Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 16

Thứ năm, 26/05/2022, 08:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 26.5.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 16

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết ở Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện ông thiện nam Dhammika.

Thuở ấy tại thành Sāvatthi phần đông dân chúng qui ngưỡng Phật pháp, có nhiều người là thánh cư sĩ.

Trong số các thánh cư sĩ ấy có ông thiện nam tên Dhammika.

Ông thiện nam Dhammika thành tựu niềm tin tam Bảo, có giới hạnh và thường xuyên bố thí cúng dường. Ông cũng làm gương và hướng dẫn các người trong gia đình gồm vợ và mười bốn người con, biết bố thí, trì giới và hành thiền.

Ông cùng vợ con hết lòng hộ độ chư Tăng, mỗi ngày đặt bát đến các vị tỳ kheo khất thực trước cửa nhà, mỗi nữa tháng thỉnh chư tỳ kheo đến nhà cúng dường trai Tăng.

Thời gian sau, ông Dhammika già yếu, biết mình sắp mãn cuộc đời ông bảo các con đi đến chùa đảnh lễ đức Phật và xin thỉnh chư Tăng về nhà thuyết pháp cho ông nghe. Đức Phật dạy các tỳ kheo đi đến nhà gia chủ Dhammika theo lời thỉnh cầu.

Chư Tăng đến, hỏi ông muốn nghe pháp gì? Ông Dhammika đáp là muốn nghe kinh tứ niệm xứ. Chư Tăng bắt đầu tụng Phật ngôn về pháp tứ niệm xứ cho ông nghe.

Lúc chư Tăng đang thuyết kinh nữa chừng thì gia chủ Dhammika thấy chư thiên đem thiên xa đến rước ông đi, ông khoác tay bảo: “khoan đã! chờ một lát”. Các vị tỳ kheo ngỡ là gia chủ Dhammika không muốn nghe kinh nữa nên từ biệt đi về chùa. Gia chủ Dhammika ngay sau đó mệnh chung và tái sanh lên cõi trời Đâu Suất.

Chư tỳ kheo về chùa trình bạch với đức Phật chuyện gia chủ Dhammika nghe pháp nữa chừng rồi không muốn nghe nữa. Đức Phật đã giải thích không phải ông Dhammika không muốn nghe pháp nữa mà ông ngăn chư thiên đừng rước ông đi sớm, chờ ông nghe hết bài kinh mới đi, bấy giờ ông đã mệnh chung và tái sanh lên cõi Đâu Suất thiên rồi. Giải thích xong, đức Phật đã nói lên bài kệ: “Idha modati pecca modati ..v.v..”.

*

Chánh văn:

Idha modati pecca modati

katapuñño ubhayattha modati

so modati so pamodati

disvā kammavisuddhimattano.

(dhp 16)

*

Thích văn:

modati [thì hiện tại ngôi III, số ít, động từ modati (căn mud + a)] vui vẻ, hoan hỷ.

katapuñño [chủ cách số ít của danh từ hợp thể katapuñña (kata + puñña)] người có phước đã tạo, người làm phước, người hành thiện.

pamodati [thì hiện tại ngôi III, số ít, động từ pamodati (pa + căn mud + a)] an vui, thoả thích, phấn khởi.

kammavisuddhimattano [hợp âm kammavisuddhiṃ attano]

kammavisuddhiṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể kammavisuddhi (kamma + visuddha + i). visuddha quá khứ phân từ của động từ visujjhati] nghiệp tịnh, hành động thanh tịnh, việc làm trong sạch.

*

Việt văn:

Nay vui, đời sau vui

Làm phước hai đời vui

người vui, người an vui

thấy nghiệp tịnh mình làm.

(pc 16)

*

Chuyển văn:

Katapuñño idha modati pecca modati ubhayattha modati. Attano visuddhaṃ kammaṃ disvā so modati pamodati.

Người làm thiện vui ở đời nầy, vui ở đời sau, trong cả hai đời đều vui. Khi nhìn lại việc làm trong sạch của mình người ấy vui vẻ, hân hoan.

*

Lý giải:

Người làm thiện hay người tạo phước (katapuñño) là người làm ba thiện hạnh (sucarita) tức thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh và ý thiện hạnh, hay mười phước nghiệp sự (puññakiriyavatthu) tức bố thí, trì giới, tu tiến, cung kỉnh, phục vụ, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng, tuỳ hỷ và cải chánh tri kiến.

Việc phước được làm bằng tâm thiện, một trạng thái tâm tương ưng với căn thiện vô tham, vô sân và vô si, cùng các tâm sở tịnh hảo khác. Do đó hành động thiện luôn có tính chất thanh tịnh trong sạch.

Một người có căn bản thiện tâm tạo những phước nghiệp, là những nghiệp thanh tịnh vô tội. Khi người ấy nhớ lại điều thiện mình đã làm thì tâm thoả thích an vui. Như người sau khi tắm rữa sạch sẽ, mặc y phục tươm tất, đi đến dự lễ hội, người ấy thấy tự tin thoải mái, cũng vậy người đã làm phước tạo nghiệp vô tội, khi nghĩ tới việc thiện mình làm thì tâm vui vẻ hân hoan.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc

Bài viết khác