huraṃ vā anupādiyāno sammappajāno savimuttacitto so sāmaññassa bhāgavā hoti.

Mặc dù nói ít kinh điển nhưng nghiêm túc thực hành giáo pháp, từ bỏ tham sân si, không còn chấp thủ đời nầy hoặc đời sau, có hiểu biết chân chánh, tâm được khéo giải thoát, người ấy hưởng được quả vị sa môn.

*

Lý giải:

Danh từ sahitaṃ trong hai bài kệ có nghĩa là Phật ngôn trong tam tạng (sahitan’ti tepiṭakassa buddhavacanaṃ etaṃ nāmaṃ).

Danh từ sāmaññassa, là bốn sa môn quả (sāmaññassaphala): quả Tu đà hườn (sơ quả), quả Tư đà hàm (nhị quả), quả A na hàm (tam quả), và quả A la hán (tứ quả). Bốn quả vị nầy còn được gọi là đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn và đệ tứ sa môn.

Trong hai bài kệ 19 và 20 không phải đức Phật chỉ trích việc học và nói pháp nhiều, cũng không phải Ngài tán thán vị tỳ kheo ít học và ít nói pháp. Ở đây đức Phật thuyết đề cập đến hai trường hợp, vị tỳ kheo pháp sư biết pháp và nói pháp nhiều cho người khác nghe nhưng bản thân vị ấy không hành theo giáo pháp nên không nếm được hương vị giải thoát, còn vị tỳ kheo thiền sư mặc dù học pháp ít và ít thuyết pháp nhưng tinh tấn thực hành giáo pháp là thiền định nên vị ấy nếm được hương vị giải thoát.

Có 4 trường hợp nầy:

Một vị tỳ kheo học hiểu và thuyết pháp nhiều lại có tu tập, là hạng tối ưu.

Một vị tỳ kheo học hiểu pháp ít và ít thuyết pháp nhưng có tu tập, cũng là hạng đáng tán thán.

Một vị tỳ kheo học hiểu và thuyết pháp nhiều nhưng không tu tập, thì có phần đáng khen cũng có phần đáng chê.

Một vị tỳ kheo ít học pháp, ít thuyết pháp, cũng không thực hành pháp, là hạng hoàn toàn đáng bị chê.

Hạng thứ nhất hoàn toàn đáng được tán thán vì hành lợi người lợi mình.

Hạng thứ hai có phần đáng khen có phần đáng chê vì làm lợi mình nhưng không lợi người; tuy nhiên đáng khen nhiều hơn là đáng chê bởi tự mình nếm được hương vị giáo pháp.

Hạng thứ ba có phần đáng khen cũng có phần đáng chê vì chỉ làm lợi người nhưng không lợi mình; Hạng nầy đáng khen vì còn có hiểu pháp và truyền bá giáo pháp, đáng chê vì không nếm hương vị giáo pháp.

Hạng thứ tư hoàn toàn đáng bị chê vì không làm lợi người lợi mình. Sự xuất gia của vị ấy không có giá trị.

(Dứt Phẩm Song Đối)

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc

Bài viết khác