Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 17&18

Chủ nhật, 29/05/2022, 09:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 29.5.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 17&18

Kệ số 17

Duyên sự:

Bài kệ pháp cú nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, do chuyện Devadatta bị đất sụp chôn sống.

Devadatta là một phản đồ của đức Phật. Ông ta chứng được thần thông phàm trong mùa an cư đầu sau khi xuất gia cùng nhóm hoàng thân Thích ca là Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimila và người thợ cạo Upāli.

Khi nhập chúng đi theo đức Phật và tám mươi vị đại đệ tử Phật du hành đến xứ nầy xứ kia, nơi đâu người ta cũng kính trọng và cúng dường đức Phật với chư vị đại đệ tử Phật dồi dào, khi họ đến chùa họ chỉ vấn an đức Phật và thăm hỏi các vị đại đệ tử, không ai ngó ngàng đến tỳ kheo Devadatta.

Devadatta sanh lòng đố kỵ với đức Phật và tám mươi vị đại đệ tử Phật. Ông ta tính kế sách, trước tiên là tìm một thế lực hậu thuẩn. Nghĩ tới thái tử Ajātasattu con vua Bimbisāra tại Rājagaha, ông ta bèn rời hội chúng tuỳ tùng của đức Phật và đi đến Rājagaha tìm thái tử Ajātasattu, với thần thông ông ta chiếm được lòng tin của thái tử.

Devadatta xúi giục thái tử Ajātasattu giết vua Bimbisāra và soán ngôi. Ông ta nuôi tham vọng cai quản tăng chúng.

Khi đức Phật ngự về Rājagaha, Devadatta mượn thuộc hạ của vua Ajātasattu đi ám sát đức Phật nhưng bất thành.

Devadatta quyết định tự mình giết chết đức Phật, bèn lên núi Gijjhakūta chờ đức Phật đi ngang qua con đường dưới triền núi rồi lăn tảng đá xuống nhưng chỉ một mảnh đá bể văng ra làm trầy xước chân đức Phật khiến chảy máu thôi.

Lăn đá không giết được đức Phật, sau đó vài ngày khi đức Phật đi vào thành Rājagaha khất thực, Devadatta đã thả voi Nālāgiri tấn công Ngài trên đường đi, nhưng đức Phật dùng tâm từ cảm hoá được voi dữ.

Devadatta chưa dừng lại hành động tội lỗi, ông ta đã đến đức Phật và đưa ra năm yêu sách đề nghị đức Phật ban hành luật cho chúng tỳ kheo. Bị đức Phật gạt bỏ không chấp nhận, Devadatta lấy cớ ấy tuyên truyền, rù quến hơn 500 tỳ kheo yếu kém trí tuệ, tách khỏi Tăng đoàn của đức Phật, và lập môn phái riêng.

Kể từ lúc Devadatta khởi lên dã tâm giết Phật để cai quản Tăng chúng thì ông ta bị hoại thiền mất hết thần thông.

Các việc làm tội lỗi của Devadatta khiến dân chúng căm phẫn nguyền rủa, và chỉ trích cả đức vua là người thân cận với một kẻ ác độc. Vua Ajātasattu nghe được lời chỉ trích ấy của dân chúng, vua suy nghĩ lại thấy việc làm của Devadatta thật quá đáng và vua cũng thấy hối hận vì đã thân cận bạn ác như Devadatta mà bản thân đã phạm lỗi lầm giết cha. Nhà vua liền ra lệnh chấm dứt việc hộ độ Devadatta, và dân chúng cũng không cúng dường đặt bát đến các tỳ kheo nhóm Devadatta nữa.

Có 500 vị tỳ kheo mới tu chưa thông hiểu Giáo Pháp bị dụ dỗ đã đi theo Devadatta. Đức Phật dạy hai bị thượng thủ Thinh Văn đến cảm hoá họ cải tà qui chánh.

Những tháng ngày sau đó, Devadatta sống trong đau khổ, bị dày vò bởi những tội lỗi của mình, muốn gặp đức Phật để sám hối.

Đức Thế Tôn đã du hành về Jetavana ở Sāvatthi. Devadatta bảo các tuỳ tùng còn lại hãy đưa ông ta về Sāvatthi để sám hối đức Phật.

Do tạo ác nghiệp nặng nề nên Devadatta không được nhìn thấy đức Phật nữa. Vừa đến cổng chùa Jetavana, Devadatta từ cáng võng bước xuống, chân chạm mặt đất thì mặt đất sụp lún chôn sống thân thể Devadatta, ông ta chỉ kịp chấp tay khỏi đầu hướng về đức Phật rồi mất dạng.

Chư tỳ kheo chứng kiến sự việc ấy đã trình bạch với đức Phật. Đức Thế Tôn cho biết Devadatta đã tạo nghiệp đại nghịch bất đạo nên đời nầy khổ, đời sau khổ, Devadatta đã sanh vào địa ngục vô gián (avīciniraya). Rồi đức Phật đã nói lên bài kệ: Idha tappati pecca tappati ..v.v.. Nay khổ, đời sau khổ ..v.v..

*

Chánh văn:

Idha tappati pecca tappati

pāpakārī ubhayattha tappati

pāpaṃ me katanti tappati

bhiyyo tappati duggatiṃ gato.

(dhp 17)

*

Thích văn:

tappati [thể thụ động của động từ tapati. Tappati (tap + ya), thì hiện tại, ngôi III, số ít] bị đốt nóng, bị ray rứt, bị khổ tâm.

pāpaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều ác, việc ác, sự tội lỗi.

me [sở dụng cách số ít của nhân xưng đại từ amha] do tôi, do ta, bởi tôi, bởi ta.

katanti [hợp âm kataṃ iti]

kataṃ [chủ cách số ít của quá khứ phân từ kata (động từ karoti)] đã làm, được làm, đã được làm.

iti [bất biến từ] rằng là, như thế.

bhiyyo [trạng từ] càng nhiều, càng hơn

duggatiṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể duggati (du + gati)] ác thú, khổ cảnh, cõi khổ, cõi tái sanh xấu.

gato [chủ cách số ít của gata, quá khứ phân từ của động từ gacchati] đi đến, tái sanh vào.

*

Việt văn:

Nay khổ, đời sau khổ

làm ác hai đời khổ

nó khổ: “Ta làm ác”

sanh khổ cảnh khổ hơn.

(pc 17)

*

Chuyển văn:

Pāpakārī idha tappati pecca tappati ubhayattha tappati. Pāpaṃ me kataṃ iti tappati duggatiṃ gato bhiyyo tappati.

Kẻ làm ác bị khổ đời nầy, bị khổ đời sau, trong cả hai đời đều bị khổ. Nó khổ tâm nghĩ rằng: “Ta đã làm điều ác”, khi đoạ vào khổ cảnh càng khổ hơn.

*

Lý giải:

Tappati: bị đốt nóng, khổ tâm, là khổ do bị dày vò lương tâm, khổ do tâm ray rức.

Người làm ác sống trong sự dằn vật đau khổ nghĩ tới việc ác mình đã làm; sau khi chết sanh vào những khổ cảnh (duggati) như địa ngục, ngạ quĩ, a tu la hoặc bàng sanh càng khổ hơn, vì khổ cả về về tinh thần lẫn thể xác. Dù sau nầy nó có thoát khỏi khổ cảnh sanh lại làm thân người phải chịu nhiều nỗi bất hạnh như nghèo đói, bệnh tật, xấu xí ..v.v..

Như trong kinh Hiền ngu (Bālapaṇḍitasutta) Trung Bộ Kinh (Majjhimanikāya) đức Phật đã thuyết: Người ngu hành động thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, rồi ngay trong hiện tại nó bị ba cảm giác bất an. Một là, khi đến giữa hội chúng nào, kẻ ác rất khó chịu thấy người ta nhìn nó hoặc xầm xì; Hai là, kẻ làm ác khi nghe thấy vua hay quan bắt bớ, giam cầm, gia hình phạm nhân, nó chột dạ lo lắng ,mình sẽ bị như vậy; Ba là, kẻ ác khi nằm hoặc ngồi ở đâu nó cũng bức rức vì bị ám ảnh mặc cảm với tội lỗi của mình. Rồi kẻ làm ác sau khi thân hoại mạng chung nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục chịu khổ đau thống thiết. Sau khi ở các khổ cảnh rất lâu nếu được sanh lại làm người, kẻ ác ấy sẽ sanh trong gia đình thấp kém, hạ lưu, đói nghèo, thiếu thức ăn, thiếu thức uống, thiếu chổ ở, có thân tướng thô xấu, khuyết tật ..v.v.. (Trung Bộ Kinh, bài kinh 129).


Kệ số 18

Duyên sự:

Bài kệ pháp cú 18 nầy được đức Phật thuyết ở Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện nàng Sumanādevī, con gái út của trưởng giả Anāthapiṇḍika.

Ông trưởng giả Anāthapiṇḍika có bốn người con, con gái lớn là Mahāsubhaddā, con gái thứ là Cūlasubhaddā, hai cô nầy đều chứng quả Dự Lưu. Con gái thứ ba là Sumanādevī thì chứng quả Nhất lai. Đức con trai út là Kāla về sau cũng chứng quả Dự Lưu.

Nhà của ông trưởng giả Anāthapiṇḍika mỗi ngày đều thỉnh một ngàn vị tỳ kheo đến để cúng dường trai Tăng, nhưng ông trưởng giả thường vắng nhà vì được mời đi nhà khác để hướng dẫn mọi người trai Tăng nhà của họ. Nên việc trai Tăng trong nhà của ông, ông giao cho cô gái lớn Mahāsubhaddā trông coi sắp xếp. Rồi cô gái lớn có chồng. Việc trai Tăng ở nhà được giao cho cô hai Cūlasubhaddā. Thế rồi cô hai cũng vu qui. Bấy giờ việc cúng dường trai Tăng hằng ngày, ông trưởng giả giao phó cho cô gái út Sumanādevī.

Cô Sumanādevī là bậc thánh Nhất lai nên không thích lập gia đình, cô cứ ở vậy để có thời gian phụ giúp cha công việc cúng dường trai Tăng hàng ngày.

Thời gian sau, cô Sumanādevī thình lình ngã bệnh. Trưởng giả Anāthapiṇḍika được gia nhân thông báo, ông đến bên giường con gái út và hỏi: “Con đau làm sao?” _ Cô không nghe rõ mới hỏi lại: “Em trai nói gì?” _ Ông trưởng giả ngớ ngẩn: “con nói sảng rồi!” _ cô sumanā bảo: “chị không nói sảng đâu, em trai ạ” _ Ông trưởng giả bèn hỏi: “con có sợ chết không” _ cô sumanā trả lời: “Chị không có sợ chết, em trai”.

Nghe mấy lời con gái nói, xưng hô chị em với ông, ông trưởng giả rất đau lòng vì cô con gái út vốn có tâm đạo nhiệt thành mà giờ phút cuối lại nói sảng như vậy.

Cô Sumanādevī đối đáp với người cha xong liền mệnh chung một cách thanh thãn và tái sanh vào cõi trời Đâu Suất.

Ông Anāthapiṇḍika dù là thánh sơ quả cũng không kềm được nỗi ưu sầu, thương nhớ đứa con gái út vắn số. Lo việc hoả táng con gái xong ông trưởng giả đi đến chùa đảnh lễ đức Phật và thuật lại những lời nói sảng của con gái út Sumanādevī trước lúc lâm chung khiến ông đau lòng. Đức Phật giải thích cho ông Anāthapiṇḍika nghe, không phải con gái ông bị bấn loạn nói sảng, mà cô ấy xưng hô chị em với ông như thế có ý bảo rằng cô ta trú thánh quả Tư đà hàm còn ông chỉ mới chứng Tu đà hườn, con gái ông cao quí hơn ông một bậc. Nay Sumanādevī đã sanh về cõi Đâu Suất Thiên rồi. Giải thích xong đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ: “Idha nandati pecca nandati ..v.v.. Nay sướng đời sau sướng ..v.v..”

*

Chánh văn:

Idha nandati pecca nandati

katapuñño ubhayattha nandati

puññaṃ me katanti nandati

bhiyyo nandati sugatiṃ gato.

(dhp 18)

*

Thích văn:

nandati [thì hiện tại ngôi III, số ít, động từ nandati (nand + a)] sung sướng, thoả thích, phấn khởi.

puññaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính puñña] phước, công đức, điều thiện.

sugatiṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể sugati (su + gati)] thiện thú, nhàn cảnh, lạc cảnh, cõi vui.

*

Việt văn:

Nay sướng, đời sau sướng,

làm phước hai đời sướng

sung sướng: “Ta làm phước”

sanh nhàn cảnh sướng hơn.

(pc 18)

*

Chuyển văn:

Katapuñño idha nandati pecca nandati ubhayattha nandati. Puññaṃ me kataṃ iti nandati sugatiṃ gato bhiyyo nandati.

Người làm phước sung sướng đời nầy, sung sướng đời sau, trong cả hai đời đều sung sướng. Nó sung sướng nghĩ rằng: “Ta đã làm điều thiện”, khi sanh vào nhàn cảnh càng sung sướng hơn.

*

Lý giải:

Người sống hành thiện tạo phước sẽ thoải mái an nhàn khi nghĩ đến việc thiện mình làm, không khổ tâm ray rức. Sau khi mệnh chung từ giả cõi đời nầy, do quả của thiện nghiệp ấy sanh vào các cõi vui (sugati) như cõi người, cõi trời, được hạnh phúc hơn nữa.

Trong kinh Hiền ngu – Trung Bộ Kinh, đức Phật có thuyết: Người làm thiện hạnh thân khẩu ý, ngay trong hiện tại có được ba cảm giác thoải mái; một là, khi đến giữa những hội chúng, người ấy có tự tin thoải mái không ngại người ta nói xấu mình; hai là, khi nghe thấy vua quan bắt bớ, giam cầm, gia hình những phạm nhân, người thiện vẫn ung dung tự tại , không âu lo; ba là, khi nằm ngồi chổ nào, người thiện cũng cảm thấy thoải mái dể chịu vì không bị ám ảnh lỗi lầm. Đến sau khi chết, người thiện sẽ được sanh vào cõi vui, nhân giới, thiên giới hưởng phúc lạc.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc