Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XIII. Phẩm Đời (Lokavagga) - Kệ Số 11 (dhp 177)

Chủ nhật, 03/09/2023, 15:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật  3.9.2023

XIII

PHẨM ĐỜI

(Lokavagga)

XIII. Phẩm Đời_Kệ số 11 (dhp 177)

Duyên sự:

 

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana, thành Sāvatthi, do nhân vua Pasenadi làm cuộc đại thí vô song (asadisadāna).

 

Tương truyền, vua Pasenadi và dân chúng, thành Sāvatthi tranh nhau làm phước cúng dường đến đức Phật và chư Tăng. Dân chúng mục kích thấy vua tổ chức lễ cúng dường long trọng chừng ấy, họ không chịu thua đã cùng nhau góp sức tổ chức lễ cúng dường trọng thể hơn vua. Nhà vua chứng kiến thấy vậy là hôm sau tổ chức cúng dường trọng thể hơn dân chúng.

 

Cứ thế nhà vua và dân chúng cạnh tranh đến sáu lần. Dân chúng chung tay góp sức tổ chức lễ nên không kém cạnh đức vua.

 

Vua Pasenadi băn khoăn suy nghĩ tìm cách gì để cuộc lễ cúng dường của Nhà vua trọng thể hơn thần dân.

 

Hoàng hậu Mallikā thấy vua đăm chiêu nghĩ ngợi mới hỏi duyên cớ. Đức Vua tâm sự với hoàng hậu.

 

Hoàng hậu liền tham mưu cho đức vua tổ chức lễ cúng dường đến đức Phật và năm trăm vị tỳ kheo với sự hoành tráng mà dân chúng không thể chạy đua được.

 

Ngoài các món thức ăn thượng vị, đức vua cho sắp đặt mười chiếc thuyền vàng ở giữa nơi hành lễ được đổ đầy bột trầm hương để toả ra mùi thơm, bảo toạ đức Phật và chư tỳ kheo ngồi bằng vàng ròng, bố trí một vương tượng quí cầm chiếc lọng hai tán che cho đức Phật, 500 con voi chiến khác mỗi con cầm lọng, một tán che cho 500 vị tỳ kheo.

 

Lễ cúng dường như thế diễn ra trong bảy ngày, một ngày đức Vua đã tiêu hết một trăm bốn chục triệu tiền vàng (14 koṭi).

 

Đức vua Pasenadi có hai vị cố vấn đại thần là Kāḷa và Juṇha. Quan đại thần Kāḷa thấy vua chi ra tài sản lớn để cúng dường đức Phật và tăng chúng thì bất mãn, nghĩ rằng: “Sao nhà vua lại phung phí tài sản lớn như vật để cúng dường các vị sa môn nầy, các sa môn chỉ ăn rồi ngủ thôi. Ngân khố hoàng gia sẽ khánh tận, hoàng triều sẽ suy vong mất”. Đại thần Kāḷa không có niềm tin tam bảo nên đã suy nghĩ cạn cợt như thế.

 

Riêng Quan đại thần Juṇha là người tín thành Phật Pháp nên thấy vua làm phước lớn như vậy thì hoan hỷ, nghĩ rằng: “Ôi! Sự bố thí của vua là thiện thí, là thù diệu thí. Ngoài đức vua, chắc chắn không ai có thể bố thí được như vậy. Ta hãy tuỳ hỷ việc bố thí nầy.

 

Đức Phật đọc được tư tưởng hai vị đại thần ấy, Ngài suy xét nếu bây giờ Ngài thuyết pháp tán thán cuộc đại thí cúng dường của nhà vua thì đại thần Kāḷa sẽ tức tối vỡ tim chết. Do đó, vì lòng bi mẫn với chúng sanh nên đức Phật sau khi đã thọ thực xong Ngài chỉ nói lên bốn bài kệ tuỳ hỷ rồi đứng dậy cùng tăng chúng đi về tịnh xá Jetavana.

 

Vua Pasenadi buồn bả, nghĩ rằng: “có lẽ ta đã làm gì tắc trách trong cuộc lễ cúng dường, nên chi đức Thế Tôn không thuyết pháp tán thán công đức cúng dường mà chỉ nói pháp với bốn kệ ngôn ngắn thôi. Ta sẽ đến chùa hỏi đức Thế Tôn”.

 

Đức vua đi đến chùa Jetavana, vào đảnh lễ đức Phật và bạch hỏi:

 

“Bạch Thế Tôn, có phải trẩm đã cúng dường lễ phẩm bất xứng, không thanh tịnh chăng? Nên đức Thế Tôn không tán thán công đức đại thí mà chỉ thuyết bốn kệ ngôn ngắn thôi”.

 

“Này đại vương, đại vương đã làm công đức đại thí không có cuộc thí nào sáng bằng. Trong thời chư Phật quá khứ mỗi đời Phật chỉ có một lần vô song thí như thế thôi. Vô song thí mà đại vương đã làm lẽ ra phải dược tán dương công đức xứng đáng nhưng vì trong hội chúng của đại vương có người tín tâm tuỳ hỷ, có người không tín tâm lại bất mãn, nếu Như Lai tán thán cuộc đại thí ấy thì kẻ không tuỳ hỷ sẽ tức mà chết, nên Như Lai chỉ thuyết chúc phúc ngăn thôi”.

 

Rồi đức Phật thuật lại hai ý nghĩ của hai vị đại thần Kāḷa và Juṇha cho vua Pasenadi nghe.

 

Đức vua nghe xong hồi triều, truyền gọi quan đại thần Kāḷa đến hỏi: “có phả khanh thấy trẩm bố thí cúng dường hao tốn như thế, khanh có ý nghĩ bất mản chăng?”_ “Thưa đúng vậy, tâu đại vương”.

 

“Ta và hoàng tộc đâu có lấy tài sản của khanh hay của gia tộc khanh để cúng dường đức Phật, tại sao khanh phẩn nộ bất mãn với việc làm của ta? Khanh hãy đi ra khỏi vương quốc của trẩm ngay lập tức!”

 

Sau khi trục xuất đại thần Kāḷa, vua cho với đại thần Juṇha đến phán hỏi:

 

“Nghe nói khanh có ý nghĩ hoan hỷ với việc cúng dường của trẩm phải chăng?”

 

“Thưa đúng vậy, tâu đại vương!”

 

“Lành thay! Lành thay! Trẫm rất hài lòng về khanh. Trẩm sẽ ban cho khanh ngôi vị quốc vương trong bảy ngày, khanh có thể xuất của kho ra làm thí hạnh như trẫm đã làm”.

 

Vua Pasenadi giao quyền cho vị đại thần Juṇha rồi đi đến chùa đảnh lễ đức Phật và trình bạch việc xử lý hai vị đại thần.

 

Đức Thế Tôn phán: “Thưa đại vương, kẻ ngu keo bẩn nên không hoan hỷ với việc bố thí của người khác, còn bậc trí thì vui theo thí hạnh của người khác nên được an vui đời nầy và đời sau”. Rồi đức Phật đã nói lên bài kệ: Na ve kadariyā devalokaṃ vajanti…v.v… Tene va so hoti sukhī paratthā’ ti.

 

Dứt pháp thoai quan đại thần Juṇha chứng quả dự lưu, và pháp thoại cũng đem lại lợi ích cho đại chúng.

 

Đại thần Juṇha đã thiết lễ cúng dường đến Đức Phật và tăng chúng trọn bảy ngày như vua Pasenadi đã làm.

 

Chính văn:

11. Na ve kadariyā devalokaṃ vajanti

bālā have nappasaṃsanti dānaṃ

dhīro ca dānaṃ anumodamāno

ten’ eva so hoti sukhī parattha.

(dhp 177)

Thích văn:

 

Kadariyā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh tính từ kadariya] những kẻ keo kiết, những người bủn xỉn, những người bỏn xẻn.

 

Devalokaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ devaloka             (deva + loka)] cõi trời, thiên giới.

 

Vajanti [động từ tiến hành cách “vaj + a”, ngôi III, số nhiều] đi đến, tiến hành.

 

Nappasaṃsanti [hợp âm na pasaṃsanti]

 

Pasaṃsanti [động từ tiến hành cách “pa + sa+ a”, ngôi III, số nhiều] khen ngợi, tán dương, tán thành.

 

Dānaṃ [đối các, số ít, trung tính, danh từ dāna] việc bố thí, sự cho, sự tặng.

 

Dhīro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dhīra] người trí.

 

Anumodamāno [chủ cách, số ít, nam tính, hiện tại phân từ anumodamāna (anumoda + māna) hoan hỷ, tuỳ hỷ, vui theo.

 

Ten’ eva [hợp âm tena eva]

 

Tena [sở dụng cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ta] do việc ấy, nhờ vậy.

 

Sukhī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ sukhī (sukha + ī)] người an lạc, người hạnh phúc, người có sự an vui.

 

Paratha [trạng từ] ở đời khác, ở đời sau.

 

Việt văn:

11. Keo kiết không sanh thiên

kẻ ngu ghét bố thí

người trí thích bố thí

do đó, lạc đời sau.

(pc 177)

Chuyển văn:

 

Kadariyā ve devalokaṃ na vajanti bālā have dānaṃ nappasaṃsanti, dhīro ca dānaṃ anumodamāno so tena eva parattha sukhī hoti.

Những kẻ keo kiết chắn chắn không đi đến cõi trời, kẻ ngu không tán thán hạnh bố thí; người trí thì hoan hỷ việc bố thí, chính nhờ đó người ấy về sau được an vui.

 

Lý giải:

 

Từ ngữ Kadariya đồng nghĩa với từ macchariya và từ macchera, sự bỏn xẻn, sự keo kiết, sự bủn xỉn…

 

Gọi la kẻ ngu (bāla) là người không có trí tuệ hiểu biết lợi ích đời nầy và đời sau. Một trong những đặc tính của kẻ ngu là keo kiết, bủn xỉn.

 

Kẻ ngu không thích cho ra, không thích san sẻ, không thích bố thí, chỉ biết bo bo tài sản của mình, sống ích kỷ.

 

Đã vậy, kẻ ngủ cũng không thích ai bố thí,  thấy người khác làm việc bố thí nó ghét và không bao giờ khen ngợi tán thán, động viên người khác bố thí.

 

Vì cớ sao? Kẻ ngu không thấy được sự lợi ích của việc bố thí là nhân an vui đời hiện tại và là nhân tạo tài sản thiên nhơn đời sau.

 

Do kẻ ngu không thích bố thí, không vui theo sự bố thí của người khác làm nên kẻ ngu không đi đến cõi trời, sanh lại làm người nó bị nghèo đói.

 

Trái lại, người trí là người hiểu biết lợi ích đời nầy và đời sau, do đó một trong những thiện pháp mà người trí thích làm là hạnh bố thí, thích san sẽ những gì mình có; chẳng những thế, người trí thấy người khác bố thí thì vui thích theo việc làm ấy. Chính bởi đức tính nầy mà người trí được an vui đời nầy và an vui đời sau.

 

 

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc