- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 9.10.2023
Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy
Đời Sống Tốt Đẹp Của Người Cư Sĩ
Đức Phật có những lời dạy, mang lại lợi lạc cho mọi tầng lớp trong xã hội. Một bộ phận lớn của kinh điển, ghi lại lời dạy cho hàng xuất gia, hay những người chuyên tâm tu tập. Tuy vậy, không ít lời Phật dạy dành cho hàng tại gia cư sĩ, hay có thể ứng dụng bởi cả hai giới xuất gia và tại gia.
Nên hiểu chữ “pháp – dhamma” còn có nghĩa là những định luật tự nhiên, đem lại hạnh phúc, lợi lạc nếu biết ứng dụng. Sống đúng pháp, cũng có nghĩa là sống đúng cách. Thí dụ, như một người nấu một nồi cơm ngon, là do biết rõ về loại gạo nên nấu với nước và lửa bao nhiêu là thích hợp.
Từ những lời dạy rõ ràng, cụ thể của Đức Phật, một người có hiểu biết sẽ tự tìm ra cách áp dụng thích hợp với bối cảnh sống cá nhân của mình. Những áp dụng thiếu linh động, biến Phật Pháp trở thành giáo điều hay là lập luận để chỉ trích là điều nên tránh. Có thể hiểu với thí dụ một người học võ, học các bài quyền theo thứ lớp, nhưng khi sử dụng thực chiến thì tuỳ theo tình thế thực tế mà thi triển.
Phật pháp có thể được chiêm nghiệm qua kinh điển, mà cũng có thể qua thiên nhiên hay đời sống thực tế. Có những nguyên tắc cơ bản, nếu được lãnh hội và áp dụng, thì tránh được những sai lầm đi ngược với lời Phật dạy. Có thể đơn cử nguyên tắc về thiện ác qua chuẩn mực: “Cái gì lợi lạc cho người, cho mình, cho cả hai thì đó là thiện. Cái gì gây tổn hại cho người, cho mình, hay cho cả hai đó là bất thiện”.
Trích đoạn sau đây từ Kinh Huấn Thị Sigālaka (Siṅgālasutta) hay Kinh Lễ Bái Sáu Phương, Trường Bộ, là một dẫn chứng về sự ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hằng ngày của người tại gia cư sĩ.
Một thời đức Thế Tôn trú tại chùa Trúc Lâm gần thành Vương Xá. Vào buổi sáng Ngài đắp y mang bát đi khất thực. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trông thấy thanh niên Sin Ga La lễ bái sáu phương đông nam tây bắc trên dưới, Ngài hỏi tại sao làm thế. Sin Ga La trả lời: khi thân phụ lâm chung nhắn nhủ phải thường lễ bái sáu phương. Ðức Thế Tôn dạy rằng: Cách thức lễ bái sáu phương trong đạo lý thánh hiền không giống như vậy.
Thanh niên Sin Ga La thỉnh cầu đức Phật giảng dạy đạo lý ấy. Ðức Phật dạy rằng:
Này gia chủ,
Phương đông được hiểu là cha mẹ
Phương nam được hiểu là thầy tổ
Phương tây được hiểu là người hôn phối
Phương bắc được hiểu là bạn bè
Phương dưới được hiểu là người giúp việc
Phương trên được hiểu là sa môn
Này gia chủ, đối với phương đông tức cha mẹ, người con nên làm năm việc:
Một là phụng dưỡng cha mẹ
Hai là làm công việc thay cha mẹ
Ba là gìn giữ gia phong
Bốn là khéo gìn giử tài sản thừa kế
Năm là tạo phước hồi hướng
Ðáp lại, đối với con, cha mẹ nên làm năm việc:
Một là ngăn con không làm điều ác
Hai là dạy con làm việc lành
Ba là hướng dẫn nghề nghiệp
Bốn là tác thành gia thất
Năm là trao tài sản thừa kế khi thích hợp
Ðó là cách lễ bái phương đông, tức đạo nghĩa cha mẹ con cái. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.
Này gia chủ, đối với phương nam tức thầy tổ, người học trò nên làm năm việc:
Một là giữ lòng kính trọng
Hai là quan tâm săn sóc
Ba là chăm chỉ học hành
Bốn là đáp ứng khi cần
Năm là hấp thụ những gì được truyền dạy
Thầy nên làm năm việc:
Một là dạy trò những chuyên môn của mình
Hai là dùng phương pháp dễ hiểu
Ba là không giấu nghề
Bốn là giới thiệu tiến thân
Năm là bố trí an toàn cho trò
Ðó là cách lễ bái phương nam tức đạo nghĩa thầy trò. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.
Này gia chủ, đối với phương tây tức người hôn phối thì người chồng nên làm năm việc:
Một là đối xử hòa ái
Hai là không bạc đãi khinh khi
Ba là một dạ thủy chung
Bốn là giao quyền nội chính
Năm là tùy khả năng mua sắm tư trang cho vợ
Ðáp lại, đối với chồng, người vợ nên làm năm việc:
Một là quán xuyến công việc gia đình
Hai là cư xử với hai họ một cách đồng đều
Ba là một lòng tiết hạnh
Bốn là gìn giữ tài sản
Năm là cần mẫn trong bổn phận.
Ðó là cách lễ bái phương tây tức đạo nghĩa vợ chồng. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.
Này gia chủ, đối với phương bắc tức bạn bè nên làm năm việc:
Một là rộng rãi
Hai là nhã nhặn
Ba là quan tâm lợi ích của bạn
Bốn là đồng cam cộng khổ
Năm là thành thật
Ðáp lại, đối với một bạn tốt, nên làm năm việc:
Một là cảnh giác bạn trước những cám dỗ
Hai là giữ hộ tài sản khi bạn sa ngã
Ba là làm nơi nương tựa cho bạn lúc sa cơ
Bốn là không bỏ bạn lúc nguy biến
Năm là cư xử tốt với người thân của bạn
Ðó là cách lễ bái phương nam tức đạo nghĩa bạn bè. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.
Này gia chủ, đối với phương dưới tức người giúp việc thì người chủ nên làm năm việc:
Một là không giao việc quá sức
Hai là trả thù lao tương xứng
Ba là chăm sóc khi đau yếu
Bốn là chia sớt món ngon vật lạ
Năm là không bắt làm việc quá giờ
Ðáp lại, đối với chủ, người giúp việc nên làm năm việc:
Một là thức trước chủ
Hai là ngủ sau chủ
Ba là không lấy những thứ không cho
Bốn là siêng năng làm việc
Năm là giữ tiếng tốt cho chủ
Ðó là cách lễ bái phương dưới tức đạo nghĩa chủ tớ. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.
Này gia chủ, đối với phương trên tức sa môn thì người cư sĩ nên làm năm việc:
Một là cử chỉ thân thiện
Hai là lời nói thân thiện
Ba là tư tưởng thân thiện
Bốn là luôn mở rộng cửa đón tiếp
Năm là cúng dường tứ sự
Ðáp lại, đối với cư sĩ, sa môn nên làm năm việc:
Một là hướng dẫn cư sĩ xa điều ác
Hai là hướng dẫn cư sĩ làm việc lành
Ba là luôn cư xử với tâm từ ái
Bốn là giảng giải đạo lý tường tận
Năm là chỉ đường an vui đời sau
Ðó là cách lễ bái phương nam tức đạo nghĩa tăng tục. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.
………….
Nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, thanh niên Sin Ga La bày tỏ niềm hoan hỷ: thật vi diệu, bạch đức Thế Tôn, Chánh Pháp được giảng dạy như người lật lên những gì bị úp xuống, phơi bày những gì bị che phủ, chỉ đường cho người lạc lối, đem ánh sáng vào chỗ tối. Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng. Xin Ngài nhận biết cho con là đệ tử từ nay cho đến trọn đời.
Bài kinh này cho thấy tất cả quan hệ trong cuộc sống đều nên lưu tâm. Và những lời Phật dạy ở đây, cũng dẫn dắt chúng ta từ cái nhìn tín ngưỡng dân gian chuyển thành thiện pháp, thiết thực trong đời sống hằng ngày. Sống tốt đẹp phần nào được lợi lạc phần đó. Thiện pháp hay chánh pháp có thể nhận ra từ nhiều chiều kích khác nhau.