Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Kệ số 6_ Phẩm Song Đối

Thứ sáu, 15/04/2022, 10:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 15.4.2022


I. Kệ số 6_ Phẩm Song Đối

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết ở sāvatthi khi Ngài trú tại chùa Jetavana, do chuyện xung đột của các tỳ kheo thành kosambi.

Thuở ấy, trong chùa Ghosita ở kosambi có hai chúng tỳ kheo đồng trú, một chúng là đệ tử của một vị Luật sư, một chúng là đệ tử của vị Pháp sư.

Vì một chuyện nhỏ nhặt liên quan đến giới luật, hai vị thầy chỉ trích nhau. Hai chúng đệ tử tất nhiên đứng về phía vị thầy của mình, dần dần dẫn đến xung đột, bất hoà và chia rẽ. Rồi các cư sĩ trong thành kosambi cũng chia thành hai phe, một phe ủng hộ hội chúng Luật sư và một phe ủng hộ hội chúng Pháp sư.

Sự xung đột bất hoà ở kosambi được trình lên đức Phật. Ngài đã hai lần gửi sứ giả đến giải hoà nhưng không hiệu quả. Lần thứ ba, đức Phật thân hành đến kosambi để giáo huấn họ nhưng họ vẫn ngoan cố không nghe.

Để cảnh tỉnh các tỳ kheo ấy, đức Phật đã rời kosambi đi đến khu rừng pālileyyaka và an cư mùa mưa tại đấy được bảo vệ bởi voi và khỉ chúa trong rừng pālileyyaka. Đức thế tôn đã an cư mùa mưa nầy không có thị giả và cách ly Tăng chúng.

Các cư sĩ ở kosambi thấy chư tỳ kheo trong chùa Ghosita cương ngạnh không nghe lời giáo huấn của đức Phật thì họ chán nãn, đồng lòng ngưng việc hộ độ cúng dường, cho đến việc các tỳ kheo đi khất thực hàng ngày, các cư sĩ cũng không đặt bát. Điều đó khiến các tỳ kheo kosambi sống chật vật khó khăn suốt ba tháng an cư.

Chư tỳ kheo ấy đã hối hận làm hoà với nhau và muốn đi đến sāvatthi để sám hối với bậc Đạo Sư.

Nói về các vị thánh cư sĩ ở sāvatthi khi chư tăng đã mãn hạ và làm lễ tự tứ xong, họ thỉnh cầu tôn giả Ānanda đi rước đức Phật về.

Tôn giả Ānanda dẫn đoàn tỳ kheo đi đến khu rừng pālileyyaka, gặp và đảnh lễ đức Phật xong, tôn giả Ānanda thay mặt các cư sĩ sāvatthi khẩn thỉnh đức Phật trở về jetavana. Đức Thế Tôn nhận lời.

Nghe tin đức Thế Tôn đã về sāvatthi các vị tỳ kheo kosambi liền đi đến yết kiến đức Phật. Các vị ấy đến nơi đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống một bên. Những cư sĩ ở sāvatthi tụ họp để nghe đức Phật thuyết pháp, họ vào chùa và hỏi các tỳ kheo kosambi sống xung đột là những vị nào? Khi được chỉ nhóm ấy, họ nhìn nhóm tỳ kheo với cặp mắt thiếu thiện cảm và xầm xì chỉ trích.

Các tỳ kheo kosambi hổ thẹn, quì mọp đảnh lễ và sám hối bậc Đạo Sư. Đức Phật đã thuyết pháp giáo huấn các vị ấy, Ngài kết thúc bằng bài kệ trên. Dứt pháp thoại, các tỳ kheo ấy chứng quả dự lưu.

*

Chánh văn:

Pare ca na vijānanti

mayam’ettha yamāmase

ye ca tattha vijānanti

tato sammanti medhagā

(dhp 6)

*

Thích văn:

pare [chủ cách số nhiều củ a phiến chỉ đại từ para] những người khác, những người kia.

vijānanti [động từ hiện tại ngôi III, số nhiều. vijānāti (vi + ñā + a)] hiểu biết, nhận thức.

mayam’ ettha [hợp âm mayaṃ ettha]

mayaṃ [chủ cách số nhiều của nhân xưng đại từ amha] chúng tôi, chúng ta.

ettha [trạng từ] ở đây, tại đây.

yamāmase [động từ mệnh lệnh cách ngôi I, số nhiều, thể động từ (attanopada); Nếu thể tha động từ (parassapada) thì mệnh lệnh cách ngôi I số nhiều là yamāna. Động từ gốc là (yam + a) = yamati]. Căn “yam” có ba nghĩa (1) kềm chế, kiểm soát (2) thu hẹp, khống chế (3) chết, diệt vong. Trong bài kệ nầy, yamāmase là hình thức mệnh lệnh cách (pañcamī, Imperative) lấy nghĩa (1) “chúng ta hãy kềm chế” là hợp lý nhất, bởi không thể dịch nghĩa mệnh lệnh cách “chúng ta hãy bị diệt” hay “chúng ta hãy bị thu hẹp”…

ye [chủ cách số nhiều của liên quan đại từ ya] những ai, những người nào.

tattha [trạng từ] tại đấy, ở đấy, điểm đó.

medhagā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính medhaga] sự tranh cãi, sự cãi vã, sự gây gổ, sự xung đột (= kalaha, bhaṇḍana, viggaha, vivāda).

*

Việt văn:

Nhóm kia không nhận thức,

Chúng ta hãy kiềm chế,

Ai ý thức điều ấy,

Xung đột được lắng yên.

(pc 6)

*

Chuyển văn:

Ettha ca pare mayaṃ yamāmase’ ti na vijānanti, ye ca tattha vijānanti tato medhagā sammanti

Ở đây, những người kia không nhận thức rằng “chúng ta hãy kềm chế”; Những ai ý thức được điều ấy, nhờ đó, các cuộc xung đột lắng yên.

*

Lý giải:

Trong bài kệ, đức Phật dùng từ pare (những kẻ kia) là chỉ cho những vị tỳ kheo kosambi đang ngồi một góc trong Tăng chúng, là những người xung đột bất hoà.

Trong cuộc sống nếu mỗi người ai cũng có ý thức, biết kềm chế bản thân, dằn nén sự phẫn nộ sân giận thì sẽ không xảy ra cãi vã xung đột.

Có nhiều cách suy nghĩ để kềm chế bản thân khi có sự xung đột khởi lên:

Suy nghĩ về sự chết sẽ đến với mình, bởi mạng sống có kết thúc là chết. Nhờ nghĩ vậy nên kềm chế được sân tâm nguyên nhân xung đột.

Hoặc suy nghĩ về sự tác hại do xung đột đem đến, như làm tổn thương nhau, sát phạt nhau … Nhờ nghĩ như vậy nên kềm chế được sân tâm nguyên nhân xung đột.

Hoặc suy nghĩ về sự tổn thất do xung đột đem lại, như làm suy sụp tinh thần, làm mất thời gian quí báu, khiến rạn nứt tình giao hảo … Nhờ nghĩ vậy nên kềm chế được sân tâm nguyên nhân xung đột.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc